Chủ nhật, 22/12/2024,


Tình quê – Một truyện thơ đặc sắc (23/05/2009) 

     Trong nhiều năm nay trên văn đàn vùng thơ thường chỉ có những tập thơ bài ngắn tựa như những bản ca khúc thôi thì đủ mọi kiểu thơ ở trong vô số những tập thơ gồm nhiều bài thơ ngắn mà tác giả tập hợp lại ấy. Rồi cũng có một số tập thơ trong đó là thể loại trường ca. Hay dở của thể loại này hoặc thể loại kia thì có thời gian để mà bàn, mặc dầu đã bước sang thế kỷ XXI. Tuy vậy, có một thể loại thơ thấy hiếm khi xuất hiện, đó là truyện thơ. Cũng như kịch thơ, tôi không rõ những ai mê kịch thơ. Nhưng thể loại này trước 1945 đã thấy có tuy không nhiều, cả trong kháng chiến chống Pháp cũng xuất hiện những đêm kịch thơ trong rừng Việt Bắc.


     Trở lại truyện thơ bây giờ rất hi hữu, ấy vậy mà lại xuất hiện có tên là “Tình quê”, truyện thơ của tác giả Nguyễn Hữu Khai do nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành. Tác giả tặng tôi tập thơ này vào đầu năm nay, tôi cầm về và càng đọc thì càng trân trọng với những gì mà tác giả “Tình quê” gửi gắm ở đây. Có lẽ, tôi có thuận lợi hơn nhiều bạn đọc là tác giả cùng quê với tôi; điều quan trọng hơn, nhà tác giả tôi đã về thăm, đứng bên này trên tầng gác thượng nhà Nguyễn Hữu Khai, nhìn qua sông Đáy sang đất Ứng Hòa là huyện nhà tôi.


     Quê của Khai xanh biếc cây và yên ả, êm đềm quá, nhà gạch san sát và đồng đất bãi chạy phẳng lì vào đến tận chân núi. Cây trái sum suê trong rất nhiều vườn nhà. Đứng trên cao nhìn xuống càng đẹp, mái ngói màu xanh nâu lấp ló trong tán cây màu xanh rì. Những nhánh đường lát gạch, hon đa chạy làm cho cảnh sắc thêm sinh động và đáng yêu.


     Sở dĩ tôi nhắc đến quang cảnh làng quê Khai là vì, đọc truyện thơ của anh, tôi thấy mồn một. Nhất là cái âm hưởng của thơ lục bát làm cho không chỉ “Tình quê” mà cả cảnh quê, người người trẻ già gái trai của quê mình đã hiện lên rất sống động trong truyện thơ này của anh.


     Xin hãy đọc một đoạn về cảnh trí đẹp và gợi cảm xúc nồng nàn ở đây:

 

“…Đầm sen ngào ngạt tỏa hương
Khăn, đàn tha thướt dọc mương tới hồ
Ngút ngàn mườn mượt nương ngô
Nắng chiều gieo bạc xuống hồ lăn tăn


Khoan khoan trên chiếc thuyền nan
Hồng chèo Phổ hát, Phổ đàn Hồng nghe
Khúc đàn gợi nét xuân hè
Âm thanh dìu dịu, gió hè nhẹ qua


Sóng đàn sóng nước giao thoa
Tiết tấu nẩy lộc nở hoa trên cành…”


     Điều làm tôi ngạc nhiên khi đọc truyện thơ của Nguyễn Hữu Khai ấy là cảnh quê hương của anh vừa tả trên đây lại là cảnh hoàn toàn có thật, thật một trăm phần trăm ở quê anh. Vì vậy cái thật như đếm của cảnh sắc quê hương, của trai gái quê hương anh, được anh tràn vào thơ với một âm vận lục bát sành điệu, do đó làm cho thơ anh như một bức ảnh chụp hết sức sinh động và chứa chan cảm xúc.


     Truyện trong thơ này lấy khoảng thời gian của trước khi giặc Mỹ leo thang gây chiến tranh ở miền Bắc nước ta. Hồng – một cô gái nết na, Phổ - một chàng trai tuấn tú ở cùng quê, cùng trường học thủa ấu thơ. Nguyện vọng tha thiết của Phổ là cầm súng đánh Mỹ. Cái tài của tác giả là khi sáng tác ra truyện thơ này là thời gian cách trong truyện thơ khá xa, hơn 20 năm chứ không ít. Ấy vậy mà trong truyện thơ đã tái hiện được nguyên xi cảnh trạng. Tình huống mà không ít và nhất là nhịp điệu sống, nhịp điệu sinh hoạt, làm lụng, cấy hái trong thời bấy giờ.

 

“…Chiến trường thi với ruộng đồng
Bà con náo nức cấy trồng vụ xuân
Cờ bay phấp phới xa gần
Tiếng trống thúc giục bước chân mọi người


Khu này rộn tiếng nói cười
Ấy hội thi cấy người người ra tay
Xem ai thắng cuộc hôm nay
Cấy nhanh, cấy khéo, cấy ngay thẳng hàng…”


     Hay là một pha ghi nhanh bằng thơ khá sống động và tứ thơ lung linh, làm cho người đọc nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của ngày ấy:

 

“…Phi lao song lối đường mòn
Hắt hiu ánh nắng đã tròn bóng cây
Nhịp cầu nho nhỏ mới xây
Nước mương cuộn chảy tới đây giật lùi
Vo vo nước xoáy sập sùi
Xốn xang Hồng trộn lo, vui trong lòng
Hội thi tay cấy vừa xong
Chị là kiện tướng một trong ba người
Sen cong cuống búp ngậm cười
Phượng non khép kín sắc tươi là đà…”

 


     Điều đáng nói nhất ở đoạn trên đây còn là cách khai thác tâm trạng đau đáu của Hồng nhớ thương và mong mỏi tin người yêu trong lòng chị. Ngoài ra còn biểu hiện một điều gở và linh cảm không lành đến với chị. (Sau đó là chị nhận giấy báo tử của chồng chưa cưới).


     Toàn bộ truyện thơ dài 1472 câu thơ phong gói một chuyện tình của đôi trai gái, cô gái tên là Hồng. Anh con trai tên là Phổ, rồi một vài người nữa làm mẹ Phổ, Trình bạn thân của hai người, một vài bà con làng xóm. Nhân vật đâu có nhiều vậy cái tình, cái tâm trạng của các nhân vật ấy nhất là nhân vật chính. Hồng – Phổ - Trình… lại đa dạng và sinh động đến thế.


     Một câu chuyện tình cảm động Phổ và Hồng yêu nhau, trầu cau dạm ngõ, thề non hẹn biển khi Phổ ra trận. Hồng ở lại quê nhà xây dựng Hợp tác xã. Thế rồi, năm chờ tháng đợi mà vẫn bặt tin Phổ. Rồi tin báo tử của Phổ về làng, nhận được tin người yêu hy sinh ngoài mặt trận Hồng đau đớn vô hạn. Người ta thường nói đến những khúc ngoặt này của tình cảm, thường là người ta chỉ hạ một câu...”Bút nào tả xiết”. Nhưng với Nguyễn Hữu Khai anh đã tả xiết được, lại tả xiết bằng thơ nữa kia.


     Xin độc giả đọc đoạn thơ sau, lời trong tâm tưởng của Hồng:

 

“…Thoắt nghe Hồng cắn chặt môi
Khụy chân, chững bước bồi hồi ruột gan
Sập cây cành gẫy bình tan
Đất trời nghiêng ngả lệ dàn dụa rơi


Anh ơi muôn dặm xa vời
Em chờ anh nỡ dứt lời hỡi anh
Duyên ta chưa tới ngày lành
Mà sao hóa lá đã thành gió sương


Hỡi ơi! Sóng bể dặm trường
Xương tan thịt nát vãi vương nơi nào
Hỡi trời lồng lộng xanh cao!
Duyên tình còn trẻ nỡ nào cắt đi


Không thương đem đến làm chi
Mà thương còn nỡ chia ly sao đành?
Hỡi trời! Hỡi biển! Hỡi anh!
Thôi thôi duyên đã tan tành từ đây…!”


Xin hãy chú ý bốn câu cuối:
“…Không thương đem đến làm chi
Mà thương còn nỡ chia ly sao đành…?”


     Phải nói rằng bằng thơ mà tả được đến vậy là rất hay. Nó hay ra sao? Nó hay ở chỗ đầy chất nữ tính đến cái nỗi đọc đến đây tôi phải reo lên: “Nguyễn Hữu Khai hiểu tâm trạng con gái quá”. Hiểu thấu đến thế nên là thơ mộc mạc chất phác mà lại gói trọn trong một trạng thái khôn xiết đau đớn của một cô gái có người yêu, chồng chưa cưới vừa nghe tin hy sinh ngoài mặt trận. Thế rồi tâm trạng của người con gái, đến tâm trạng của người mẹ cô gái, trong cùng cảnh mất mát đã được tác giả chuyển đoạn rất khéo. Một núi đau thương của hai con người một già một trẻ cộng lại dài thông qua ba chục câu thơ, ấy vậy mà thật đầy đủ và bộc lộ được tính cách khá rõ của hai mẹ con. Truyện thơ khi miêu tả nhân vật rất có điều kiện để tả tâm tình, vì văn vần nhất là văn vần lục bát thì càng thuận lợi cho việc nói đến tâm trạng. Chỉ có điều nói thế nào, và cách nào. Ở đây, Nguyễn Hữu Khai đã chọn cách tả của tiểu thuyết, nghĩa là tả thẳng vào mỗi nhân vật, rồi từ đó nghĩ đến người thứ ba ra sao? Ở đây tác giả quả thật đã thành công lắm. Xin hãy nghe tâm trạng đau đớn, thương cô gái của một bà mẹ:

 

“…Nhìn trẻ nhức nhối lòng già
Dìu con từng bước vào nhà giải khuyên
Con ơi! Bớt nỗi buồn phiền
Cảnh chung cả nước phải riêng đâu mình


Đã là trọn nghĩa trọn tình
Người tuy khuất bóng nghĩa mình còn đây
Giữ hoa khỏi phụ hồn cây
Trên nhà hai cụ cũng đầy đau thương


Nét lòng giữ nét bình thường
Con lên trên ấy liệu đường nói năng
Nới trùng trong lúc dây căng
Lựa lời an ủi san bằng sầu đau


Chung tình trọn hiếu trước sau
Quên mình đi, để vì nhau mới là…”


     Trong 14 câu trên đây, số câu hay chiếm già nửa trong đó có những câu thơ rất hay, nghĩa là tiêu chuẩn hay là phải lấy chuẩn mực của nhà thơ chuyên nghiệp. Vậy mà Nguyễn Hữu Khai, tôi dám chắc đây là tập thơ truyện đầu tay của anh. Còn những câu rất hay ư? Như câu sau đây:

 

“…Giữ hoa khỏi phụ hồn cây…”
“…Quên mình đi, để vì nhau mới là…”


     Những câu thơ hay thì tác giả nào cũng có. Còn câu thơ hay mộc mạc chân quê thì như thơ của Nguyễn Hữu Khai này cũng đáng là thơ lắm. Và không phải là nhà thơ nào cũng có đâu. Và cô gái trong cảnh đau thương đó: Hồng ra sao đây? Vì bên cô còn mẹ của Phổ, cô đau một thì mẹ đau mười. Cô phải khuyên giải mẹ của Phổ như thế nào bây giờ?


     Nguyễn Hữu Khai tả thật hay: Hồng đã đến đứng dưới hiên nhà Phổ và chìm đắm trong cảnh đau thương của gia đình bố mẹ, anh em của người yêu. Vậy mà tác giả chỉ cần một câu thơ thôi mà nói được hết cả:

 

“…Hồng vẫn đứng lặng một bên
Mái nhà chao đảo đè lên đỉnh đầu…”


     Lấy toàn bộ cái mái nhà là nơi đang chất chứa bao thương đau, cao như núi và mái nhà đó đè xuống đầu Hồng thật không gì đầy đủ hơn khi nói về những nỗi đau thương vô hạn nặng nề đó. Thế là sau câu trên sẽ còn những gì nữa? Còn chứ, và cũng hay không kém. Ta hãy đọc tiếp để xem tâm trạng Hồng có những gì nữa:

 

“…Mẹ Phổ lại ngất hồi lâu
Hồng nâng mẹ dậy lấy dầu cao xoa
Nén tâm tràn mắt lòa nhòa
Liễu lòng oằn nhức, muối trà, thiết dây
Ôm mẹ biết nói gì đây
Nước mắt luồn cổ nghẹn đầy đau thương…”


     Người ta vẫn thường nói, khi nỗi đau được kìm nén thì “nước mắt nuốt vào trong”. Ở đây tác giả cũng ý ấy nhưng lại có hình ảnh hơn!

 

“…Nước mắt luồn cổ nghẹn đầy đau thương…”


     Cách sáng tạo đã rất có chất lượng, chẳng những thế hồn thơ lại thật là bình dị. Cô gái thôn quê nết na đó, nén chịu đau thương, mất mát đó bằng cách đem nghị lực và trí bền vào hành động cụ thể Hồng đã tìm ra được một lẽ sống tích cực, bởi cô hiểu rằng, tuy bây giờ người yêu cô không còn, nhưng không phải vì vậy mà cô chìm đắm mãi trong mất mát lớn đó. Mà cô phải quyết thắng cái nỗi buồn đang dìm cô xuống, mà vượt lên cùng thanh niên trong làng và bà con xây dựng ngày một to đẹp đàng hoàng hơn. Bởi vì, nó cũng chính là ước mơ của người yêu cô. Vậy là, đáp ứng được nguyện vọng của người đã khuất.


     Một thời gian sau, nỗi buồn nguôi bớt, có một chàng trai có tình cảm với Hồng nhưng Hồng đã gạt đi Hồng chưa thể dành trọn trái tim cho ai được. Nhưng rồi với thời gian trôi nhanh, Trình một người bạn của Phổ và của Hồng bị thương từ chiến trận với hoàn cảnh thương tâm mất một mắt, một tay mà khi tỏ tình với Hồng, Hồng ưng thuận. Ngày cưới đã được ấn định thì Phổ về làng, anh bị báo tử nhầm. Phổ chỉ bị bắt làm tù binh, bị giặc tra tấn. Sau này có đợt trao trả của hai bên ta và địch, Phổ chỉ bị bắt làm tù binh, bị giặc tra tấn. Về làng, Phổ biết tin Hồng sắp cưới, mà chồng chưa cưới của Hồng chẳng phải ai xa lạ là bạn anh – một thương binh.


     Nỗi lòng của Phổ thật là ngổn ngang, nhưng với bản lĩnh và sự thấu đáo của người lính, Phổ đã vượt lên. Ta hãy lắng nghe thổ lộ tâm can Phổ khi đến bên Hồng và nỗi lòng của hai người:

 

“…Xót xa rứt ruột khôn cùng
Tủi thương chăn gối lạnh lùng gió đông
Thăm mẹ rồi đến bên Hồng
Tĩnh tâm trò chuyện như không biết gì


Nhẹ như bấc, nặng như chì
Người thì thanh thản, người thì vấn vương
Lánh nhìn lòng lại càng thương
Càng thương, càng thấy khó đường nói ra…”


     Thế rồi Trình, chồng chuẩn bị cưới của Hồng, anh đã hiểu ra. Và đến đây cả ba đang trong mối tơ vò. Tình đã biết vượt lên. Anh có một tâm hồn cao cả đến kỳ lạ. Anh lý giải với Phổ và Hồng và đề nghị hai người trở về với tình đầu của họ. Đến đây thơ của Nguyễn Hữu Khai ngân nga như một hồi chuông dồn lên đổ hồi:

 

“…Đã là trọn nghĩa trước sau
Duyên vàng nhường lại cho nhau mới là
Cũng nên nghĩ đến người ta
Thủy chung đã chọn dứt ra sao đành


Nát lòng khi thấy gẫy cành
Mà tình vàng ấy vẫn dành cho ai?
Thương yêu bố mẹ hôm mai
Chăm sóc sớm tối hơn hai năm trời


Phớt lờ ong bướm ở đời
Tấm lòng vàng ngọc khắc đời hiếu chung…”


     Lại nói về Phổ về sự kiện người yêu của Phổ ngày xưa và lại là vợ sắp cưới bây giờ mà giọng chí thiết chí tình như thế thì có thể nói Trình, lòng anh tâm hồn anh cao cả biết nhường nào! Phải rồi, Trình cũng như Phổ, tận trung, tận hiếu với nước non, đến nỗi tấm thân quý giá đâu có tiếc, xông vào cuộc chiến đấu để cùng đồng đội giành lấy chiến công. Những con người đẹp đẽ như vậy họ phải hẳn có một tâm hồn đẹp. Và xin hãy đọc tiếp lời Trình:

 

“…Lánh người tài đức khôn cùng
Với tôi tàn tật lại chung duyên tình
Ơn người thương mến đến mình
Nay lòng xin nguyện trắng tinh bạn đời…”


     Chao ôi! Một tâm hồn cao thượng là vậy mà lại nói giản dị là vậy. Tình bạn và tình yêu hòa trộn, để rồi nguyện với lòng mình để tình bạn lên trên, bởi đó là tình cảm của những người cùng chiến hào mà. Xin cứ hãy đọc tiếp lời Trình:

 

“…Mong rằng Phổ hãy nhận lời
Để cho trọn vẹn tình đời chúng ta
Như thế thì mới gọi là
Tình sâu nghĩa nặng đậm đà cả hai
Gian nan từng trải đường dài
Gan vàng dạ sắt sao phai duyên màu…?”


     Người ta nói, đã là núi phải có đỉnh, đã là một tâm hồn thanh cao thì trên đỉnh của thanh cao đó là hồi chuông của lời cao cả, lời nghĩa tình. Phải rồi đã là mối quan hệ của tình bạn và tình yêu với đúng cái nghĩa chân xác và chính trực thì nó giản dị là vậy. Chúng ta đọc tiếp lời Phổ:

 

“…Đang tươi đổi sắc thành sầu
Phổ nghèn nghẹn giọng lựa câu đáp lời:


“…Trình ơi! Lòng dạ biển trời
Chất đầy thuyền nghĩa chở lời ơn anh…”

 

     Chúng ta thấy xúc cảm của Phổ cũng thật là chân thành và xúc cảm ở đây Nguyễn Hữu Khai đã biết dừng bút một cách chính xác rằng chỉ có thể nói được đến thế mới là Phổ và hay nhất là câu:

 

“…Đang tươi đổi sắc thành sầu…”


     Ta hãy chú ý đến cách miêu tả chân dung Phổ của tác giả. Ở đây tác giả thật am hiểu tâm lý của những con người chân chính. Trước cái lớn lao của bạn, Phổ ngập như bơi giữa biển sâu mênh mông, đã trong cảnh huống ấy thì dầu can đảm đến đâu cũng ngợp và đã ngợp thì sao có thể “Đang tươi…”mãi được. Và sự biến sắc mặt ấy cũng chính là sự biểu hiện của một con người có tâm hồn cao thượng, biết chừng mực. Đó là trong sâu xa Phổ không thể không chấp nhận mối quan hệ của Trình và Hồng, vì anh đã “hy sinh” rồi kia mà. Bây giờ anh trở về khi biết Hồng đã có nơi chốn mà nơi chốn lại chính là bạn anh, Phổ đã phần lớn tự lấy lại trong tâm hồn mình sự bình yên và cũng sẽ mừng cho đôi lứa đó rồi. Bởi nên sự thay đổi của Trình với Hồng và Phổ, với Phổ nó quá lớn lao, quá cao và quá đẹp. Ta hãy để ý đến tâm trạng Hồng:

 

“… Rằng: Bên Trình một năm thừa
Tháng ngày sóng gió nắng mưa có Trình
Thương người quá nỗi thương mình
Rút tơ, luộc nhộng nấu tình xót xa…”


     Quê hương Hà Tây có nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa. Sự đau xót, dằn vặt đấu tranh tư tưởng của Hồng đã được tác giả khắc họa bằng hình ảnh “ươm tơ kéo kén”: (Muốn lấy tơ từ kén tằm người ta phải cho kén vào nước sôi, mà trong kén có con nhộng. Nhộng phải chìm nổi trong nước sôi lửa bỏng). Đây là lúc Hồng nghĩ tới sự nối lại tơ duyên cùng Phổ thì khác nào sợi dây tơ tình ấy được rút ra từ kén và sự đau đớn khổ sở của Trình khác nào như con nhộng bị luộc trong nước sôi. Và như thế thì lòng dạ nào Hồng có thể cam chịu vì vậy nên:

 

“…Lòng nào thêu gấm dệt hoa
Muốn phơi nắng gió phôi pha một đời!...”


     Chị đã định giãi tình đời phơi trong nắng gió, trả thà chấp nhận mất tất cả… và thế rồi chị đã chết ngất trước hai bạn đời.

 

“Tâm can vò xé tơi bời
Mắt mờ giọng nghẹn, hồn rời khỏi hoa
Thương ơi! Lặng ngất giữa nhà
Ôm chân, ôm cổ xót xa hai lòng…”


     Đau xót dâng trào trong lòng Trình và Phổ nhưng họ chỉ dám lao vào “…Người ôm chân, kẻ ôm cổ” đúng nghĩa cử của những chàng thanh niên thời ấy. Và dưới đây nữa. Nếu trong tập truyện thơ này có đoạn nào hay nhất được lấy ra trong vô số đoạn hay thì đoạn dưới đây tôi cho là hay đến ngất lòng người đọc:

 

“…Tỉnh ra, lệ nóng tuôn dòng
Thề xưa, xối xả những mong giữ lời
Ân tình đành trải đôi nơi
Tình đầu nối lại một đời một dây


Bình vơi sẻ nước ắp đầy
Cơm sôi giảm lửa căng dây nới trùng
Các anh đã một ý chung
Tim em một nhịp hòa cùng các anh


Hoa xưa lại được nhập cành
Ơn người rộng lượng ghép lành gương tan…”


     Trong tiểu thuyết và cả trong truyện thơ, tâm trạng con gái, phụ nữ bao giờ cũng rất khó miêu tả đối với người viết. Vậy mà ở đây tác giả đã không những tả đúng trạng huống của Hồng, một cô gái đang đứng trước ngã ba đường tình. Cả hai đều đã có tình yêu và đã có tình thương. Thật là rắc rối tơ lòng mà còn tả rất đúng tâm lý của một cô gái quê thuần hậu. Khôn ngoan, biết tiến thoái đúng mức và luôn biết xử lý một cách hợp lý và chẳng hề chìm đắm trong bi thương khốc liệt.


     Con người cao cả thì cả lý và tình đều rạng rỡ. Những con người đẹp, cao thượng khôn khéo và dũng cảm như vậy nay trong tình yêu thì làm sao mà lại không thể đánh thắng kẻ thù lớn là đế quốc Mỹ cho được. Trong chủ đề là tình yêu và cách cư xử với tình yêu, Nguyễn Hữu Khai đã làm một quy chiếu với phổ quát rộng lớn đó là: Đất nước mình ngày ấy đã sản sinh những thế hệ con trai, con gái tuyệt vời biết bao.


     Nguyễn Hữu Khai quả là đã thành công trong tập truyện thơ này. Điều quan trọng hơn nữa là khi đang đọc tập truyện thơ này của Khai ta lại thấy như thấp thoáng giữa những dòng thơ của Khai hiện lên những tập thơ khác nữa. Chúng ta mong được đón đọc tiếp những tập thơ mới của anh.

Tác giả Bùi Bình Thi

 

 

--------------------------

Nguồn: giaithuong.vn

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: