Thứ tư, 01/05/2024,


Cỏ May khâu áo làng quê… (04/05/2009) 

     Lục bát Nguyễn Trọng Tạo không nghiêng hẳn về âm hưởng ca dao như Nguyễn Duy, không sấn sổ táo tợn như Đồng Đức Bốn sau này, và cũng khác với cách “gảy khúc trăng vàng” của làng quê Bắc Bộ như Phạm Công Trứ trong Lời thề cỏ may. Cái riêng của lục bát Nguyễn Trọng Tạo là sự phiêu diêu của cảm xúc, ma lực của âm nhạc và sự kỹ lưỡng nghiêng về phía sang trọng của chữ nghĩa. Đây là thế mạnh nhưng cũng là một cái bẫy với chính nhà thơ cho dù anh muốn quẫy đạp và vượt thoát khỏi tiền nhân. Hình thức xuống thang, ngắt câu thành những đoạn ngắn nhằm lạ hóa khuôn hình sáu - tám hiện thời, trở thành ngón chơi của nhiều người. Song có thể nói, Nguyễn Trọng Tạo thuộc số những người tiên khởi.

     Tôi nghĩ, cái gốc quê ấy không đơn giản là nơi sinh trưởng, lớn lên nhìn từ góc nhìn địa lý mà rộng hơn, là hồn vía văn hóa của quê mình, dân tộc mình ám vào hồn thơ Nguyễn Trọng Tạo và qua nhạc, qua vần điệu, tiết tấu, chữ nghĩa mà rung lên thành thơ:

 

Cỏ may khâu áo làng quê
Cớ chi gió thổi bay về trời cao
Ta lên sân thượng chạm vào
Cỏ may. Ta cúi xuống chào… Cỏ may!

(Cỏ may trên sân thượng)

 

     Trước đây, người ta thường nhắc đến hình ảnh Cao Bá Quát 'đê thủ bái mai hoa'. Nay kẻ hậu sinh Nguyễn Trọng Tạo cũng biết lãnh tinh thần hướng về cái đẹp ấy trước cỏ may. Đó là một hành động nghĩa khí và nghệ sĩ. Nhưng nếu hoa mai trong thơ Cao Bá Quát có ý nghĩa như một siêu mẫu nói về sự thanh cao quen thuộc trong hệ từ vựng thơ ca cổ điển thì cỏ may trong thơ Nguyễn Trọng Tạo là hình bóng của quê hương, là nỗi niềm của một con tim nhạy cảm: loanh quanh sân thượng mà thương cánh đồng. Một nhành cỏ may bất chợt đã đánh thức cái nhìn hoài nhớ tuổi xưa của Nguyễn Trọng Tạo. Bài thơ gợi lên một tình yêu da diết và sâu sắc. Trong con người ấy, quê hương bao giờ cũng bình dị và thiêng liêng. Thêm một lần nữa, tôi muốn khẳng định, cái chất nhà quê cứ chảy hoài trong kẻ lưu lạc kia đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên dải phổ cảm xúc thơ Nguyễn Trọng Tạo. Đó là chất nhà quê vùng Hoan Diễn - Nghệ An và đã được bồi đắp thêm những tố chất văn hóa của các vùng quê khác mà bước chân lưu lạc của Nguyễn Trọng Tạo từng đặt chân đến. Thế mới ngu ngơ, tưng tửng nhưng cũng hết sức ngọt ngào mềm mại. Đó là cái mềm mại hiện lên sau cái vẻ gẫy gập, trúc trắc, xa xót của những câu ví dặm quê anh.

 

CỎ MAY TRÊN SÂN THƯỢNG

 

Nguyễn Trọng Tạo

Cỏ May khâu áo làng quê
Cớ chi gió thổi bay về trời cao
Ta lên sân thượng chạm vào
Cỏ May. Ta cúi xuống chào... Cỏ May!

 

Đời phiêu bạt sáu tầng mây
Từ trên chót đỉnh nhìn ngây phố nhà
Nào ngờ Cỏ đã đơm hoa
Găm vào ta vết xót xa tận lòng

 

Người như con tốt sang sông
Chìm trong phố thị còn trông quê nhà
Áo quần chẳng rách như xưa
Trái tim rạn vỡ vẫn chưa vá lành

 

Cỏ May không hẹn mà xanh
Tìm ta khâu vá cho lành nhớ thương
Ngang trời hoa cỏ đẫm sương
Loanh quanh sân thượng mà thương cánh đồng...

Thục Anh(Tổng hợp)

 

 

 

----------------

(Nguồn: dienchau.gov.vn)

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: