Chủ nhật, 22/12/2024,


Khi các đại sứ và phu nhân nghe Quan họ (17/05/2009) 

Hơn 50 đoàn ngoại giao đã có mặt tại đình làng Tam Tảo, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh vào tối 5-5 vừa qua để đắm mình trong không gian hát Quan họ truyền thống vùng Kinh Bắc. Đây là nỗ lực của ngành ngoại giao Việt Nam trong việc vận động sự ủng hộ quốc tế, giúp Quan họ của Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (sẽ được Ủy ban Tư vấn khu vực châu Á xem xét vào tháng 6 tới).

 

        

 

Bất ngờ đầu tiên đối với 26 vị đại sứ và trưởng các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam chính là sự thay đổi đầy thú vị về mặt ngoại hình của các vị phu nhân trong trang phục của người Quan họ. Cũng yếm đỏ, áo tứ thân, khăn mỏ quạ, nón thúng quai thao... các phu nhân bỗng trở thành những 'liền chị” đằm thắm, nồng nàn trong không gian cổ kính của ngôi đình hơn 600 tuổi.

Được đón bằng những câu hát, các đại sứ và phu nhân, cùng đoàn ngoại giao của hơn 50 quốc gia đã được các 'liền anh', 'liền chị” dẫn ngược dòng về quá khứ, để hiểu về xuất xứ của những câu hát; không gian diễn xướng của người Quan họ; cách thức tổ chức một canh hát; các lề lối hát; tục lệ sinh hoạt của người Quan họ. Qua đó, họ có thể cảm nhận được tính độc đáo của không gian hát Quan họ cũng như sự kỳ công trong việc truyền dạy lối hát độc đáo này qua các thế hệ.

Ca sĩ Doreen Fernander, người Philippines, nhạc công chơi đàn David - vốn là giáo viên dạy nhạc ở Trường Quốc tế Hà Nội - đã cùng các nhạc công người Việt Nam biểu diễn bài Bèo dạt mây trôi, khiến đại sứ Hàn Quốc đã xúc động: 'Tôi bị mê hoặc bởi sự nồng nàn, da diết của mỗi giai điệu. Có thể nói, Quan họ không chỉ là di sản của Việt Nam mà còn là di sản của thế giới.  Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định ủng hộ hồ sơ Quan họ của Việt Nam. Việc xem xét hồ sơ này sẽ được  Ủy ban Tư vấn  khu vực châu Á  xem xét vào tháng 6-2009 và Hàn Quốc  là một trong sáu thành viên'.

Cũng bị Quan họ làm 'say', đại sứ Italia bày tỏ: 'Nếu cái đích mà Việt Nam hướng tới cho Năm ngoại giao văn hóa là quảng  bá hình ảnh đất nước, giúp thế giới hiểu hơn về Việt Nam - một đất nước có bề dày văn hóa; cởi mở, hào hiệp và thanh bình thì không có cách nào tốt hơn là tổ chức những buổi giao lưu văn hóa như thế này. Qua buổi giao lưu hôm nay, tôi hiểu hơn về tính nguyên bản của văn hóa Việt Nam. Tôi cũng nhìn thấy yếu tố nhân bản  trong các làn điệu Quan họ, giống như những gì tôi đã nhìn thấy trong những làn điệu dân ca đặc sắc của Italia quê hương tôi. Tôi sẽ kiến nghị với Chính phủ Italia ủng hộ Quan họ trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại'.

Cùng quan điểm với đại sứ Italia, các đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ, Cu Ba, Mexico... đều khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam. Họ tin tưởng hồ sơ Quan họ của Việt Nam sẽ nhận được sự đồng thuận cao của các thành viên trong Ủy ban Tư vấn khu vực châu Á cũng như Ủy ban Liên chính phủ của Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Trong suốt một giờ, hơn 1.000 người dân xã Phú Lâm đã đứng thành hàng rào bên cạnh đường, trật tự chứng kiến buổi giao lưu văn hóa này. Khi câu hát giã bạn vang lên, sự xúc động có tính cộng hưởng lan tỏa trong không gian. Hàng trăm người hát câu 'Đứng bên kia đường trông sang'. Các 'liền chị” tháp tùng các vị phu nhân với câu 'Người ở đừng về'. Các vị khách trong đoàn ngoại giao thì nắm tay các 'liền chị” trong câu 'Người ơi người ở'... Khách và chủ đều xúc động.

Nói về hiệu quả của buổi giao lưu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn khẳng định: 'Cuộc giao lưu hôm nay đã thu được hiệu quả rất cao.  Đoàn ngoại giao đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Họ không nghĩ Việt Nam lại có một nền văn hóa dân tộc độc đáo đến vậy. Sau cuộc giao lưu này, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa hoạt động ngoại giao về các địa phương,  giới thiệu với các đoàn ngoại giao các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Việt Nam, như ca trù, múa, rối nước, sử thi Tây Nguyên'.

 

Theo CHU THU HẰNG – Báo Phụ Nữ TP HCM

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: