Thứ năm, 25/04/2024,


Tác giả duy nhất còn sống và bản in duy nhất còn lại của “Thi nhân Việt Nam” (25/05/2009) 

Vào một ngày đẹp trời, người viết bài này bất ngờ nhận được điện thoại một người đàn ông nói giọng Xứ Quảng: “Tôi là nhà thơ Xuân Tâm đây - Xuân Tâm trong “Thi nhân Việt Nam” (TNVN) ấy mà. Tôi muốn đóng góp vào quỹ “Mãi mãi tuổi hai mươi” số tiền mười triệu đồng. Mời các anh đến nhà riêng của tôi nhận tiền giúp...”.

 

Như duyên may tình cờ, hôm đó chúng tôi không chỉ được gặp gỡ một nhà thơ cao tuổi có “tấm lòng vàng”, mà còn được tiếp cận một tư liệu văn học quý hiếm: Xuân Tâm là tác giả duy nhất trong TNVN còn sống! Và hơn thế nữa, ông đang sở hữu một bản in duy nhất của TNVN còn lại từ năm 1942, có chữ ký của đồng tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân...

 

LÃO THI SĨ CÓ TẤM LÒNG VÀNG VÀ CUỐN SÁCH QUÝ

 

Đón chúng tôi từ cổng, dẫn khách vào nhà là một cụ già gầy gò, nhưng còn mạnh khoẻ và minh mẫn.

- Tôi đã ngoài 90 tuổi, sống được đến hôm nay là phúc đức lắm rồi! - Lão thi sĩ vồn vã nói, rồi ân cần tự tay rót nước cho chúng tôi – Có chút tiền tiết kiệm từ lương hưu, đọc báo thấy nói Quỹ “Mãi mãi tuổi hai mươi” do các anh sáng lập hoạt động ý nghĩa quá, tôi cũng muốn đóng góp theo khả năng... Ngày tôi có thơ in trong TNVN cũng đang trong độ tuổi hai mươi – lứa tuổi đẹp nhất của mỗi đời người. Mới đó mà đã hơn 60 năm rồi...

Câu chuyện của chúng tôi đã chuyển sang đề tài TNVN rất tự nhiên như thế.

Rồi lão thi sĩ tìm chìa khoá mở tủ, lấy ra một chiếc hộp sắt nhỏ. Ông run run, cẩn trọng lần giở từng lớp vải đỏ bọc ngoài một cuốn sách cũ, giấy đã ố vàng... Đó chính là bản in đầu tiên của cuốn TNVN do Nguyễn Đức Phiên (tên thật của tác giả Hoài Chân) xuất bản năm 1942.

Theo nhà thơ Xuân Tâm thì đây là bản sách hiếm hoi (nếu như không nói là độc nhất vô nhị) còn giữ được. Chứng cớ là vào đầu năm 1960, trong khi các nhà nghiên cứu đã lục khắp các thư viện ở miền Bắc nước ta cũng không tìm thấy một bản in TNVN nào, thì tình cờ giáo sư Trương Chính ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội biết Xuân Tâm từ Liên khu Năm tập kết ra Bắc có mang theo một cuốn sách quý này. Ông đã đề nghị Xuân Tâm cho mượn để in ronéo làm tài liệu cho sinh viên tham khảo.

Theo nhà văn Từ Sơn (con trai của nhà văn Hoài Thanh), trong một bài viết nhân dịp tái bản của TNVN năm 1988, thì ngoài những lần xuất bản trên, tác phẩm này đã được in lại như sau:

- Năm 1968, NXB Hoa Tiên in lại TNVN ở Sài Gòn.

- Năm 1985, NXB Đông Nam Á in lại TNVN ở Paris.

- Riêng NXB Văn học, từ 1988 đến 2003 đã tái bản TNVN 15 lần. Như vậy, tính đến tháng 9-2003 TNVN đã được tái bản 21 lần (chưa kể có nơi đã in, hoặc trích TNVN không được phép của gia đình Hoài Thanh và Hoài Chân).

Và một điều đáng lưu ý là tất cả các bản in TNVN của NXB Văn học kể từ năm 1988 đến nay đều có dòng chữ “In theo bản in lần đầu Nguyễn Đức Phiên xuất bản năm 1942, do nhà thơ Xuân Tâm cung cấp”.

 

TÁC GIẢ DUY NHẤT CÒN SỐNG VÀ BẢN IN DUY NHẤT CÒN LẠI

 

Có thể nói không quá như thế đối với nhà thơ Xuân Tâm và bản in TNVN năm 1942 mà ông đang lưu giữ.

Thực ra, trong số 41 tác giả được Hoài Thanh và Hoài Chân tuyển chọn trong TNVN, thì nay hầu hết đã trở thành “Những người muôn năm cũ” (như cách nói của Vũ Đình Liên), hiện nay chỉ có hai người còn sống. Đó là nhà thơ Tế Hanh và nhà thơ Xuân Tâm.

Nhưng nhà thơ Tế Hanh thì đã bị tai biến và bệnh nặng hàng chục năm rồi. Xác người còn nằm đó, nhưng hồn thì đã phiêu lạc mãi nơi đâu. Ông chỉ còn sống như hình thức mà thôi. Chỉ duy nhất nhà thơ Xuân Tâm là còn minh mẫn, còn sống và tư duy theo đúng nghĩa của sự tồn tại.

 

   Nhà thơ Xuân Tâm đang giới thiệu tư liệu ảnh cho tác giả bài viết.

 

Nhà thơ Xuân Tâm tên thật là Phan Hạp. Ông sinh ngày 1-1-1916 ở làng Bảo An, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ, cậu bé Hạp từng học ở trường Chaigneau và trường Quốc học (Huế), có bằng thành chung. Khi được tuyển chọn vào TNVN, Xuân Tâm đang làm việc ở Sở Kho bạc Tourane. Hồi đó, ông thường đăng thơ trên các báo Tân vănSông Hương; và đã cho xuất bản tập “Lời tim non” (1941). Xuất hiện trên TNVN, Xuân Tâm được tuyển chọn 2 bài là “Xa lạ” và “Nghỉ hè” (đã được đưa vào sách giáo khoa trích giảng văn học trong nhà trường ở miền Bắc một thời).

Trong kháng chiến chống Pháp, Xuân Tâm làm Giám đốc sở Ngân khố Liên khu Năm. Tập kết ra Bắc, ông được điều về công tác tại Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho đến khi nghỉ hưu (1977). Vợ ông, bà Phạm Thị Mua, nguyên là một nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng, nhiều năm làm nghề dạy học. Ông bà sinh được 5 người con (2 trai và 3 gái) tất cả đều tốt nghiệp đại học và là những trí thức yêu nước, có những đóng góp nhất định cho Tổ quốc...

Với bản in đầu tiên năm 1942, TNVN dày 406 trang, khổ sách trung bình 13 cm x 19 cm, không thấy ghi nhà in và số lượng xuất bản. Bìa sách màu vàng nhạt, vẽ cách điệu 2 cánh chim đối xứng, tên 2 tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân được trình bày cùng một hàng. Chính giữa là 2 dòng chữ hoa “Thi nhân Việt Nam” màu đen, viền trắng. (Khi tái bản năm 1989, NXB Văn học đã trình bày lại mẫu bìa này). Thứ tự các trang sách đầu tiên được sắp xếp nội dung như sau: Trang 1 là “bìa lót”, trang 2 để trắng, trang 3 chép một câu thơ của thi hào Nguyễn Du, trang 4 để trắng, trang 5 là ảnh chân dung nhà thơ Tản Đà kèm bài viết “Cung chiêu anh hồn Tản Đà” (nhà thơ Tản Đà sinh năm 1889, mất năm 1939, nghĩa là ông mất chưa tròn 3 năm khi Hoài Thanh và Hoài Chân cho in TNVN - ĐVH) cùng 2 bài thơ “Thề non nước” và “Tống biệt”.

Một chi tiết đáng lưu ý là cả chân dung Tản Đà, cùng bài viết “Cung chiêu anh hồn Tản Đà” và 2 bài thơ của ông đều được in trang trọng bằng mực đỏ, (các trang còn lại đều dùng mực đen). Theo Xuân Tâm thì các tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân đã chủ ý mời tiên sinh Tản Đà “ngồi chiếu trên”, bằng những lời văn hết sức trân trọng. Đã gần 70 năm rồi, nhưng giờ mỗi khi đọc lại, những người yêu “thơ mới” vẫn thấy xúc động như hôm qua. Xin được chép nguyên văn đoạn đầu của bài viết này:

Hội Tao Đàn hôm nay đông đủ hầu khắp mặt thi nhân; chúng tôi một lòng thành kính xin rước anh hồn Tiên sinh về chứng giám.

Anh em ở đây, tuy người sau kẻ trước, nhưng ai nấy đều là con đầu lòng của thế kỷ hai mươi. Trên hội Tao Đàn, chỉ tiên sinh là người của hai thế kỷ. Tiên sinh sẽ đại biểu cho một lớp người để chứng giám công việc lớp người kế tiếp. Ở địa vị ấy còn có ai xứng đáng hơn tiên sinh?”.

Tiếp đó, sau bài “Một thời đại trong thi ca” là chân dung một số nhà thơ được in cùng trang và phần giới thiệu tác giả Thế Lữ đầu tiên... Cho tới tác giả cuối cùng của sách là Nguyễn Xuân Huy (trong bản in hiện nay, tác giả Trần Huyền Trân được xếp cuối cùng).

Lão thi sĩ Xuân Tâm nhớ lại: Năm 1942, sau khi TNVN ra mắt bạn đọc, ông được đồng tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân gửi tặng một bản sách, có chữ ký của hai người, kèm theo khoản tiền nhuận bút là 25 đồng. Đó là một khoản tiền lớn thời đó, bởi đa số dân mình còn nghèo lắm. Nó tương đương với... 5 tạ gạo ngon, hoặc một chiếc xe đạp loại tốt của Pháp.

 

     

          Nhà thơ Xuân Tâm ký tặng một bản in 'Thi nhân Việt Nam'

 

            Đã hơn 60 năm kể từ khi ra đời, trải qua không ít thăng trầm, nhưng cho đến nay TNVN vẫn là một trong những tác phẩm lớn, có sức sống lâu bền trong lòng người yêu thơ nước ta.

            Những ngày giữa năm Kỷ Sửu này, lão thi sĩ Xuân Tâm đã ở tuổi 94, nhưng còn cực kỳ minh mẫn và vẫn đam mê thơ như ngày nào. Nếu có điều kiện, mời bạn đọc có thể đến thăm ông ở số 1, ngõ 234, phố Thụy Khuê - Hà Nội, hoặc điện thoại theo số máy (04) 3843 1334.

Hà Nội, 2005 - 2009

 Đặng Vương Hưng

 

_______________ 

 

Tham khảo thêm thông tin về tác giả Đặng Vương Hưng qua:

 http://lucbat.com/home.php?lan=v&id=chandung&code=41

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: