Thứ sáu, 19/04/2024,


Hồ Đắc Thiếu Anh - sống hết mình cho những đam mê (03/06/2009) 

      Trước mắt tôi là 4 tập thơ: Mênh Mông Chiều (NXB Trẻ 1992), Giọt Buồn Nghiêng (NXB Trẻ 1998), Mưa Rêu (NXB Trẻ 2003), Mùa Lá Chín (NXB Văn học 2007) và 4CD Album Thơ - Nhạc mà tác giả là một nhà thơ nữ xuất thân từ một trong tứ đại dòng tộc ở Huế xưa, tên chị là Hồ Đắc Thiếu Anh.

     Nhận lời viết “Chân dung người Huế đương thời” cho Tủ sách Nhớ Huế, tôi băn khoăn mãi. Bản tính khiêm nhường, không thích phô trương như Hồ Đắc Thiếu Anh, thì cậy răng chắc chị cũng chẳng chịu nói về mình! Biết phải viết về chị thế nào đây? Làm sao có thể vừa khái quát chân dung của chị, vừa không lặp lại những phần mà nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi trong và ngoài nước đã viết hay giới thiệu tác phẩm của chị trong nhiều năm qua? Đó không hề là một công việc dễ dàng! Chính vì vậy, tôi biết mình phải nghiêm túc tiếp cận các tác phẩm của chị, đọc chị qua những trang đồng nghiệp đã viết, hỏi những người quen biết, những người đã từng được sống và làm việc bên cạnh chị, chiêm nghiệm qua ảnh chụp…

     Khi đã có chút vốn liếng nhất định, tôi mở CD thơ nhạc chị gởi tặng, vừa lắng nghe vừa nhắm mắt, thả lỏng để cố thử hình dung , rồi dự tính sẽ kiểm định khả năng mường tượng của mình trong lần gặp chị sắp tới, như đã hẹn để hoàn chỉnh bài viết.

 

Tác giả Hồ Đắc Thiếu Anh và thi phẩm 'Mùa lá chín'

 

Tháng năm ở Huế

 

     Quê hương u trầm, cổ kính, có núi Ngự Bình nép mình bên dòng Hương Giang thơ mộng đã sinh ra chị, cô con gái thứ ba trong một gia đình, gồm 8 anh chị em. Phụ thân chị từng làm quan triều Nguyễn, Bộ Lễ rồi Bộ Học và cũng là một trong những Ủy viên phiên dịch sử liệu Việt Nam tại trường Đại học Luật khoa Huế, còn hiền mẫu của chị là một nghệ nhân ẩm thực đất Thần Kinh. Người cha đặt tên cho con gái yêu hai chữ Thiếu Anh với ước nguyện chị sẽ luôn tươi tắn như đóa hoa hàm tiếu. Từ nhỏ, ngoài thời gian cắp sách đến trường, về nhà chị thường lẽo đẽo theo cha học chữ Hán và học làm thơ. Chữ Hán chị học được không nhiều nhưng bù lại chị rất đam mê văn chương, từng nhiều lần được thưởng thức những cuộc đàm đạo và năm 13 tuổi đã có thơ họa với các bạn đồng hao của cha. Bên cạnh đó chị còn có một nỗi đam mê khác là công việc nội trợ, nhất là ẩm thực. Tranh thủ thì giờ rảnh rỗi chị thường theo phụ mẹ quạt lò, lặt rau, làm bánh trái… Dần dần chị mới được mẹ cho múc dọn cỗ, rồi được cho vô bếp nấu nướng, chiên xào. Điều chị ưa thích nhất không phải là những lời khen khích lệ mà chính là được ngồi gần mẹ chị để nghe bà giảng giải về cái đạo của người vào bếp.

     Từ đường Cao Bá Quát đến trường Trung học Đồng Khánh có một cô gái, “má lúm tiền xưa”, nón lá che nghiêng nửa mặt và cặp sách ép dí sát ngực, hằng ngày hai buổi đi về.  Không biết có phải tính tình cô khép kín, hay vì e ngại điều gì mà các chàng trai Quốc Học hình như không để ý, hay nói theo cách người Huế hay dùng là “chẳng ma nào chộ o”. Họ không hề biết rằng ẩn chứa sau vẻ bề ngoài nhút nhát ấy, dáng vóc mảnh mai kia là một tâm hồn nhạy cảm và phong cách sống sôi nổi hoạt bát, cũng từng có một thời chỉ xếp sau “nhất quỷ nhì ma”. Chị có khiếu văn chương nên thường được các bạn phân công dùng giàn thun bắn trả lời thơ tình đối đáp qua bên kia tường sang trường Quốc học. Chị ưa cùng chúng bạn trèo tường trốn lên chùa Báo Quốc xin vị Trụ trì ăn cơm cháy chấm tương, có bữa ngủ quên trễ luôn giờ học buổi chiều. Lúc ấy, cách một con đường nhỏ, luôn có những chàng “hiệp sĩ” Quốc Học chờ sẵn để ga-lăng nhấc giúp xe đạp qua tường rào và được dịp hộ tống đằng sau. Chị ưa thể hiện các vai diễn trong các tiểu phẩm tự biên mỗi khi trường có hội hè. Sau này, khi trở thành người được chị nâng khăn, sửa túi, chàng trai Quốc Học năm xưa, mới vỡ lẽ ra rằng mình đã vô tình bỏ qua cơ hội ngắm nhìn người đẹp trong ngôi nhà khuất sau hàng chè Tàu cao ngút, trên con đường nồng hương nguyệt quế, ngát hương ngâu mà mình vẫn lại qua.

     Nhìn vóc dáng cao cao, dưới vầng trán rộng kiêu sa là đôi mắt sáng thông minh giấu sau cặp kính, nghe giọng nói vẫn còn như “mật rót vào tai”mà khả năng ứng đối mẫn tiệp khi giao tiếp thì biết chị sống luôn thanh thản.

     Ở ngưỡng U60 mà tuổi tác không làm mất đi dáng dấp của o nữ sinh Đồng Khánh năm nào. Có thể nói chính học vấn của người cha, tài đảm đang, tháo vát của người mẹ, cùng với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hữu tình và truyền thống văn hóa Cố Đô thấm đượm vào những tháng năm tuổi  ngọc đã góp phần hình thành, hun đúc nên nhân cách và tâm hồn Hồ Đắc Thiếu Anh sau này, người sẽ sống hết mình với những đam mê: đam mê văn chương, đam mê công việc nội trợ và đam mê giúp người.

 

Người  phụ nữ đảm đang, người làm bếp và nhà hoạt động xã hội

 

     Theo gia đình rời quê hương năm 1970, khi tình yêu Huế đang độ chín muồi, đối với chị lúc bấy giờ là một cú sốc. Thời gian đầu giữa Sài Gòn ồn ào, lạc lõng, chơ vơ, sống như kẻ mộng du Vả lại những biến cố, thăng trầm của đời người nào có ưu tiên, lảng tránh ai, nhưng với suy nghĩ cách trả hiếu tốt nhất cho cha mẹ không phải ở đồng quà, tấm bánh, không chỉ ở thăm hỏi, chăm sóc, mà chính là sự thành đạt của mình, nên chị đã “tự thắp nến mà đi”. Tốt nghiệp đại học Kinh tế, chị đã trải 30 năm công tác ở Công Ty Kim Khí TP.HCM. Chị rất yêu nghề, coi nó là cái nghiệp phải đeo đuổi, nên dù phải mệt mỏi vật lộn với những con số khô khan, kể cả những lúc cơ thể phải chống chọi với bệnh tật,  chị vẫn làm việc mẫn cán, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ trên cương vị  phó phòng Tài chính Kế toán trước khi nghỉ hưu.

     Anh Nguyễn Quảng Nha, chồng chị là Kiến trúc sư và hiện đang làm chủ một doanh nghiệp tư nhân. Tình yêu đến với anh chị được thi vị hóa như “viên hồng ngọc” được ơn trên ban tặng. Anh chị đã có gần 35 năm kề vai sát cánh, sẻ chia bao chuyện buồn vui, những bước thăng trầm của cuộc đời, có với nhau 2 mặt con. Anh chính là “chiếc thuyền đưa chị đi trên con sông đời nghiệt ngã” (Phu Quân) bởi anh là người hiểu biết, cảm thông, là chỗ dựa cả tinh thần lẫn vật chất để chị sống với những đam mê. Ngược lại, chị luôn là người vợ hiền thục, đảm đang, yêu chồng, thương con, biết lo toan, gánh vác khó khăn mỗi khi con thuyền riêng gặp cơn sóng gió, gập ghềnh.

     Thừa hưởng ở mẹ đức tính tỉ mỉ, đảm đang, chịu khó và được mẹ hướng dẫn chi tiết, bài bản về đạo làm bếp, chị tỏ ra rất có năng khiếu nên nhanh chóng lĩnh hội và bị cuốn hút vào lĩnh vực này. Theo như lời tâm sự của chị thì đó cũng là một niềm đam mê. Hơn nữa, theo quan niệm xưa nay thì nữ công gia chánh luôn là một trong những tiêu chuẩn về cái đức của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Chính vì vậy, sau tám tiếng làm việc ở cơ quan, ngoài việc nấu nướng cho chồng, cho con, chị bươn chải bằng cách nhận tư vấn bếp ăn cho các nhà hàng, mở lớp dạy nấu ăn, mở lò làm cốm… Sau này, chị còn học lấy chứng chỉ Cử nhân Anh văn để có điều kiện học hỏi thêm văn hóa ẩm thực phương Tây.

     Từng làm dâu, chị thấu hiểu những khó khăn, thách thức của các cô dâu nhất là dâu xứ Huế, cho nên chị luôn có tâm nguyện đào tạo nhằm trang bị cho chị em trước khi làm dâu có chút hành trang nhất định về bữa ăn gia đình để có thể tự tin trổ tài. Chị đem hết tinh hoa tích lũy đã học hỏi từ mẹ, từ cô giáo, từ trường đời, trong đó có cả những tháng năm miệt mài vừa tìm hiểu vừa kết hợp văn hóa ẩm thực Đông–Tây qua những chuyến xuất ngoại để truyền lại cho đời. Chị được mời làm tư vấn về món ăn Huế cho nhiều nhà hàng lớn ở Sài Gòn, Hà Nội, cộng tác viên của chương trình Sức Sống Mới trên VTV1. Chị được mời giảng dạy nấu ăn ở trường Nghiệp Vụ Du Lịch Sài Gòn, mời sang huấn luyện nấu món ăn Việt cho một nhà hàng ở Australia. Dưới bút hiệu Đông Triều, chị viết về văn hóa ẩm thực cho Sàigòn tiếp thị, Du Lịch, Món Ngon Việt Nam, phụ trách trang ẩm thực chay cho các tạp chí Vô Ưu, Hương Từ Bi… bởi kiến thức ẩm thực của chị ngang tầm với một chuyên gia chứ không chỉ đơn thuần là “người làm bếp”, danh xưng mà chị vẫn luôn khiêm tốn tự nhận.

     Từng nếm trải bao nỗi thăng trầm giữa dòng đời, chị thấu hiểu thuyết nhân quả trong giáo lý nhà Phật, nên chị hòa mình trong việc sẻ chia với những cuộc đời kém may. Đối với chị, đây cũng là niềm đam mê khác, không hơn, không kém đam mê làm bếp và làm thơ. Chị xuất hiện ngày càng nhiều tại các tổ chức từ thiện như trung tâm khuyết tật, câu lạc bộ trẻ em đường phố, trại trẻ mồ côi, trường học vùng sâu, bếp ăn miễn phí ở các bệnh viện, chùa chiền...; không chỉ ở Thừa Thiên Huế, nơi chị được sinh ra, không chỉ ở TP.HCM, nơi chị đang sinh sống, mà còn ở nhiều nơi. Dấu chân chị rong ruổi khắp Long Khánh, Lộc Ninh, Bình Dương, Cần Thơ, Hậu Giang… Các chương trình từ thiện mà chị tổ chức hoặc tham gia không thể kể ra hết, mà gần đây nhất chính là chương trình Thơ - Nhạc “Như giọt sương long lanh” ngày 01-11-2008 tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM thu về gần 90 triệu đồng từ bán đấu giá 4 bộ “Nhớ Huế”, Tập thơ “Mùa lá chín”, Album nhạc phổ thơ “Khúc Vàng Phai”, kèm một số kỷ vật của chị. Toàn bộ số tiền này giao cho Ban Từ Thiện Đồng hương TT.Huế, dành ủng hộ cho trẻ em nghèo hiếu học vùng sâu Nam Đông, A Sao. A Lưới (T.T.Huế).

     Học ở ông bà, tổ tiên, học ở mẹ cha, học ở cuộc đời, chị thấu hiểu “đầu tư cho tương lai là khoản đầu tư có ích nhất” nên chị rất chú trọng đến việc dạy dỗ các con đạo làm người. Chị mong mỏi các thành viên trong gia đình chị cũng phải có cái tâm để kế tục công việc từ thiện của mình. Chị cũng tập cho các con của chị biết cảm thông, chia sẻ ngay từ khi các cháu còn nhỏ bằng cách dẫn chúng đến các trại mồ côi, khuyết tật cho các cháu trực tiếp tham gia công việc từ thiện cùng bố mẹ. Bây giờ các con của chị đều đã lớn, có gia đình riêng, cả hai đều thành đạt. Chị vui sướng thổ lộ: “Ơn trời! Bây giờ các con chị luôn ủng hộ công việc của chị”.

 

Nhà thơ nữ xứ Huế

 

     Thơ là nỗi đam mê và cũng là cái nghiệp chướng đối với nhiều người. Giống như số đông văn nghệ sĩ khác, chị hài hước ví von thơ với “chiếc dằm”, nhưng bên cạnh cái chung đó chị vẫn có cái khác người. Thơ là nơi chị gởi gắm tâm sự riêng mình, “để biến mật đắng thành mật ngọt”. Thơ đã cho chị tỉnh thức giữa cuộc đời vốn đầy dẫy thất tình, lục dục. Thơ đã cho chị sức mạnh để vượt qua những căn bệnh trầm kha” là lời bộc bạch rất chân tình của chị. Thật vậy, nếu chị không nói, khó ai có thể đoán biết bài “Đêm nghiêng” (trong tập “Mùa lá chín”) được chị sáng tác trong cơn bạo bệnh lúc 3 giờ sáng, trong đó 2 câu “Ngậm thơ làm thuốc rượu say/ Mượn trăng khuya lạnh lấp đầy chơi vơi”, nghe rát như răng vô tình cắn dập môi.

     Thơ của Hồ Đắc Thiếu Anh thể hiện một cách nhìn tinh tế rất Huế, cách nghĩ rất khác lạ, rất độc đáo, rất đặc trưng của văn hóa Huế, ngôn ngữ Huế, mang tâm hồn Huế, tình cảm Huế, không thể trộn lẫn với bất cứ ai. Thơ chị giàu cung bậc, âm điệu nên dễ ngấm vào lòng người và hiển nhiên cũng dễ bắt gặp nhịp rung từ các nhạc sĩ đương thời. Nếu ở “Mênh mông chiều”, chị đã thành công khi chọn phong cách cổ điển để thể hiện hoài niệm tuổi ấu thơ, ký ức, tình đầu…; ở “Giọt buồn nghiêng” bàng bạc về quê hương (Trần Hữu Lục), về những vui buồn thời áo trắng; ở “Mưa rêu” là sự kết hợp tài tình của ngôn ngữ hồn nhiên, đôn hậu mà cũng rất dung dị, với đôi chút cách tân về thể loại để diễn tả những kỷ niệm, xen lẫn  với nỗi đau tan hợp vô thường thì ở “Mùa Lá Chín” là sự tiếp nối những dòng hồi tưởng, nhưng cách thể hiện thành công hơn, sâu lắng hơn, thấm thía hơn. Đó giống như quy luật tất yếu về sự chín chắn của tháng năm trải nghiệm, chín chắn của phong cách cầm bút, phong cách sống.

     Nỗ lực không mệt mỏi của Hồ Đắc Thiếu Anh đã được đền đáp. Những người đồng hương Huế tự hào về chị, coi chị như là “khuôn mặt đại diện cho lớp đàn em, kế tục xứng đáng, có khả năng làm thăng hoa dòng thơ miền Hương–Ngự” (LN). Chị được mời cộng tác, mời làm tư vấn, mời tham gia hội thơ trong nước, giao lưu và tham quan trong và ngoài nước không chỉ với vị trí một chuyên gia ẩm thực, trên cương vị một nhà hoạt động xã hội uy tín mà còn với tư cách nhà thơ. Chị là Hội viên Hội Nhà Văn TP.HCM, thành viên trong Ban biên tập của Tủ sách Nhớ Huế và là cộng tác viên của nhiều tờ báo, tạp chí. Thật hạnh phúc biết bao nếu được chị tặng vài dòng thư pháp do chính bàn tay tài hoa ấy viết ra ! Quý đồng nghiệp và bạn yêu thơ rất mong mỏi và chắc chắn sẽ có dịp được chiêm ngưỡng những tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật sâu sắc hơn của chị vẫn còn đang thai nghén.

     Khi ở bên kia dốc cuộc đời mới nghiệm ra rằng kiếp người thật ngắn ngủi! Quỹ thời gian không còn nhiều mà niềm đam mê của chị thì hầu như không hề cạn. Chị vẫn đam mê văn chương, đam mê bếp núc và đam mê công việc từ thiện như muốn chạy đua cùng thời gian.

     Làm thơ để trải lòng mình, vừa hòa điệu với bạn bè vừa làm thuốc chữa bệnh cho tâm hồn thư thái. Chỉ có khi thư thái mới có thể nấu những món ăn ngon cho người thân, bạn bè, thực khách và khi nhìn mọi người ăn ngon thì chị cảm thấy hạnh phúc.

     Hạnh phúc đâu phải là của riêng, vậy thì càng không nên ích kỷ, bo bo giữ lấy, mà cần biết sẻ chia với người để càng hạnh phúc lớn lao hơn. Đạo làm thơ, đạo làm bếp, đạo làm người của chị gắn kết nhau trong một thể thống nhất, thúc đẩy và bổ sung cho nhau, hợp nhất thành một chữ “TÂM”. Đó là phương châm, là lẽ sống của chị.

 

 

Nguyễn Thanh Toàn

P. Chủ nhiệm CLB Văn học, Hội Nhà Văn TP. Cần Thơ

170 Lý Tự Trọng, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

ĐT: 0710.2212516 – 0907.760144

E-mail: aotrangct@gmail.com

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: