Thứ tư, 24/04/2024,


Đọc thơ Việt để gần hơn với cảm xúc của người Việt Nam! (30/05/2009) 

Joseph Duemer sinh năm 1951, là nhà thơ, dịch giả và là giáo sư chuyên ngành Nhân văn (Humanities) của Đại học Clarkson ở Potsdam, New York. Ông cũng là biên tập viên của tạp chí thơ The Wallace Stevens và đồng biên tập tạp chí Thi ca quốc tế, từng có một chuyên đề về thơ Việt. Ông vừa mới trở lại Việt Nam với hành trình từ Nam chí Bắc để gặp gỡ các nhà thơ trẻ cho dự án mới của mình, và dành cho TT&VH một cuộc trò chuyện.

* Là một chuyên gia, một giáo sư về nhân văn (humanities), vậy tại sao ông lại có nhiều quan tâm về thơ Việt Nam?

 

- Tại sao ư? Điều này khó trả lời hơn tôi tưởng, vì nó cần một quá trình để phân tích và so sánh cụ thể xem giữa thơ và nhân văn có gì giống nhau, khác nhau, hay thuộc về nhau. Hồi còn thanh niên, tôi tham gia rất nhiều hoạt động phản chiến, chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, nhưng sự thật, tôi không biết nhiều về thực tế đất nước và con người Việt Nam. Tôi chỉ biết rằng Mỹ thực sự đã có những hành động không thể biện minh, quá thiếu công bằng, khi theo đuổi cuộc chiến này. Con người Việt Nam, với tôi lúc ấy là một sự bí ẩn đến trừu tượng. Và đương nhiên, tôi đã không đi lính, và chống lại việc cầm súng ra chiến trường. Sau khi chiến tranh kết thúc, khi tôi trở thành nhà thơ và là một giảng viên, giống như hầu hết người Mỹ, tôi đã quên dần các sự kiện thuộc về Việt Nam. Sau đó, vào năm 1997, tôi đã có được cơ hội để “truy cập” vào xứ sở các bạn, và đã bắt đầu hành trình hướng đến sự hiểu biết thật sự của bản thân. Với tư cách nhà thơ, tôi thiết nghĩ các tác phẩm phải mang tinh thần thế giới, nên việc đọc thơ của người khác có thể giúp tôi hiểu thế giới của họ, những thế giới đồng hành và song song. Tôi không đặt ra yêu cầu “bù đắp” ngay những khiếm khuyết do thiếu hiểu biết về Việt Nam, và thơ Việt. Nhưng dần dà theo thời gian, qua nghiên cứu ngôn ngữ, đọc các cuốn sách và đọc các nhà thơ Việt Nam, tôi chỉ có thể nói là mình đang cố gắng đến gần hơn, để thực sự có được cái cảm xúc của người Việt Nam.

* Ông thích những nhà thơ Việt Nam nào nhất? Đặc điểm của thơ Việt, theo nghiên cứu của ông là như thế nào?

- Nhà thơ Việt Nam mà tôi quan tâm ư? Ban đầu tôi chỉ cần có thơ để đọc và học tập. Khi tôi đến Việt Nam hơn mười năm trước, tôi đã được giới thiệu với nhiều người ở Hội Nhà văn Hà Nội, tôi đã rất tôn trọng những nhà thơ từng cầm súng chiến đấu cho Việt Nam độc lập và thống nhất. Mặc dù vậy, tại thời điểm đó tôi đã nói Hoàng Hưng giới thiệu tôi cho một số nhà thơ trẻ, những người đã viết những bài thơ kiểu khác, hiện đại hơn. Tôi cũng đã gặp Lý Lan tại Mỹ và cô ấy cho tôi thấy các bài thơ của Thanh Nguyên, và những người khác sống ở Sài Gòn. Ở Hà Nội tôi đã gặp Phan Huyền Thư và tôi rất ấn tượng về thơ của cô ấy. Nhưng tại thời điểm này, tôi quan tâm chủ yếu tới các sáng tác mới mẻ, chú tâm nhiều hơn tới việc gặp gỡ các nhà thơ trẻ. Còn đặc điểm của thơ Việt Nam, tôi xin được đề cập trong một dịp khác, khi các nghiên cứu của tôi đã sâu sắc hơn.

* Ông đã đến Việt Nam trong bao nhiêu lần?

 

- Tôi đến Việt Nam 5 lần, bắt đầu vào năm 1997, trong một tháng. Năm sau đó, tôi trở lại trong 6 tuần để giảng dạy văn học Mỹ tại Trường Đại học Hà Nội. Sau đó nữa, trong những năm tiếp theo, tôi đã trở lại một vài tuần với một nhóm sinh viên Mỹ, giúp họ giao lưu, tìm hiểu, nghiên cứu... Trong năm 2000 và 2001, tôi đã nhận học bổng Fulbright để đến làm việc với tư cách là một cố vấn biên tập ở NXB Thế giới tại Hà Nội. Sau đó, tôi đã không thể trở lại trong 8 năm, nhưng nay thì tôi rất hạnh phúc vì mình được quay trở lại, đi một vòng từ Nam chí Bắc, được ngồi với bạn tại một vỉa hè Sài Gòn, được gặp rất nhiều nhà thơ trẻ. Tôi hy vọng sẽ trở lại sau mùa Hè năm nay.

* Trong thời gian ở Việt Nam, ông có học tiếng Việt không?

- Tôi có học một chút, trong khoảng 7-8 tháng, do các giáo viên ở Hà Nội dạy; nhưng do chưa có dịp “cọ xát” nhiều, nên khi đi các vùng miền khác, tôi không nghe được. Tôi có thể đọc tốt hơn, thường với các bài thơ, tôi hay dịch chung với các dịch giả là người Việt Nam. Năm 2001, trong cuốn Thi ca quốc tế, phần thơ Việt Nam, tôi làm việc chung với Dương Tường, Hoàng Hưng, Lý Lan, Đào Kim Hoa, Ngô Tự Lập...

* Kế hoạch sắp tới của ông với thơ Việt?

- Chắc chắn sẽ đi vào việc giới thiệu các nhà thơ trẻ, nhưng bây giờ còn quá sớm để nói, xin cảm phiền đợi tôi quay trở lại. Việt Nam với tôi là một bí ẩn. Tạp chí Thi ca quốc tế, số 5 năm 2001- số có chuyên đề về thơ Việt Nam

 

Văn Bảy thực hiện

(Nguồn: TT&VH)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: