Thứ năm, 25/04/2024,


Bất ngờ bởi những ca nương tuổi teen (05/04/2009) 

Họ là hai trong số những thí sinh nhỏ tuổi nhất tham dự Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực Đồng bằng Trung du Bắc Bộ. Giọng hát và bề dày thành tích của hai “ca nương” này đã chinh phục hấu hết những khán giả có mặt. Vũ Thị Sợi và Nguyễn Kiều Oanh đều đang học lớp 9. Họ là những ca nương thuộc thế hệ 9x “xì tin” nhưng lại có chung đam mê nghệ thuật dân ca truyền thống. Họ không chạy theo những “pop, rock, hiphop” như những bạn trẻ cùng lứa, mà nghiêm túc và trân trọng những giá trị văn hoá truyền thống của ông cha để lại, vừa là sự đam mê, mặt khác cũng chính là nghĩa vụ “bảo tồn” đối với truyền thống của gia đình.

Vũ Thị Sợi ở Yên Mô - Ninh Bình là cháu ruột của một nghệ nhân chuyên làm nhạc cho cụ Hà Thị Cầu. Nghệ nhân này đã truyền lại cách hát Xẩm cho cô cháu gái của mình như một hình thức giải trí, ngoài lề để “làm vốn” cho cô đi dự Hội làng, nhưng không ngờ cô bé nhỏ nhắn, lí lắc này lại “mê” hát Xẩm như điếu đổ. Vậy nên gia đình đã dành thời gian và công sức để tạo điều kiện cho Vũ Thị Sợi “thoả sức vẫy vùng” với môn nghệ thuật truyền thống quý giá này.

 

      

                                     Ca nương Vũ Thị Sợi (Ninh Bình)

 

Từng đoạt rất nhiều giải thưởng, vì thế Vũ Thị Sợi khá đĩnh đạc và tự tin khi xuất hiện trên sân khấu cũng như trả lời phỏng vấn của nhà báo. Cô gái bé nhỏ này cho biết, cô đã tham gia hát Xẩm được 5 năm rồi. Ban đầu thì cũng bị bạn bè “nói ra nói vào” vì “hát hay thế thì đi hát nhạc trẻ mới có cơ hội trở thành ca sỹ”, nhưng Xẩm đã mê hoặc Vũ Thị Sợi nên cô bỏ ngoài tai những lời “góp ý” của những cô cậu bạn còn “thò lò mũi xanh” để chuyên tâm vào hát Xẩm ngoài giờ học.

Theo lời Vũ Thị Sơi, Xẩm “mê hoặc” cô bởi chính những lời ca trong những làn điệu, đó là công sinh thành của cha mẹ, tình yêu quê hương tha thiết, tình cảm vợ chồng, anh em… rất được coi trọng và luôn xuất hiện ở các làn điệu Xẩm. Cô cũng thích nhất là Xẩm chợ và vì thế, Vũ Thị Sợi đã trình bày Xẩm chợ Thập ân phụ mẫu do cụ Hà Thị Cầu đặt lời rất thành công.

 

Ngoài hát Xẩm, Vũ Thị Sợi còn học khá tất cả các môn. Cô bé này cũng thích nấu ăn, trang trí nhà cửa và cũng thích xem phim hoạt hình. “Hát Xẩm bồi dưỡng cho em tâm hồn và sự nhân hậu của một người phụ nữ. Nó còn là nơi để em giao lưu và học hỏi những đàn anh đi trước. Em sẽ cố gắng để theo đuổi bộ môn hát Xẩm này được lâu dài và mong muốn trở thành một nghệ nhân hát Xẩm được nhiều người yêu mến” - Vũ Thị Sợi tâm sự.

Khác với Vũ Thị Sợi, Nguyễn Kiều Oanh lại được sinh ra trong một gia đình truyền thống về Ca trù ở Tây Hồ - Hà Nội. Kiều Oanh nói rằng nhà cô “7 đời hát Ca trù” nên từ tấm bé, cô đã được tắm mình trong những giai điệu thánh thót, khoan nhặt của môn hát này. Oanh thừa hưởng “gien” của bố mẹ nên cô có giọng hát Ca trù rất đặc biệt. Sáng, vang, chắc và nảy hạt như những nghệ nhân thực thụ.

 

Đến với Ca trù từ khi mới 6 tuổi, vừa tập đánh vần vừa học hát, Nguyễn Kiều Oanh được sống trong một môi trường thẫm đẫm văn hoá dân gian, cho dù nhà cô ở giữa lòng Hà Nội. Ông nội Nguyễn Kiều Oanh là nghệ nhân trống chầu Nguyễn Văn Mùi, bác ruột Kiều Oanh là nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Văn Khuê… và nhiều cô, bác khác đều là những nghệ nhân nên việc truyền dạy cho đứa cháu gái bé bỏng Nguyễn Kiều Oanh là “nghĩa vụ” của gia đình để giữ gìn và phát huy truyền thống của dòng tộc.

 

       

                                      Ca nương Nguyễn Kiều Oanh (trái)

 

Dù còn nhỏ nhưng Nguyễn Kiều Oanh rất có ý thức trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hoá nghệ dân gian. Đến với Ca trù, ban đầu là do “truyền thống” gia đình, nhưng càng ngày, lối hát này càng “ngấm” vào người và cô đã “say” Ca trù không dứt ra được. Buổi sáng học văn hoá ở trường phổ thông Chu Văn An, thời gian còn lại, hầu như cô dành cho Ca trù. Gương mặt bầu bĩnh và phong cách ngoài đời khá “xì tin” nhưng khi lên sân khấu, cô hoàn toàn hoà tan vào những giai điệu đầy tâm trạng của Ca trù. Sự biểu cảm của gương mặt, giọng hát và đặc biệt là tình yêu đối với Ca trù được thể hiện một cách rõ nét qua từng câu luyến láy, lên bổng, xuống trầm cũng như cách gõ phách của Nguyễn Kiều Oanh đã hoàn toàn chinh phục khán giả.

 

“Khi hát Ca trù, em thấy mình chính là nhân vật trong đó. Ca trù cho em cả tính kiên trì, bởi Ca trù lời cổ rất khó hiểu nên phải có thời gian ngẫm nghĩ cũng như tìm hiểu thì mình mới biết. Nhưng khi biết được nội dung của từng bài thì lại thấy nó rất ý nghĩa đối với cuộc sống bản thân. Ca trù cũng làm cho em thấy yêu văn học hơn bởi lời ca đầy chất thơ, và em cũng thấy mình… nữ tính hơn”. Nguyễn Kiều Oanh bộc bạch.

Với 7 huy chương vàng qua các cuộc thi, Nguyễn Kiều Oanh đang tiếp tực “sưu tầm” những tấm huy chương cho mình với bộ môn Ca trù. Nhưng hơn thế, đó chính là niềm đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống và cô luôn có ý thức gìn giữ và bảo tồn. Với các bạn trẻ 9x, Kiều Oanh nói rằng, “các bạn thích nhạc trẻ là chuyện không sai, nhưng hãy thử đến với Ca trù, không cần học hát mà chỉ cần ngồi tĩnh tại và nghe, một vài lần, các bạn sẽ thấy Ca trù hay và ý nghĩa như thế nào. Nhạc trẻ như Pop, rock… đều là của nước ngoài, chỉ có dân ca mới chính là âm nhạc của Việt Nam. Kiều Oanh cũng là một 9x “xì tin”, nhưng lại yêu Ca trù, chứng tỏ loại hình nghệ thuật này phải có sức hấp dẫn đặc biệt, do đó Kiều Oanh luôn mong các bạn cùng trang lứa hãy cùng chung tay để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam”.

 

 

Theo Tùng Huy (VnMedia)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: