Bìa tập thơ "Lục Bát đời thường" - NXB Hội Nhà văn
Tôi quen biết Cao Trần Nguyên và có chuyến du ngoạn với ông về cố đô Hoa Lư cùng Thi sĩ Tô Ngọc Thạch, Nguyễn Thanh Tuyên vào một ngày cuối Xuân, năm 2016.
Mấy ngày trời dan díu cùng nhóm Văn nghệ sĩ Ninh Bình gồm Đinh Ngọc Lâm, Diệu Thoa, Bình Nguyên ... Uống rượu, đọc thơ rồi thăm thú một vùng “nước non, danh thắng,” tôi có thêm “gia tài” bạn bầu, quý yêu, trong đó có “Thi sĩ Lục bát” Cao Trần Nguyên, một Người thơ phong tư đạo mạo, một tâm hồn thơ thật sáng trong, tươi mát.
Tôi đọc “Nối mùa,” tập thơ được Cao Trần Nguyên cho ra mắt bạn đọc vào tuổi 77. Tuổi cập kề “tuổi cụ Lão Lai” trong “Nhị thập tứ hiếu.” Tuổi của sự nghiền ngẫm đại giác. Tuổi của trải nghiệm. Tuổi của “cái Biết.” Tuổi của Cao Trần Nguyên với khá nhiều tháng năm đã cho ông “mở mắt nhìn đời.”
Quả tình, với Cao Trần Nguyên, với Thơ, thì làm gì có tuổi ? Khi ông tự bạch, rằng : “Bây giờ tôi vẫn là tôi/ Làm thơ đọc sách và ngồi nhớ xưa…” Bởi : “Túi thơ, bầu rượu đèo bòng/ Bấy lâu nay vẫn trong vòng tỉnh say...” Bởi : “ Em về, để lại nhớ mong/ Chút tình Thu muộn đầy trong mắt gầy!” Rồi, “Liễu cong tựa áng mi gày/ Bóng loang mặt đất... Trăng bày tiệc thơ” ...
Thế đấy. Bức chân dung tự họa này đã tô đậm một : Cao Trần Nguyên, dáng thư phong, tao nhã. Dáng người thơ an nhiên, tự tại với “nhật nhật đối cảnh sinh tình.” Với túi thơ, bầu rượu. Với cảm hoài. Với mang mang thương nhớ ...
Thật chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Thơ với Cao Trần Nguyên luôn là “lễ cưới nhau” giữa cảnh sự và hồn người. Hồn người mà Ông Trời sinh ra Cao Trần Nguyên dễ đa cảm, đa sầu, dễ chênh chao, dễ cất lên thi hứng. Thơ với ông không tự gồng mình để “cố viết ra,” để điểm trang, cầu lụy một lộc tài, danh vị cao sang nào. Mà Thơ, tự nó hát lên. Thơ, tự nó vọng vang. Ngõ hầu dẫn cuộc đời ông, dẫn cõi lòng ông luôn tới được miền trong xanh, siêu thoát nào đấy.
Nhà thơ tự nhủ rằng, “Đời thường đong đếm mà chi/ Song hành với chữ “VÔ VI” cho lành.”
Vâng. Khởi nguồn từ tâm hồn thi nhân là thế. Cao Trần Nguyên luôn níu vịn vào thơ làm nhịp cầu tâm tưởng để ngắm nhìn, để bước đi, để ký thác tâm tình. Thơ là thế giới thứ hai nâng bổng dậy “cái thế giới thứ nhất”, là ông ! Là cánh bay được bứt ra, được nhấc lên, được lượn chao trong bầu trời thơ mộng...
Với bốn tập thơ lần lượt trình làng. Từ “Hoa Lan” Tập thơ in chung với Cao Văn Thịnh, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2008. Rồi, “Nhớ chiều” - Tập thơ in riêng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2010. Gần đây, liên tục hai tập thơ “Nối mùa,” (2016) và “Lục bát đời thường,” (2019) với hơn 200 bài theo thể Lục bát, chứng tỏ sức “thai nghén và sinh đẻ” của thi nhân ở tuổi “thấp thập cổ lai hy” và “Lão Lai bát thập ” trong vòng hai ba năm liền... thì quả là sức phồn sinh, phồn khí. Sức thăng hoa của công cuộc đãi cát tìm vàng.
Điều trân trọng là, đặt cược vào thể “thơ sáu tám.” Đặt cược vào cái khuôn “bất biến.” Vấn đề đặt ra ở đây, làm thế nào để có “cái biến?” Làm thế nào để có sự phong phú, sinh động, sự phá cách? Sự bất ngờ trong khai sáng, kiếm tìm ? Để, tránh được cái nôm na, vần vè? Cái ca dao? Cái ngôn ngữ có vần? Cái dạng “Câu lạc bộ thơ” như đang tràn lan, đang lạm phát trên bề nổi của thi đàn đất nước ?
Với thơ. Nhiều bậc Tiên sinh từng phán rằng, “Muốn biết ai đó, có thực sự là thi sĩ hay không? Xin hãy đọc đôi ba câu Lục bát họ viết.” Quả tình, Lục bát giản đơn. Lục bát gần gũi là thế. Vậy mà, thử đụng bút mà xem! Cái ngỡ như không ranh giới trong mong manh là vậy, nó lại dễ lộ ra cái chân tướng, “người thơ” kia ngồi ở “chiếu hạng” nào?
Điều khẳng định, Lục bát Cao Trần Nguyên trữ tình và “vững.” Thơ trôi trên dòng chảy êm xanh. Nhịp điệu thơ đi trên nền ngọt ngào, thi vị. Lục bát, dường như ít tìm thấy dấu vết của hạt “Sạn” hay tì vết nào trong ngắm soi, bình thẩm. Điều cốt lõi tỏa trùm lên tất cả, đấy là sự cuốn say của hồn người, của cái duyên trong Cao Trần Nguyên vốn có.
Với thơ, điều quan tâm không phải là câu hỏi, nhà thơ ấy viết gì? Bám víu vào không gian, cảnh ngộ nào để mô tả ? Cái hệ trọng ở phía sau trang viết, phải là, vệt thấm loang, và sự ám ảnh của nó ở những gì là phát hiện, kiến giải. Tuy vậy, cơ sở xã hội luôn là nền tảng cho thi ca cất cánh. Nhà thơ đồng hành cùng Năm tháng – Cuộc đời và tỏ bày tình cảm, ý thức của mình trước sự quan tâm qua tái tạo và sáng tạo ở hình tượng nghệ thuật.
Có thể thấy, ở “Lục bát đời thường,” tập thơ thứ tư này, có ba mảng Cao Trần Nguyên tập trung tô đậm. Một, những bài viết nằm trong “áng thơ thiền.”Thơ viết về chùa chiền. Thơ về Cửa Ông, Yên Tử, Tràng An ... Thơ nghiêng về thiên nhiên cảnh vật. Thơ đẹp ở cảnh sắc ngoại giới. Thơ đẹp ở hồn người. Thơ hướng về miền khói sương trong tâm tưởng, tâm linh nhiệm màu. Trong từ bi, trong hòa ái, yêu thương ...
Phần viết về đời. Có thể gọi Cao Trần Nguyên là nhà thơ của những người phụ nữ. Với năm sáu bài viết về Mẹ. Về Chị. Rồi, hàng loạt bài viết về : “Người đàn bà hát/ Về “Người đàn bà hồng nhan/ Người đàn bà làm than/ Người đàn bà Làm thơ/ Người đàn bà Làm báo/ Người đàn bà ở chùa/ Người đàn bà quý tộc/ Người đàn bà trong cung/ Người đàn bà quyền lực/ Người đàn bà viễn xứ/ Người đàn bà thị thành/ Người đàn bà của Chúa/ Vân vân ... và vân vân...
Trong rất nhiều cảnh ngộ, cùng với cái “bất biến” của đề tài khai thác là những người đàn bà với cái “bất biến” của thể thơ Lục bát. Cao Trần Nguyên đã mở rộng, khơi sâu. Đã tìm ra “cái biến,” cái khác đi, cái làm nên sự phong phú, đa dạng ở từng sự kiện, nhân vật.
Ví như. Khi thì, tấm lòng của người Mẹ nói với một Người Mẹ với nghĩa cả trong hy sinh, gánh vác. Trong cái nghĩ thật đằm nặng yêu thương :
Miễn sao có nhớ và mong
Có thương và giận để trong mắt gầy
Nhận vơi, chị để em đầy
Tình đong bằng những canh chầy...nguồn cơn
Đấy là “cái biến.” Cái mà Cao Trần Nguyên tìm được sự sâu sắc qua “độc thoại” của hai người Mẹ. Còn đây là “cái biến” thông qua triết luận, thông qua lời nhắn nhủ với người đàn bà muốn tìm đến cửa thiền, nương bóng:
Thôi đừng tìm đến cửa chùa
Gió heo may đã bỏ bùa Cà Sa
Không còn cái rét tháng Ba
Nàng Bân đan áo...sinh ra đổi mùa
Và, đây nữa. Một “tình cảnh” thật éo le, thân phận :
Lấy chồng nào biết chữ yêu
Xuống đêm phấp phỏng về chiều khổng không...
Bấy lâu một cổ hai tròng
Hết chồng lại đến mấy ông con Giời
Hoặc, đây nữa, với cái cảnh “Dì là mẹ kế”
Hai trai hai gái đãi đằng
Con chồng con đẻ phải, chăng mọi bề
Theo cha hai đứa không về
Tấm lòng của Mẹ cận kề bên con
“Dù cho sông cạn đá mòn”
Dì tôi “Mẹ Kế” thương con sâu đầy
Hoặc, trong cảnh lầm lỡ, lạc đường nào đó, để khi “lứa đôi tương ngộ” thì mọi biến thiên đã dẫn đến nỗi niềm thật ngùi ngùi, thương cảm :
Đến khi tuổi tác nhá nhem
Mặt mũi kèm nhèm mới gặp lại nhau
Để rồi :
Mới hay cũng nhớ và mong
Tình yêu thuở ấy còn hong…lạy Giời
Để rồi, phút trông về đường xa, dặm thẳm thì, đây là “lời tự nhủ” cất ở góc lòng :
Không đầy cũng chớ để vơi
Không gần nhưng chớ có vời vợi xa
Bám vào cái khuôn sẵn định. Bám vào những câu chuyện bắt gặp nhỡn tiền. Thơ Cao Trần Nguyên phải bám vào trần tình, tự sự. Ngoài những bài nghiêng về những bức tranh của thế giới trực giác. Hay phút khơi sâu những góc khuất tâm tình, Thơ Cao Trần Nguyên cũng có đôi bài quan tâm đến thế sự. Đấy là, chuyện bi hài của nhân cách làm người. Chuyện thằng Bờm, thằng Cuội. Chuyện đất đai tăng giá. Chuyện đạo bài, cóp chữ. Chuyện Hoa khôi, Hoa hậu. Chuyện xây chùa, tạc tượng. Chuyện dựng Bot thu phí ...
Nhìn chung, cái làm nên sự “Vững.” Làm nên cái Hay ở Thơ Cao Trần Nguyên khi người viết luôn có được cái lấp lánh ở cảm xúc tinh tế. Ở thi liệu, ảnh hình. Ở từng bài, từng khổ thơ ... Và, cuối cùng là nhà thơ có được những câu thơ neo đậu tới thành trì của Bến bờ “Những câu thơ dễ găm sâu nơi trí nhớ người đọc.”
Ví như :
Liễu cong tựa áng mi gày/
Bóng loang mặt đất... Trăng bày tiệc thơ
Hoặc :
. Trông hoa rụng lẩy câu Kiều:
Lập lòe lửa lựu...cháy chiều hoàng hôn.
Hoặc :
Em còn Ta một gã khờ
mấy câu thơ vụn
cũng chờ gió giông
Hoặc :
Còn bao nhiêu thứ ngổn ngang
Nhớ làm chi những cái đang xa dần
Hoặc :
Quên đi lớp sóng khuynh thành
Để cho yên giấc mộng xanh về trời
Hoặc :
Mặn câu nhưng lại nhạt lời
Mong gần lại gặp cái vời vợi xa...
Có thể trích dẫn nhiều câu thơ như thế trong “Lục bát đời thường” của Cao Trần Nguyên, lần nữa khẳng định, “Cao Trần Nguyên và Thơ” – Một tâm hồn – Một gương mặt Thơ - Giàu cảm rung và đượm nồng là vậy!
Đất Cảng – Hải Phòng, chớm Hè, 2019
Nhà thơ Kim Chuông