Thứ sáu, 18/10/2024,


Chiếc áo tơi và hình bóng người Việt (17/04/2009) 

     Áo tơi được nhân dân ta làm bằng lá tro còn gọi là lá cọ (lá mà người dân quê dùng để làm tranh lợp nhà). Suốt cả chiều dài lịch sử của dân tộc Việt chúng ta, chiếc áo tơi là vật dụng che mưa che nắng và che cái lạnh cắt da cắt thịt mùa đông.

 

Áo tơi thấp thoáng trên đồng

 

     Áo tơi rất nhẹ được làm từ lá cây, thường là lá cọ khô. Những chiếc lá này được chọn kỹ và khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

     Chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào về áo tơi Việt nhưng có lẽ người Việt cổ đã dùng nó như là quần áo để che thân. Mãi đến đầu thế kỷ 20, áo vải vẫn còn là thứ đắt tiền mà người dân thường không dễ có được, chiếc áo tơi vẫn là chiếc áo khoác ngoài đầy 'quyền uy', chiếc chăn ấm che thân, chiếc áo che mưa che nắng và trong tâm hồn người Việt xưa, áo tơi trở thành vật cho tặng thể hiện tình yêu:

 

Vô duyên dù bận áo sa
Áo ra đằng áo, người ra đằng người
Có duyên dù bận áo tơi
Đầu đội nón cời (rách) duyên vẫn hoàn duyên

 

     Giờ những người phụ nữ trẻ không còn dùng những chiếc áo tơi như thế này, nhưng hình bóng chiếc áo tơi ngày xưa thấp thoáng trên những cánh đồng làng thì vẫn còn mãi.

 

Những năm 1884 áo tơi được sử dụng rất phổ biến

 

     Chẳng biết từ đời nào, hình ảnh của người nông dân xứ Nghệ bình dị trên đồng cạn, dưới đồng sâu, tần tảo sớm khuya với chiếc áo tơi mộc mạc, đã đi vào thi ca, đi vào tâm hồn mang đậm nét ân tình xứ Nghệ, để những người con khi đi xa không khỏi khắc khoải, nhớ nhung. Áo tơi chở che cho người nông dân lam lũ khỏi cái nắng gay gắt của miền Trung, cái lạnh thấu xương của miền quê nghèo. Chiếc áo tơi trải qua những thăng trầm từ đời này đến đời khác để trở thành một nét văn hóa giản dị và cũng thật thanh tao.

 

     Người Hà Tĩnh tự hào làm ra và gắn bó với những chiếc áo tơi trong thời tiết gió Lào khắc nghiệt.

     Người Huế mỗi độ đông sang, biết bao người nhớ những chiếc áo tơi xưa. Áo làm bằng lá nón, xếp từng lớp mỏng như bộ váy của một con công cồ. Khoác chiếc áo tơi lên vai, rồi đi trong mưa lạnh, nghe hai vai nằng nặng những giọt nước mưa chừng như đã mệt nhoài. Một chiếc áo tơi như vậy có thể mặc ba bốn mùa mưa. Mặc cho đến khi những 'tà' áo mủn ra, mầu vàng nhẹ chuyển sang mầu xám mùn, áo ngắn lên cũn cỡn nhưng vẫn còn dùng được. Lúc này, nhiều người đem mặc cho những thằng bù nhìn rơm ngoài đồng. Suốt mùa đông lạnh, chiếc áo tơi vẫn cứ ở đó che chở cho thằng bù nhìn đuổi chim.

     Tuy có cấu tạo đơn giản áo tơi để che mưa che nắng rất tốt; mùa mưa thì nước mưa không lọt qua được vào bên trong, người mặc lại có cảm giác kho ráo ấm áp không bị bí; mùa hè thì nắng ko chiếu được vào trong và cách nhiệt tốt làm cho người mặc có cảm giác mát, giúp người dân có thể làm đồng dưới cái nắng nóng gay gắt .

 

 

     Cũng với chiếc áo tơi dung dị và đằm thắm đó, những người con của “đất nâu, bùn sồng” khi xa quê hương chắc hẳn không thể nào quên hình ảnh chiếc áo tơi đậy che cho những chum cà vại mắm được tươi ngon, thơm nồng. Rồi cũng thật lạ, những củ sắn, củ khoai khi được cuộn vào những chiếc áo tơi này cất giữ thì màu sắc cũng như hương vị cứ tươi ngon hằng tháng. Khi cách mạng nổ ra, chiếc áo tơi trở thành công cụ ngụỵ trang rất tốt. Vũ khí, truyền đơn, cờ cách mạng…được cuộn tròn trong những lớp áo tơi.

     Đơn giản từ chiếc lá cọ, làm nên sản phẩm độc đáo để rồi qua những vùng miền khác nhau tạo ra nét Việt Nam đặc biệt: Văn hóa làng xã với chiếc 'áo tơi'.

 

     Nhưng thật không phải nếu như chúng ta cứ mong ước được nhìn những người dân giản dị, ngày ngày vẫn mặc chiếc áo tơi ra đồng, trong khi cuộc sống hiện đại đã có nhiều thay đổi. Những chiếc áo che nắng mưa sản phẩm của công nghệ cao ngày nay thật tiện dụng và bắt mắt đã làm phai nhạt ký ức về những chiếc áo tơi truyền thống có từ ngàn đời. Tuy nhiên những nét văn hóa mang bản sắc riêng chắc hẳn sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí nếu như nó được hóa thân thành những món quà lưu niệm ý nghĩa cho những người đi xa để họ thêm yêu cuộc sống, thêm yêu quê hương. Và cả những du khách về thăm quê, thật thú vị nếu trong bộ sưu tập kỷ vật của họ lại có một chiếc áo tơi, xếp cùng nón bài thơ xứ Huế, đèn lồng Hội An, thổ cẩm vùng cao…

Thục Anh(Tổng hợp)

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: