Chủ nhật, 08/09/2024,


Trong veo một tình yêu quê hương (23/04/2009) 

Giọng quê

 

Lê Đức Đồng

Bàn chân bước mãi cuối trời

Rưng rưng miền nhớ, gặp người giọng quê

 

Ùa về ngọn cỏ chân đê

Ngả nghiêng gió nghịch luỹ tre đầu làng

Mùa đông đỏ ối cánh bàng

Giọng quê lấp loá nắng vàng bến sông...

 

Quê mình cái giọng nào trong

Mà chân chất, mà thật lòng, người ơi !

Bão giông, cay đắng, dập vùi

Giọng quê nguyên vẹn vàng mười lửa nung...

Mãi đằm đằm, mãi thuỷ chung

Ngỡ đồng vọng tiếng cha ông thuở nào...

 

Nhớ quê mừng gặp câu chào

Trong veo nguồn cội lắng vào hồn tôi...

(Báo GD&TĐ - Số 107)

 

     Chưa từng làm khách ly hương và ít khi  xa quê quá dăm ba bữa, nửa tháng, thế mà đọc bài thơ Giọng quê của Lê Đức Đồng, tôi như mang tâm trạng của người con xa quê và thấy lòng nao nao buồn nhớ cái giọng quê chân chất, thật lòng...

 

     Lê Đức Đồng ly hương hay nhân vật trữ tình của anh ly hương? Không rõ. Bài thơ chỉ mở ra bằng bước chân của con người phiêu bạt nơi chân trời góc biển. Là khách ly hương. Vâng ! nhân vật trữ tình của anh Lê Đức Đồng đang trong tâm trạng buồn nhớ quê xa. Tình cảm đang ở độ  chín : “rưng rưng miền nhớ”. Và ngay trong hoàn cảnh ấy, “gặp người giọng quê” - Một sự đốn ngộ làm vỡ oà những dòng xúc cảm :

                                   

Ùa về ngọn cỏ chân đê

Ngả nghiêng gió nghịch luỹ tre đầu làng

Mùa đông đỏ ối cánh bàng

Giọng quê lấp loá nắng vàng bến sông...

 

     “Ùa về”. Có lẽ thế, nên nỗi nhớ đã không theo một trình tự và hiển nhiên không theo một sự sắp xếp nào cả. Một ngọn cỏ xanh mướt chân đê, một ngọn gió ngả nghiêng nghịch luỹ tre đầu làng, một cánh bàng đỏ ối mùa đông,... tất cả “ùa về” mà hiện hình trên từng con chữ. Dường như Lê Đức Đồng không có ý định  chọn lựa những hình ảnh biểu trưng của một vùng quê riêng biệt. Những gì được anh tái hiện chỉ là hình ảnh chợt về trong “miền nhớ” của nhân vật trữ tình. Thế nhưng, đằng sau những điều tưởng như không lô gích ấy,  ta lại bắt gặp một hình tượng thơ cực đẹp : “Giọng quê lấp loá nắng vàng bến sông”. Câu thơ đẹp một cách sáng láng và làm bừng sáng trong ta những xúc cảm thẩm mỹ. Thì ra, ấn tượng sâu đậm nhất, đẹp nhất trong tâm tưởng của người con xa quê kia vẫn là “giọng quê”. Một “giọng quê” sáng, trong- mà ta có cảm nhận như chính nó làm “lấp loá” nắng đến vàng cả bến sông quê.

 

     Sau những dòng hồi ức đẹp, Lê Đức Đồng đã để xúc cảm của mình lắng lại trong những dòng suy tưởng. Không phẩm bình hay làm phép so sánh, anh chỉ suy ngẫm và thực lòng nói về “giọng quê” mình với một chút tự hào:

 

Quê mình cái giọng nào trong

Mà chân chất, mà thật lòng người ơi !

Bão giông, cay đắng, dập vùi

Giọng quê nguyên vẹn vàng mười lửa nung...

 

     Đọc những câu thơ của anh, tôi nhớ đến đôi câu thơ trong bài Hồi hương ngẫu thư nổi tiếng của Hạ Tri Chương được viết khi ông từ quan về lại quê nhà: “Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi ; Hương âm vô cải, mấn mao tồi”  (Người ra đi lúc trẻ, khi về đã già; giọng quê không đổi dẫu tóc mai đã rụng). Thật đáng trân trọng khi ai đó giữ được “giọng quê nguyên vẹn vàng mười lửa nung” trước những “bão giông, cay đắng, dập vùi” của cuộc đời  dâu bể. Có thể nói, từ những xúc cảm “rưng rưng” khi “gặp người giọng quê” đến mối giao cảm với cội nguồn khi “ngỡ đồng vọng tiếng cha ông thuở nào” trong  cái giọng quê “mãi đằm đằm, mãi thuỷ chung”, người viết đã thể hiện một tình yêu quê hương tha thiết.

 

     Lê Đức Đồng đã không chọn cách thể hiện lạ, không làm mới ngôn từ hay lạ hoá con chữ. Anh sử dụng ngôn ngữ chân chất của “quê mình” và thực lòng trao gửi tình cảm mà tiếng thơ của anh tạo được những rung động trong lòng người đọc. Và như thế, anh đã tìm thấy “tiếng nói tri âm” như chính nhân vật trữ tình của mình “gặp người giọng quê”:

 

Nhớ quê mừng gặp câu chào

Treo veo nguồn cội lắng vào hồn tôi...

 

     Giọng quê - Trong veo  một tình yêu quê hương!

 

Nguyễn Mậu Hùng Kiệt

Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam

Email: maukiet@gmail.com

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: