Thứ bảy, 27/04/2024,


“Thương hơn với những lăn lóc ở đời” (07/05/2009) 

    

Một chiều trong quán trà nhỏ trên phố Ngô Quyền, lần đầu tiên tôi gặp Chu Thị Thơm. Một người đàn bà đẹp. Người đẹp mà mê thơ, say thơ thì đa đoan lắm. Vì thế, đang là giáo viên dạy văn ở một trường năng khiếu của tỉnh Thái Nguyên, chị quyết tâm đi học khóa 5-Trường Đại học viết văn Nguyễn Du. Rồi ở lại Hà Nội, làm báo. Tôi nhận thấy trong chị như dồn nén rất nhiều tâm sự. Và khi đọc hết tập thơ “Gió và em” của chị (NXB Thanh Niên ấn hành năm 2008), tôi khẳng định cảm giác đầu tiên của tôi về chị là thật.

Chị lấy chuyện cổ tích để nói những điều thực tại, đem cái ảo và ước mơ để luận những uẩn khúc đời người:

 

“Nghe đá kể những đầy vơi của sóng

nghe rêu buồn phủ lên giấc trăm năm

nghe bùn quánh những quặn đau của đáy

nghe ghềnh rên những thác lớn lạc dòng”

 

Điệp khúc “nghe” chị dùng là khởi nguyên cho những nhận thức ban đầu chị đã tin trong ký ức ấu thơ mà bà, mà mẹ kể. Để đến khi “quá nửa đời phiêu dạt”, qua những “mưa, dông, sấm, sét”, trải những “quặn thắt ngàn khơi”, chị-con người thơ mới: “thấy dạt trôi chốn cổ tích một thời - thấy sấp ngửa những giấc mơ chong chóng”…

Những giá trị nhân văn, cái thiện-ác đảo lộn, xoay như chong chóng, kể cả đức tin ở hiền gặp lành cũng được Chu Thị Thơm đem ra soi xét. Cám trong chuyện cổ tích “Tấm Cám” từ xưa được xem là hiện thân của cái ác, nhưng lấy oán trả oán còn ác hơn:

 

“Nhưng cái ác

từ nước sôi

với chum mắm

tanh tưởi

thịt người”

(Cám)

 

Không chỉ là sự biện minh cho nhân vật cổ tích, chị muốn nói bằng ngôn ngữ phía sau bài thơ, đó là sự bình tĩnh để đánh giá lại cho đúng những hiện tượng, sự việc. Đó cũng là tư duy biện chứng, bởi không có giá trị nào là vĩnh cửu. Điều đó cũng được chị hơn hai lần xác định “Lô-gich cuối cùng là tất cả những gì phi lô-gich…” (Lô-gich). Hay: “Giới hạn cuối cùng là không thấy giới hạn đâu” (Con chữ bò ngang). Với Chu Thị Thơm không có gì là bất biến. Chị đã xây dựng một “thuyết tương đối” bằng thơ. Vì thế, trong thơ chị như có điều gì đó mong manh, dễ vỡ, cũng như cảm xúc khi mãnh liệt, khi lại nghi ngờ:

 

“Giữa những điều ngỡ như tin cậy nhất

Nhưng tiếng tù và đã xua bạt hồn trăng”

(Hoài niệm)

 

Và:

 

 “…mây trắng thế và con đò đẹp thế

sao bầu trời lại ập tiếng mưa rơi”

(Chiều cổ tích 1)

 

Dù vậy, trong thơ Chu Thị Thơm vẫn luôn hướng về một đức tin, đó là tình yêu. Người ta có thể dối lừa, giả trá, phải trải qua những bể dâu cuộc đời, nỗi đau se sắt, quặn thắt nỗi niềm nhân thế: “Nhưng em không tin, anh không có trên đời”. Đấy chính là tình yêu. Sự tồn tại của tình yêu được Chu Thị Thơm lý giải từ trong cổ tích, từ những gì có thật, đang diễn ra hằng ngày, khởi nguyên từ hy vọng, nỗi buồn, chia biệt, là sự bắt đầu từ quá khứ, tiếp nối tình thương từ ông, bà, cha, mẹ, anh em, bạn bè. Chị viết: “Niềm hy vọng vào một ngày đắng đót, nơi cơn mơ vừa rụng xuống chân cầu, nơi dáng chờ vẫn hy vọng bước chân-và cuộc sống vẫn luôn là ngày mới. (…) Tôi thấy cả tình yêu tôi vượt qua những con sóng bạc đầu. Để cung bậc yêu thương tìm về nơi trú ngụ…” (Nguồn cội).

“Gió và em” là tập thơ giàu tính triết luận nhưng Chu Thị Thơm đã trữ tình hóa sự triết luận nên người đọc không cảm thấy bị khô cứng, khuôn sáo, giáo điều. 24 bài thơ trong tập, chỉ có ba bài thơ viết theo thể thơ bốn chữ (Không đề 17, Không đề 19, Chiều cổ tích 2), còn lại là thơ văn xuôi, thơ tự do, nhưng dễ nhận thấy chất thơ lung linh trong từng câu, từng bài. Phải là người từng trải, vốn sống phong phú mới viết được thế này:

 

“Hành trình trước-là sức quay của gió

Hành trình sau-của sỏi cuội muôn đời

Ai đã trót một lần làm phận đá

Mới thương hơn-những lăn lóc ở đời…”

(Miền xa)

 

Triết luận trong thơ Chu Thị Thơm dễ bị khỏa lấp bởi những hình ảnh rất thơ, dù đó là những câu thơ gai góc và tỉnh táo. Không thể không đọc đi đọc lại những câu: “Chạm đến ngày cũng chỉ đêm thôi-ánh sáng cuối mở ra đều khép lại-gió rùng rùng trong cuộc chơi mê mải-đêm về-náu lại trên cây” (Chạm đến ngày); “Những chân chữ lại bám vào thành quách, run rẩy đu mình trong cõi nhớ và quên. Dẫu chạy ngang cũng gặp sóng trên thuyền.và đi dọc cũng trở về nơi đến” (Con chữ bò ngang). Hay: “Anh/Biển cả-đêm đen-chớp trời-cát lạ…/Sự tận cùng cũng chỉ những cơn giông (Hồi ức muộn); “Mặc nham thạch cuộn trôi cùng sỏi đá/Thi nhân cười trong sắc sắc không không” (Qua cõi rong rêu).

Để tạo ấn tượng cho người đọc, Chu Thị Thơm sử dụng nhiều những động từ: "Em không ném những tháng ngày giông bão", " tơi tả nốt những cánh buồm hạnh phúc!", rồi "tơi tả hết những giấc mơ ký ức", hay "đá gồng mình quặn thắt gánh chơ vơ...". Thành công của chị là cảm xúc hóa những trải nghiệm, suy ngẫm; sáng tạo và tự thân đổi mới thủ pháp thơ, làm mới trong từng bài thơ. Tuy nhiên, thơ chị vẫn nhiều lời, có bài nặng về diễn và không ít câu trúc trắc. Thơ chị là nỗi niềm của người đàn bà cô đơn, hoang mang với mình và lo lắng không thể đi hết con đường thơ mà chính chị đã chọn.

 

17-3-2009

 

Đình Xuân

(Nguồn: Báo QĐND)

                        

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: