Quan họ đang trên hành trình để được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Đưa nét độc đáo, thú vị trong các làn điệu Quan họ lên internet để quảng bá là ý tưởng của nhóm đồng hương Kinh Bắc tại Hà Nội. Những người trăn trở với di sản văn hóa của dân tộc đang nỗ lực góp phần để Quan họ đạt vị trí xứng đáng.
Chủ nhiệm CLB Quan họ Hội đồng hương sinh viên Kinh Bắc là Trịnh Văn Tỉnh, người đưa ra ý tưởng đưa Quan họ quê mình lên mạng. Tỉnh nói: 'Sinh sống và lập nghiệp ở xa quê, những người con Kinh Bắc rất nhớ những bài quan họ đã ngấm vào mình từ nhỏ. Tìm trên mạng không thấy nhiều, nên Tỉnh và các bạn bàn nhau lập website, tổ chức sưu tầm và giới thiệu'.
Hai website chuyên về quan họ dancavietnam.net và quanhobacninh.vn hiện đã sưu tầm được khoảng trên 400 bài Quan họ cổ và cải biên; gần 100 bài nghiên cứu về Quan họ với 200 thành viên tham gia phát triển. 'Website này thiên về Quan họ cổ và phân chia rất rõ thể loại, lời mới, nghệ sỹ trình bày, giải thích thuật ngữ... Nội dung và nghiên cứu chuyên sâu là cái thu hút được nhiều người yêu thích Quan họ thực sự và các nhà nghiên cứu bình luận, đóng góp ý kiến và chia sẻ thông tin', Tỉnh cho biết. Cuối tuần, các thành viên có những buổi sinh hoạt offline. Có người được các thành viên khác gọi là 'thầy', như anh Nguyễn Hữu Duy, hiện đang cộng tác cho Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam, bởi anh trực tiếp hướng dẫn các thành viên hát Quan họ.
Mê Quan họ cổ từ bà nội, đêm nào 2 bà cháu Duy cũng nằm bên chiếc đài quay băng mở đi mở lại bài quan họ. Hết phổ thông, Duy quyết tâm thi vào Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh. Anh cũng xác định rõ sẽ nghiên cứu chuyên Quan họ cổ, vốn rất ít sinh viên theo. Ngày còn học ở trường, Duy thường xuyên 'bám' theo các nhà nghiên cứu sau giờ giảng trên lớp để hỏi điều còn thắc mắc về các điển tích, điển cố trong làn điệu quan họ và so sánh lời bài hát. Duy tỉ mẩn ghi chép lại. Bất cứ khi nào rảnh, Duy lại lang thang đến nhà các nghệ nhân quan họ ở Tiên Du, Yên Phong... để học hỏi và xin được chỉ bảo. Khi tham gia CLB này, Duy dành hết những gì tích lũy được để truyền lại cho các thành viên.
'Để ngấm được hồn cốt Quan họ không phải chỉ thuộc lời, hát được, còn phải hiểu những điển tích, điển cố trong các bài hát. Lời Quan họ cổ giản dị, mộc mạc nhưng cũng rất sâu sắc và tinh tế, không phải ngay lập tức có thể hiểu hết được', Duy bảo. Mỗi buổi sinh hoạt, Duy bắt xe buýt từ Bắc Ninh sang, kiên trì hướng dẫn, dạy mọi người hát theo đúng lối xưa dưới dạng truyền khẩu, sử dụng lời cổ và không dùng nhạc đệm. Duy cũng giới thiệu thêm nhiều chuyên gia nghiên cứu Quan họ đóng góp bài viết cho website của CLB.
Theo An Nhi (Báo Hà Nội Mới)