Tôi là Vũ Kim Thuỷ, sinh năm 1978, hiện là vận động viên khiếm thị của Trung tâm thể thao người khuyết tật Hà Nội. Từ một cô gái quê rụt rè, sống trong sự bi quan về khiếm khuyết của bản thân, vậy mà hôm nay tôi có thể tự tin tham gia vào mọi hoạt động xã hội.
Để có sự thay đổi lớn lao đó có lẽ phần nhiều phải kể đến những gì mà thể thao mang lại cho tôi. Thể thao không chỉ cho tôi những tấm huy chương, những tấm bằng khen... mà hơn hết thảy thể thao cho tôi một cuộc sống mới đầy tự tin, vươn lên để chinh phục những đỉnh cao mới.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê còn nhiều khó khăn của tỉnh Hà Tây cũ. Tuy cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, nhưng bố mẹ vẫn lo cho anh em tôi được ăn học đầy đủ. Năm tôi lên 8 tuổi, sau một lần bị lên sởi, đôi mắt của tôi càng nhìn kém đi, việc học tập của tôi cũng vì thế mà ngày một trở nên khó khăn. Hai năm sau, thương con gái học hành vất vả và cũng lo nếu cứ tiếp tục như vậy thì thị lực của tôi sẽ kém đi nhanh hơn nên bố mẹ đã cho tôi nghỉ học. Vậy là từ đấy, sự vô tư nhí nhảnh của một cô bé lên 10 được thay thế bằng nỗi buồn tủi vô hạn.
Bố đi làm ngoài Hà Nội, nhà chỉ còn có mẹ, mẹ luôn ở bên chăm sóc cho tôi và lo cho hai em ăn học. Quãng thời gian đó thật sự tôi cảm thấy chán nản, khi tự bản thân không làm được việc gì, mọi thứ đều cần nhờ mẹ và hai em. Mẹ là người hiểu tôi nhất, luôn giúp đỡ và hướng dẫn để tôi không nản lòng. Nhờ tình thương yêu của gia đình, sự chăm sóc tận tình của mẹ mà tôi mới có động lực để sống tốt, và hy vọng có cơ hội bước ra ánh sáng. Một thời gian sau, tôi cũng dần dần thích nghi với việc mình là một người khiếm thị. 14 tuổi, tôi quyết định dùng nguồn sáng ít ỏi còn lại trong đôi mắt để đi học may. Thời gian rảnh rỗi, tôi giúp mẹ chăm sóc lợn gà và vườn rau, nguồn thu tăng gia cũng tạo ra một khoản đỡ đần thêm đồng ra đồng vào cho gia đình
Rồi dần dần cuộc sống cũng ổn định hơn, bố quyết định đón cả nhà về Hà Nội đoàn tụ. Tôi vẫn còn nhớ mẹ đã nói với tôi: 'Thuỷ à! ở Hà Nội có nhiều tổ chức của người khiếm thị, ra ngoài đó con sẽ có nhiều cơ hội được học tập và làm việc hơn ở vùng quê này'.
Ngày đầu tiên, tôi đến Hội người mù quận Hai Bà Trưng với bao bỡ ngỡ, tôi biết sau lưng mình là khuôn mặt mẹ ướt đẫm nước mắt. Tôi tự đặt ra quyết tâm cho bản thân: 'Mình nhất định phải sống tốt, mình nhất định không thể phụ công mẹ và những người thân yêu'. Giữa những người bạn mới ở Hội người mù, tôi bắt gặp trong đó sự đồng cảm và thân thiết đến lạ lùng, và tôi đã tìm ra câu trả lời: “Mình đã biết phải làm gì”.
Tại đây chúng tôi cùng nhau chia sẻ với nhau những điều mà có khi ngay cả người thân cũng không hiểu được. Vào đây tôi như tìm thấy con người thật của mình, tôi sống mạnh mẽ và cởi mở hơn, tôi thấy mình còn may mắn hơn các anh chị khiếm thị khác vì tôi còn có thể nhìn thấy được chút ít ánh sáng. Ngoài thời gian học những kỹ năng cần thiết của người khiếm thị, tôi còn được học cách làm tăm tre, chổi đót... Tuy thu nhập không nhiều, nhưng điều đó với tôi thật có ý nghĩa, đó là những đồng tiền mà tôi làm ra từ chính những nỗ lực của mình.
Cũng từ Hội người mù, tôi đã có cơ hội được biết đến thể thao người khuyết tật. Một người khuyết tật mắt có thể chơi thể thao? Liệu tôi có thể làm được điều đó như các bạn khiếm thị của tôi đã làm được không? Giữa tháng 4/2005, tôi đã mạnh dạn đến trung tâm thể thao xin tập luyện. Cảm nhận không khí tập luyện của các vận động viên qua thính giác, tôi thấy rõ sự nhiệt huyết của các bạn, sự ân cần chỉ bảo của các huấn luyện viên. Thể thao đã đi vào cuộc sống của tôi và trở nên thân thuộc từ bao giờ tôi cũng không còn nhớ nữa. Cũng chẳng biết từ khi nào nữa, tôi đã quên đi những mặc cảm của bản thân và về vóc dáng nhỏ bé của mình, lần đầu tiên sau khi mắt kém tôi đã dám chạy hết sức của mình mà không hề sợ hãi.
Có lẽ bản thân có chút ít tố chất của thể thao và được sự giúp đỡ của bạn bè đồng tật, sự hướng dẫn của các huấn luyện viên mà thành tích của tôi ngày càng cải thiện rõ rệt. Sau 3 tháng tập luyện, tôi đã có tên trong danh sách những vận động viên của Hà Nội đi thi đấu tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đã giành được 3 huy chương vàng ở cả 3 nội dung chạy bền của người khiếm thị. Không thể tin được, đó như là một giấc mơ vậy. Tôi sung sướng nghẹn ngào vì không bao giờ dám tin mình có thể làm được điều kỳ diệu đến như vậy. Niềm tin yêu cuộc sống đã dần trở lại, mỗi ngày tôi lại có thêm những động lực để cố gắng nhiều hơn. Cuối năm 2005, tôi được chọn vào đội tuyển tham gia thi đấu Paragames 3 tại Philipin. Cũng với những nội dung sở trường, tôi đã giành được 3 huy chương bạc. Thành công nối tiếp thành công, cuối năm 2006 trong cuộc tuyển chọn vận động viên tham dự giải Châu á Thái Bình Dương tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại giành được 3 huy chương vàng và tiếp tục được vào đội tuyển tham dự giải Châu á ở Malayxia. Tuy thành tích chỉ là một huy chương đồng, nhưng tôi vẫn thấy rất vui vì với tôi, dù là thành công nho nhỏ nhưng điều quan trọng là thành công đó mình đã cố gắng hết sức.
3 năm gắn bó với thể thao, thành công được đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả những nụ cười hạnh phúc. Thể thao đã mang đến một cuộc sống tươi mới và tôi đã tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Một lời muốn nhắn gửi cho các bạn đồng tật: 'Bạn hãy khắc phục những hạn chế của bản thân, nỗ lực với những gì còn lại của bạn, nhất định bạn sẽ vươn cao và vươn xa hơn trên những khiếm khuyết của chính mình'.
Vũ Kim Thủy
----------------
Chú thích ảnh: Vũ Kim Thủy người thứ hai từ phải sang