Sau khi rời bỏ Hãng phim tài liệu KH&TW, nhà biên kịch trẻ Lê Thị Thái Hòa chuyển ngoặt sang làm báo và ra sách. Café với người nổi tiếng (tác phẩm đầu tiên của nhãn hiệu sách Chibooks) vừa ra đời, là kết quả của hai năm đầu làm báo.
* Chị có ý tưởng xuất bản cuốn sách này từ khi nào? Và quá trình viết cuốn sách này mất bao lâu?
- Ý muốn làm sách có là do một số người bạn thích cách viết của tôi, thích những nhân vật tôi đã từng tiếp cận, họ xui tôi làm sách. Mấy năm trời giữ chuyên mục nhân vật của báo Thanh Niên đã cho tôi cơ hội để được gặp quá nhiều người đến vậy. Để rồi khi tập hợp các bài viết lại, gần như không phải sửa chữa gì nhiều. Nói một cách trừu tượng hơn thì cộng số tuổi của tôi thêm 15 ngày in sách là thời gian cho cuốn sách này ra đời!
* Cà phê với người nổi tiếng có luôn dễ chịu? Chị có kỉ niệm gì đặc biệt trong các cuộc đối thoại này?
- Con người luôn là sự bất an lớn nhất! Thêm nữa đa số người tôi gặp là người lạ, tôi lại không phải mẫu người dễ làm quen, làm thân. Tôi luôn làm homework thật kỹ trước khi gặp nhân vật, điều cố gắng tránh là không để thông tin bị trùng lặp, khai thác sâu hơn như cày vỡ đất trên những thửa ruộng có bao người đã cày xới! Đôi khi là sự chia sẻ, tự tìm ra mình trong chính họ. Nhiều sự lạ lùng, như với đạo diễn Trần Anh Hùng, tôi đã là học trò của anh trong nhiều workshop, đến khi biết tôi là nhà báo, anh rất ngạc nhiên, nhưng anh cũng nói, tôi là nhà báo duy nhất anh cho phép tiếp cận và viết bài. Thời điểm đó, sự kiện Rừng Nauy đang nóng, nhà báo nước ngoài muốn gặp anh Hùng cũng khó. Hay như đạo diễn Charlie Nguyễn, bài viết "ướt át" thế, ai mà tin được chúng tôi chưa hề gặp nhau! Sau này mới thành bạn thân thiết. Thân rồi thì chẳng viết gì được nữa! Tôi đã luôn yêu các nhân vật của mình như thế, cũng như chân thành biết ơn họ đã dành thời gian, đã tin và có thể đã tha thứ cho tôi...
* Bỏ Hà Nội vào TP.HCM, bắt tay lại từ đầu với công việc mới và cuộc sống mới, chị thấy Hà Nội nhìn từ xa ra sao?
- Hà Nội nơi tôi không sinh ra nhưng đã lớn lên và gắn bó. Không bao giờ nỗi nhớ là những gì quá lớn. Đó lại là những mảnh gai rất khẽ, bất ngờ làm ta đau. Cái “quá lớn” nhất mà tôi từng cảm giác đó là vụ ngập lụt năm trước, xem báo trên internet, tôi đã khóc òa lên, vừa sợ hãi, vừa choáng váng! Sống ở Sài Gòn lạ lắm, tôi tìm được cảm giác yên thân! Người ta đi mãi về phía trước, dù ào ào hay uể oải thì cũng ít khi bận lòng về người khác. Cái này quá tương phản với Hà Nội, khi mà dường như đến bất cứ ngóc ngách nào, cũng sẽ có ai đó quen biết ta hoặc quen biết người quen biết ta sẵn sàng hỏi những câu hỏi riêng tư đến phiền hà!
* Mấy năm sinh sống tại phương
- Nhiều khi tôi hay lẩn thẩn nghĩ, sự bảo thủ mà người ta gắn cho người Hà Nội có phải là đặc tính sĩ phu Bắc Hà đã viết thành sách? Nhưng nó có cái hay lắm, và tôi ích kỷ không khi mong Hà Nội cứ thế, đừng thay đổi gì, dù Hà Nội với tôi đúng là nơi để nhớ thích hợp hơn để sống!
* Sau cuốn sách này, chị có ý định xuất bản tiếp các cuốn khác không?
- Cuốn thứ 2 mà tôi đang chuẩn bị bản thảo là “Interview người nổi tiếng”. Cuốn này sẽ là những nhân vật trong các lĩnh vực khác về kinh tế, xã hội hay thậm chí là chính trị. Tôi thích sự thử thách này, các nhân vật tôi đã tiếp cận đều rất hay. Đó là thiền sư Thích Nhất Hạnh, là người giàu nhất Việt Nam – ông Đặng Thành Tâm, là con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn hay con trai nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh…, họ thực sự vô cùng thú vị và những chia sẻ với họ là món quà quý giá với tôi. Nhưng mà tôi không viết sách đâu, đó dường như vẫn là một việc quá tầm!
Ngọc Tiến thực hiện
(Nguồn: HNM Online)