Chủ nhật, 22/12/2024,


Tản mạn bát nước chè xanh (28/05/2009) 

 Chè ngon, nước chát xin mời

Nước non non nước, nghĩa người chớ quên

 

     Câu ca dao cổ đã cho thấy cây chè gắn bó đến nhường nào với đời sống người dân Việt. Rất bình dị, nhưng lại bao hàm những phạm trù về văn hóa, đạo đức, về tình làng nghĩa xóm, tình nghĩa thủy chung...

 

     Cuộc sống đi lên, con người ta quen với nhiều thức uống văn minh thành phố. Vậy mà sao bát nước chè xanh quê mùa vẫn 'gợi' con người ta đến thế. Nhấm nháp ngụm nước chè chan chát, ngòn ngọt ở quán cóc bất chợt ven đường, ta thấy tiếng ru hời của mẹ, tiếng nói của cha, tiếng bà con chòm xóm giữa mùa gặt trưa hè... Hóa ra, nó vẫn là một góc 'hồn quê' mát lành cho ta sự bình yên giữa xô bồ phố thị.

 

 

Người ta vun đất, ươm chồi

Em nhanh tay hái mầm tươi vào trành

 

Chè xanh như cả trời xanh

Nắng xuân gẹo má bên vành nón nghiêng.

 

Khăn voan che lúm đồng tiền

Đôi tay lướt hái như trên phím đàn.

(Chè Xuân - Phạm Khắc Mã)

 

     Chẳng biết tự đời nào, bát nước chè xanh đã gắn bó với người dân lao động. Họ uống vừa là để giải khát, vừa để tỉnh táo hơn, nhưng cũng vừa để thưởng thức cho vui miệng. Chắc hẳn nhiều người hiện mới ở tuổi ngoại tam tuần thôi cũng vẫn nhớ những ấm chè xanh mà các bà, các cô vẫn bán hàng sáng, hàng trưa cho những công chức nghèo, những người phu khuân vác, những bà buôn thúng, bán mẹt đang trong cơn khát, hay cả những ai đang rảnh rỗi, ngồi chờ những chuyến tàu, xe...

 

     Vẫn nhớ chốn quê xưa hình ảnh các bà, các mẹ quây quần bên ấm chè xanh, gọi hàng xóm xung quanh đến uống rồi chuyện trò, vui như hội. Không cứ gì ngày nông nhàn mà cả những ngày mùa, họ vẫn tranh thủ ngồi quây quần bên bát nước chè, tranh thủ vài ba câu chuyện vui vào buổi trưa nắng nóng, rồi ai lại về làm công việc của người ấy. Mỗi sáng mai thức dậy, anh nông dân lại uống một bát chè xanh đặc đến sủi tăm do vợ hãm từ sớm và “ăn” một điếu thuốc lào để có sức khỏe ra đồng cho đến tận bữa trưa. Chè xanh cách uống rất bình dân như vậy, nên cách nấu chè cũng rất bình dân. Lá chè, thậm chí là cả cành được hái xuống rửa sạch, vò nát cho vào nồi đất, lấy nước sôi trần qua, rồi đổ nước sôi già vào hãm hoặc đun sôi thêm một lúc cho đặc sánh. Uống vào một lúc thấy ngọt lịm trong cuống họng cứ như ngâm đường phèn, mát gan, mát phổi.

 

Lần đầu vừa lạ vừa quen

Chè xanh sóng sánh em đem ra mời

 

Chõng tre rón rén em ngồi

Đôi môi chúm chím nói cười… đến duyên!

(Bùa yêu - Vũ Mạnh Đoan)

 

     Không biết bao nhiêu năm, bát nước chè xanh vẫn gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần những người dân quê như thế. Tự nhiên như hạt lúa, củ khoai, bát nước chè xanh làm nên một góc 'hồn quê' trong mỗi con người, mỗi thế hệ. Có lẽ thế mà không phải ngẫu nhiên, quán nước chè ven đường ở những thành phố lớn vẫn là điểm dừng chân của khách qua đường. Cũng không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh những bà, những cô hàng nước lại đi vào văn thơ nhiều đến thế. Thỉnh thoảng, sau những ngày xô bồ phố thị, bạn hãy thử tạt vào một quán nước bên đường, để nhâm nhi, để được tán gẫu với bà hàng nước, với những người xa lạ tình cờ mà trở nên quen biết có khi chỉ qua bát nước chè xanh, bạn sẽ thấy vô cùng thú vị. Có lẽ, đó cũng là một nét văn hóa dân dã rất Việt Nam.

     'Quê tôi nắng đỏ đồng, mưa thấm cả bùn non, quê tôi gừng cay muối mặn níu bao đời câu hát buồn vui… Gốc đa sân đình, đò chiều mẹ đợi, chè xanh mời gọi thơm cả làng ta…”.

     Từng giọt mồ hôi cũng dệt nên mùa màng, từng nỗi nhớ dệt nên tình yêu, từng bát nước chè xanh gợi nên phong vị quê nhà… Thử hỏi, nơi đâu có vị nước đậm đà, ngọt đắng mà ấm áp tình người như bát nước chè xanh xứ mình?

Quê nghèo mái lá nhà gianh

Hoa tươi, quả ngọt, mát lành thịt da

 

Cánh cò bay trắng đồng xa

Chè xanh, khoai luộc đậm đà... hương quê

(Trà gừng - Vũ Minh Nguyệt)

 

 

---------------------

Thục Anh (Tổng hợp)



 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: