Thứ năm, 25/04/2024,


Thơ là "máu chữ" hay "phu chữ"? (02/08/2008) 

Tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng'Nỗi buồn chiến tranh'  - Nhà văn Bảo Ninh - vừa có bài viết gây xôn xao dư luận, với chủ đề:'Thơ là máu chữ, chứ không phải là phu chữ'? Lục bát.com xin giới thiệu bài viết này từ nguồn báo Văn nghệ trẻ...

Bài báo  này của nhà thơ Dương Kiều Minh đang được nhiều độc giả văn học quan tâm. Hành văn trang trọng, ý tứ đĩnh đạc, các câu trích dẫn đều lấy từ sách vở vĩ nhân nên lý sự của bài báo khiến người ta nể. Ngay chỉ từ cái tít thôi cũng đã chí lý một cách áp đảo rồi.Thơ là máu chữ, thật hay và quá đúng. Còn, thơ là phu chữ ư - Ông nhà thơ nào mà lại nghĩ ngợi nực cười, phát biểu tầm thường về thơ quá đáng làm vậy? Thoạt đầu đọc lướt có mấy ai mà lại không nghĩ ngay như thế.

  Tuy nhiên, nếu đọc kỹ hơn vào nội dung thì thấy chừng như không hẳn vậy.

  Phu chữ. Thiết tưởng, đấy là một cách dụng từ của nhà thơ Lê Đạt nhằm diễn đạt những suy ngẫm về lao động nhà thơ và có lẽ cả về thân phận nhà thơ nữa. Ông  không nói thơ là thế, mà ông nói nhà thơ. Nhà thơ là phu chữ. Đấy là một lời tự thán, một tâm sự, một tâm trạng.

 Máu chữ, lại chuyện khác. Có thể nói đấy là một sự định nghĩa. Theo nhà thơ Trần Anh Thái thì thơ là thế, là máu chữ.

  Như vậy, máu chữ phu chữ, lời của hai nhà thơ, Lê Đạt và Trần Anh Thái, không phải là để bàn về cùng một vấn đề trong thơ. Thế nên cái tựa đề 'Thơ là máu chữ, chứ không phải là phu chữ' khiến bài báo của nhà thơ Dương Kiều Minh bị khập khiễng từ đầu. Mặc dù sự  bức xúc mãnh liệt của ông là đầy vẻ chính đáng, ngôn luận của ông quả quyết và tự tin, với hơi cả ló ra một chút đanh thép giọng khiếu tố, 'Trong các cuộc gặp gỡ bạn bè vào những ngày mùa xuân này, nhiều người mong muốn và kiên quyết yêu cầu tôi phải có ý kiến bằng văn bản trên báo chí  và nếu có cơ hội thì đọc ở ngày thơ Nguyên Tiêu tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám năm nay', nhưng vì có sự phần nào khập khiễng chuyện nọ xọ chuyện kia ấy mà cái cớ để ông lên tiếng tranh đấu đã giảm đi mất đáng kể tính nghiêm túc và độ thẳng thắn.

 

Thơ là máu chữ, quan niệm ấy của tác giả Trường ca Ngày Đang Mở Sáng là suy ngẫm xuất thần của tư tưởng một nhà thơ, nó bừng sáng lên từ đáy sâu của bao năm tháng thăng trầm, sống, suy nghĩ và sáng tạo đầy trăn trở. Quan niệm ấy  tự thân như thế, không thể có lời nào bình thêm vào nữa, không cần tranh biện đấu lý đúng sai mà vẫn sẽ được nhiều người yêu thơ tán thành và đồng cảm, ghi nhớ nhập tâm như một tín điều thi ca. Tuy vậy, Trần Anh Thái nói  thơ là máu của chữ không hề với cái ý rằng thơ là phải thế, thế mới là thơ và  chỉ có làm thơ như Trần Anh Thái mới là nhà thơ.

 Còn phu chữ, nếu như không bị cố tình giảng nghĩa một cách cứng nhắc, thì cũng đâu có phải là quá  kỵ với máu chữ. Nếu nghĩ về nhau một cách chân tình, một cách thật sự thi nhân thì sao mà không thấy rằng điều nhà thơ Lê Đạt muốn diễn đạt qua cái khái niệm phu chữ có vẻ rất chi hình thức chủ nghĩa ấy thực ra cũng là tình yêu, là xúc cảm say đắm của con người nhà thơ, cả tâm hồn cả thể xác đối với thơ. Có thể là cụ hơi thái quá. Nhún mình thái quá, tự thán thái quá thành ra điệu đà. Cụ làm giáng, có thể thế. Tuy nhiên, thế thì sao?

Chỉ như thế mà bị cáo buộc rằng 'xuất hiện một nhóm người tự cho là cách tân khi ở tuổi đã cao, tự đặt mình ở một đẳng cấp nào đó...'.  Nào có nghe nhà thơ Lê Đạt tự cho, tự đặt, tự phong cái gì bao giờ đâu. Chỉ như mọi nhà thơ khác, thỉnh thoảng ông có tham dự bàn luận về thơ, mà cũng đã từ lâu rồi. Nhà thơ Dương Kiều Mình để bụng lâu quá. Đến nỗi những ai tâm giao với nhà thơ Lê Đạt cũng bị tố cáo, 'và việc tự phong này được một số nhà thơ có thế lực bảo lãnh, được một số cây bút hăng hái hùa theo, tạo ra sự áp đặt độc tôn trên thi đàn như một giá trị tuyệt đối '. Đã nặng lời  như vậy sao nhà thơ không chụp luôn lên họ cái mũ một tập đoàn, một bè lũ đi cho thật hả?

Thẳng thắn và tới cùng là sự chính đáng và cần thiết trong phê bình văn học. Nhưng nếu có lẫn vào đó miệt thị và nói khống thì văn học, thi ca, máu chữ, phu chữ chỉ còn thực ra là những cái cớ để bạn vin vào.

Bạn có đang 'tự luyến' không đó? Bạn tưởng cái chữ 'tự luyến' ấy là thú vị và hay ho cho một diễn từ về thi ca lắm sao ?

 Bạn có thể 'lạm chiếm của ngày Hội thơ gần mười phút' để đáo để áp chế quan niệm của những nhà thơ không tựa như mình, tại sao bạn không thể dành chút thời gian để mắt đến thái độ đề cao và tinh thần tôn vinh tính đa dạng, tính khác biệt đang được thể hiện tưng bừng sống động quanh bạn trên sân thơ Văn Miếu ngày hôm ấy? 

  Bơn bớt nhất đẳng đại chí lý đi, thương nhau một chút đi, nhà thơ ơi.

 

                                                              Nhà văn Bảo Ninh

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: