Thứ bảy, 20/04/2024,


Trường ca của Trần Anh Thái: Không gian - thời gian và đời người (07/06/2009) 

Làm thơ đã vài chục năm, nhà thơ quân đội Trần Anh Thái được bạn đọc biết đến với nhiều bài thơ trữ tình, lãng mạn. Song hành với cảm xúc bùng lên từng khoảnh khắc ấy, xuyên suốt đời thơ của anh có lẽ là những dòng tự sự được khắc họa bằng những biểu tượng không gian, thời gian trong các trường ca của anh.

 

Năm 1999, trường ca Đổ bóng xuống mặt trời vừa ra mắt đã nhận Giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng; Giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ. Rồi anh thực sự bén duyên với thể loại này, để năm 2004 ra mắt trường ca Trên đường và năm 2007 ra tiếp trường ca Ngày đang mở sáng.

Năm 2008, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành tập Trường ca của Trần Anh Thái lập tức gây sự chú ý trên diễn đàn văn học. Với 3 trường ca (sách dầy 300 trang khổ 14,5 x 20,5cm) bạn đọc có thể khái quát mạch suy nghĩ và cảm hứng sáng tác của anh một cách hệ thống.

 

Ngày 4-6-2009, Viện Văn học tổ chức tọa đàm về “Trường ca của Trần Anh Thái”. Tại buổi tọa đàm, PGS Trần Văn Giá cho rằng tập trường ca này đi từ biểu hiện đến phản biện đời sống – đó là sự bức xúc chính trị đồng hóa cảm xúc nghệ thuật, phản ánh trí tuệ và số phận của nhân dân, của dân tộc đi từ thuở hồng hoang đến chiến tranh và hòa bình.

TS Lưu Khánh Thơ thì nêu ra hai cách nhìn từ trường ca của Trần Anh Thái, đó là: thực tế sáng tác và sự tiếp thu cách tân. Chị đưa ra khái quát chung về trường ca của Trần Anh Thái là sự tuân thủ nguyên tắc cấu trúc (có cốt truyện, có nhân vật, thời gian và không gian) đồng thời phá cách (cấu trúc văn bản) nên không giữ ngôn ngữ thông thường, mà dùng ngôn ngữ biểu hiện, biểu trưng như ký tự ước lệ.

 

Vì vậy không còn là thiên nhiên mà là thế giới tâm linh, ám ảnh bằng những giấc mơ biến thể, trữ tình, mang tín hiệu riêng của nghệ thuật. Về nội lực sáng tác, Trần Anh Thái có ý thức cách tân, nhưng không phải thành công tất cả. Không tuân thủ thủ pháp nghệ thuật mà chỉ ước lệ, ngôn ngữ hình ảnh đặc trưng, cách nhìn mới đã khiến trường ca của anh như một tuyên ngôn nghệ thuật của Trần Anh Thái.

 

PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp thì nhận xét: “Trường ca của Trần Anh Thái cuốn hút người đọc bởi chạm đến thế giới tâm linh, gây cảm xúc mạnh. Viết bằng cấu trúc của giao hưởng nên có nhiều cung bậc, có thăng, có giáng... nhiều suy cảm dẫn đến các giá trị tinh thần trong cuộc sống. Về ngôn ngữ biểu cảm có cách tân, dù phá cách nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc nên chưa thoát khi kết”.

 

Phân tích bằng lý luận hàn lâm về trường ca, TS Chu Văn Sơn mổ xẻ trường ca Trần Anh Thái bằng chất liệu chính sử và dã sử; bằng cảm xúc sáng tạo, nội lực, kinh nghiệm, để tạo nên sự trường vốn, trường sức, trường hơi... trong sáng tác trường ca.  Ông nhấn mạnh đến cách xử lý chất liệu, tìm tòi kiến thức tổng thể để điều tiết giữa triết luận và trữ tình(?) tạo thành mạch cảm xúc của Trần Anh Thái. Trường ca này còn thể hiện yếu tố thực và ảo để có tư duy liền mạch. Ông khẳng định: “Trần Anh Thái là tác giả vững vàng, có tư duy trường ca dù chưa toàn diện”.

 

GS Trần Đình Sử đánh giá trường ca của Trần Anh Thái mang hơi thở hiện đại. Nhưng ở đây là cuộc tìm đường triền miên, đem đến cho bạn đọc một cảm giác mới, đó là cuộc đối thoại giữa trường ca và hoan ca.

 

PGS Lý Hoài Thu cũng đưa nhân vật “Tôi” trong trường ca của Trần Anh Thái một cách khái quát qua cách nhìn về thủ pháp nghệ thuật. Chị xem ngòi bút của Trần Anh Thái có sức hút, có tư duy đổi mới. Câu thơ ấn tượng với mảng không gian và thời gian được sắp đặt theo các tâm thế khác nhau. Mà “điểm mạnh cũng là yếu: một tâm trạng day dứt, chìm đi nên loãng, chưa có cường độ cuồn cuộn...”.

 

Cuộc tọa đàm đã đưa đến nhận xét chung, trường ca của Trần Anh Thái tiêu biểu trong số các trường ca của các tác giả thuộc thế hệ anh

 

 

Theo THỦY VÂN (Báo SGGP)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: