Thứ tư, 24/04/2024,


Cựu Phi công Hán Văn Quảng tiết lộ sự thật về trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất năm 1975 (30/04/2009) 

          Đại tá Hán Văn Quảng, Nguyên Sư đoàn trưởng  Sư đoàn Không quân 372, một trong 6 thành viên của Phi đội Quyết thắng đã trực tiếp thực hiện cuộc ném bom có một không hai trong lịch sử Không quân Việt Nam vào sân bay Tân Sơn Nhất trong những ngày cuối cùng của tháng 4-1975, làm rung động cả Sài Gòn, vừa tiết lộ những chi tiết còn ít người biết đến với lucbat.com…

 

Vào thời điểm cuối tháng 4 năm 1975, trước sức mạnh tấn công của quân và dân ta, nhất là sau khi đã mất Xuân Lộc, địch vứt bỏ long Khánh, Trảng Bom để lui về củng cố các tuyến phòng thủ ngoại vi Sài Gòn nhằm ngăn chặn các mũi tiến công của quân dân ta vào các trung tâm đầu não của chúng. Bọn Mỹ đang khẩn trương xúc tiến kế hoạch di tản những bọn đầu sỏ ác ôn của Ngụy quân, Ngụy quyền Sài Gòn, bọn tư sản mại bản phản động, các chuyên viên kỹ thuật và những tên có quan hệ mật thiết với chúng. Đồng thời Mỹ cũng tháo dỡ mang đi hoặc phá hoại các phương tiện chiến tranh của Không quân và Hải quân cùng các thiết bị kỹ thuật hiện đại khác nữa.

 

 

                    Phi đội Quyết thắng trở về sau trận đánh.

 

Địch đã chuyển toàn bộ máy bay F5 từ sân bay Biên Hòa sang Tân Sơn Nhất làm nhiệm vụ cùng với bộ binh cố thủ các tuyến phía bắc Sài Gòn và đánh chặn khi có Không quân của ta hoạt động. Máy bay A37 tập trung tất cả về sân bay Bình Thủy (Cần Thơ) có nhiệm vụ chi viện trực tiếp cho bộ binh cố thủ các tuyến phòng thủ ngoại vi Sài Gòn về phía Tây Nam, lực lượng cao xạ của chúng thì tập trung vào bảo vệ dinh Độc Lập và hướng Sân bay Tân Sơn Nhất (có khoảng chừng 1 đại đội ở đó)

Trước tình hình đó, căn cứ vào chỉ thị của thường vụ và mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân. Bộ Tư lệnh binh chủng Không quân quyết định phát huy nỗ lực cao nhất, khắc phục mọi khó khăn, kiên quyết chấp hành mệnh lệnh của trên, tổ chức lực lượng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam.

Binh chủng đã chọn được một số phi công ở các phi đội bay thuộc Trung đoàn 923/f371, trong đó lấy Phi đội 4 anh hùng làm nòng cốt và lấy “Bí mật, bất ngờ, mưu trí hết sức táo bạo, chủ động tấn công mục tiêu địch” làm phương châm. Và điều quan trọng nhất là không được dùng máy bay của ta mà phải dùng máy bay của địch để đánh địch! Một trong những phi công được chọn trong đợt này, đó là phi công Hán Văn Quảng. Hán Văn Quảng bấy giờ là trung úy đang trực bay đêm ở sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) phấn khởi lắm, được nhận nhiệm vụ lớn lao như vậy, thật không còn gì vui hơn. Anh được cấp trên cho phép, tranh thủ trở về Hà Nội báo tin cho gia đình biết rồi hối hả quay lại đơn vị thu xếp tư trang đi ngay vào sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa) để chuẩn bị chuyển trường. Ở đây, trung đoàn 923 nhanh chóng đưa anh vào Phi đội 4 anh hùng (mà sau này được gọi là Phi đội Quyết thắng) cùng với một số phi công khác như Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Lục... Hán Văn Quảng dường như có vẻ sốt ruột hơn cả vì anh chỉ mong làm sao được thực thi nhiệm vụ ngay, một phần vì từ trước tới nay hoạt động ngoài miền Bắc, các sân bay đều nhỏ, có nơi vẫn là sân bay đất, ngoại trừ đường băng là bê tông, hơn nữa các sân bay miền Bắc hầu như thiếu thốn phương tiện. Anh nghe nói Sân bay trong Nam rộng rãi hoành tráng lắm vì bọn Mỹ nó đầu tư mà, anh muốn nhanh chóng lên đường để xem sân bay của “nó” to lớn chừng nào? Một phần nữa là vì “lần này đi, nhiệm vụ cao cả, tự hào lắm, tham gia một chiến dịch lịch sử lớn nhường này, có phải ai cũng được lựa chọn đâu? Mình phải cố gắng thật nhiều mới được” – Hán Văn Quảng nghĩ thế.

Ngày 22-4-1975, Quảng lại được lệnh chuyển trường vào sân bay Đà Nẵng. Hồi hộp lắm. Vậy là gần đến thời điểm lịch sử rồi. Hôm trước, ngày 20-4-1975, hai phi công là Từ Đễ và Xuân Vượng đã lên đường làm nhiệm vụ tiền trạm, hôm nay toàn bộ lực lượng còn lại bao gồm cả phi công cùng tổ thợ máy do Trần Minh làm tổ trưởng di chuyển vào Đà Nẵng bằng máy bay vận tải Mi – 6 cất cánh từ sân bay Gia Lâm. Chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ, Hán Văn Quảng cùng đồng đội đã có mặt ở sân bay Đà Nẵng, từ trên máy bay nhìn xuống Quảng thấy những mảnh áo, quần, giấy tờ… xanh, đỏ, tím, vàng, trắng khắp nơi trên hàng rào giây thép gai quanh sân bay, trên cành cây, đó là những gì mà mấy người di tản vội vã đã làm rơi, những thứ đó cứ gặp chỗ nào mắc được là mắc luôn vào . Lúc này Hán Văn Quảng bỗng dâng lên một cảm xúc thấm thía thế nào là sự điêu tàn của chiến tranh mặc dù trên bầu trời Đà Nẵng trong xanh đến khó tả và nắng thì vàng ánh lên khác hẳn với ngoài Hà Nội. Những tấm áo quần màu sắc cứ theo gió bay phần phật, dập dờn làm Hán Văn Quảng làm cho anh liên tưởng tới một thành phố bỏ hoang, vừa phải trải qua một trận động đất nào đó. Tự nhiên anh cảm thấy lòng mình đau nhói…

 

 A-37_Dragonfly.jpg image by Jann_Lee 

Hán Văn Quảng cùng đồng đội, đã bay trên loại máy bay A37 này.

 

Rồi những cảm xúc ban đầu cũng qua đi. Anh lấy lại tinh thần, trước mắt anh và đồng đội còn rất nhiều khó khăn. Phải nhanh chóng ổn định chỗ nghỉ ngơi để chiều nay phải bắt tay ngay vào việc học lái chuyển loại. Cấp  trên đã ra chỉ thị từ trước, bọn Mỹ Ngụy khi bỏ chạy đã để lại dọc đường rất nhiều trực thăng và máy bay A37 – loại máy bay mà bọn Mỹ thường gọi đùa là máy bay du lịch bởi lẽ loại máy bay này có thể chứa 2 người, toàn bộ phía trên khoang buồng lái và chỗ ngồi đều là kính trong suốt. Nếu một cặp tân hôn nào đó  mà đi tuần trăng mật bằng chiếc máy bay này thì tha hồ mà ngắm trời, ngắm đất… Nhưng đừng tưởng nó có tính chất du lịch mà coi thường, nó có thể mang theo khoảng 4 tấn bom, tức nặng hơn trọng lượng của nó mà vẫn cơ động linh hoạt hơn hẳn các loại máy bay chiến đấu khác. Tuy vậy, không phải cứ thế mà bay ngay được, phải sửa chữa và khôi phục lại những máy bay mà địch bỏ lại, rất nhiều chiếc bị hỏng hóc nặng.

Học lý thuyết tưởng như đơn giản mà hóa ra không phải, vì A37 là loại máy bay của nước tư bản, tất cả các thiết bị, công tắc, đồng hồ đều bằng tiếng Anh không giống như của các nước xã hội đều là tiếng Nga mà các phi công ta đã được học qua. Hơn nữa, hệ thống phanh của máy bay Mig17 là phanh tay, còn A37 lại là phanh chân. Sự khác biệt giữa 2 loại là rất lớn.

Ngay buổi chiều 22-4-1975, các giáo viên huấn luyện Nguyễn Văn Xanh, Nguyễn Văn On (trước kia là những phi công Ngụy ra trình diện trong đợt Mỹ Ngụy di tản vừa rồi được chính Tư lệnh quân chủng Không quân VN trực tiếp tuyển chọn và tiếp nhận về phía ta làm công tác hướng dẫn chuyển loại cho phi công Mig 17 phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh) khẩn trương dạy lý thuyết phi công của ta.  Tất cả anh em phi công đều tập trung cao độ để học cho thuộc, tìm cách nhờ người dịch các nút, đồng hồ… trang bị trên máy bay ra tiếng Việt, thậm chí dán ngay chỉ dẫn trên khắp các thiết bị để khỏi nhầm. Có lúc Hán Văn Quảng cùng Nguyễn Văn Lục truy bài nhau bằng cách chui vào buồng lái giữa cái nắng nóng ngột ngạt, từng người đọc tên loại đồng hồ hay nút công tắc nào thì người kia phải nói rõ cách xử lý cho đến khi không ai còn nhầm lẫn mới bước ra khỏi máy bay. Có lúc tập hăng quá, Nguyễn Văn Lục bay, thì Hán Văn Quảng cầm sách hướng dẫn, cứ thấy cái đèn nào sáng thì lại hô: “Sáng đèn gì vậy mày?” Hán Văn Quảng lại phải vội vàng lật lật giở từng trang để đọc ngay cách xử lý. Ra khỏi máy bay, hai anh em nhìn nhau phá lên cười.

           Cho đến ngày 24-4-1975, thì việc học lý thuyết coi như đã xong. Tất cả đều sẵn sang tâm lý để bay thử chuyến bay đầu tiên máy bay Mỹ.  Hán Văn Quảng được phân công bay cùng với Nguyễn Văn On. Trước khi lên buồng lái Quảng nói:

           - Bây giờ anh On để tôi lái thử, anh ở bên hướng dẫn giúp tôi. Nếu xảy ra trường hợp hay tình huống nguy hiểm, anh hãy  trực tiếp thao tác nhé.

           - Ông cứ lái đi, thực ra tôi ở bên cạnh để ông bớt cảm giác lo lắng thôi, chứ tôi tin là ông* có thể lái  một mình được rồi – Nguyễn Văn On cười.

Hôm sau nữa, thì Hán Văn Quảng được bố trí bay thử cùng với Nguyễn Văn Lục, lần này hai anh em bay cũng rất là thuận lợi. Có vẻ như phi công Mig 17 tiếp thu học chuyển loại khá tốt. Đến ngày 27 – 4 thì việc bay thử kết thúc. Chỉ trong vòng có 5 ngày, mà phi công ta đã hoàn thành việc học chuyển loại. Dường như điều này là không tưởng, chưa từng xảy ra ở một quốc gia nào trên thế giới.

Đúng 12 giờ 30 ngày 27-4-1975, Hán Văn Quảng cùng đội nhận được lệnh của đồng chí Tư lệnh Quân chủng Không quân chuyển toàn bộ lực lượng vào sân bay Phù Cát. Cả phi đội cất cánh ngay, tới chiều 27 thì cũng tại sân bay Phù Cát (Phan Rang), phi đội nhận thêm được 4 chiếc A37 nữa, nên lập tức lao vào luyện tập. Như vậy toàn phi đội đã có 5 chiếc A37 sẵn sàng làm nhiệm vụ.

8 giờ 30 sáng ngày 28-4-1975, đồng chí Tư lệnh Quân chủng trực tiếp quyết định lực lượng  tham gia chiến đấu. Trần Văn Lục, Từ Đễ,  Hán Văn Quảng, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Xuân Vượng, Nguyễn Văn Xanh, Nguyễn Văn On là những phi công được vinh dự lựa chọn nhận nhiệm vụ có tên trong biên  đội mang danh hiệu “Biên đội Quyết thắng” do chính đồng chí Tư lệnh Lê Văn Tri đặt tên.

9 giờ 30 sáng ngày 28-4-1975, Biên đội Quyết thắng trong đó có Hán Văn Quảng với tinh thần quyết tâm thắng lợi trên 5 chiếc A37 rời sân bay Phù Cát (Phan Rang) chuyển đến sân bay Thành Sơn. Tại đây, Ban chỉ huy đã có mặt tại đài chỉ huy hạ cất cánh ở sân bay Thành Sơn vừa giải phóng khẩn trương thảo luận quyết định biên đội Quyết thắng sẽ đánh vào mục tiêu nào hợp lý nhất. Đánh vào mục tiêu quan trọng nào để trong thời điểm Mỹ đang rút chạy thế này, vẫn để cho Mỹ con đường thoát và làm nó hoang mang. Nếu đánh vào Dinh Độc lập hoặc Bộ tổng tham mưu của địch thì nguy cơ Mỹ sẽ quay lại cứu đồng bọn sẽ rất cao và tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Còn nếu đánh cắt đường băng hoặc cảng Nhà Bè, nó sẽ không có đường băng mà rút chạy hoặc sẽ không thể lên tàu mà di tản. Trong khi ta đang muốn đuổi chúng đi.

          Cuối cùng, ban chỉ huy nhất trí thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” nên chọn đánh sân bay Tân Sơn Nhất, chỗ mà bọn Mỹ cất giấu rất nhiều máy bay. Ở mục tiêu này, chúng đang cất hàng chục chiếc máy bay các loại, đó cũng là cơ sở, chỗ dựa cuối cùng của địch để chuẩn bị di tản những tên đầu sỏ ác ôn, những tên tay sai có nợ máu với dân, với nước. Sân bay Tân Sơn Nhất lại gần dinh Độc Lập, Bộ tổng tham mưu ngụy, và điều quan trọng nhất là gần Hội nghị bốn bên đang diễn ra gần đó (Hội nghị bốn bên gồm có: Bắc Việt, Việt Nam cộng hòa, Mỹ và Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam do Nguyễn Thị Định đứng đầu). Hơn nữa, sân bay Tân Sơn Nhất là mục tiêu dễ phá hoại, xa khu dân cư và có thể đánh thẳng, đánh táo bạo vào căn cứ nội địa của địch. Đánh mục tiêu này là có thể gây được những đám cháy, tiếng nổ lớn và gây được tác động có ý nghĩa chính trị trong thời điểm lịch sử vô cùng quan trọng.

           Sau khi quyết định phương án tác chiến, 5 chiếc A37 lập tức cất cánh do những phi công Nguyễn Thành Trung làm nhiệm vụ dẫn đội vì có kinh nghiệm và thông thạo địa hình đi số 1, Từ Đễ đi số 2, Nguyễn Văn Lục số 3, Nguyễn Xuân Vượng và Nguyễn Văn On đi số 4 và Hán Văn Quảng đi số 5 làm nhiệm vụ quan sát bảo vệ đội hình. Nếu trong trường hợp gặp địch thì số 4 và 5 sẽ phải quay lại để đánh chặn địch giúp cho  số 1, 2, 3 an toàn đến mục tiêu.

Trời mây thấp, cả biên đội đều phải đi dưới mây, giữ độ cao 400 m, từ Phan Rí, qua Phan Thiết đến cửa sông Sài Gòn rồi lại quay lại  bên trái là sân bay Biên Hòa, bên phải là sân bay Tân Sơn Nhất, biên đội cứ theo đường giữa 2 sân bay mà tiến.

Đi qua Phan Thiết, Hán Văn Quảng nhìn xuống phía dưới thấy khói lửa ngút trời. Chắc là vừa có trận đánh thì phải. Toàn biên đội đã thống nhất là chỉ hành động bằng ám hiệu, không sử dụng vô tuyến điện để tránh địch phát hiện cản trở. Lúc còn ở ngoài Phan Thiết, mây nhiều quá nên toàn biên đội đã phát tín hiệu thống nhất đánh bom bổ bằng, nhưng gần đến sân bay Tân Sơn Nhât thì bầu trời lại không còn mây nữa, trời xanh trong veo. Nghe tín hiệu của Nguyễn Thành Trung phát ra tạch tạch tạch 3 lần liền, cả đội cũng lần lượt phát tín hiệu đáp lại tạch tạch tạch coi như tất cả đã nhìn thấy sân bay. Ngay lập tức toàn biên đội hội ý nhanh chuyển ngay sang phương án ném bom bổ nhào (ném bom bổ nhào là trực tiếp xuống mục tiêu, mục tiêu dễ dàng bị hủy diệt ngay). Khi đến sát sân bay cả biên đội phát hiện có một chiếc AD6 của địch bay hướng ngược lại, Hán Văn Quảng liền rời đội hình quay lại theo dõi chiếc AD6, nhưng hình như chiếc AD6 chỉ lo việc hạ cánh nên Hán Văn Quảng quyết định quay lại bám đội ngay.

Số 1 Nguyễn Thành Trung lượn vòng vòng rồi ném lượt bom đầu tiên  vào mục tiêu ra 4 quả, rồi Từ Đễ vào ném được 4 quả, Nguyễn Văn Lục ném nhưng không ra, Mai Xuân Vượng, Nguyễn Văn On cũng ném đựoc 4 quả, đến lượt Hán Văn Quảng ném được hết 4 quả. Hán Văn Quảng ném xong trở ra và bay hẳn lên trên cao quan sát xuống phía dưới sân bay rộng mênh mông như một biển lửa. Cả sân bay chỉ nghe có tiếng rầm rầm, những cột khói đen bốc lên nghi ngút, lửa bốc chay cao đỏ rực trời. Trong khi đợi đồng đội lần lượt vào ném bom đợt hai, Hán Văn Quảng cứ bay ở trên phấn khởi nhìn mục tiêu đã bị phá hủy gần hết. Rồi anh trở lại ném thêm một đợt cuối cùng 4 quả. Đợt ném bom lần 2 này, Nguyễn Văn Lục đã ném được 2 quả, Vượng, On, Từ Đễ cũng vẫn ném được 4 quả. Riêng Nguyễn Thành Trung lại không ra quả nào. Bất chợt Hán Văn Quảng nhớ ra phải xem dầu còn đủ không? Sau 2 lần ném bom, cơ động khá nhiều, nhất là động tác bổ nhào tốn dầu không ít. Phải khẩn trương về căn cứ ngay nếu không sẽ không đủ dầu để hạ cánh. Anh bèn hô: “Tất cả anh em, hướng 150 thoát ly!” Nghe tiếng hô của Hán Văn Quảng, cả biên đội lập tức tập hợp quay đầu trở về luôn, riêng Nguyễn Thành Trung vì đợt ném lần 2 chưa ra quả nào, nên anh vẫn còn muốn tiếp tục đánh thêm lần nữa.

Vừa kéo sang 150 độ thì Hán Văn Quảng nhìn thấy một đám mây rất lớn từ phía cửa sông Sài Gòn bay lại, chớp nhằng nhằng, máy bay của ta mà đâm vào nó  thì chỉ có rơi nên Hán Văn Quảng nhanh trí hô: “Vòng trái, vòng trái đi. Biên đội tản sang trái ngay. Thế là thoát hiểm.        

Khi về Hán Văn Quảng bay số 1, Từ Đễ bay số 2, Nguyễn Văn Lục số 3, và Nguyễn Văn Vượng, Nguyễn Văn On số 4. Gần về Phan Thiết, Từ Đễ nhắc: “Cẩn thận khi đi qua Phan Thiết nhé!” Vừa nói dứt lời, từ dưới mặt đất pháo phòng không phóng lên ùng ùng sáng rực bầu trời. Hán Văn Quảng vội hô: “Anh em, cơ động di tản thấp!” Lại qua một lần nguy hiểm nữa, thì ra lúc biên đội bay vào ân bay Tân Sơn Nhât, phòng không của ta không được biết kế hoạch vì Ban chỉ huy muốn giữ bí mật nên cứ tưởng là máy bay Mỹ nên chờ trực biên đội quay về để sẵn sàng tiêu diệt. Hán Văn Quảng liếc nhìn xem đồng đội có ai bị sao không, anh nhắc số 2 Từ Đễ nhìn bên phải, bên trái, đằng sau xem số 3, số 4. Từ Đễ nói qua điện đàm: Đã an toàn! “An toàn rồi, tập hợp!” – Hán Văn Quảng lại ra tiếp mệnh lệnh. Chao ôi, lưới lửa phòng không dày đặc, may sao cả đội không bị dính quả pháo nào. Cả đội lại bay dưới mây trở về.

Sắp về đến sân bay Cam Ranh, Từ Đễ báo cáo: “Đèn của báo dầu của tôi đã sáng, cho tôi hạ cánh trước đi!”. Hán Văn Quảng hô: “Tất cả thu cửa dầu nhỏ lại, số 2 tắt một máy đi!” Hán Văn Quảng dạt sang một bên để Từ Đễ có đường hạ cánh. Quảng alô: Số 2 đã nhìn thấy đường băng chưa? “Nhìn thấy rồi!”  “ Bắt đầu hạ cánh đi!” Từ Đễ được lệnh cho máy bay khẩn trương đáp xuống. Chạm tới đường băng thì cũng đúng là lúc đồng hồ báo không còn dầu. Máy bay lăn lộc cộc trên đường băng chậm chạp. Tình thế nguy hiểm quá, Hán Văn Quảng hét lên: Đánh sang một bên đi, đánh sang một bên đi! Để người sau còn vào!” Từ Đễ đánh lái thật nhanh, chiếc máy bay của Từ Đễ dạt hẳn tới rìa đường băng. Vừa lúc đó thì Nguyễn Thành Trung phát tín hiệu muốn hạ cánh. Nguyễn Thành Trung cố ném thêm đợt 3 quay về đến Phan Thiết thì gặp  F5 của địch nghe tin sân bay bị Không quân Việt  Nam đánh nên chúng cho quân  từ Tây Ninh đuổi theo. Rất may là nó đuổi theo đựoc một đoạn thì hết dầu nên không làm gì được. 

Cuối cùng thì mọi nguy hiểm đã qua hết, cả biên đội đã lần lượt hạ cánh an toàn. Bước ra khỏi máy bay, Hán Văn Quảng ôm lấy Trần Văn Lục, Từ Đễ, Thành Trung, Nguyễn Văn On, Mai Xuân Vượng hét toáng lên: Chiến thắng rồi! Chiến thắng rồi! ai nấy mừng vui phấn khởi quên mất mình vừa trở về từ một nơi mạng sống như ngàn cân treo sợi tóc. Vì thực ra không ai có thể tin được, cả biên đội 5 người lại còn sống toàn vẹn trở về, ai cũng nghĩ rằng đi đánh trận này ít nhất phải có 3 chiếc máy bay bắn bị thương hoặc hy sinh. Cả biên đội đang mải vui thì bỗng nghe đồng chí Tư lệnh đang trực ở Đài chỉ huy nghiêm giọng: “Tất cả, giữ kỷ luật chiến trường!” . Cả biên đội không ai bảo ai, im re đi về phía đài chỉ huy. Không ngờ ở đây, các đồng chỉ chỉ huy, dẫn đường, thợ máy đã đông đủ cả. Đồng chí Tư lệnh, dường như không thể kìm nén niềm vui được nữa chạy ra  ôm hôn từng phi công. Rồi mọi người bắt tay nhau, hò hát mừng biên đội Quyết thắng lập công. Một trận đánh mà có lẽ lịch sử không bao giờ quên được. Có ai đó khóe mắt long lanh giọt nước mắt. Còn gì vui hơn chiến thắng lẫy lừng này?

Như vậy, cùng với sức mạnh của toàn quân, toàn dân ta, Biên đội Quyết thắng (mà sau này người ta quen gọi là Phi đội Quyết thắng) đã nỗ lực hết sức bằng sự quyết tâm, bằng ý chí chiến thắng và bằng tinh thần yêu nước, chỉ trong vòng 5 ngày học chuyển loại đã có một trận đánh oai hùng, góp phần với cả nước  làm nên chiến thắng 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

 

THỦY HƯỚNG DƯƠNG

(ĐT: 0904009155)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: