Thứ sáu, 26/04/2024,


Điểm lạ của... “Quái vật” (26/04/2009) 

Vừa ra mắt ngày 20-4 nhưng từ trước đó khá lâu, cuốn tiểu thuyết 'Quái vật' (NXB Văn học) của cây bút Trần Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1978) đã gây sự chú ý, bởi được quảng cáo trên mạng You Tube bằng một trailer (đoạn phim giới thiệu) khá sinh động. Và với cách làm mới mẻ này, cuốn tiểu thuyết 'Quái vật' của Trần Thị Hồng Hạnh lập ra một 'kỷ lục' thú vị trong giới xuất bản Việt Nam.

 

Bắt đầu nổi lên từ tác phẩm 'Bài học đầu tiên' - tác phẩm đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác 'Văn học tuổi 20' lần III (năm 2005) do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ, báo Tuổi trẻ tổ chức, Trần Thị Hồng Hạnh quyết tâm theo đuổi nghề… chữ nghĩa. Khởi đầu là một cô giáo, rồi được một tờ báo ở TP Hồ Chí Minh nhận vào làm và 2 tháng sau đó Hồng Hạnh bất ngờ gặt hái giải thưởng 'Văn học tuổi 20'. Đó là cột mốc quan trọng, là một loại 'thuốc kích thích' lành mạnh để Hạnh tiếp tục đắm đuối với con chữ trong 3 'vai': nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch. Và sau 4 năm, chưa tính những bài báo đều đặn xuất hiện để… đủ định mức, những kịch bản: 'Mùa hè sôi động', 'Vòng xoáy', những cuốn sách: 'Bài học đầu tiên', 'Truyện của nhóc Bill' lần lượt ra đời. Và 'Quái vật' dày 236 trang là tiểu thuyết mới nhất. Ở tác phẩm này, Trần Thị Hồng Hạnh không chú trọng tạo vẻ mượt mà, ngôn ngữ ở đây có thể xù xì, thô mộc nhưng dường như lại chính là những gì tuổi trẻ đang cần.

 

     

Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh và cuốn tiểu thuyết “Quái vật”.

 

'Quái vật' là câu chuyện về một cô gái xưng 'tôi' trong một thế giới mà mọi người đều không rõ họ, tên, địa chỉ, lý lịch. Họ sống, suy nghĩ, ghen tỵ và có thể làm tổn thương nhau trong thế giới thực với cái không khí vừa náo nhiệt vừa lạnh lùng của đô thị lớn. Còn thế giới ảo là thế giới của sự cô đơn tuyệt đối. Hành trình của 'tôi' khi đi tìm lại sự bình thường cho mình là cuộc đấu tranh để cô tự cân bằng cuộc sống tâm linh của mình. Cuốn sách chia sẻ một thông điệp giản dị: nếu phải sống trong một thế giới bị tổn thương thì hãy tự mình làm lành vết thương để rồi góp phần làm lành vết thương của người khác và đừng bao giờ làm bất kỳ ai bị tổn thương. 

 

Và điều mà nhiều người thấy 'lạ', lại nằm ở bên ngoài cuốn sách. Đó là lần đầu tiên ở Việt Nam, một cuốn tiểu thuyết có trailer và được đưa lên mạng You Tube để quảng bá.

 

Ý tưởng này do một nhà thiết kế trẻ thực hiện, đó là bạn La Nguyễn Quốc Vinh. Quốc Vinh tâm sự: 'Khi đọc 'Quái vật', tôi nhận ra thế giới mà nhân vật chính (cô gái có con mắt thứ 3) đang sống là một thế giới với hạnh phúc thì mong manh bên nỗi đau và sự thương tổn. Tôi quyết định dùng màu đen làm màu chủ đạo trong trailer, từ nền cho đến phông chữ, kể cả hình ảnh. Sau đó, chị Hồng Hạnh có trao đổi với tôi thêm về ý tưởng cho vào màu đỏ, phân chia màn hình thành hai nửa đen, đỏ. Từ đó, tôi có được những ý tưởng cơ bản để thực hiện đoạn trailer này. Vì là trailer giới thiệu sách, nên hình thức thực hiện cũng khác hơn một chút so với phim ảnh, phần lớn sử dụng những hình vẽ minh họa. Khó khăn lớn nhất khi thực hiện là làm sao cho con mắt sinh động. Tôi muốn nó là con mắt sống chứ không đơn giản chỉ là hình ảnh của một con mắt'.

 

Tuy nhiên, những độc giả yêu văn chương khi đọc 'Quái vật' sẽ tự mình 'bỏ phiếu' cho tác phẩm của Trần Thị Hồng Hạnh chứ không dễ bị chi phối bởi những 'hiệu ứng lạ' bên ngoài.

 

Hoàng Thu

(Nguồn: HNMOnline)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: