BUỒN, VUI… AI BIẾT CÙNG ANH?
Có một chuyện không biết nên vui hay nên buồn: Đó là vào năm 1990 Tạp chí Văn (Thành phố Hồ Chí Minh) in truyện ngắn dự thi “Tâm y bảo ngọc” của Đỗ Trọng Khơi. Truyện được đánh giá rất cao, ban giám khảo dự kiến sẽ trao giải Nhất (ấy là sau này anh mới nghe kể thế) nhưng tác phẩm đã in được sáu tháng mà tác giả không nhận được tạp chí biếu, hay nhuận bút và cũng chẳng ai báo cho biết. Thấy Tuần báo Văn nghệ cũng đang có cuộc thi, Khơi liền nhờ người gửi bản thảo “Tâm y bảo ngọc” đi thử sức một lần nữa.
Nghe nói, Ban biên tập rất thích truyện ngắn đó, định đưa chung khảo và chọn đăng vào số Tết. Cuối năm ấy, trên Tuần báo Văn nghệ cho đăng một thông báo quảng cáo có chi tiết: Đón đọc các truyện ngắn dự thi xuất sắc của Đỗ Trọng Khơi, Dạ Ngân... Khơi hồi hộp quá, nhưng chờ đợi mãi mà chẳng thấy đâu.
Sau này, anh mới được nghe người ta kể lại: Thì ra, khi số báo Văn nghệ có truyện “Tâm y bảo ngọc” sắp đưa in thì nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội công tác, tới báo Văn nghệ chơi... Ông kêu lên: “Cái truyện này viết hay, đọc đã lắm, nên tao in trong Tạp chí Văn từ năm ngoái, định sẽ trao giải cao đấy... Nhưng sao thằng cha tác giả này gửi lung tung vậy? Phạm quy rồi!”. Các biên tập viên báo Văn nghệ tiếc lắm, nhưng cũng đành phải “bóc” ra thay truyện ngắn khác. Và Tạp chí Văn của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cũng không trao giải nữa, vì lý do tác giả đã... “phạm quy”!
Tuy vậy, Đỗ Trọng Khơi nói rằng anh chẳng dám trách ai, là một người tàn tật, lại ít học mà làm được như thế cũng là nhờ trời đã cho quá nhiều. Anh phải chịu ơn tất cả mọi người: Ơn ông bà, cha mẹ, chị em trong nhà đã chăm sóc bữa ăn giấc ngủ, thuốc thang cho anh; ơn các bạn bè đến chơi, động viên khích lệ anh sáng tác; ơn các anh chị ở Thư viện Hưng Hà và Thư viện tỉnh Thái Bình đã thường xuyên cho Khơi mượn sách miễn phí để tự học; ơn các bạn sinh viên trong nhóm thơ “Biển gọi” của trường Đại học Y Thái Bình đã cho anh tham gia sinh hoạt, có lần còn đẩy xe lăn cho anh đi chơi khắp thị xã; ơn các vị lãnh đạo địa phương huyện và tỉnh, trong đó có cựu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Phạm Văn Thặng, đã nhiều lần về thăm hỏi, còn đưa bác sĩ đến khám bệnh và tặng anh tiền để in sách...
Hôm chúng tôi đến thăm Đỗ Trọng Khơi, ngồi chưa nóng chỗ, đã nghe tiếng cười nói oang oang ngoài cửa. Thì ra có hai người đàn ông từ thị xã Thái Bình đi xe máy cũng vừa tìm đến. Họ là khách thân quen của gia đình Khơi: Một người là luật gia Hà Tiến Triển, Phó chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh; người kia là bác sĩ Vũ Minh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và Kế hoạch hóa gia đình. Anh Triển và anh Hà còn xách theo một gói thức ăn sẵn, mấy chiếc bánh mỳ và một chai rượu trắng. Chiếc bàn nhỏ nhanh chóng biến thành mâm nhậu cho chủ và khách. Tất nhiên, Đỗ Trọng Khơi vẫn phải nằm trên giường...
Được biết, những chuyện như thế này đã quá quen thuộc ở gia đình Khơi. Bởi vì chẳng mấy ngày là không có khách hỏi thăm tìm về thôn Trần Xá như thế, đặc biệt là vào thứ Bẩy và Chủ nhật. Khách ở thị xã Thái Bình vượt ba mươi kilômét tìm đến đã đành; có rất nhiều bạn thơ ở Hà Nội, ở các tỉnh xa như Thanh Hóa, Nghệ An, lại có người từ tận Tây Nguyên, Nam Bộ... hễ có dịp về Thái Bình là tìm đến và nhiều người còn ngủ lại qua đêm. Họ có thể là giáo viên, công chức, sinh viên, các em học sinh… Họ làm nhiều nghề, nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng đều có chung một đặc điểm là say mê văn chương và yêu quý Khơi!
Từ ngày Đỗ Trọng Khơi chuyển về sống tại thành phố Thái Bình, ngôi nhà số 10, ngõ 329, đường Nguyễn Trãi, phường Phú Khánh, khách văn đến thăm càng nhiều. Khơi vẫn viết đều đặn, được in cũng nhiều, anh đã sắm được máy vi tính, lại còn lập cả trang blog với địa chỉ: http://dotrongkhoi.vnweblogs.com, nên việc giao tiếp với thế giới bên ngoài cũng thuận lợi hơn.
Hai năm trước, Đỗ Trọng Khơi có gửi cho tôi gửi cho tôi một lá thư của người cha của anh - một liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, hi sinh tại mặt trận phía Nam đã lâu mà chưa tìm thấy hài cốt với mong muốn biết đâu ai đó đọc được sẽ có thông tin giúp gia đình anh. Tôi đã biên soạn lá thư đó và đưa vào tập sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” (tập 2). Năm ngoái, Khơi báo tin vui: Nhờ một nhà ngoại cảm, gia đình anh đã đã tìm được hài cốt của người cha và đưa về quê. Vậy là, tâm nguyện của anh đã được thực hiện.
Mấy năm gần đây Đỗ Trọng Khơi rất thích nghiên cứu tử vi. Tự xem cho mình, Khơi bảo: cái “số” của anh trời “bắt thọ” đến năm 70 tuổi. Năm nay Khơi mới tròn năm mươi (tính theo tuổi ta), như vậy anh còn phải “ngụ” trên giường… hai mươi năm nữa! Cũng có nghĩa là cuộc đời còn phải cưu mang Khơi từng ấy năm. Ai sẽ giúp anh, khi người mẹ già rồi sẽ khuất núi?
CÔ THỦ THƯ TỈNH BẠC LIÊU VÀ MỐI TÌNH QUA TRANG SÁCH
Một ngày giữa năm 2006, Đỗ Trọng Khơi nhận được một lá thư lạ, phong bì dán tem và đóng dấu bưu điện của một tỉnh miền Nam xa xôi… Đó là thư “làm quen” của một cô gái, có nét chữ mền mại và nắn nót. Cô tự giới thiệu mình tên là Đỗ Kim Oanh, hiện đang làm thủ thư của Thư viện tỉnh Bạc Liêu. Tình cờ, cô được đọc trong cuốn sách “Đa tài và đa tình” của tác giả Đặng Vương Hưng, có bài viết “Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, 25 năm nằm cất tiếng gọi đời” khiến cô khâm phục, cảm động, không cầm được nước mắt. Cô đắn đo mãi mới dám viết thư cho anh, với mong muốn được làm quen, kết bạn để chia sẻ và đồng cảm. Cuối thư, cô không quên “Qua anh Khơi, cho em gởi lời thăm sức khoẻ “Nhà văn Trần Văn Thước, viết như thể giời hành”, cùng quê Thái Bình.
Mấy hôm sau, Khơi nhận được điện thoại của Thước, cũng nhờ chuyển lời hỏi thăm của Đỗ Kim Oanh tới Khơi. Họ đều rất vui, vì có thêm một độc giả nữ ở vùng đất xa xôi biết và quan tâm đến mình.
Đỗ Trọng Khơi quyết định viết thư trả lời cô thủ thư Kim Oanh. Nội dung chỉ đơn giản là cảm ơn sự quan tâm của cô đã dành cho anh và Trần Văn Thước. Mời cô nếu có dịp ra miền Bắc thì ghé qua Thái Bình mến khách thăm nhau… Cuối thư, anh không quên cho cô gái số máy điện thoại di động của mình: 01693276294.
Một buổi tối, Khơi bất ngờ nhận được tin nhắn từ một số máy lạ 01216504717: Em là Oanh ở Bạc Liêu đây. Em muốn được anh coi là bạn, thỉnh thoảng mình tâm sự cho đỡ buồn'. Dĩ nhiên là Khơi đồng ý.
Vậy là từ đó, họ thường xuyên nhắn tin cho nhau. Đôi khi còn trực tiếp nói chuyện điện thoại. Oanh không hề giấu diếm khi cho Khơi biết cô sinh năm 1970, quê ở Ý Yên (Nam Định) đã có một đời chồng và một con gái. Nhưng vợ chồng đã ly hôn khi con gái mới chào đời, năm nay cô bé đã học hết lớp 8 và sang tuổi 13. Oanh từng làm cô giáo nuôi dạy trẻ. Sau khi chuyện gia đình đổ vỡ, qua một người bà con cô xin vào Bạc Liêu học lớp Trung cấp Thư viện, rồi về làm thủ thư ở Thư viện tỉnh Bạc Liêu.
Một lần, nhân việc Oanh hỏi ý kiến Khơi chuyện nghề nghiệp và học hành của hai mẹ con; Khơi bảo anh biết tử vi, hãy cho anh chính xác ngày sinh tháng đẻ, anh sẽ coi giúp. Sau này, Khơi thú nhận rằng anh kinh ngạc vì thấy số tử vi của Oanh chính là người phụ nữ anh cần tìm bấy lâu nay. 'Cung Phu của cô ấy nói rất rõ: Phải lấy người đàn ông đứng tuổi sau khi trải qua một hai lần lở dở và đi làm ăn xa. Thậm chí Oanh còn phải 'cưới chạy tang' nữa.
Khơi đã mạnh dạn tỏ tình với Oanh: Có một người đàn ông đứng tuổi ở quê anh muốn được làm bạn đời của em. Nhưng anh ấy hoàn cảnh từ nhỏ và vất vả lắm. Chằng biết em có đồng ý về Thái Bình chung sống với anh ấy không?
Chẳng cần đắn đo, Oanh trả lời ngay: 'Em biết anh ấy là ai rồi. Thật ra, em đã cảm mến anh ấy từ lâu, mà chỉ ngại anh ấy không chấp nhận. Nhưng cho phép em suy nghĩ thêm đã'.
Khơi nói: 'Em không cần phải trả lời anh ngay. Theo anh, em nên thu xếp công việc để ra Thái Bình ở nhà anh một tuần, rồi hãy quyết định chính thức.
Thế rồi Oanh tìm ra Thái Bình với Khơi thật. Họ rưng rưng cảm động cầm tay, nhìn nhau bằng xương bằng thịt. Oanh bảo: Em đã đồng ý ra với anh, thì có nghĩa là em đa chấp nhận tất cả, dù cuộc sống có khó khăn vất vả đến mấy. Nhưng em muốn anh phải công khai với họ hàng và xóm làng chuyện của chúng mình. Khơi không có lý do gì để từ chối yêu cầu chính đáng đó.
Theo nguyện vọng của 'đôi trẻ', ngày mùng 7 tháng 5 Kỷ Sửu (tức 30-5-2009), họ nhà trai đã cử một phái đoàn gồm 5 đại diện, lên phố Khâm Thiên (Hà Nội), nơi gia đình ông Đỗ Xuân Đệ, người cha của Kim Oanh đang cư trú, mang theo mâm lễ làm thủ tục ăn hỏi và đón dâu luôn. Đáp lễ họ nhà trai, ngay sau đó, họ nhà gái cũng cử 5 đại diện đưa dâu về Thái Bình. Đó là một ngày hết sức có ý nghĩa với Đỗ Trọng Khơi, bởi hôm sau cũng là ngày giỗ đầu của cha anh, kể từ khi hài cốt của ông được gia đình và đồng đội tìm thấy và đưa về quê...
*
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi còn cho biết: chính chị Đỗ Kim Oanh đã nhiều lần giục anh điện thoại cho người viết bài này: Anh nhớ mời anh Đặng Vương Hưng về dự đám cưới chia vui với chúng mình. Phải coi anh ấy như một 'ông mối', vì không có cuốn sách 'Đa tài và đa tình' thì làm sao có hạnh phúc này!
Vâng, ngày Chủ nhật, 22 tháng 5 Kỷ Sửu (tức 14-6-2009) nhất định tôi sẽ về Thái Bình để chia vui với vợ chồng nhà thơ Đỗ Trọng Khơi - Đỗ Kim Oanh!
Hà Nội, sáng 10-6-2009
Trần Trọng Tâm - trantamlieude@ yahoo.com.vn - 0973676756 - NamĐịnh
(Ngày 8/11/2009 08:46:04 AM)
Tôi đã nghe thơ cua Đỗ Trọng Khơi từ lâu qua ĐTNVN ,hôm nay mơi biêt cau chuyên chi tiêt hơn, cả những hình ảnh nữa... Tôi rât cảm động,và khâm phục...Xin đuoc chuc mưng hanh phuc của nhà thơ cùng chi Kim Oanh Cam ơn nha tho Đang Vuong Hung va Lucbat.com đã c c nhưng bai viet rat cam động để độc giả cùng chia xẻ. |