Chủ nhật, 22/12/2024,


Chàng ăn mày đáng yêu (02/06/2009) 

Tôi quen anh chàng ấy lần đầu tiên vào một ngày đẹp trời. Hôm ấy là ngày cuối thu, cây phong bên vệ đường đã nhuộm hồng sắc lá. Bên thềm đá lề đường có một người đàn ông mù và một cô bé gái chừng bảy tuổi. Cả hai đều ăn mặc rách rưới và bẩn thỉu.

Nhưng nổi bật giữa màu u tối của sự hèn kém ấy là người đàn ông, không chỉ bởi vẻ ngoài của anh ta trông có nét gì đó rất hồn hậu mà chính vì tiếng hát réo rắt, thiết tha và có gì đó chua xót như chà xát lòng người.

Những bài anh ta hát thường là những ca khúc tiền chiến mà người ta quen gọi là nhạc vàng. Anh ta vừa đệm đàn ghi ta vừa hát, như say sưa thổ lộ với người đời những trái ngang trong cuộc đời của chính anh ta. Thỉnh thoảng, cô bé lại hát những bài hát mà anh ta vừa mới hát. Dường như hai bố con họ bên cạnh việc kiếm tiền còn tập hát cho nhau.

Như có một định mệnh sắp đặt, tôi đang trong tâm trạng của một kẻ thất tình. Chiều hôm nay, Sơn nhắn tin cho tôi rằng anh ta sẽ cưới vợ. Vợ Sơn là con gái ông Chủ tịch huyện, người đã đỡ đầu anh ta kể từ khi anh ta được cất nhắc vào một chiếc ghế của ủy ban huyện.

Thế là bao mơ ước của tôi về một mối tình thơ mộng được tôi và Sơn thêu dệt từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường chuyển từ một ngọn lửa bùng cháy thành ánh đèn leo lét và vụt tắt trong một buổi chiều nghiệt ngã.

“Thôi trách nhau chi, chuyện tình dù dở dang đã tan thành khói mây xin quên vào dĩ vãng…”. Dường như, đôi mắt mù của anh ta có thể nhìn xoáy được vào trong sâu thẳm hồn tôi. Anh ta hát chỉ cho mình tôi nghe? Đôi mắt có cặp kính đen và dày rọi thẳng vào tôi như muốn tìm hiểu xem trước mắt mình là ai.

Tôi ngồi xuống cạnh em bé, còn bao nhiêu tiền lẻ trong túi, tôi trút cả vào chiếc túi được đan bằng cói đặt trước mặt người đàn ông. Có lẽ vì tiếng động, anh ta khẽ xoay người về phía tôi như không muốn tôi nhìn thấy đôi mắt mù lòa ngụy trang sau lớp kính. Như tìm được nơi để sẻ chia bớt nỗi buồn, tôi ngồi cạnh họ và có lẽ tôi đã khóc rất nhiều. Chỉ cho đến lúc trời đã nhá nhem tối, tôi mới quay gót.

Trong giấc ngủ chập chờn đêm ấy, tôi mơ thấy mình trở thành vợ của người đàn ông mù hát rong và cô bé trở thành con của chúng tôi. Ba chúng tôi lang thang khắp các phố phường và hát những bản tình ca sầu thảm. Sau mỗi bài hát, tôi lại đưa khăn lau nước mắt của mình.

Bất chợt ba chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà lộng lẫy, từ trong ngôi nhà ấy, Sơn bước ra và quẳng vào túi của chúng tôi một cục tiền. Tôi thét lên một tiếng kinh hoàng: “Không!”.

Choàng tỉnh dậy, trên trán tôi vẫn còn lấm tấm mồ hôi và chiếc gối ướt đầm nước mắt. Như một ma lực lôi kéo, những buổi chiều sau đó, tôi lại đến với bố con người hát rong mù.

Có lẽ vì đã nhận ra tôi nên người đàn ông không hát những bài hát buồn của những hôm trước. Anh ta đã hát thêm nhiều bài hát mới, vui nhộn và yêu đời hơn và có lẽ vì thế mà tâm trạng tôi đã không còn ủ dột và sầu não như buổi chiều đầu tiên mà tôi gặp họ.

Tôi trở thành người tình nguyện trong việc thu gom tiền cho bố con họ trước lúc họ thu xếp đồ đạc ra về. Thỉnh thoảng, hai bố con họ còn mời tôi thưởng thức khi thì chiếc bánh mì nóng hổi, lúc lại là một bịch đậu phộng rang.

Những lúc vắng khách, tôi còn bày cho con bé học bài. Dù không được đi học nhưng con bé đã tiếp thu khá nhanh những điều tôi giảng. Chỉ khoảng dăm hôm là nó gần như thuộc làu mặt các chữ cái. Và nó chính là đứa học trò đầu đời và đặc biệt nhất của tôi.

Cũng đôi khi, anh ta hỏi đôi điều về đời tư của tôi. Tôi thật thà kể cho anh ta khá tỉ mỉ về mình, về cả mối tình tôi đã trải qua, về lí do vì sao tôi lại gắn bó với bố con anh ta như thế. Nhưng ngược lại, anh ta không nhắc gì về bản thân mình, tôi cũng không tiện hỏi vì sợ chạm vào một nỗi đau riêng tư nào đấy.

Cho đến một ngày, tôi không thể đến cùng bố con họ như đã hẹn vì phải vật lộn với những môn thi hết học phần. Dẫu rất nhớ bố con họ nhưng tôi tự dặn lòng là chỉ đến với họ khi mùa thi qua.

Tôi hoàn thành môn thi cuối cùng với một tâm trạng khá mãn nguyện. Khi bóng chiều chưa kịp gọi những cánh chim về tổ, tôi đã đạp xe như bay đến nơi tôi vẫn thường ngồi cùng bố con người hát rong. Tôi còn chuẩn bị cho họ một bịch trái cây to tướng.

Nhưng đón tôi bên lề đường quen thuộc là một người thợ bật bông xa lạ. Cho đến khi ánh đèn đường đã hắt xuống những tia sáng vàng vọt, tôi mới hiểu rằng bố con họ đã không còn ở đó nữa.

Nhiều buổi chiều sau đó, tôi lang thang khắp thành phố để tìm bố con họ như tìm lại cố nhân. Bất cứ ở đâu có tiếng của người hát rong là tôi tìm đến, nhưng họ vẫn như bóng chim tăm cá.

Dường như anh chàng đó mang lại cho tôi một cái gì đó vương vấn rất khó tả. Tất nhiên, tôi hiểu đó không thể là tình yêu được. Làm sao tôi có thể yêu một người mù góa vợ được cơ chứ. Nhưng rõ ràng là tôi rất nhớ anh ta.

Tôi không hiểu vì sao bao giờ anh ta cũng cảnh giác không cho tôi được nhìn rõ vẻ mặt anh ta sau lớp kính dày. Dù sao, tôi cũng cảm nhận được nếu không bị mù chắc anh ta sẽ là một người rất đẹp trai.

Những mùa thi cùng bao lo toan cơm áo của cuộc đời sinh viên xa nhà che lấp dần trong tâm trí tôi hình bóng bố con người hát rong. Tôi bước vào đợt thực tập như bước vào kì thi áp chót của cuộc đời sinh viên.

Là sinh viên ưu tú nên tôi được quyền chọn mái trường mình sẽ về thực tập. Không ở lại thành phố giống như nhiều người khác, nơi tôi đến là trường cấp ba Vĩnh Linh.

Tôi đến đó vì nhiều lẽ. Thứ nhất, đó là mảnh đất anh hùng, mà theo lời kể của mẹ đó là nơi cậu ruột tôi đã anh dũng hi sinh. Thứ hai, tôi thích tiếp xúc với những học sinh của một miền quê nghèo với nét chân chất dễ đồng cảm. Ngoài ra, tôi mơ hồ cảm thấy có một điều gì đó thôi thúc tôi cần đến miền đất ấy.

Chiếc xe chở đoàn sinh viên thực tập của chúng tôi đỗ ngay bên cổng trường. Cả đoàn người lũ lượt xuống xe. Lỉnh kỉnh đồ đạc trên vai, tôi không vào trường vội mà tạt vào quán nước ven đường.

Chiếc quán nhỏ nhưng khá sạch sẽ và bán lặt vặt nhiều thứ mà chủ yếu là đồ dùng học sinh. Tiếp tôi là một người đàn ông trạc chừng bốn mươi bị cụt chân ngồi trên chiếc xe lăn. Tôi hỏi ông ta đôi điều về trường nhưng chỉ được một vài thông tin không rõ ràng lắm vì ông bảo ông cũng chỉ mới về định cư ở đây.

Tôi trả tiền, toan bước ra thì đụng phải một bé gái với chiếc túi xinh xẻo trên vai đi vào quán. Cô bé ngẩng lên nhìn tôi chốc lát rồi reo lên: “Ôi! Cô giáo! Cô không nhận ra em sao?”. Tôi ngỡ ngàng nhìn kĩ hơn rồi thốt lên: “Phải em, cô bé hát rong dạo trước không?”.

Cô bé ríu rít dắt tôi vào quán như muốn khẳng định rằng tôi không nhầm. Rồi nó líu lo giới thiệu tôi với người đàn ông ngồi trên xe lăn mà nó gọi là bố. Tôi cầm tay nó bâng khuâng: “Thế người bố em dạo đó đâu rồi?”.

Hai bố con họ thi nhau kể cho tôi nghe về người đàn ông xa lạ ấy. Thì ra, anh ta không phải là bố cô bé, cũng không phải là người mù, đó chỉ là trò ngụy trang của anh ta cho phù hợp với vai của một người ăn mày nghệ sĩ.

Anh vốn là một kỹ sư cầu đường. Nhân một lần bắt gặp hai bố con cô bé đang lê la nơi ga Huế, ông bố đang ốm nặng nhưng vẫn cố thều thào hát kiếm tiền. Cám cảnh trước sự éo le của bố con người ăn xin, anh đã gọi xe đưa ông bố vào bệnh viện.

Rồi nhân lúc còn chờ thực hiện dự án, sẵn máu nghệ sĩ, anh đã đóng vai một người nghệ sĩ mù hát rong mà tôi đã gặp. Cũng chính anh đã giúp đỡ bố con họ để có được chiếc quán nước nhỏ bé này. Và quan trọng hơn là cô bé được đến trường.

“Vậy giờ chú ấy đâu?”. Tôi cầm tay con bé như hỏi về một người đã rất thân thiết. “Cháu cũng không biết. À! Nhưng chú ấy có để lại cái này”. Cô bé chạy vội vào trong quán lục lọi và đưa cho tôi một cái bọc được quấn khá kĩ bởi nhiều lớp báo cũ.

“Nếu chú không quay lại, cháu hãy giữ món quà này như một kỉ niệm về chú”. Cô bé nhắc lại lời nói của anh dành cho mình lúc chia tay. Tôi xin phép bố con họ được mở món quà đó. Cả hai bố con nhìn tôi rồi gật đầu đồng ý.

Trong đó là cuốn “Bông hồng vàng và bình minh mưa” của nhà văn Nga K. Pauxtopxki cùng với cuốn sổ nhỏ bìa da. Cuốn sổ anh ghi chép khá lộn xộn về những điều vụn vặt trong cuộc sống gần giống như một cuốn nhật kí.

Tôi lướt nhanh những dòng anh viết trong đó. Nhất là kể từ khi anh quen bố con người hát rong, anh ghi chép khá tỉ mỉ. Tôi hồi hộp khi bắt gặp những dòng anh viết về mình:

“Ngày...

Một cô gái thật xinh, có lẽ là sinh viên đến gần mình và như chìm trong nỗi buồn của những bài hát mình gào thét. Mình đọc được trong đôi mắt cô ấy một nỗi buồn man dại. Có lẽ cô ấy đang gặp một nỗi bất hạnh lớn lao nào đấy”.

“Ngày...

Đúng như mình dự đoán, cô ấy lại đến nhưng đã có vẻ yêu đời hơn. Cô ấy cũng thật nhân hậu, y như mình...”.

“Ngày...

Mình nằm mơ thấy cô ấy. Cô ấy là vợ mình, kì diệu thật”.

Bất giác, tôi giật mình khi nhận ra thời gian giấc mơ của anh ta ghi lại trùng với cái đêm tôi đã mơ thấy anh ta trong cơn ác mộng. Hình như tôi và anh ta có duyên nợ từ tiền kiếp chăng?

Tôi phải vào trường theo lời giục của thầy trưởng đoàn. Tạm chia tay bố con cô bé, tôi muốn được xem kĩ hơn cuốn sổ tay anh ta để lại. Cảm nhận được một điều gì đó tốt đẹp vừa nhen nhóm, hai bố con vui vẻ đồng ý.

Phải, tôi tin rằng anh ta sẽ trở lại nơi này. Nếu tôi không chờ được đến lúc ấy, tôi sẽ để lại địa chỉ của mình. Sẽ có ngày tôi và anh ta gặp nhau, tôi biết điều đó.


(Theo PNVN cuối tuần)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: