Thứ bảy, 20/04/2024,


Một năm nhà thơ Xuân Sách về “phía bên kia núi” (02/06/2009) 

Vậy là đã tròn một năm nhà thơ Xuân Sách - tác giả phần lời của các ca khúc hào hùng Đường chúng ta đi, Cùng anh tiến quân trên đường dài (nhạc Huy Du) và nổi bật với tập thơ “Chân dung nhà văn” đã về “Phía bên kia núi”

 

Nhà thơ tên đầy đủ là Ngô Xuân Sách sinh năm 1932 tại Trường Giang, Nông Cống, Thanh Hóa. Ông tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam và bắt đầu sáng tác với bút danh Lê Hoài Đăng, sau đó chuyển về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội vào năm 1960. Từ năm 1981 đến năm 1986 làm Phó Giám đốc NXB Hội Nhà văn. Năm 1987, ông vào Nam và làm Chủ tịch Hội LHVNNT Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 1997. Do tuổi cao sức yếu, đầu năm 2008, nhà thơ Xuân Sách được gia đình chuyển ra Hà Nội chăm sóc. Ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 2/6/2008.

 

Nói đến Xuân Sách, bạn đọc yêu văn học không thể không nhớ đến những vần thơ Chân dung nhà văn ông vẽ 100 đồng nghiệp cầm bút của mình. Những vần thơ chân dung này của Xuân Sách được bắt đầu vẽ từ những năm 1960 với các chân dung văn học Việt Nam đương đại từ 1932 đến 1992. Sau khi ra đời (tháng 3/1992, NXB Văn học), “Chân dung nhà văn” đã có nhiều dư luận khác nhau, phần đông bạn đọc yêu thích tán dương, còn những nhân vật được vẽ thì nhiều người “căm hận”. 100 bài thơ trong Chân dung nhà văn của Xuân Sách được đánh số thứ tự, bài số 1 viết về nhà văn Hồ Phương.

 

Như tâm sự của tác giả trong Chân dung nhà văn, ông nảy ra ý định làm thơ chân dung như một “tia chớp” sau khi nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh nhờ ông dịch một bài thơ chữ Hán vịnh nhà thơ Xuân Thiều. Sau khi dịch thơ của Nguyễn Trọng Oánh vịnh Xuân Thiều, Xuân Sách liền viết ngay 1 bài vịnh Hồ Phương chuyển cho nhà văn Nguyễn Khải xem. Nhà văn Nguyễn Khải xem xong không cười mà cất ngay bài thơ vào túi, sau đó Nguyễn Khải nói với Hồ Phương: Thằng này (chỉ Xuân Sách) ghê quá, không phải trò đùa nữa rồi. Xuân Sách lúc đầu nghe thế hơi hoảng, song sau này ông bình tâm lại và nhận biết rõ hơn việc mình cần phải làm để tập thơ Chân dung nhà văn ra đời. Tập thơ Chân dung nhà văn được Xuân Sách viết thẳng lên giấy can in trực tiếp với số lượng in 3.000 bản. Ông gần như khái quát ‘xã hội nhà văn” trong 60 năm, thông qua đó cũng khái quát cuộc sống một thời.

 

Về cuốn Chân dung nhà văn, ông viết: “…Nói về đồng nghiệp cũng là nói về mình. Cái hay cái dở của một người cũng là của một thời. Câu thơ Từ thủa tóc xanh đi vỡ đất. Đến bạc đầu sỏi đá chưa thành cơm, đâu chỉ là số phận của một nhà thơ. Hơn ai hết, tôi nghĩ, nhà văn là đại diện của một thời, là lương tri của thời đại. Đã đành là khó ai vượt được thời đại mình đang sống, không dễ nói hết, nói công khai những điều suy nghĩ. Nhưng cũng thật đau lòng và xấu hổ khi những nhà văn bán rẻ lương tâm, còng lưng quỳ gối trước quyền uy, mê muội vì danh lợi. Có lẽ đó là động cơ thúc đẩy tôi viết, nếu có nói quá cũng dễ hiểu. Cái con quỷ ám nếu có thì cũng là ảnh hưởng những cảm xúc ấy, nỗi đau chung ấy. Nhiều nghịch lý vốn tồn tại trong cuộc đời cũng như nghệ thuật. Tiếng cười nhiều khi xuất phát từ nỗi đau!...”.

 

Xuân Sách một đời vẽ chân dung đồng nghiệp, vậy chân dung ông như thế nào? Mới đây nhà thơ Hoài Anh - một bạn thơ của Xuân Sách, in tập thơ Hòa mạng trong đó có bài thơ vẽ Xuân Sách. Hoài Anh vẽ người “chuyên vẽ chân dung”: Chú du kích thiếu niên Đình Bảng/ Cùng anh tiến quân trên đường dài/ Khi soi bóng mặt gương con suối/ Phía bên kia núi chẳng còn ai.

 

Theo tác giả Hoàng Nhân

 

 

Nhân một năm ngày mất của nhà thơ Xuân Sách, lucbat.com xin giới thiệu một chùm thơ lục bát của ông, do bạn thơ Võ Hương Mai (160/33 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu; ĐT: 0909730233) sưu tầm và giới thiệu:

 

 

 SÔNG GIANH

 

   Cái thời Trịnh Nguyễn phân tranh

   Cái thời gió bấc rụng cành phi lao

   Hai bờ rung động binh đao

   Người nào bên đấy người nào bên đây

   Giống nhau đôi mắt bàn tay

   Giống nhau mật ngọt gừng cay khoai bùi

   Thế mà máu chảy đầu rơi

   Dòng sông ôm hận bờ phơi cát vàng

   Bây giờ cầu đã bắc ngang

   Thướt tha giải yếm cho chàng qua đây

   Cầu cong một dáng vai gầy

   Mẹ ta từng gánh núi đầy sông sâu

   Bâng khuâng tôi đứng trên cầu

   Ngước trông xanh ngắt một màu Trường Sơn. 

 

 

KHÚC GIAO THỪA

      

Tiễn đưa đến khúc giao thừa

 Bên chưa tối hẳn, bên chưa rạng ngày

 Ưu phiền gửi hết lại đây

 Chia tay rồi lại cầm tay ngập ngừng

 Đốt lên một nén hương trầm

 Vái mười phương Phật để cầm lòng nhau

 Mỹ nhân, danh tướng bạc đầu

 Thời gian nước chảy qua cầu vậy thôi.

 

 

  KHÚC ĐỒNG GIAO

 

  Người đo bằng thước bằng dây

  Tình yêu em lại đo bằng sợi tơ

                                 

  Con mắt đo mối nghi ngờ

  Con tim đo nỗi hững hờ khổ nhau

 

  Bàn chân đếm bước quên nhau

  Ngón tay đếm những vết nhàu thòi gian

 

  Bạc tiền đo dọc đếm ngang

  Mồ hôi nước mắt đếm hàng giọt rơi

 

  Mải mê đo đếm cùng người

  Giật mình nghoảnh lại một thời xuân qua.

 

 

 

   QUA HẢI VÂN

 

Cùng đi một quãng đường dài

Với em lại có những ngày bên nhau

Nhìn qua cửa sổ toa tàu

Nắng miền Trung đổ xanh màu biển xanh

 

Hải Vân mây trắng bồng bềnh

Muốn tan vào cõi vô hình đó em

Vào hầm khoảnh khắc bóng đêm

Nửa như nhớ, nửa như quên cuộc đời

 

Chỉ còn hai đứa mình thôi

Chỉ nghe tiếng đập bồi hồi con tim

Chỉ nghe hạnh phúc êm đềm

Chuyển vào tiếng động vang rền dư âm

 

Ô kìa một bãi cát vàng

Nhỏ nhoi ở giữa trập trùng núi non

Biển trời phẳng lặng như gương

Em soi khuôn mặt yêu thương rạng ngời

 

Nắng chiều dát tấm lưới phơi

Ai giăng giữa nước giữa trời mung lung

Muốn đi cho đến vô cùng

Mà con tàu đã vội dừng sân ga… 

 

Xuân Sách

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: