Thứ năm, 25/04/2024,


Lễ hội thường niên Thơ Lục bát? (15/05/2009) 

     Thơ Lục bát từ lâu đã được coi là “Thơ của người Việt”, ở đâu có lục bát là ở đó có văn hóa Việt Nam. Nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá nghệ thuật cũng như truyền thống dân tộc của thể thơ này, tới đây thơ Lục bát sẽ có một Lễ hội được tổ chức hàng năm.

 

     Ý tưởng đó được bắt nguồn từ trước khi có cuộc thi sáng tác thơ Lục bát với chủ đề “Ngàn năm thương nhớ” của năm cơ quan báo chí trong nước và website lucbat.com cùng hướng tới ngày đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.

 

     Từ trước đến nay, ngoài những cuộc thi do các cơ quan, tổ chức Nhà nước, còn có các cuộc thi do một công ty, cá nhân hay tổ chức ngoài hệ thống Nhà nước độc lập đứng ra phát động, lucbat.com là trang web của một nhóm liên kết những người yêu thơ lục bát, do nhà thơ Đặng Vương Hưng sáng lập và Chủ nhiệm.

 

     PV: Lí do nào lucbat.com là một trong sáu cơ quan cùng tổ chức cuộc thi sáng tác thơ lục bát “Ngàn năm thương nhớ”?

 

     Nhà thơ Đặng Vương Hưng: Nhà nước mình đã có chủ trương xã hội hoá những hoạt động văn hóa có ích để tôn vinh truyền thống văn hoá dân tộc. Hoạt động mang tính chất xã hội hoá thì không kể Nhà nước hay tư nhân. Khi chúng tôi đưa ra một ý tưởng mà nó đúng với điều xã hội đang cần thì thuyết phục được các các cơ quan báo chí đứng ra tổ chức cùng. Tất nhiên, chúng tôi biết khi mà chấp nhận ý tưởng này thì 5 cơ quan báo chí cũng đã có những cân nhắc...

 

     Trong cuộc thi nói trên, chúng tôi chỉ là người khởi xướng, còn thực hiện và kết quả như thế nào là do tất cả các bên.

 

     PV: Những cây bút trẻ khi bắt đầu đến với thơ thông thường họ làm thơ có vần, trong đó có lục bát. Nhưng sau một thời gian thì họ chuyển hướng, có nhiều bung phá, cách tân và phần lớn là làm thơ không vần. Liệu như vậy thì cuộc thi “Ngàn năm thương nhớ” có hướng về những cây bút trẻ không?

 

     Nhà thơ Đặng Vương Hưng: Tất cả các cuộc thi đều hướng về nhiều đối tượng tham gia, trong đó có những cây bút trẻ, cuộc thi này cũng vậy. Bởi đơn giản, người trẻ mới biết vi tính. Còn với người lớn tuổi và người già hiện nay thì ít người thành thạo vi tính.

 

     Cuộc thi rất mong muốn các cây bút trẻ tham gia để đưa đời sống mới vào, đặt vấn đề hiện đại và diễn đạt bằng nghệ thuật của ngàn năm.

 

     PV: Đó có phải là lý do mà tên gọi của cuộc thi “Ngàn năm thương nhớ” gợi cho người tham gia sáng tác những gì “hoài niệm”, “cổ xưa”, nhưng một trong sáu giải đặc biệt dành cho tác phẩm độc đáo lại có “Giải thưởng dành cho bài lục bát mang tính thời sự cập nhật đời sống nhất”?

 

     Nhà thơ Đặng Vương Hưng: Ngay cả thơ lục bát - thể thơ truyền thống có từ lâu đời của dân tộc thì cũng không thể tách rời cuộc sống được.

 

     Thực ra cái tên của cuộc thi này mang ý nghĩa tượng trưng: Một là ngàn năm Thăng Long - Hà Nội; Hai là ngàn năm thơ ca của cội nguồn, của văn hoá dân tộc. Cái tên “Ngàn năm thương nhớ” của cuộc thi là một điểm nhấn để người ta nhớ, chứ không chỉ giới hạn trong Hà Nội, vì Thăng Long - Hà Nội là thủ đô của cả nước mà.

 

     PV: Trong một ngàn năm văn hoá lịch sử qua đã có rất nhiều tác phẩm thơ là lục bát được khẳng định, được độc giả nhớ đến và đã có một số cuộc thi tuyển chọn để tìm ra những bài lục bát hay theo những tiêu chí riêng. Còn đến với cuộc thi “Ngàn năm thương nhớ” là những sáng tác hoàn toàn chưa công bố, vậy phải chăng mục đích cuộc thi muốn kiếm tìm cái mới?

 

     Nhà thơ Đặng Vương Hưng: Cuộc thi nào cũng mong muốn phát hiện ra những cái mới: tác phẩm mới, tác giả mới và tài năng mới. Tuy nhiên, lục bát là thể thơ truyền thống có từ rất lâu đời và phát triển liên tục. Thời điểm hiện nay có rất nhiều cuộc thi về chủ đề Thăng Long - Hà Nội. Nhưng ở cuộc thi này có những cái mới là nó huy động rất nhiều báo chí tham gia. Không phải cuộc thi nào cũng huy động được sáu cơ quan tham gia và mỗi cơ quan báo chí có một đối tượng bạn đọc, nhu cầu riêng và cộng tác viên riêng. Ví dụ báo Người cao tuổi, có đối tượng rất đông đảo là các cụ. Cả Việt Nam có gần chục triệu người cao tuổi và trong đó, tôi đồ rằng phải có đến một triệu người làm thơ. Các cụ vừa có thời gian lại vừa có nhu cầu văn hóa tinh thần. Đến với thơ lục bát là hướng thiện, là văn hoá và cả tâm linh nữa. Còn đối tượng bên báo Giáo dục và Thời đại là nhà trường, các thày cô giáo và học sinh, sinh viên, nên rất rộng… Nhiều báo cùng tổ chức, sẽ làm cho cuộc thi mang tính phổ cập xã hội hơn.

 

     Cuộc thi này chấp nhận cả đối tượng chuyên nghiệp, không chuyên, cả người già, đối tượng học sinh, sinh viên và người nước ngoài biết tiếng Việt. Mục đích chính của chúng tôi là tạo cho người yêu thơ cả nước một ấn tượng, tiến tới chúng tôi sẽ xây dựng “Lễ hội lục bát”.

 

     PV: Nhân nói về “Lễ hội Lục bát” được đề cập đến (trong ngày 6/8 - Âm lịch) hàng năm. Trong thể lệ cuộc thi, có ghi thời gian nhận bài từ tháng 4 và kết thúc là tháng 9. Với thời gian 6 tháng để tham gia cuộc thi có quy mô lớn như vậy, liệu có ít không và đó có phải do ban tổ chức đang “ép” để vào đúng ngày chủ định cho “Lễ hội Lục bát”?

 

     Nhà thơ Đặng Vương Hưng: Tôi nghĩ thời gian không quan trọng. Có những cuộc thi chỉ diễn ra một, hai tháng thôi nhưng cũng có cuộc thi kéo dài vài ba năm. Và chất lượng một cuộc thi không có nghĩa thời gian dài sẽ tốt hơn mà do tổ chức, quảng bá, tuyên truyền. Ngay cả chuyện thuyết phục ban tổ chức kết thúc nhận bài vào ngày 6-8 âm lịch cũng cả là một vấn đề.

 

     Trong sáu tháng ấy cũng đủ để người ta làm được một chùm thơ. Với một chùm thơ năm bài, (nói vui là mỗi tháng làm một bài) thì thời gian 6 tháng cũng là quá đủ. Hơn nữa có nhiều người không phải đến bây giờ mới viết, mà họ viết thường xuyên, liên tục. Vậy thì trong 6 tháng để viết năm bài cũng là nhiều, thời gian ấy đủ để người ta dồn tâm vào viết một chùm ưng ý nhất. Nếu 6 tháng phải viết một cuốn tiểu thuyết thì mới lo thiếu thời gian, nhưng thơ thì được.

 

     PV: Nhà thơ có thể nói đôi điều về “Lễ hội Lục bát” sắp tới?

 

     Nhà thơ Đặng Vương Hưng: Đấy cũng là một ý tưởng mà tới đây chúng tôi sẽ đưa lên trang web lucbat.com một chuyên mục “Chúng ta sẽ làm gì trong ngày Lễ hội Lục bát?”, thăm dò ý kiến của bạn đọc để tất cả cùng nghĩ và đóng góp ý tưởng sáng tạo xem sẽ làm như thế nào. Tất cả đều tự nguyện, tự giác. Vì một yếu tố quan trọng của lễ hội là vui vẻ, tự giác.

 

     Các hoạt động diễn ra trong “Lễ hội Lục bát” đều tôn vinh thơ lục bát. Ví dụ có hát thơ - những bài thơ lục bát được phổ nhạc rất hiện đại. Mảng dân gian thì các thể loại dân ca nào liên quan đến thơ lục bát như hát xẩm, hát chầu văn sẽ được thể hiện. Có hoạt động biểu diễn thư họa thơ lục bát. Có những trò chơi, câu đố liên quan đến thơ lục bát. Thậm chí chúng tôi còn dự định mời cả hậu duệ của nhà thơ Nguyễn Du, các nhà thơ lục bát nổi tiếng của chúng ta cùng gặp mặt, giao lưu với người yêu thơ lục bát. Lễ hội sẽ không tổ chức trong một hội trường salon long trọng kiểu Tây, mà có thể ở đình, chùa nào đó, hay Văn Miếu. Ngày đó hoàn toàn diễn ra trong không gian quê kiểng, nhưng không phải lạc hậu mà là những cái có văn hoá truyền thống.

 

     Qua năm đầu tiên tổ chức, nếu cái gì tốt thì phát huy duy trì, cái gì chưa tốt, cần điều chỉnh bổ sung thì sẽ khắc phục cho những năm sau. Vì lễ hội là cùng làm với nhau chứ không phải chỉ có một người.

 

     PV: Hiện nay với tất cả những người yêu mến thơ ca, “Ngày thơ Việt Nam” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã trở thành ngày hội hàng năm. Vậy “Lễ hội Lục bát” có sự tham gia từ phía Hội Nhà văn hay không?

 

     Nhà thơ Đặng Vương Hưng: Chúng tôi cũng chưa đặt vấn đề sẽ mời Hội Nhà văn tham gia như thế nào, vì xác định đây là hoạt động mang tính xã hội hoá nên chúng tôi không nặng về hành chính, nhưng bắt buộc phải có Ban tổ chức được thành lập trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện của mọi người, dành cho ai có khả năng tổ chức và có tâm huyết với thơ lục bát để lễ hội trở thành “văn hóa và khoa học” chứ không phải mạnh ai người ấy làm, thích làm gì tuỳ hứng là không có. Xin nhấn mạnh là lễ hội sẽ mang tính xã hội hoá, nên Hội Nhà văn có thể tham gia hoặc không. Cũng có thể, Ban Tổ chức chỉ mời với tư cách cá nhân một số nhà thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, chứ không mang nặng tính hành chính.

 

     PV: Thế còn vấn đề kinh phí để tổ chức Lễ hội?

 

     Nhà thơ Đặng Vương Hưng: Về kinh phí, nếu xin được tài trợ thì tốt, còn năm nào không xin được thì tổ chức theo khả năng trên tinh thần tự nguyện của tất cả mọi người.

 

     PV: Trên thực tế từng có những hoạt động văn chương mang tính xã hội hoá sau một thời gian đã dần được chấp nhận thì lại tuyên bố “tạm dừng” vì thiếu kinh phí. Với mong muốn “Lễ hội Lục bát” sẽ trở thành lễ hội hàng năm, liệu có tồn tại được lâu dài khi không có nguồn kinh phí ổn định?

 

     Nhà thơ Đặng Vương Hưng: Một mặt chúng tôi tìm nguồn tài trợ, mặt khác, những ai tham gia lễ hội có thể đóng góp tự nguyện. Hơn nữa lễ hội không phải kinh doanh và về hình thức không tốn kém, chứ chúng tôi không hoàn toàn trông chờ và lệ thuộc vào nguồn tài trợ.

 

     PV: Website lucbat.com còn có những hoạt động gì để hướng về ngày đại lễ “Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội”?

 

     Nhà thơ Đặng Vương Hưng: Với lucbat.com chúng tôi còn đang có cuộc bình chọn “Ngàn câu lục bát để đời” (phối hợp với Cty VMA). Nếu cuộc thi “Ngàn năm thương nhớ” là tiếp thu những sáng tác mới, chưa công bố, thì “Ngàn câu lục bát để đời” là giới thiệu những cái được thẩm định rồi. Các tác giả và người yêu thơ sẽ tự chọn và gửi đến, ưu tiên tác phẩm đã có bản quyền và được tác giả đồng ý gửi tặng miễn phí cho ban tổ chức. Chúng tôi sẽ phối hợp với công ty mỹ thuật VMA để viết những câu thơ lục bát được chọn bằng hình thức thư họa trên các sản phẩm như gốm sứ, gỗ, kim loại… Tất nhiên, “để đời” cũng chỉ là một cách gọi, là mơ ước và khát vọng của chúng tôi.

 

     Cảm ơn nhà thơ!

 

HIỀN NGUYỄN (thực hiện)

Nguồn: Báo điện tử Tổ Quốc

 

 

_______________

   Có thể tham khảo thêm thông tin về Nhà thơ Đặng Vương Hưng qua:

       http://lucbat.com/home.php?lan=v&id=chandung&code=41

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: