Chủ nhật, 22/12/2024,


“Làm được như Thanh Bạch là đáng nể phục!” (27/05/2009) 

           Chưa bao giờ là một cặp bài trùng nhưng có những điểm khác và giống để có thể cùng nói về Thanh Bạch và Long Vũ. Một bên được đào tạo bài bản ở Nga, một bên chỉ là tay ngang với nghề MC; một bên đặc trưng cho phong cách “hài ngoại hình” của miền Nam, bên điển hình cho lối hài “chơi chữ” của miền Bắc.

Long Vũ đầy hào hứng nói về Thanh Bạch - người mà trong mắt anh mới thực sự là một MC chuyên nghiệp, số 1 ở Việt Nam.

- Trước hết phải nói anh Thanh Bạch mới đúng là MC (Master of Ceremony) theo đúng nghĩa của nó. Còn như tôi hay anh Lại Văn Sâm, chị Diễm Quỳnh, chị Tạ Bích Loan... thì không nên gọi là MC mà là HOST (“chủ nhà” của cuộc trò chuyện - BT). Trong ngạch MC, tôi cho rằng Thanh Bạch là số 1. Rất giỏi, rất vui nhộn và luôn tạo được không khí. Về kỹ năng sân khấu thì quả thật tôi chưa thấy ai hơn anh Thanh Bạch. Làm được như anh ấy là đáng nể phục!

* Sự thành công đó theo anh có phải là do Thanh Bạch nằm trong số hiếm MC ở ta được đào tạo bài bản tại nước ngoài?

- Tính chuyên nghiệp ở Thanh Bạch theo tôi là miễn bàn! Không chỉ ở chuyện anh được đào tạo bài bản mà còn là ở cái duyên trời cho nữa. Duyên trời cho mới là thứ quý hiếm nhất, vì không luyện mà thành, tìm mà có được, trong khi kỹ năng thì luyện được. Anh Bạch may mắn sở hữu cái duyên trời cho ấy và theo tôi đó chính là thứ hút hồn khán giả nhất ở anh.

* Cùng có chung một phong cách hài hước, dí dỏm, nhưng lại khác biệt hoàn toàn về cách thức gây cười và tạo không khí, anh không từng thấy “nghịch mắt” với kiểu hài (đôi lúc) gây cảm giác “cưa sừng làm nghé” ở cái tuổi “toan về già” của Thanh Bạch sao?

- Văn hoá vùng miền là vô cùng quan trọng. Ông bà ta dạy rồi: “Nhập gia tùy tục”. Với người dẫn chương trình càng cần vậy. Thanh Bạch là người miền Nam và chủ yếu xuất hiện trước khán giả miền Nam nên anh ấy có phong cách phù hợp với khán giả trong đó cũng là điều dễ hiểu và có lý. Tương tự, MC miền Bắc cũng phải có cách riêng của họ, để chinh phục khán giả miền Bắc. Tuổi tác là gánh nặng với nhiều người, đặc biệt là với MC nữ. MC nam dù sao vẫn đỡ hơn. Nhưng bù lại, cũng có câu “Gừng càng già càng cay” và không thiếu dẫn chứng cho câu nói đó trong nghề này. Nên nhớ người dẫn chương trình “Hãy chọn giá đúng” của Mỹ còn “chinh chiến với nghề” tới năm 84 tuổi. Larry King vẫn phong độ dù đã ngoài “thất thập”. Tôi nghĩ một MC chuyên nghiệp như Thanh Bạch luôn biết rõ anh ấy sẽ cần điều chỉnh gì mỗi khi một năm mới lại đến.

* Ngôi vị MC số 1 cũng đồng thời đưa Thanh Bạch đến vị trí một trong những gương mặt khá đắt show của quảng cáo. Anh có nghĩ điều này có thể ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh “chính thống” của Thanh Bạch?

- Điều này cũng tốt thôi, tốt cho xã hội, tốt cho Thanh Bạch và đương nhiên tốt cho những công ty muốn dùng hình ảnh anh ấy. Chỉ có điều là ta nên chọn sản phẩm nào phù hợp với mình là được.

 

                   

 

* Có định kiến: Phông văn hóa ở MC miền Nam thường yếu hơn MC miền Bắc. Anh có thấy điều đó ở Thanh Bạch?

- Về lý thuyết, một MC hay một người dẫn chương trình truyền hình (Host) đều cần có phông kiến thức rộng và sâu. Thực tế thì để đạt đến tiêu chuẩn ấy, người ta phải mất nhiều năm lắm, có khi cả đời. Vậy nên chẳng có ai dám tự nhận mình là đủ kiến thức cho nghề này cả. Thôi thì chỉ còn cách là “học, học nữa, học mãi”. Chẳng ai hoàn hảo cả để có thể “làm dâu trăm họ”! Với tôi, trong số 10 người mà có 5 người chấp nhận mình (chấp nhận thôi chứ chưa phải là thích) cũng đã là tốt lắm!

* Anh có nghĩ MC của VTV dễ “chỉn chu” hơn còn vì áp lực của sóng truyền hình quốc gia, “quan trên trông xuống, người ta trông vào”? Còn Thanh Bạch thì không, nên biên độ “tự tung tự tác” dễ chừng rộng hơn?

- Tôi nghĩ cái gọi là quy chuẩn ở đây chỉ có ý nghĩa tương đối. Khán giả sẽ thất vọng khi thấy MC này nhang nhác giống MC kia nếu như tất cả cùng bị “đóng khung” trong hai chữ “quy chuẩn” ấy. Mỗi người một vẻ mới tạo nên bức tranh sinh động của nghề dẫn chương trình truyền hình. Chưa nói, ai chẳng muốn được là mình. Tôi chỉ muốn tôi trở thành tôi. Và anh Bạch chắc cũng chẳng muốn là ai khác. Tôi tâm đắc với câu: “Hạnh phúc nhất chính là lúc mình là chính mình”. Tôi không nghĩ Thanh Bạch phải chịu ít sức ép hơn các MC của VTV theo cách mà bạn nói. Vì với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt của truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh, việc phủ sóng quốc gia thực ra đã được thực hiện từ lâu đối với nhiều đài truyền hình địa phương, trong đó có HTV. Qua những gì tôi biết được thì phần đông khán giả khu vực phía Bắc cũng dành cho anh Thanh Bạch những tình cảm nồng ấm. Tất nhiên, như tôi đã nói, “nhân vô thập toàn”. Ai cũng phải cố gắng học hỏi nếu muốn tiến bộ.

* Có điểm chung này giữa anh và Thanh Bạch không: đùa “bạo mồm”, hài “bạo tay” quá đôi lúc cũng dễ bị sa vào cái gọi là “tự nhiên chủ nghĩa”?

- Đồng ý có đôi lúc tôi thế thật nhưng nếu cho đó là điều xuyên suốt và bao trùm lên phong cách của tôi thì tôi phản đối. Mỗi người một vẻ và thật may là tôi luôn tự tin là công việc của mình có được 5/10 người chấp nhận. “Chủ nghĩa” gì thì nào có quan trọng!

* Nếu chúc Thanh Bạch một câu ngắn gọn, anh sẽ nói...

 

- Chúc anh ấy luôn là Thanh Bạch!

 

 

Nhật Huy thực hiện

(Nguồn: Tạp chí Đẹp Online)

     

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: