Thứ sáu, 18/10/2024,


Điều kỳ diệu đến từ chính mình (07/04/2009) 

“Xin cho tôi đến tận nụ cười, xin cho tôi nguyên vẹn hình hài...”. Cho đến bây giờ sau bao năm ca hát chuyên nghiệp, tôi cũng không còn nhớ đã hát bài “Xin cho tôi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bao nhiêu lần.

 

Tôi hát từ khi giọng hát còn ngọng líu, ngọng lô trong cái lu nước của nhà mình đến khi tôi có thể tự tin đứng trước khán giả để hát những câu chữ tròn vành đầy cảm xúc. Đã bao lần hát, vậy mà lần nào tôi cũng nức nở như lần đầu. Bài hát đó chính là cảm xúc của tôi - một cô gái khuyết tật ở môi, qua bao ngày tháng kiên trì tập nói để không những có thể phát âm chuẩn mà còn hát tốt được.

 

Như nhiều gia đình lao động nghèo ở Sài Gòn đầu những năm 70, bố mẹ tôi hồi đó phải vất vả bươn chải để lo cho 7 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Bố mẹ đặt cho tôi cái tên của một loài hoa cao quý – Thuỷ Tiên với ước mong đứa con gái út sau này sẽ được sung sướng”. Thế nhưng bất hạnh đổ ập xuống gia đình năm tôi lên 3 tuổi, ba đột ngột qua đời. Mẹ tôi đã vất vả lại càng vất vả hơn. Mẹ tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya với mớ rau, con cá tại cái chợ cóc nghèo nàn mong kiếm đủ tiền mua vài ba ký gạo mỗi ngày để duy trì cuộc sống cho gia đình. Dù cuộc sống bộn bề khó khăn, song anh em tôi vẫn rất chăm học và học giỏi.

 

Nhưng cánh diều tuổi thơ chưa kịp đón gió thì bi kịch cuộc đời lần thứ hai lại đổ ập xuống. Trên môi tôi xuất hiện những nốt đỏ tấy, ngứa ngáy rất khó chịu. Mẹ đưa tôi đến một thày lang chữa trị. Những nắm thuốc được bào chế từ thảo dược của thày lang càng làm cho bệnh tật nặng thêm. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên chỉ đến khi đau đớn không chịu được, tôi mới được đưa đến bệnh viện. Tôi bị hoại tử toàn bộ vùng miệng và để giữ lại mạng sống, không còn cách nào khác phải phẫu thuật cắt bỏ những phần môi đã nhiễm bệnh. Sau 8 lần phẫu thuật môi, tiếng nói của tôi đã trở nên ngọng líu, ngọng lô. Những cố gắng tái tạo lại vành môi của các bác sĩ cũng chỉ giúp gương mặt tôi bớt phần dị dạng.

 

Bi kịch chỉ thực sự đến khi tôi bước vào tuổi thiếu nữ, tôi giam mình trong căn nhà cấp 4 tồi tàn. Đã có lúc, tôi nghĩ đến cái chết để giải thoát, nhưng khi nghĩ về mẹ, tôi lại không đành lòng. Những lúc tuyệt vọng nhất, tôi chỉ muốn có một căn phòng riêng kín đáo, chốt chặt cửa lại để la hét cho vơi nỗi đau vì sự không lành lặn trên gương mặt mình, nhưng nhà nghèo, lấy đâu ra một không gian như vậy. Vật dụng duy nhất để tôi có thể thu mình vào trong đó là cái lu đựng nước loại lớn của mẹ. Tôi đã ngồi vào đó, cốt để cho tiếng khóc của mình không ai nghe thấy. Những lần gục đầu trong cái lu đựng nước, tôi nghe rõ mồn một tiếng khóc của mình vọng bên tai. Và một ý nghĩ lóe lên: Tại sao mình không luyện giọng nói nhờ cái lu này, tự mình nói và tự mình kiểm nghiệm qua những tiếng vang trong chiếc lu sành.

 

Ban đầu tôi dồn hết mọi khả năng có thể để phát âm từng từ một, từng âm tiết một. Ròng rã gần hai năm trời, tôi đã thành công. Cuộc sống dần có ý nghĩa, tôi đã dũng cảm chạy chợ cùng mẹ trước ánh mắt thương hại và những lời xầm xì của đám người ác ý. Tôi cũng không còn oán trách số phận, mỗi khi buồn thay vì phải khóc nức nở, tôi lại giấu mình vào cái lu và hát. Hát cũng là cách luyện khả năng phát âm. Những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho tôi sự đồng cảm, tôi thấy tâm hồn mình trong sáng hơn, tin yêu cuộc đời hơn.

 

Những lời ca của tôi sẽ mãi như con chim non nằm trong vỏ trứng... nếu như không có một ngày, một người đã đến làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi vẫn nhớ buổi chiều hôm ấy, sau khi thoải mái hát với thế giới của mình, khi ngẩng đầu lên tôi bắt gặp một gương mặt nhìn tôi chăm chú. Cô gái đó giới thiệu tên là Lệ Uyên, cô ấy là thành viên của Hội quán “Những người hát nhạc Trịnh”. Chúng tôi đã trở thành bạn bè thân thiết sau vài lần gặp gỡ. Uyên đã động viên tôi hãy can đảm bước ra khỏi sự mặc cảm, hòa nhập với cuộc sống. “Số phận nghiệt ngã với Tiên, nhưng Tiên không được phép nghiệt ngã với bản thân mình”, Uyên luôn nói với tôi điều đó.

 

Lần đầu tiên đứng dưới ánh đèn sân khấu, tôi như muốn không gian tối sầm lại, để mọi người đừng nhìn thấy mình, chỉ nghe thấy tiếng tôi hát mà thôi. Tôi hát, nước mắt chảy tràn nhoè ướt hết khuôn mặt. Những lời ca nức nở, tôi hát không phải cho mọi người, mà tôi hát như đang kể chuyện đời mình. Tôi vẫn còn nhớ khi nhạc vừa dứt cũng là lúc tôi bật khóc nức nở. Tôi trở thành hội viên của Hội quán “Những người hát nhạc Trịnh” với ấn tượng như thế.

 

Tại hội thi hát nhạc Trịnh tổ chức sau đó ít lâu, tôi đã làm nên điều kỳ diệu khi vượt qua hàng trăm ca sĩ để dành giải nhất. Cuộc sống của tôi từ đó cũng nhiều màu sắc hơn, tôi không chỉ hát cho riêng những khán giả ở Hội quán, mà còn tham gia nhiều chương trình biểu diễn trong thành phố. Điều hạnh phúc lớn nhất, trong số những khán giả thân thương của tôi có cả những người khuyết tật, những người nghèo và trẻ em mồ côi. Tôi đã tìm thấy những người bạn có chung chí hướng làm nghệ thuật, chúng tôi cùng nhau lập thành một nhóm với tên gọi “Món quà của sóng” (tên album của nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương). Thông điệp mà chúng tôi nhắn gửi tới mọi người, đó là “Người khuyết tật cũng như những con sóng biển ngoài khơi luôn có những khát vọng, đó là những khát vọng ngầm nhưng mạnh mẽ vô cùng, đủ sức vươn tới những điều tốt đẹp nhất dù cho biển khơi đầy rẫy những khó khăn”.

 

Ngoài thời gian biểu diễn tại Hội quán hàng đêm, ban ngày tôi đi may gia công để đỡ đần thêm cho gia đình. Năm 2007, với sự động viên và giúp đỡ của bạn bè, tôi đã thực hiện được ước mơ lớn lao của đời mình, đó là hoàn thành album đầu tay “Xin cho tôi”. Album là sự tri ân của tôi dành cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bạn bè, khán giả và cả cuộc đời này. Cảm ơn cuộc đời đã dành cho tôi những khó khăn, để tôi phải vượt qua và qua đó đã nhận ra một điều: “Điều kỳ diệu trong cuộc đời đến từ ngay trong những việc chúng ta làm và cố gắng”.

 

Tô Thị Thuỷ Tiên

(Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: