Thứ năm, 28/03/2024,


Ngọc Hà nửa đời tìm câu lục bát cho mình (29/07/2008) 

Sau tập thơ 'Em đi ngang chiều gió' và 'Cỏ mặt trời', nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà tiếp tục cho ra mắt độc giả tuyển tập 'Người gánh vô hình'. Vẫn là những câu thơ lục bát ngọt ngào, mê đắm, nhưng 'Người gánh vô hình' hứa hẹn có nhiều cách tân.

 

- Từ một giảng viên trường thương mại, duyên cớ nào khiết chị dứt áo để đến với thơ?

 

- Chẳng phải tôi chọn thơ mà thơ đã chọn tôi. Ngay từ nhỏ, tôi đã chịu ảnh hưởng nhiều từ ông ngoại là một nhà nho. Sau đó là mẹ của tôi, dù là người không được học hành nhiều nhưng bà thuộc lòng thơ Nguyễn Du, Nguyễn Bính. Không chỉ thế, sống trên mảnh đất Nghi Tàm, đất của những Hồ Xuân Hương, bà chúa Liễu Hạnh nên tôi đến với thơ rất tự nhiên, cũng như con người phải đi tìm kiếm một nửa hạnh phúc của mình.

 

- Khi đã đến với thơ, chị cảm nhận thấy mình được gì trong trang viết?

 

- Tôi đến với thơ không phải để tìm vinh quang, tiền bạc. Những thứ đó dường như xa lạ với nhà thơ. Nhưng khi cầm bút, tôi được giãi bày những nỗi niềm riêng, được nương náu hồn mình trong đó. Sau những vấp váp, va đập với cuộc đời, tôi tìm đến thơ như một cõi an bình nhất. Không chỉ thế, ở thơ tôi tìm thấy sự đồng cảm với mọi người. Đó là phần thưởng quý giá nhất của thơ ca dành cho tôi.

 

- Chị có kỷ niệm đáng nhớ nào với độc giả?

 

- Tôi từng nhận được thơ của một cụ già 70 tuổi, quê ở Ninh Bình. Khi đọc Cỏ mặt trời của tôi, cụ đã rất xúc động, sai người con dâu nấu một nồi nước chè, tập hợp các cụ bô lão trong làng lại để cùng đọc và ngâm nga. Khi nhận được lá thư ấy của cụ, tôi cảm thấy rất xúc động, và có lẽ đời người cầm bút cũng chỉ cần sự thấu hiểu của độc giả đến thế. Người nghệ sĩ làm thơ, nhưng chính bạn đọc mới khiến cho thơ được sống.

 

- Người ta nhớ thơ chị nhiều nhất là những câu lục bát, như 'Quê chồng', 'Nửa câu quan họ'. Tại sao chị lại chung thủy với lục bát đến thế?

 

- Lục bát là thể thơ dễ mà cũng là khó nhất. Có nhà thơ mất cả đời cũng không viết nổi một câu lục bát hay. Tôi thích sự đổi mới nhưng sự đổi mới phải bắt nguồn từ truyền thống. Những câu lục bát đưa đẩy, giản dị nhưng rất tình của Nguyễn Bính đến bao đời sau cũng không bao giờ cũ. Tôi nghĩ để diễn tả những tình cảm của người Việt thì không gì thích hợp hơn lục bát.

 

- Chị làm thơ rồi còn vẽ tranh, người ta nói những công việc ấy dễ khiến người phụ nữ đa đoan, chị nghĩ sao?

 

- Cho đến hôm nay, được sống với trang viết của mình, tôi thấy đã là điều may mắn. Khi những trang viết không diễn tả hết mọi nỗi niềm, tôi lại tìm đến với hội họa, trải lòng mình lên những bức vẽ. Được sống với chính mình, tôi nghĩ đó là niềm hạnh phúc.

Hà Anh (Thực hiện)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: