Thứ bảy, 27/04/2024,


Lê Đình Quỳ: Khi Hội họa song hành với Thiên văn (18/04/2009) 

Triển lãm của Hoạ sĩ Lê Đình Quỳ đang diễn ra ở 29 Hàng Bài (Hà Nội) vào trung tuần tháng 4-2009 này, đã gây một tiếng vang lớn không chỉ trong giới mỹ thuật cả nước.

Dường như những điều người nghệ sĩ tròn 70 tuổi này muốn gửi gắm, đã vượt ra khỏi những tác phẩm hội họa của ông?

 

Hoạ sĩ - Đại tá Bằng Lâm, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: 'Chúng ta đã từng biết Lê Đình Quỳ, một điêu khắc gia nổi tiếng với các công trình tượng đài hoành tráng về danh nhân Việt Nam và các sự kiện lịch sử, đã được sáng tác và thực hiện trong những năm qua trên ba miền đất nước. Các tác phẩm đã khắc hoạ những dấu son lịch sử của bản anh hùng ca Việt Nam. Chúng ta được biết Lê Đình Quỳ đã dày công nghiên cứu thiên văn học, ông cho ra đời một giả thuyết mới: 'Giả thuyết mới về nguồn gốc Hệ mặt trời'làm sửng sốt giới khoa học, mỹ thuật trong nước.

 

Là người giao thiệp bằng tiếng Anh với Hội đồng Giải thưởng quốc tế Kavli (trị giá giải thưởng 1 triệu USD), xin nói thêm Lê Đình Quỳ và vợ là Lê Thị Hiệp còn là hội viên Hội Thiên văn vũ trụ Việt Nam. Tác phẩm 'Giả thuyết mới về nguồn gốc Hệ mặt trời' đã và đang tham gia Giải thưởng quốc tế Kavli.

 

Từ trái qua: Admin Thuỷ Hướng Dương, dịch giả Đắc Lê, họa sĩ Lê Đình Quỳ và nhà thơ Đặng Vương Hưng tại phòng tranh trong ngày khai mạc triển lãm.

 

Và sáng chủ nhật đẹp trời ấy, Lê Đình Quỳ xuất hiện trước chúng ta một gương mặt mới, một hoạ sĩ 'Người có học thức uyên thâm, được đào tạo chính quy, lòng yêu nghề mãnh liệt, lao động quên mình, với đôi bàn tay tài hoa, ông đi vào lĩnh vực này như một sự thách thức chính bản thân mình để khám phá bí ẩn của vũ trụ và con người' (Phạm Đỗ Đồng, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. HCM).

 

Triển lãm mừng thọ 'Tuổi bảy mươi à, đã mấy ai' này bày những tranh màu dầu (sơn dầu) khổ lớn, hầu hết có hình vuông (trên dưới 150 cmx 150cm) và 3 bức ký hoạ chì than chân dung hoạ sĩ Huy Oánh, Đ.L và Quang Phòng. Hình thức tranh rõ ràng là vuông, nhưng có thể nói bố cục tranh của tác giả là vuông (hình tượng của đất) hài hoà với bố cục tròn (hình tượng của trời) thể hiện những mật mã bí ẩn của vu trụ và con người 'trời tròn, đất vuông' với các phong cách đa dạng, ấn tượng, siêu thực, tả thực, trừu tượng... để lại một ấn tượng mạnh mẽ khó quên cho những người xem, những người thưởng ngoạn.

 

Một người bạn của Lê Đình Quỳ đã nhận xét về anh: 'Anh là chất 'sĩ' của khoa học, là chất 'Nghệ' tập hợp đa năng các chất lượng sáng tạo, và là chất 'lực điền' của anh chàng làm điêu khắc, hội hoạ không biết mỏi'. Tôi đã được biết tuy ở tuổi 'nhân sinh thất thập cổ lai hi', Lê Đình Quỳ vẫn về quê Thanh Hoá thường xuyên làm lực điền thực sự, đi cày 'con trâu đi trước, cái cày ở giữa, Lê Đình Quỳ ở sau'. Một điều khá lý thú là Truyền hình Thanh Hoá tới buổi khai mạc để quay và về ngay Thanh Hoá phát lên đài quê hương. (Tôi được một người đẹp xứ Thanh kéo tay bảo: 'Anh phiên dịch cho em phỏng vấn chuyên gia Mỹ J.Anderhohn từ Californica sang nước ta'). Tất nhiên Truyền hình Hà Nội và trung ương đã quay và đã phát vào buổi tối hôm khai mạc.

 

Để kết thúc bài viết ngắn này, tôi xin mượn lời hoạ sĩ Trịnh Yên (Uỷ viên Thường vụ Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam) nói về cuộc triển lãm: 'Chúng ta cũng bắt gặp' những nghiệt ngã không thôi 'không phải chỉ có ở số phận con người mà còn ở số phận của vũ trụ bao la này đã tạo ra các cấu trúc bố cục trong tranh Lê Đình Quỳ có 'sức' đồng chuyển và dị chuyển, có chỗ nó giải phóng bút pháp, có chỗ lại tiềm ẩn bút lực, có chỗ nó phăng phăng những nhát bay xếp nếp, có chỗ nó chỉ vung và khoanh các tuýp màu nguyên chất bằng cử chỉ tạo khối... tất cả cũng không chỉ hạn chế trong định đề của vuông tròn, mà còn có cái tam giác dành cho phát triển, các đường huyền, đường trục, đường tiếp tuyến bắc nối cầu tư tưởng và có cả các đường kinh và vĩ tuyến tạo đồng chuyển cong cũng được 'các hỗ trợ màu' làm nên bố cục có tư tưởng, tinh thần chuyển động để dẫn dắt, khơi dựng và kết thúc cái điều anh cần nói'.

 

Đắc Lê

(ĐT: 0913253511)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: