Chủ nhật, 22/12/2024,


Ðối mặt với thách thức (24/05/2009) 

NSND Ðặng Nhật Minh sinh ra ở An Cựu (Huế), trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật. Ông là con trai của Giáo sư, bác sĩ Ðặng Văn Ngữ và bà Tôn Nữ Thị Cung, một phụ nữ hoàng phái ở Huế.

 

Mồ côi khi tuổi còn rất trẻ, trong suy tư của Ðặng Nhật Minh trĩu nặng những nỗi đau mất mát. So với các đạo diễn Việt Nam thuộc thế hệ trước và cùng thời, đạo diễn Ðặng Nhật Minh được đánh giá có những cách tư duy mới về chiến tranh, xã hội và con người, với một lối thể hiện đầy sáng tạo. Ông cũng là một trong những đạo diễn Việt Nam góp phần đưa nền điện ảnh Việt Nam ra thế giới.

 

Hầu hết các bộ phim của đạo diễn Ðặng Nhật Minh là những câu chuyện tình cảm, thể hiện cái nhìn đầy chia sẻ trước mỗi phận người nhỏ bé. Ông hay tìm đến những góc khuất trong tâm hồn, những nỗi niềm khắc khoải và trắc ẩn của nhân vật với một đời sống nội tâm sâu lắng. Duyên (Lê Vân đóng) trong Bao giờ cho đến tháng mười, cô giáo Liên (Thu Hiền) trong Trở về, Quyên (Lê Vân) trong Thương nhớ đồng quê, hay ông Hòa (Bùi Bài Bình), cô giáo Thủy (Lan Hương) trong Mùa ổi... chính là sự thể hiện những dằn vặt đầy khắc khoải đó.

 

Thời gian gần đây, nền điện ảnh Việt Nam có thêm một tin vui khi bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười đã được CNN bình chọn là một trong những phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Bộ phim này đã được đạo diễn Ðặng Nhật Minh viết kịch bản xuất phát từ nỗi đau của gia đình ông cũng như từ nỗi đau của hàng vạn, hàng triệu người có người thân ngã xuống trong chiến tranh. Ðây cũng là bộ phim đầu tiên ra khỏi biên giới Việt Nam khi chiến tranh chấm dứt, gửi đi một hình ảnh hoàn toàn mới về cuộc chiến và người chiến sĩ Việt Nam. Trước đó, những phim Hô-ly-út (Hollywood) làm về chiến tranh Việt Nam với hình ảnh sai lạc và thiếu trung thực đã mang đến cho một bộ phận người Mỹ cái nhìn không đúng về nhân dân Việt Nam. Nhưng khi xem bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười, họ nhận chân được nhiều điều và chính thông điệp nhân văn toát lên từ bộ phim đã khiến họ phải nghĩ lại trong dằn vặt.

 

Bộ phim này cũng đã được chiếu tại rất nhiều trường đại học ở Mỹ. Khán giả ở đây đã phân tích bộ phim dưới nhiều khía cạnh. Họ nhận ra trong từng chi tiết rất nhỏ của bộ phim ẩn chứa những nét văn hóa, lối suy nghĩ tinh tế của người Việt Nam. Hình ảnh chị Duyên tìm chồng trong phiên chợ âm dương làm người xem hiểu thêm rằng trong tâm thức của người Việt Nam không có sự cách biệt giữa người sống và người đã mất. Và yếu tố quan trọng nằm ở giọt nước mắt của cô gái cuối bộ phim, một bộ phim bi kịch, nhưng kết phim lại hé lộ một hy vọng hạnh phúc, đầy tính nhân bản, bộ phim vì thế mà được đánh giá cao và được rất nhiều giải thưởng trên thế giới.

 

        

              Đạo diễn Đặng Nhật Minh và diễn viên Minh Hương

 

Cuối năm 2005, khi được đọc cuốn nhật ký của nữ bác sĩ Ðặng Thùy Trâm, đạo diễn Ðặng Nhật Minh vô cùng xúc động. Sau đó được biết thêm những thông tin về số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký trong suốt 35 năm trước khi nó được trả lại cho gia đình, ông muốn viết tất cả những chuyện này thành một kịch bản phim truyện. Và duyên may đã khiến kịch bản này được duyệt và bộ phim Ðừng đốt được bấm máy. MC Minh Hương đã được chọn để đóng vai liệt sĩ Ðặng Thùy Trâm, một lối diễn trong sáng, một khuôn mặt nhân hậu, và đặc biệt sự nhạy cảm và thông minh đã khiến cô gái trẻ hoàn thành khá tốt vai diễn này. Không biết có phải được chị Ðặng Thùy Trâm phù hộ không mà từ cảnh quay trong nước đến nước ngoài, đoàn làm phim đều gặp thuận lợi và đúng tiến độ dự kiến. Hai tuần quay tại Mỹ, các nghệ sĩ Mỹ cũng như Việt đều gắng sức để đạt được những thước phim chất lượng tốt nhất. Tất cả diễn viên Mỹ tham gia trong bộ phim đều đã đọc "Nhật ký Ðặng Thùy Trâm" và họ đều rất xúc động. Họ tham gia bộ phim với lòng ngưỡng mộ bác sĩ Ðặng Thùy Trâm sâu sắc.

 

Có thể nói, trong sự nghiệp điện ảnh của mình, đạo diễn Ðặng Nhật Minh luôn tìm ra một hướng đi khác so với các đạo diễn cùng thời. Ông luôn đi trước dòng chảy của thời cuộc và cảnh báo trước những điều có thể xảy ra. Theo ông, muốn tạo được những "vấn đề" ẩn sau mỗi thước phim, đạo diễn phải là người có cá tính, có bản lĩnh sáng tạo. Khi bắt tay làm phim, ông luôn nghĩ đến những cái riêng, những suy tưởng về thời đại, về con người qua lăng kính của chính mình. Và ông luôn làm phim như mình nghĩ, dù có phải đối mặt với những thách thức hay khó khăn nào. Ông xứng đáng là tấm gương cho thế hệ đạo diễn trẻ noi theo.

 

 

Nhật Vy

(Báo Nhân Dân)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: