Thứ tư, 01/05/2024,


Hãy mở lòng ra với cuộc đời (Phần 1) (14/05/2009) 

Tốt nghiệp ngành khai thác máy tàu biển trường Đại học Hàng hải Hải phòng năm 1989, sau hai năm nán lại thành phố cảng để kiếm việc làm nhưng không có cơ hội, tôi đành trở về quê trong nỗi thất vọng ê chề của cả gia đình. Về quê nhưng không còn hộ khẩu (hồi chúng tôi đi học chuyển luôn cả hộ khẩu về trường, khi chưa có việc nhà trường chưa cho chuyển đi) nên tôi không được địa phương cấp ruộng canh tác. Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, cuộc sống của người dân quê tôi phần lớn là khó khăn. Để nuôi mình, nuôi mẹ, nuôi em đang học đại học, không còn cách nào khác tôi phải chạy hàng cho mẹ ngồi chợ.

 

Mỗi lần xuống Vinh để lấy các thứ hàng vặt vãnh, vô tình gặp người quen hoặc bạn bè đã có việc làm ổn định nơi thành phố, lòng tôi lại trào lên bao nỗi xót xa. Nỗi tủi cực về thân phận nghèo ám ảnh tôi từng đêm mê ngủ song tôi vẫn cắn răng chịu cực và tìm kiếm niềm vui từ chính nỗi cực nhọc của mình. Mùa hè nóng rát da, mùa đông rét cắt thịt, mỗi ngày tôi đạp xe gần 50km cả đi lẫn về tuyến Khánh Sơn - Vinh - Nam Đàn để vận chuyển hàng.

 

Trên xe đạp của tôi, ngày ít thì 50kg hàng gồm nước mắm, bánh kẹo, bún khô, ngày nhiều khoảng gấp rưỡi, lễ tết có khi gấp đôi, gấp ba. Mỗi chuyến hàng nếu được mẹ tôi bán hết, tôi cũng chỉ lãi khoảng chục ngàn đồng.

 

Thường thì tôi đi lấy hàng lúc 4 giờ sáng và chỉ trở về lúc nhà đã đỏ đèn. Buôn bán cực nhọc, xe lại thường xuyên hỏng hóc nên lời lãi chẳng là bao. Mùa hè gió Lào thổi ngược hướng đi, đạp xe hụt cả hơi. Mùa mưa lũ, gồng cả mình để dắt cả xe hàng băng qua khóm ra bến sông. Nhiều khi nước lũ chảy băng băng, chỉ cần vài giây tôi lơi tay là cả người và xe hàng trôi ra biển lớn.

 

Những ngày đi lấy hàng, tôi thường bỏ cơm nhà. Bữa nào mệt tôi tự cho phép mình ăn một suất cơm bình dân dọc đường với giá 2.500 đồng/suất. Bữa nào khỏe, tôi mang khoai, sắn luộc theo xe hoặc ăn mì tôm cho đỡ tốn tiền. Lắm khi hàng ế tôi lại đạp hơn 40km từ quê xuống nhà máy đường Hưng Châu lấy đường, sau lại ngược về Kim Liên để nhập cho bà chị họ bán.

 

Hai bao đường, mỗi bao 50kg, người chị họ tính công cho tôi 15.000 đồng- một khoản tiền tuy nhỏ nhưng thật sự có ý nghĩa với tôi hồi bấy giờ. Một năm có 365 ngày thì có đến 355 ngày tôi có mặt tại Vinh để lấy hàng. Mấy năm chạy hàng, người tôi xác xơ như mắm. Nhìn bạn bè đã ổn định công ăn việc làm, tôi lại ngẩn ngơ nuối tiếc những ước mơ đẹp đẽ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, để rồi sau đó nghẹn ngào cho nước mắt chảy vào tim.

 

Hai năm sau, có người anh họ đang công tác tại TP. HCM nhắn tôi vào Nam để xin việc làm, mà sau này tôi mới biết mình bị gạt. Năm đó gia đình anh họ thuyết phục bà mẹ già bán hai căn nhà và vuờn tược ở quê với giá 9 cây vàng để vào Nam. Không có người đưa mẹ và quản lý 4 cây vàng trong quá trình vào Nam, người anh họ đã nhờ tôi đưa giùm bà đi và hứa sẽ xin việc làm cho tôi.

 

Nhưng không may cho tôi là tôi bị ông anh họ bội ước sau hai tuần tới Sài Gòn. Sợ phiền phức và tốn kém khi có tôi ở trong nhà, người anh họ đã đưa tôi đến gặp một chủ thầu xây dựng ở Gò Vấp để làm hồ, đồng thời xin cho tôi tá túc trong các lán trại trạm tại công trình.

 

Làm phụ hồ chưa quen, tay chân lóng nga lóng ngóng tôi bị thợ chính chửi như cơm bữa. Nhiều bữa leo lên giàn giáo cao 7-8 mét mà tôi rợn cả người vì thiếu dây an toàn. Do ăn uống kham khổ, sức khỏe tôi giảm sút nghiêm trọng.

 

Ba tháng sau tôi bắt đầu ho ra máu. Thương tôi, người chủ thầu đưa tôi đến trạm y tế khám bệnh; và cũng tại đây tôi bàng hoàng khi hay tin mình đã mắc bệnh lao. Vợ ông chủ thầu biết chuyện cho tôi hai triệu đồng chữa bệnh. May mắn là tôi khỏi bệnh, nhưng khi trở lại công trình cũ thì đơn vị thi công đã đi chỗ khác. Tôi thất lạc vợ chồng người chủ thầu tốt bụng nọ và vẫn luôn khắc sâu vào dạ tấm lòng ân nghĩa của họ ngày nào.

 

(Còn tiếp)

 

 

NGỌC LUẬN (Vũng Tàu)

Nguồn: vietbao.vn

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: