Thứ ba, 30/04/2024,


Hương lúa tình quê (25/04/2009) 

 

Dù đi cuối đất cùng trời
Vẫn mang hương lúa, tình người quê ta.

(Hương lúa quê ta - Trần Đức Đủ)

 

     Tôi sinh ra ở một làng quê nhỏ, nơi có con sông Đáy thơ mộng. Mẹ tôi bảo tôi sinh vào cuối thu, đúng vào mùa lúa chín. Có lẽ chính vì thế, từ khi chào đời, cùng với dòng sữa và tiếng ru ngọt ngào của mẹ, tôi đã được bao bọc bởi hương lúa dịu êm.

     Khung trời đầu tiên còn lại trong trí nhớ của tôi mênh mang một màu xanh và cánh đồng bát ngát, con cầu nhỏ bắc qua sông, cánh diều trắng. 'Món ăn' mà tôi thích là những quả sung, quả ổi, hay quả mít thôn quê. Trò chơi đầu tiên mà tôi tham gia chính là trò đuổi bắt hay trốn tìm bên đống rơm nếp ngày mùa thơm nức. Đôi khi chúng tôi bắt được một ổ trứng gà trong đống rơm, có khi lãng đi, đến lúc gà mẹ dẫn về sân một đàn con kêu liếp chiếp thì cả nhà mới biết.

     Và mùa đông tới. Mùa đông trong trí nhớ của tôi dường như rét hơn bây giờ. Rét căm căm, gió táp vào mặt lạnh buốt. Vậy mà mẹ vẫn phải sục chân xuống nước, xuống bùn lạnh cóng, gặt về những gánh lúa vàng. Còn chúng tôi, được náu mình trong ổ rơm trong góc nhà để tránh rét. Để làm chiếc ổ rơm này, cha tôi phải chọn những đám rơm nếp sạch nhất, phơi khô, sau đó rải thành một tấm nệm dày ở góc nhà. Tôi thường nằm thật yên lặng, úp mặt xuống tấm nệm rơm đó hít đầy lồng ngực hương thơm ngọt của rơm nếp. Và hơi nóng ấm của rơm truyền sang tôi tự lúc nào, lan từ chân đến đầu, ru tôi vào giấc ngủ êm đềm. Sau này, được đắp chăn bông, chăn len, nằm nệm mút ấm hơn nhiều; tôi cứ thấy thiếu vắng mùi ổ rơm nồng ấm thân thuộc ấy...

     Rồi tôi theo bố mẹ ra thành phố. Cha tôi không thích ở nơi phố phường đông đúc, ông chọn một mảnh đất nơi ngoại thành để cả gia đình sinh sống. Tôi vẫn gặp quanh mình khung cảnh thân yêu nơi làng quê: chung quanh nhà là cánh đồng lúa, là ao cá, bụi tre...

     Vào mùa gặt, tôi thường theo bọn trẻ trong xóm đi mót thóc. Ẩn trong những gồi rạ là những bông lúa dù bé nhỏ cũng là niềm vui lớn lao của chúng tôi. 'Năng nhặt chặt bị', mẹ thường bảo vậy, nên tôi đi mót rất chăm chỉ. ở những nơi mọi người bó lúa hoặc chất lúa lên xe bò, có nhiều thóc rơi. Những hạt thóc rụng như thế thường rất mẩy, bọn trẻ chúng tôi thường lấy đất nhão chấm những hạt thóc vàng đó và mang về đãi. Tôi và chị gái tôi đã nuôi được nhiều gà từ số thóc mót ấy. Sau mỗi lần bán gà, mẹ thường mua cho chị em tôi những bộ quần áo mới.



Tháng năm vui hội vào mùa
Thơm thơm hương lúa nắng đùa
vàng mơ
Mạ mấy lần cháy vàng khê…
Mừng vui nhộn nhịp chốn quê hội mùa

(Hương lúa - Nguyễn Xuân Ngôn)

 

     Con đường đến trường của tôi xuyên qua cánh đồng. Chính vì thế, tôi có thể cảm nhận và phân biệt rõ hương lúa khi đang trỗ đòng khác với hương lúa khi đang ngậm sữa hay khi lúa đã chín.

     Những chiều mùa đông mưa rét, khi đi qua cánh đồng, tôi thường phải bỏ dép ra lội bộ. Bàn chân dầm trong nước lạnh buốt, nhưng hương lúa khi đó lại dường như nồng hơn. Những bông lúa nếp trĩu hạt, vàng óng như chuỗi cườm đung đưa trước mắt như những bàn tay khẽ vẫy, an ủi, động viên tôi. Vào những ngày đó, bọn trẻ chúng tôi rất thích ăn thóc rang - thường gọi là cắn chắt. Những hạt thóc nếp vừa rang xong, nóng hổi, nở bung như những bông hoa trắng lấm tấm, giòn tan. Nhưng 'mưa rét là chuyện của trời'- với chúng tôi nằm trong chăn và cắn chắt đó là một niềm thích thú. 

     Tôi lớn dần qua từng mùa lúa. Rồi tôi phải xa bố mẹ, anh chị đi học đại học, rồi đi làm. Mỗi mùa lúa chín, tôi nhớ nôn nao mùi hương đồng quen thuộc và thường mơ được ăn bát cơm trắng thơm phức ngày mùa. Ngày xưa nhà nghèo, thường phải ăn cơm độn khoai, độn sắn, đến ngày mùa mới được ăn bát cơm trắng, không có thức ăn gì ngoài mắm tép mà chị em tôi ăn bốn - năm bát, no rồi mà vẫn thấy ngon.

 

Dẻo thơm hạt gạo quê hương
Có cả “năm nắng mười sương” người trồng
Từng bông rồi lại từng bông
Trĩu cong như dáng lưng còng mẹ ta
Cho con ngày tháng nở hoa
Từng trong gian khổ bước ra với đời

(Hương lúa quê ta - Trần Đức Đủ)

 

     Mới rồi tôi theo cha về thăm quê. Lại đi qua con đường với những cánh đồng lúa bát ngát. Những kỷ niệm tuổi thơ ùa về. Tôi như thấy cảnh bà tôi đang ngồi nấu bếp, ánh lửa hồng làm khuôn mặt của bà như trẻ lại. Nồi cơm đang được vùi trong tro rơm thơm nồng. Khi bắc ra, bà khẽ hớt lớp cơm trên cùng có vương ít tro bếp rồi lấy đũa cả đánh tơi nồi cơm, hương cơm bốc ra thơm nức. Trong hương thơm ấy, đượm cả hương của rơm nếp...

     Tôi về đến làng vào lúc chiều tối, vậy mà làng xóm tịnh không thấy vương làn khói mỏng quen thuộc ngày nào, những cây rơm cũng chỉ còn lác đác. Tôi buông xe chạy ào xuống bếp. Bác tôi đang nấu cơm trên bếp than tổ ong. Tôi ngạc nhiên: 'Sao bác phải nấu cơm bằng bếp than tổ ong?'. Bác tôi mỉm cười bảo: 'Bây giờ ở quê mình, cả làng nấu bằng bếp than rồi cháu ạ'. Tôi lại hỏi: 'Thế còn rơm thì để đi đâu ạ?'. 'à, bây giờ người ta thường đốt rơm rạ luôn ở ruộng để cho đất tốt hơn' - Bác tôi trả lời. Sáng hôm sau, tôi sang nhà chú tôi chơi, chú khoe: Mấy năm nay được mùa nên nhà chú sắm được ti vi, quạt điện và cả nồi cơm điện nữa. 'Nồi cơm điện ư?', tôi tự hỏi khi tựa lưng vào đống rơm sau nhà.

     Chưa lúc nào tôi nhớ bà như lúc này. Tôi rút ào một nắm rơm to. Mùi rơm ngọt. Tôi chạy vào bếp: 'Bác ơi, bác để cháu nấu cơm cho'. Bác tôi bảo: 'Bếp than bác quạt đã hồng rồi đây này!'. 'Không cháu nấu bằng bếp rơm cơ'. Tôi sung sướng ngồi bên bếp lửa, những ngọn lửa nhảy nhót như múa vui. Hương lúa ngào ngạt quanh tôi. Và tôi thấy đâu đây đôi mắt đang nheo cười của bà... Tôi thì thầm khẽ gọi: 'Bà ơi!'.

Theo tác giả Nguyễn Mai Hồng

 

-----------------------------

Thơ: Lucbat.com tuyển chọn

(Nguồn: Báo Hà Nội mới)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: