Thứ sáu, 26/04/2024,


NSND Trung Kiên: Hoạt động ca hát của chúng ta đang bị nghiệp dư hóa (01/05/2009) 

 

Nếu nhìn vào đời sống ca nhạc hiện tại, với sự nổi lên xô bồ lấn át của rất nhiều ca sĩ chạy theo nhạc nhẹ, thì không thể nói rằng chúng ta đang có một nền ca hát chuyên nghiệp, nếu có thì cũng là “què quặt”. NSND Trung Kiên, người vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi hát thính phòng – nhạc kịch bộc bạch. Nhân Cuộc thi vừa kết thúc tại Hà Nội, phóng viên Nhân Dân Điện tử đã có cuộc trò chuyện với ông.

 

- Thưa NSND Trung Kiên, ông có thể cho biết đánh giá khái quát của mình về chất lượng cuộc thi sau 4 năm mới được tổ chức một lần này?

 

- Có thể nói đây là một cuộc biểu diễn nghệ thuật có chất lượng cao. Tại cuộc thi lần này, xuất hiện nhiều thí sinh nam có giọng hát rất tốt. Kỹ thuật hát đóng tiếng ở âm khu cao đã có tiến bộ, không còn bộc lộ những khiếm khuyết nghiệp dư. Nhiều ca sĩ từng có thời gian hoạt động ca hát trong lĩnh vực này, khi tham gia dự thi cũng khẳng định thêm sự trưởng thành, chững chạc hơn nhiều. Họ đã biểu lộ được những phẩm chất của người nghệ sĩ chuyên nghiệp thực thụ.

 

Nhiều thí sinh nữ hát rất tốt các aria, romance khó cả về kỹ thuật lẫn nghệ thuật. Kỹ thuật hát thanh nhiều nốt (pairage) ở các giọng nữ đã được nâng cao, âm vực giọng hát được mở rộng tới giới hạn tối đa. Không chỉ biểu diễn tốt phần kỹ thuật, các em đã chú ý hơn tới biểu hiện nội dung, phong cách tác giả, tác phẩm. Đó là những tiến bộ rất đáng mừng.

 

- Vậy những hạn chế có thể nhìn thấy từ cuộc thi không, thưa ông?

 

- Mặt chưa được của cuộc thi bộc lộ khá rõ, đó là qua số lượng khá đông thí sinh dự  thi (41 em) và có khoảng cách khá xa giữa các em. Bên cạnh những giọng hát xuất sắc, thì cũng không ít giọng hát còn non kém. Dù rằng chúng ta cần hoan nghênh các cơ sở đào tạo đã hưởng ứng tích cực, động viên học sinh đi thi, nhưng vì đây là một cuộc thi đòi hỏi chất lượng chuyên môn cao, cũng cần xác định rõ chuẩn mực “đầu vào”.

 

Một nhược điểm khá rõ nữa, đó là một số các em có giọng hát nam cao đã xác định giọng không chuẩn, nên chọn tác phẩm của Puccini, như các aria dành cho giọng nam cao kịch tính đòi hỏi âm lượng lớn và nốt cao rất khó. Việc chọn tác phẩm trùng lặp và không đúng giọng hát (có tới 10 thí sinh chọn aria của Puccini) khiến cho cuộc thi thiếu sự phong phú. Các giọng nữ cũng có sự nhầm lẫn trong các vòng thi chứng tỏ chưa nhất quán như vòng trước vừa hát bài dành cho giọng nữ cao nhẹ, vòng sau lại hát một aria cho giọng trữ tình – kịch tính. Đó là những sai lầm không nên có ở một cuộc thi chuyên nghiệp và cả định hướng phát triển của ca sĩ sau này, mà trong đó, vai trò của người thầy rất quan trọng.

 

Về mặt ngôn ngữ, dù những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ, nhưng nhìn chung vẫn là một vấn đề của ca sĩ dòng nhạc này. Phát âm không chuẩn những tác phẩm tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Nga, tiếng Pháp vẫn là một yếu kém lâu dài mà các cơ sở đào tạo cần chú ý khắc phục.

 

- Không chỉ là một người theo dõi các thí sinh trong hầu hết năm ngày thi vừa qua, ông còn là một giảng viên của  bộ môn này tại các cơ sở đào tạo, và cũng là người hoạt động lâu năm trong dòng nhạc kịch – thính phòng, ông có thể đánh giá trình độ của các nghệ sĩ Việt Nam so với bạn bè thế giới?

                        

- Không bao giờ nên so sánh như thế. Các nước trên thế giới người ta có một bề dày phát triển của dòng nhạc này hàng ba, bốn thế kỷ, trong khi mình chỉ mới có mấy chục năm (hơn 50 năm) kể từ khi thành lập Nhạc viện quốc gia. Trong khoảng thời gian đó lại chủ yếu là thời kỳ chiến tranh gian khó, nếu mình nhìn lại những thành tựu sau mấy chục năm như thế là đáng mừng.

 

Tuy nhiên, nếu so trong khu vực thì Việt Nam là một trong những nước tương đối khá. Ở thế kỷ trước thì có thể nói mình đứng đầu các nước trong khu vực đấy, nhưng những năm gần đây nhiều nước có cách tiếp cận và đầu tư tốt hơn mình cho dòng nhạc này nên họ phát triển hơn. Nhưng cũng có một thực tế là dàn nhạc giao hưởng của họ chủ yếu là đi thuê nghệ sĩ từ châu Âu, trong khi dàn nhạc của mình chỉ toàn nghệ sĩ trong nước.

 

Gần đây, chúng  ta cũng có những nghệ sĩ đi thi và đoạt giải cao các cuộc concours thế giới, như Bích Thuỷ đã giành giải cao tại Thái-lan năm 2002, mới đây cô cũng vào chung kết cuộc thi lớn ở Trung Quốc. Sắp tới Bích Thủy còn tham  gia một cuộc thi ở Đức.

 

- Có nhiều ý kiến cho rằng, mất rất nhiều thời gian và công sức để  đào tạo những ca sĩ cho dòng nhạc bác học này, vậy nhưng ngoài những cuộc thi ít ỏi, họ không có điều kiều kiện để phát huy tài năng của mình. Ông nghĩ sao về điều này?

 

- Điều đó không dễ dàng gì. Vấn đề ở đây là công chúng. Với một dòng nhạc ít được phổ cập, trình độ thưởng thức của công chúng còn rất hạn chế, vậy nên các ca sĩ theo nhạc thính phòng không có nhiều cơ hội thể hiện tài năng của mình. Các nghệ sĩ theo dòng nhạc này không những phải có giọng hát tốt, mà quá trình học hành, tập luyện lại rất công phu bài bản nhưng khi ra nghề lại không có nhiều người nghe và hiểu. Trong khi đó, công chúng trẻ thì đổ xô vào nhạc nhẹ, những ca khúc dễ dãi, những giọng hát thường thường, và nhiều khi cũng chẳng trải qua trường lớp nào. Đó là một nghịch lý. 

 

Thực tế này, cũngcó  phần lỗi từ các cơ quan thông tấn báo chí đấy. Các bạn đã giành quá nhiều giấy mực cho những ca sĩ nhạc nhẹ, mà thiếu sự cổ  vũ những ca sĩ của dòng nhạc rất cần nhiều động viên này. Chưa kể, có đôi người thiếu sự thấu hiểu và xây dựng. Chẳng hạn, qua cuộc thi này, có báo đặt ra câu hỏi tại sao thầy lại chấm trò… Tôi xin nói rằng, các cuộc thi như thế này trên thế giới, cũng đều là thầy chấm trò. Riêng trong lĩnh vực này là phải vậy, thầy mới chấm được trò. Vấn đề là thầy như thế nào và có thầy để mà chấm trò không chứ.

 

- Vâng, thưa ông, trong sự phát triển của dòng nhạc này, cũng cần nói đến tình hình sáng tác, theo ông thì sáng tác nhạc thính phòng – nhạc kịch của chúng ta hiện nay đang vấp phải những khó khăn gì?

 

- Trong giai đoạn này tôi không dám nói đến vấn đề sáng tác. Nói chung là hết sức khó khăn.

 

- Có vẻ như sáng tác âm nhạc thính phòng – nhạc kịch của chúng ta hiện đang tụt dốc so với giai đoạn trước?

 

- Tụt đi là đúng thôi, chúng ta đang bị nhạc nhẹ quá lấn lướt. Viết một ca khúc thính phòng hay một vở nhạc kịch opera đòi hỏi trình độ rất cao, mất nhiều thời gian, nhưng nhạc sĩ viết ra làm gì có đất diễn. Dàn dựng một vở opera đòi hỏi rất nhiều về chuyên môn kinh phí. Công chúng lại hạn hẹp. Không có tài trợ, không có “đại gia” nào mặn mà với thính phòng và opera cả. 

 

Phần lớn các bài hát sử dụng trong các cuộc thi như vừa rồi đều sáng tác từ thế kỷ trước, chủ yếu là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hầu như không có sáng tác mới. Từ những năm tháng khó khăn ấy, lớp nhạc sĩ  thời đó đã sáng tác được những tác phẩm mà tình cảm và nghệ thuật hoàn toàn tương xứng, như Người Hà Nội , Sông Lô…

 

Còn bây giờ… bây giờ có thể nói âm nhạc đang bị nghiệp dư hóa. Nếu mỗi ngày bật ti vi lên, nghe nhạc quảng cáo mới thấy vô trách nhiệm thế nào. Không nên tạo điều kiện cho thế trẻ một thói quen nghe thứ nhạc lai căng như vậy.

 

- Theo ông, chúng ta cần định hướng gì cho dòng nhạc này trong điều kiện hiện nay?

 

- Quan trọng nhất là chúng ta cần xác định hướng đi cho một nền ca hát chuyên nghiệp. Nếu một nền âm nhạc mà thính phòng nhạc kịch không phát triển được thì không thể gọi đó là nền âm nhạc chuyên nghiệp. Nếu chỉ chú tâm vào nhạc nhẹ, có thể nói là một nền âm nhạc què quặt.

 

Việt Nam đã thành lập Nhà hát, dàn nhạc giao hưởng từ hàng chục năm trước. Điều đó cho thấy, ngay thời chiến tranh gian khó chúng ta đã có những định hướng rất tốt đẹp. Tuy nhiên những năm sau này, do tác động của nền kinh tế thị trường cùng những xô bồ của cuộc sống hiện đại, những vấn đề cần được bổ sung, xác định lại rất nhiều.

 

Những năm gần đây số học sinh theo học dòng nhạc này ở các nhạc viện, các trường nhạc tăng hơn, đó là điều đáng mừng. Các cơ sở đào tạo đã chú trọng, nâng cao và cập nhật giáo án, giáo trình đào tạo. Về biểu diễn, cũng tăng cường sự giao lưu, trao đổi với nước ngoài. Chúng ta nếu muốn hội nhập thì phải chú trọng phát triển dòng nhạc này để giới thiệu ra thế giới. 

 

- Vâng, xin cám ơn ông.

 

HỒNG MINH Thực hiện

(Nguồn: Báo Nhân Dân)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: