Chủ nhật, 08/09/2024,


Tôi đã vượt qua được số phận (19/04/2009) 

Tôi được sinh ra trong một gia đình bộ đội, khi cất tiếng khóc chào đời tôi đã không may mắn như bao đứa trẻ bình thường khác, do ảnh hưởng của chiến tranh, tôi bị dị tật bẩm sinh từ bé, lưng gù, cột sống lưng vẹo lệch, tay chân teo cơ co quắp, rất khó khăn trong việc đi lại, đến năm mười tuổi tôi mới lẫm chẫm biết đi, giọng nói không rõ thành lời. Khi tôi mười hai tuổi, bố mẹ tôi xác định tôi cần phải đi học, để có cơ hội hòa nhập với mọi người, vậy là tôi được đến trường. Bố mẹ tôi cũng đã dạy tôi phải sống tự lập ngay từ bé, không ỷ lại vào sự khuyết tật của mình để khiến người khác phải quan tâm lo lắng, cho nên việc gì trong khả năng mình có thể làm được là tôi gắng sức để bố mẹ không phải bận tâm về mình và cũng là để rèn luyện bản thân.

Tuổi thơ tôi lớn lên trong bao khó khăn chồng chất của gia đình, bố đau ốm luôn, mẹ gồng mình gánh vác nhiều lúc tưởng như không còn đủ sức lực để cố gắng nữa. Thương mẹ thương cha, tôi lao vào học với lòng quyết tâm không cam chịu thiệt thòi và sự sắp đặt của số phận. Bỏ mặc những lời đàm tiếu, những ánh mắt thương hại của mọi người, những chế giễu của lũ học trò cùng lứa, tôi tự nhủ mình không được mặc cảm, tự ti; phải học thật giỏi để không bị người ta coi thường. Và tôi đã làm được điều đó, tôi đã cố gắng theo học hết cấp 2 và liên tục là học sinh giỏi. Thế nhưng rồi cho dù rất ham học, tôi cũng đành ngậm ngùi rời xa sách vở, vì tôi biết dù không nói ra nhưng bố mẹ không còn đủ điều kiện để lo cho tôi học tiếp được nữa.

Một năm sau khi tự quyết định nghỉ học, tôi đi học nghề may để tự lo kiếm sống cho bản thân mình, và cuộc sống của tôi cứ theo ngày tháng với nghề may thuê, cũng đủ để chi tiêu cho nhu cầu của bản thân. Rồi một hôm tôi nhận được giấy mời đi học nghề dành cho người khuyết tật. một lần nữa tôi lại được đi học, lần này là theo học lớp tin học, ở trung tâm dạy nghề 8/3 của tỉnh Hải Dương. Với hai bàn tay yếu ớt, tôi gặp rất nhiều khó khăn khi gõ bàn phím, kiến thức văn hóa thì lại thấp, tôi tưởng mình không theo nổi lớp học này. Nhưng càng khó tôi lại càng ham muốn học bằng được, tôi tự tìm hiểu qua sách hướng dẫn để học thêm, cũng như rèn luyện một ngón tay mình “mổ cò” một cách thành thạo. Không ai ngờ được rằng, tôi đã học xong khóa học ấy và được cấp chứng chỉ tin học văn phòng.

Đôi tay tôi lèo khèo không được khỏe mạnh như mọi người, nhưng chính tôi cũng không nghĩ rằng đôi tay ấy lại có sức mạnh và sự dẻo dai đến thế. Cũng tại trung tâm học nghề này, tôi đã được học thêm về kỹ thuật thêu móc, và thật lạ là tôi lại có năng khiếu về thêu thùa. Cùng với thời gian, sự chăn chỉ và cần mẫn của bản thân, sau khi học song nghề thêu móc, tôi được giữ lại làm việc tại trung tâm 8/3. Hiện nay tôi là giáo viên dạy nghề thêu móc xuất khẩu, học viên của tôi là những phụ nữ nông thôn nghèo, họ muốn học nghề để họ có thể kiếm sống. Khi tôi về dạy tại các xã, thấy cô giáo khuyết tật, các học viên nhìn tôi với vẻ đầy nghi ngại, có người còn hỏi: “Cô giáo như vậy mà dạy được ư?”. Tôi chỉ cười và nói: “Các cô nhìn cháu làm rồi sẽ biết ngay thôi!”. Khi tôi thực hành, mọi người càng ngạc nhiên hơn. Có học viên học mãi mà không thành nghề, định bỏ học nhưng khi nhìn tôi giảng và thực hành trên sản phẩm, họ đã nói rằng: “Cô giáo bị khuyết tật còn làm đẹp thế, vậy vì sao mình lại không cố gắng học được!”. Chính những điều đó đã làm tôi rất vui và cố gắng hết mình để dạy nghề tốt hơn nữa. Cho tới giờ tôi đã không nhớ nổi chính mình đã mang nghề về dạy cho bao học viên ở các xã, huyện. Mặc dù sự đi lại của tôi rất khó khăn, nhưng nhờ sự giúp đỡ của gia đình và mọi người trrong cơ quan, tôi đã hoàn thành nhiện vụ trong công tác dạy nghè cho phụ nữ nghèo quê tôi.

Phía trước, cuộc sống của tôi vẫn còn có nhiều thử thách mà mình cần phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa, nhưng tôi đã không phải là người thừa với xã hội. Tôi đã tìm được niềm vui trong công việc và nhận ra giá trị của cuộc sống để lao động và cống hiến.

 

Tôi viết những dòng này không phải là bản báo cáo thành tích, mà đơn giản chỉ là nhưng dòng tâm sự tôi muốn gửi gắm, sẻ chia tới mọi người và cũng là nhưng dòng viết cho riêng mình. Tôi còn mong muốn có dịp nào đó có cơ hội được tham gia một cuộc thi tay nghề giỏi dành cho người khuyết tật, bởi người khuyết tật thích được thi không phải vì giải thưởng mà vì muốn được khẳng định mình. Tôi mong được mọi người ghi nhận những gì mình đã nỗ lực và phấn đấu hết mình, đó cũng là sự cổ vũ, động viên tôi trong những chặng đường tiếp theo.


Vũ Thị Nga

Số nhà 2 - Ngõ 68 - Tuệ Tĩnh - Khu 1 - Phường Bình Hàn – Tp. Hải Dương

(Nguồn: pwd.vn)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: