Thứ tư, 24/04/2024,


NSƯT Thanh Ngoan: "Truyền thống là số một" (06/04/2009) 

"Nếu so với độ hot của dòng nhạc trẻ thì nghệ thuật truyền thống đứng hạng "chót" nhưng nếu đánh giá về văn hoá, về truyền thống thì môn nghệ thuật này - theo tôi - luôn giữ ở vị trí đầu bảng. Một thực tế cho thấy, khi giới thiệu loại hình nghệ thuật này ra ngoài thế giới luôn được đón nhận nồng nhiệt, vậy thì tại sao những khán giả nước ngoài yêu thích và tôn trọng nghệ thuật của mình mà người Việt lại không?". Vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng vẫn là một ẩn số. Gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật truyền thống luôn là nỗi trăn trở thẳm sâu tận đáy lòng của một trong những gương mặt xuất sắc nhất làng chèo nước ta - NSƯT Thanh Ngoan. 

* Ngoài công việc làm trưởng đoàn chèo 1 của Nhà hát Chèo VN, được biết chị còn tham gia hoạt động ở Trung tâm Phát triển Âm nhạc VN (thuộc Hội Nhạc sĩ VN) với mục đích phục hồi nghệ thuật truyền thống. Là một trong số ít những người cố gắng bảo tồn bộ môn nghệ thuật này, chị đánh giá thế nào về sự "phục hồi" ấy sau hơn 4 năm hoạt động?

- Thời điểm này, nghệ thuật truyền thống đang trong giai đoạn khả quan, nhất là sau khi nước ta chính thức gia nhập WTO. Ca trù, chầu văn, hát xẩm... đều là những sản phẩm văn hoá đặc trưng của ta đã và đang được Trung tâm nghiên cứu, gìn giữ cũng như cố gắng giới thiệu nhiều hơn nữa tới những du khách nước ngoài quan tâm và muốn tìm hiểu loại hình truyền thống này.

* Dù giành được sự đón nhận của khán giả nước ngoài nhưng ngay tại nơi được coi là gốc của nghệ thuật truyền thống thì không được quan tâm nhiều, nhất là đối với giới trẻ bây giờ?

- Tuổi trẻ chọn dòng nhạc phù hợp với thời đại và lứa tuổi của mình để nghe - điều đó không sai. Nhưng đã là người Việt thì nên biết và hiểu nghệ thuật truyền thống là gì? Việc đưa nghệ thuật truyền thống vào giảng đường và học đường là một trong những bước nguồn để có thể kéo giới trẻ đến gần hơn với cái gọi là nghệ thuật đích thực. Tôi tin khán giả sẽ không bao giờ quay lưng bởi họ chính là thước đo quan trọng để nhận biết nghệ thuật truyền thống đang cần ở mức độ nào.

* Nhà hát Chèo Kim Mã (Hà Nội) mà chị là người trực tiếp quản lý và PR, vậy làm thế nào để Nhà hát sẽ luôn sáng đèn hàng đêm và là một địa chỉ để khán giả có thể tìm đến mỗi khi muốn thưởng thức nghệ thuật chính thống?

- Bên cạnh những chương trình, tiết mục được dàn dựng phù hợp với đại đa số công chúng và sự hỗ trợ của Bộ VHTT và DL cũng sẽ giảm bớt những khó khăn ban đầu. Điều quan trọng nữa là tôi phải trực tiếp đứng ra đào tạo một đội ngũ vừa hiểu về nghệ thuật truyền thống vừa có thể "tiếp thị" cho Nhà hát một cách hiệu quả nhất. Tôi rất sợ sự truyền đạt về nghề không đến nơi đến chốn, dẫn đến nhiều thế hệ diễn viên kể cả đã thành danh thật sự hiểu về nghề chưa đủ sâu. Mà để đào tạo đội ngũ như thế thì rất cần những giảng viên am hiểu về kiến thức để truyền đạt một cách chính xác nhất và như thế nghệ thuật truyền thống mới có thể gìn giữ được.

 

       

* Giới thiệu album "Cổ kiêu ba ngấn" sau một thời gian "ở ẩn" khá lâu, chị có thể chia sẻ một chút về album mới này?

- Ra mắt album "Cổ kiêu ba ngấn" (Nhà xuất bản âm nhạc Dihavina sản xuất) cũng là lời khẳng định dù có làm công việc gì đi chăng nữa tôi sẽ không bao giờ từ bỏ cái nghiệp mà mình đã theo bấy lâu. 10 bài hát dân ca trong album là một bức tranh tổng thể khá phong phú của âm nhạc dân gian vùng văn hoá đồng bằng Bắc Bộ, mỗi ca khúc dẫn dắt người nghe lạc lối qua từng vùng với tiếng ru của mẹ, tiếng gọi của quê hương và tiếng thì thầm của tình yêu đôi lứa. Album này cũng là cầu nối cho những người làm nghệ thuật truyền thống như tôi truyền tải cái hay ấy đến khán giả và dù chỉ còn hơi sức cuối, tôi vẫn sẽ hết lòng tuyên truyền cho nó...

* Xin cảm ơn chị!

 

 

Mai Châu thực hiện

(Báo Lao Động)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: