Thứ ba, 30/04/2024,


Ước mơ nhỏ nhoi (28/04/2009) 

Bố mất từ khi tôi còn nhỏ, nhà nghèo, mẹ bệnh nặng, tôi phải nghỉ học bỏ quê từ Nam theo mẹ ra Hà Nội vừa kiếm sống, vừa chữa bệnh cho mẹ. Cuộc sống của tôi lam lũ, vất vả không biết đến khi nào mới có sự đổi thay sáng sủa hơn.

 

Nhiều lúc tôi cũng bi quan, chán nản, không muốn phấn đấu nữa. Nhưng đến một ngày, không phải là vận may đến với tôi, mà từ “cái duyên” gặp gỡ một người em gái, tôi đã có những thay đổi tích cực hơn trong suy nghĩ của mình về cuộc sống.

 

Một ngày chủ nhật, tôi cùng các bạn đi chơi vườn Bách Thú. Tôi rất háo hức vì từ trước đến nay chưa được đến những điểm vui chơi như thế này. Trong lúc đang mua vé, bất chợt tôi thấy một ánh mắt đang dõi theo mình. ánh mắt này quen quá, mà sao tôi không thể nhớ được! Hình như tôi đã gặp ở đâu rồi, tôi thầm nghĩ. Cô bé chỉ cao khoảng 1m25, thân hình nhỏ bé, ngồi trên chiếc xe lăn đang nhìn tôi. Đôi bạn đi bên cạnh đẩy xe giúp em.

 

Không để tôi suy nghĩ lâu, cô bé tiến lại gần tôi với ánh mắt dò hỏi khiến tôi luống cuống chỉ biết nói: "Chào em". Không ngần ngại, cô bé hỏi tôi: "Anh có phải là anh Thọ không?”. “ừ” – tôi nhanh nhảu đáp lại. “Em là Hà đây, em đã gặp anh tại buổi tập huấn về chống bạo hành cho trẻ em cách đây bốn năm”. “à, ừ nhỉ!”. Trí nhớ của tôi về em vỡ ra. Hai anh em tíu tít ôn lại kỷ niệm và hỏi thăm về cuộc sống của nhau.  

 

Gặp em bốn năm trước, chúng tôi chưa có dịp nói chuyện nhiều, tôi cũng không biết nhiều về em. Hôm nay, hai anh em mới có dịp chia sẻ, tâm sự nhiều hơn. Em là Nguyễn Thu Hà, sinh năm 1992, quê ở Hà Tây. Em sinh ra đã kém may mắn hơn chúng bạn vì em không thể tự đi được bằng đôi chân của mình. Khi bắt đầu đi học cũng là lúc em nhận thức sâu sắc hơn về thiệt thòi của mình và bắt đầu mặc cảm với số phận. Em không chơi với ai và cũng chẳng ai muốn chơi với em cả, vì em bị tàn tật…

 

Nói đến hai chữ “tàn tật”, em cúi mặt xuống, dường như em không muốn nói với ai về gia cảnh của mình. Mỗi câu hỏi thăm của tôi, em đều cúi mặt, ấp úng khó trả lời. Phải chăng em xấu hổ, nhưng không phải vậy, mà vì trước nay em rất ít khi tâm sự với ai về mình. Em không muốn nhắc lại những kỷ niệm của tuổi thơ với những chuỗi ngày buồn đầy nước mắt. Rồi cuối cùng em cũng kể cho tôi nghe, vì thực ra em cũng rất cần được chia sẻ, được lắng nghe và an ủi.

 

Hà là nạn nhân tội nghiệp của chất độc da cam. Hoàn cảnh gia đình Hà rất éo le, khổ cực. Bố em đã qua đời do bệnh nặng từ khi em còn nhỏ. Mẹ em thì đau ốm luôn, nhà lại nghèo, mẹ không có khả năng chăm sóc cho em nên đành lòng gửi em vào Làng trẻ SOS. 5 năm Hà sống dưới mái nhà SOS là chuỗi ngày buồn, cô đơn, nhớ nhà, thương mẹ. ở Làng trẻ SOS, Hà cũng được các cô, bác giúp đỡ điều trị phẫu thuật ở khắp các bệnh viện, nhưng đều không có kết quả khả quan. Hà phải chấp nhận gắn cuộc đời mình với chiếc xe lăn. Mặc dù vừa tàn tật, vừa mồ côi, nhưng Hà rất có nghị lực. Năm học nào em cũng đạt học sinh tiên tiến, luôn là tấm gương sáng để các bạn noi theo. Hàng năm, Hà đều được nhận phần thưởng dành cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. Điều này càng làm cho tôi thêm nể phục em hơn.

 

Đang miên man suy nghĩ theo dòng ký ức em kể, chợt Hà hỏi lại tôi: “Thế còn anh, anh kể cho em nghe về anh đi!”. Câu nói của Hà đưa tôi về với thực tại đối diện với cuộc sống của chính mình. Tôi cũng là một đứa trẻ mồ côi cha, nhưng so với Hà thì tôi còn may mắn hơn nhiều. Tuổi thơ của tôi vẫn còn được sống bên mẹ, mặc dù đó là chuỗi ngày vật lộn mưu sinh nơi Hà thành. Có thời gian mẹ bệnh nặng, tôi phải bỏ học mất 2 năm để vừa đi làm, vừa chăm sóc mẹ. Bây giờ, sáng tôi đi bán than kiếm tiền giúp mẹ, chiều theo học lớp tin học và tiếng Anh miễn phí dành cho trẻ hoàn cảnh khó khăn của một tổ chức tình nguyện, tối học văn hoá ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Ba Đình. Tôi còn tham gia sinh hoạt ở Câu lạc bộ phóng viên nhỏ Ong Xanh, thỉnh thoảng viết báo, có tiền nhuận bút góp phần trang trải tiền học.

 

Không muốn nói nhiều về mình, tôi quay sang hỏi em: “Thế Hà có ước mơ gì? Em nheo mắt trả lời một cách đầy triết lý: “Trong cuộc sống, nếu không có mơ ước thì coi như tâm hồn đã chết. Nhưng em lại ước mơ điều sẽ không bao giờ thành sự thật được! Em chỉ ước mơ mình là đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác, được sống bên bố mẹ, vậy thôi anh ạ!”.... Nghe em nói, tôi lặng người đi không nói được câu gì, buồn cho em và buồn cả cho tôi. ước mơ của tôi là có nhà để ở và có cơm để ăn, vậy mà…

 

Như đọc được suy nghĩ của tôi, chợt Hà nói như reo: “Năm nay em 16 tuổi rồi và mẹ đã đón em về quê với mẹ ở Hà Tây. Em đang học lớp 10, em còn là lớp trưởng cơ đấy!”. Càng nghe em kể, tôi càng thấy mình bé nhỏ! Tôi còn phải học hỏi em nhiều, phải cố gắng nhiều hơn nữa để không thua kém em.

 

Qua câu chuyện với em, tôi nhận ra một điều, phải biết trân trọng những gì mình đang có, đừng để đến khi tuột mất rồi mới thấy tiếc nuối. Hà ơi! Em hãy cố gắng hơn nữa nhé, đừng bao giờ tự ti trước cuộc sống. Hãy mở rộng lòng mình em sẽ đón nhận được nhiều điều tốt đẹp. Mọi người sẽ luôn bên em, nhớ nhé!



Nguyễn Đức Thọ - Mái ấm 19/5, Ba Đình, Hà Nội

(Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: