Thứ bảy, 27/07/2024,


Pi_en Thường Đoan, Nàng thơ không bình yên (14/04/2009) 

Pi_en Thường Đoan, là nickname của weblogs nhà thơ nữ Phan Ngọc Thường Đoan được khai trương vào đầu năm Kỷ Sửu 2009. Nhưng hai năm nay bên yahoo 360 P.N.Thường Đoan đã  có một blog với 300 bạn bè thuộc gia đình mạng. Ở đây có những bài viết nho nhỏ, dạng “tiểu nhật ký” đọc vui vui, ngộ nghĩnh, nhưng riêng thơ của chị lại đầy những tâm trạng của một trái tim đàn bà nhạy cảm, một nàng thơ không chỉ có nhan sắc đằm thắm mà còn ẩn chứa nhiều bí ẩn rất khó khám phá.

 

Phan Ngọc Thường Đoan (P.N.THƯỜNG ĐOAN) thuộc thế hệ những nhà thơ nữ làm vang danh làng thơ thành phố Hồ Chí Minh những năm 1980-2000. Gặp chị, lúc nào cũng là một nụ cười, rất hồn nhiên, và ánh mắt lấp lánh một niềm vui, rất lạc quan, hình như cuộc sống phức tạp, bộn bề không có trong nụ cười ánh mắt của chị. Nhưng đọc thơ chị, bao nhiêu câu hỏi  ám ảnh về thân phận, số phận con người, cuộc đời trong nàng thơ mang tên Phan Ngọc Thường Đoan.

 

* Theo chị, nhà thơ nam và nhà thơ nữ khác nhau, giống nhau như thế nào? Và vì sao nhà thơ nam thường nhiều hơn nhà thơ nữ?

 

- Nhà thơ nam giống các nhà thơ nữ ở chỗ… cùng làm thơ (cười). Còn khác nhau ở chỗ họ làm thơ tình thường không hay bằng nhà thơ nữ, tôi luôn có cảm giác họ yêu phiến phiến, yêu ngoài miệng nhiều hơn nên những bài thơ tình của họ hay sáo, lấp lửng, ít có những dằn vặt đau đáu, buốt cạnh và sắc sảo trong thể hiện nỗi yêu, nỗi chờ mong, nỗi thất vọng, cô đơn, họ đơn điệu và đôi khi phải vay mượn ca dao để bày tỏ tình cảm, còn nhà thơ nữ họ thật hơn, yêu hay đau đều bày rành rẽ trái tim mình ra, can đảm bày những vết sẹo mà những cuộc tình đã để lại. Do đó đôi khi những nhà thơ nữ vô tình nói hộ được tâm trạng nhiều người khác, tìm được sự đồng điệu, rung động, để lại dấu ấn trong lòng người đọc thơ nhiều hơn nhà thơ nam về mảng thơ tình.

Nhà thơ nữ còn khác nhà thơ nam ở chỗ ít làm thơ… chính trị, họ chỉ làm thơ yêu quê hương đất nước một cách thuần khiết, ít khi lồng vào thơ của mình những ý tưởng vĩ mô, ám chỉ, cạnh khóe (câu trả lời này chắc thế nào cũng có đụng chạm đây).

Theo suy nghĩ riêng của tôi, sở dĩ chúng ta thấy có hiện tượng nhà thơ nam nhiều hơn nhà thơ nữ bởi vì nhiều người đàn bà làm thơ không chịu xuất hiện ra xã hội đó thôi.

 

* Bản thân thơ đã mang tính “đa đoan”, thơ nữ càng “đa đoan” hơn. Vậy có khi nào chính thơ của chị ám ảnh, vận vào cuộc đời của chị?

 

- Người ta nói, đừng làm thơ buồn, nó sẽ vận vào người, nhưng khổ, khi buồn tôi mới làm thơ. Như vậy, thơ không thể ám ảnh hay vận vào cuộc đời tôi được.

 

* Đọc bài thơ “Rượu xuân” của chị:Một nửa mơ hồ/một nửa say/một nửa ngọt ngào/một nửa cay…/Một nửa cạn cùng/một nửa vơi/một nửa vầng trăng/một nửa đồi/một nửa mặt trời, một nửa biển/một nửa yêu và một nửa thôi”… thấy có gì cay cay, rưng rưng nhưng cũng hơi hoang mang. Trong cuộc đời thật của chị có “một nửa” như thế không? Và trong thơ của chị có khi nào cũng chỉ là “một nửa”, để nửa còn lại ai muốn nghĩ sao thì nghĩ? Có phải đó cũng là “tâm trạng” của chị và của thơ chị?

 

- Có lẽ tôi “hơi bị” bất hạnh, bởi cái gì cũng “một nửa”. Mà suy đi nghĩ lại, nếu không “một nửa” e khó có những bài thơ hay.

 

* Khi chị làm được một bài thơ,hay khi tập thơ của chị được giới thiệu trên phương tiện truyền thông, cảm xúc của chị ra sao? Và nếu như  có được nhiều tri âm thơ, chị sẽ làm gì khi đó, gặp bạn bè chia vui, làm thơ tiếp hay “âm thầm gặm nhấm” thành công một mình?

 

- Câu hỏi này làm tôi nhớ lại cái cảm giác đầu tiên khi thấy bài thơ mình trên mặt báo, tay thì run run, trái tim đập thùng thùng liên tục, mắt thì len lén nhìn quanh xem thái độ mọi người như thế nào, có biết “ta có bài thơ đăng báo đây” không! Ôi, nhớ lại buồn cười quá. Còn bây giờ, mỗi khi có bài đăng thì lòng cũng rộn rã, nhưng “mắt hết len lén” vì bạn bè thơ bây đông quá, họ đọc thấy bài mình là điện thoại ơi ới, hoặc vào blog “còm-men” báo tin ngay, vui lắm.

Ai làm thơ lại không có những lúc “âm thầm gậm nhấm” thành công một mình? Đó là một cách “tự thưởng” rất dễ thương của người làm thơ. Cơ quan tôi nằm sát căn-tin của hội (Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh) nên thường xuyên chứng kiến cảnh đọc thơ của các “nàng thơ nam” trên bàn nhậu, họ đọc say sưa và bình luận một bài thơ của bạn mình vừa đăng trên báo sau những tiếng dô, dô… rôm rả, tôi cho đó cũng là một cách bạn bè chia sẻ niềm vui cùng nhau.

Riêng tôi, tôi thường mang tập thơ mình ra nhâm nhi trên những chuyến xe xa thành phố, đôi khi còn tự khen mình “Ôi, sao mình làm bài thơ này hay thế”. Thấy nhà thơ dễ thương không?

 

* Nếu tập thơ, hay một bài thơ mới của chị, có nhà phê bình văn học nào hơi ác ý, muốn “xé phay chấm muối tiêu” cả thơ lẫn tác giả. Lúc đó chị phản ứng như thế nào?

 

- Ôi, tôi sẽ tìm tới tận nơi đăng ký hộ khẩu của người đó để “xé phay chấm muối ớt” lại nếu nhà phê bình đó phê bình trong tư thế “chụp mũ, sai lệch và đầy ác ý”.

 

* Thơ về tình yêu của chị có nhiều bài “hiện sinh”, cũng đắm đuối si mê, cuồng nhiệt, ấn tượng… nhưng vẫn có gì đó “ý tứ” kín đáo, nhẹ nhàng, chỉ “gợi” chứ không “khêu”, so với những nhà thơ nữ trẻ bây giờ thì không có sự bạo liệt, trần trụi, nóng bỏng... Theo chị, đó có phải là “khoảng cách” của những nhà thơ nữ thế hệ chị với nhà thơ nữ trẻ bây giờ? Họ “yêu” khác với thế hệ chị nên thơ cũng khác?

 

- Tôi nghĩ, thế hệ nào con người yêu cũng giống nhau thôi, không có khoảng cách nào cả. Cũng không có thơ trẻ và thơ già, chỉ có người sinh ra trước hay sau. Mà người sinh sau phải đi sau, thuộc thế hệ sau, làm gì cũng sau, những điều họ đang nghĩ, đang làm, người đi trước đã nghĩ và làm hết rồi, đúng không? Chỉ có duy nhất một điều khác nhau, đó là cách nhìn nhận vấn đề, tư cách, cách xử xự, kiến thức và lòng  tự trọng của mỗi người có hay không mà thôi. Có một số người làm thơ thuộc thế hệ 8X, 9X bây giờ bị ảnh hưởng sự tiến bộ của khoa học, hay từ cách giáo dục của gia đình, họ sống gấp, làm gấp, thích nổi tiếng gấp, hưởng thụ gấp. Họ bày tỏ tình yêu nhưng sợ trùng lấp với người đi trước nên thể hiện khác đi, chấp nhận làm kẻ “đốt đền” để được xã hội chú ý. Số người làm thơ trần trụi, bạo liệt, nóng bỏng, dơ bẩn đếm chưa hết được một bàn tay, không thể làm đại diện cho cả một thế hệ làm thơ nữ sau này được. Tôi nghĩ, những ngườI làm thơ kiểu này, đến khi bước vào tuổi chính chắn, chắc họ sẽ  dấu biệt  không dám khoe với con cháu những bài thơ mình đã từng làm, những phản ứng của xã hội đã dành cho mình. Con người ai cũng có những giai đoạn tự cho việc mình làm điều gì cũng đúng…

 

* Chị có nghĩ bây giờ hình như thơ không còn sự bí ẩn, vẻ đẹp lung linh của ngôn từ, để người đọc được cảm nhận, được rung động và thưởng thức như một thú thưởng ngoạn thanh tao. Có phải vì chính những trào lưu thơ của thế hệ nhà thơ trẻ, trong đó có các nhà thơ nữ đã “trần tục” hoá ngôn ngữ thơ, đã “phơi bày” nàng thơ trong những hình ảnh sống sượng, thô thiển… làm thơ không còn sự quyến rũ nguyên thuỷ mà chỉ như một thứ giải trí tầm thường?

 

- Xã hội có nhiều giai đoạn khác nhau, nên bắt buộc cách thể hiện bài thơ cũng phải khác đi, từ ngôn ngữ tới hình thức, nhưng bản chất thơ lúc nào cũng bí ẩn, đẹp và cực kỳ  quyến rũ, luôn thu hút mọi người, bằng chứng là hiện nay “ra ngõ là gặp nhà thơ, nhà nhà làm thơ, phố phường làm thơ” . Thơ vẫn muôn đời tao nhã, chỉ có những người viết lên câu thơ không đẹp, không quyến rũ, không tao nhã mà thôi. Cái đó gọi là cái tầm, cái lực, của riêng mỗi người, do đó mới có chuyện chị (hoặc anh, ông, bà) rất thích làm thơ, nhưng làm mãi không thành thơ…, mà đi đâu cũng xưng là nhà thơ, thích người ta gọi mình là nhà thơ.

Một số người nữ thế hệ bây giờ “trần tục” hóa ngôn ngữ thơ thì chúng ta cũng tỉ như một hiện tượng bất thường của thời tiết, mọi người phải chấp nhận một cơn mưa bẩn thỉu làm xấu xí nắng ấm mùa xuân, rồi nó cũng tan thôi. Hay như đang ăn dĩa cơm tấm rất ngon mà nhá hạt sạn buốt răng, hãy bấm bụng mà vất bỏ, không nuối tiếc. Thơ không phải là thứ giải trí tầm thường, thơ là chất tinh khiết nhất, phải đặt nơi sang trọng và nhất là không được xem thơ là một trò chơi.

 

* Một cách thành thật, có khi nào chị “ghen” với thế hệ nhà thơ nữ trẻ bây giờ, khi họ gần như có tất cả: tuổi trẻ, sắc đẹp, kiến thức, điều kiện để sáng tác và cả biên độ bao la cho sáng tác của mình, khác với thế hệ của chi, đôi khi phải “ẩn mình” không dám bộc lộ hết những gì mình muốn?

 

- Tôi không có gì phải “ghen” với thế hệ làm thơ sau mình, bởi sắc đẹp, tuổi trẻ, kiến thức, điều kiện sáng tác tôi đều đã có. Là con người sống trong một vòng quay có giới hạn của vũ trụ, ai cũng sẽ trải qua những chặng đường làm người: sơ, ấu, lão, những người hai mươi tuổi bây giờ rồi sẽ bảy mươi tuổi ngày kia, họ bắt buộc phải tiếp nhận tuổi già của người đi trước để lại, và rồi vòng quay lại mãi tiếp tục. ..

 

* Thơ đã mang đến cuộc đời chị điều gì? Và nếu giả sử không có thơ, chị sẽ “gửi gắm” tình cảm, tâm sự, tâm trạng của mình vào đâu?

 

- Thơ là một người bạn không bao giờ phản bội, thóc mách và nhiều chuyện, nên thơ luôn mang đến cho tôi sự bình an và ấm áp. Khi đối diện với thơ là lúc tôi sống thật, lột mình ra không dấu diếm. Tôi không tưởng tượng được, giả sử nếu không có thơ, tôi sẽ “gửi gắm” tình cảm, tâm sự, tâm trạng mình vào đâu. Điều này tôi chưa một lần nghĩ đến.

 

* Trong nhiều bài thơ của chị hay nhắc tới “tri âm, tri kỷ”. Nhà thơ nam dễ gặp tri âm, tri kỷ, đôi khi chỉ từ một cuộc đối ẩm trà, rượu. Nhà thơ nữ như chị thì đi tìm tri âm, tri kỷ ở đâu? Hay đó là một “giấc mơ” chị chỉ có trong thơ?

 

- Quả thật, các nhà thơ nữ khó mà tìm được tri âm tri kỷ ngoài đời do họ khó tính, cầu toàn, nên thơ thường sẽ trở thành tri kỷ tri âm, chia sẻ vui buồn, biết “luôn luôn biết lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu”.  Vì thơ  luôn cho chứ không đòi hỏi lại điều gì.

 

* Năm 2009 này, chị có toan tính gì với thơ không khi chị lập weblogs?

 

- Năm 2009 tôi in hai tập thơ mà năm 2008 không thực hiện được do sự biến động kinh tế, đó là tập thơ “Buổi sáng có nhiều chuyện kể' và tập thơ 'Nghĩ về hoàng hôn mẹ” . Còn việc lập weblogs chỉ là một trong những “thú chơi tao nhã của người làm thơ”, tứ hải giai huynh đệ mà, mỗi ngày có thêm một người kết bạn với mình là điều quá tốt đẹp đó chứ?

 

* Thay mặt bạn đọc xin chúc “nàng thơ” Pi_en Thường Đoan có thật nhiều tri âm tri kỷ.

 

Hoài Hương thực hiện

 

 

 Nhà thơ P.N Thường Đoan tên thật Nguyễn Thanh Bình, quê Vĩnh Long. Hiện đang công tác tại báo Văn nghệ TP.HCM. Hội viên Hội Nhà Văn VN, Hội Nhà Văn TP.HCM. Tác phẩm đã xuất bản:Lục bát cho khát vọng, Người đàn bà làm thơ và trăng, Đếm cát, Rũ người.

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: