Thứ năm, 28/03/2024,


Nhà văn Lê Lựu nhập viện (25/07/2008) 

Chương trình 'Đồng đội tôi - Những người lính làm doanh nhân' do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân tổ chức tại Nhà Hát lớn Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 ngày 20/7 đã khiến hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ xúc động... Nhưng rất ít người biết: Nhà văn Lê Lựu - 'Tổng công trình sư'' của chương trình nói trên đã không có mặt để chứng kiến...

 

Cấp cứu khi chương trình khai mạc


Khi chương trình được khai mạc, cũng là lúc người nhà đưa ông tới Viện Quân y 108 để cấp cứu. Các bác sĩ đã xác định: Lê Lựu đang bị... teo não và tụ máu trước trán. Cơn tai biến đã khiến ông hơi méo mồm và nửa thân bên trái bị liệt.

 

Đến thăm nhà văn Lê Lựu đang năm viện 108

 

 

Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942 tại Khoái Châu, Hưng Yên. Từng nhiều năm công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Gần trọn cuộc đời gắn bó với binh nghiệp, trước khi về hưu, ông được phong hàm tới cấp Đại tá. Lê Lựu là người viết rất khoẻ, hơn 40 năm cầm bút, ông đã cho xuất bản hàng chục đầu sách. Tên tuổi của Lê Lựu gắn liền với những tác phẩm nổi tiếng: Người cầm súng, Mở rừng, Phía mặt trời, Chuyện Làng Cuội và nhất là Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông... đã được dựng thành phim và gây ấn tượng mạnh trong lòng độc giả.


Lê Lựu thường nhận mình là “lão nhà quꔓgã ngu ngơ”, là “kẻ dở hơi”,“thằng ăn mày”... Đó là thời ông cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa kẻ tung người hứng, rất giỏi chuyện tự giễu mình và cũng là tự “quảng cáo” cho mình.


Gần đây, người ta biết nhiều đến Lê Lựu trên cương vị là một nhà quản lý - người đã sáng lập, tổ chức và điều hành Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam. Đã 6 năm ngồi ghế Giám đốc Trung tâm này, với nhiều hoạt động 'nổi đình đám', thu hút sự chú ý của báo giới và dư luận, nhưng Lê Lựu vẫn thích nhai trầu, ăn bún đậu mắm tôm, uống bia cỏ, mặc quần ngố và đi dép lê. Những lúc buộc phải trịnh trọng đóng bộ com lê - ca vát - giày Tây là ông tỏ ra khổ sở và khó chịu lắm.


Lê Lựu là người rất chăm chỉ rèn luyện sức khoẻ. Nhiều năm qua, nắng cũng như mưa, ngày nào ông cũng dành thời gian hàng tiếng đồng hồ để đi bộ, thay thể thao. Nhưng cũng khoảng chục năm gần đây, Lê Lựu bị mắc bệnh tiểu đường, phải uống thuốc thường xuyên.

 

Trước khi nhập viện, đòi đi qua... Nhà hát Lớn!


Chương trình 'Đồng đội tôi - Những người lính làm doanh nhân' đã được chuẩn bị trước đó nhiều tháng trời. Càng gần tới ngày khai cuộc, Lê Lựu càng bận rộn. Ông phải nhiều đêm thiếu ngủ, nhiều bữa quên ăn chạy đôn chạy đáo lo đủ thứ từ nhỏ đến lớn. Không may, đúng ngày tổng duyệt chương trình, Lê Lựu bị cảm vì ngấm nước mưa. Nhưng thực ra đó chỉ là chuyện sức khỏe, như 'giọt nước tràn li' đã khiến ông gục ngã.

 

Tối ngày 19-7, sau khi vào việc chụp 'xi ti', các bác sĩ đã quyết định giữ Lê Lựu lại bệnh viện để điều trị, nhưng ông kiên quyết phản đối, vì lo lắng cho chương trình hôm sau. Sáng ngày 20-7, gia đình và bạn bè đã thuyết phục được Lê Lựu vào viện. Ông đồng ý với điều kiện: Trước khi nhập viện phải cho ông đi... qua Nhà Hát Lớn. Gia đình buộc phải chiều theo. Khi chiếc taxi chở Lê Lựu dừng lại trước cửa Nhà Hát Lớn, ông giục điện thoại cho mời đạo diễn, MC và người được ông trao quyền thay mình ra để dặn dò kỹ một số yêu cầu. Để rồi khi chương trình bắt đầu khai mạc, cũng là lúc người ta đưa Lê Lựu vào vào thẳng Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.


Những ngày này, nhà văn Lê Lựu buộc phải nằm bất động trên tầng 6 của Khu Trung tâm Công nghệ cao - Viện 108. Khi chúng tôi vào thăm, thấy trên người ông gắn đầy những dây điện cực, kim tiêm và ống ghen... các bác sĩ đang theo dõi từng nhịp tim, hơi thở cho ông. Thỉnh thoảnh lại có điện thoại gọi tới số máy di động 0904000123 của Lê Lựu để hỏi thăm. Người nhà phải thay ông thưa máy, hãn hữu lắm mới chuyển điện thoại ghé vào tai Lê Lựu. Ông thều thào khó nhọc: 'Lê Lựu đây. Cảm ơn, mình không sao đâu, sắp khoẻ rồi'.

Đặng Vương Hưng

(Hà Nội, 22-7-2008)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: