Chủ nhật, 22/12/2024,


Người phụ nữ mang sứ mệnh của một vị Thánh (04/04/2009) 

Có lẽ ít ai nhận ra một bát cháo cũng mang thật nhiều ý nghĩa. Bát cháo- hương vị của một bữa điểm tâm những lúc đói lòng. Bát cháo- bắt đầu cho một ngày làm việc mới. Bát cháo- liều thuốc giải cảm, thức tỉnh một Chí Phèo đòi hoàn lương để rồi kết thúc cuộc đời của một tên lưu manh. Hay bát cháo cũng có thể là khởi đầu cho một câu chuyện…

 

“… Con gái bị thuỷ đậu, nằm ở bệnh viện nhi Thụy Điển, mình ra mua cháo cho con. Lúc đó, không nghĩ trẻ con có thể ăn hết 5-7 nghìn tiền chào nên mình mua 3 nghìn tiền cháo. Người bán cháo cau có, vừa nói vừa gõ muôi cháo vào cặp lồng và bảo: “ 3 nghìn cháo thì được bao nhiêu?” Chiếc muôi gõ mạnh làm rơi cặp lồng đựng cháo. Phải mua thêm cháo cho con và thầm nghĩ không hiểu người ta có lương tâm không, người bệnh đi mua mà như đi xin vậy. Thế nên, mình muốn làm một cái gì đó cho những người đang phải chịu những đau đớn vì bệnh tật”. Đó là lời tâm sự của chị Vũ Thị Thìn- người phụ nữ làm từ thiện với nồi cháo ở bệnh viện Đa khoa Thanh Sơn- huyện Thanh Sơn- tỉnh Phú Thọ vào mỗi sáng chủ nhật.

 

Chị Thìn cháo nhưng không bán cháo

 

Lần mua cháo cho con ấy cũng là một bài học cuộc sống mà chị khó có thể quên. Quán cháo này hôm nay khá đông. Người đàn ông quần áo nhàu nhĩ cố chen vào mua chút cháo cho người nhà. Người bán hàng múc đầy cháo vào chiếc âu người đàn ông vừa đưa, buông một câu gọn lỏn “10 nghìn”.Chị phải đứng một lúc mới đến lượt thì tự dưng có người đàn ông lách lên trước. Người đàn ông lúng túng, lục hết túi này đến túi khác, móc ra những đồng tiền lẻ bị vo viên, cố cho được 10 nghìn đồng. Nhưng vì người đàn ông ấy không đủ tiền mà người bán cháo đã đổ ụp âu cháo vừa múc vào nồi, không bán cháo cho người đàn ông nghèo khổ ấy. Trước cảnh tượng ấy, khị không khỏi chị bang hoàng nhận ra, quanh chị còn quá nhiều người khổ. Người đàn ông ấy khổ vì nghèo vật chất, người đàn bà ấy khổ vì nghèo tình người.

 

Trước nhà chị vốn nghèo. Hoàn cảnh gia đình chị lúc ấy nuôi một đứa trẻ đã khó thế mà mẹ chị lại sinh đôi. Một lúc phải chăm lo cho hai đứa trẻ khiến cha mẹ chị vô cùng vất vả. Chính những dòng sữa của người hàng xóm tốt bụng đã nuôi chị trong những ngày thơ ấu. Chị lớn lên trong sự cưu mang đùm bọc của xóm giềng. Bởi vậy tình nhân ái cũng cùng chị mà lớn lên từng ngày. Đó là điều lý giải vì sao ở chị, cái tình đời tình người luôn là điều day dứt. Thăm nom bố bị tai biến mạch máu não trong bệnh viện, chị mới thấm thía hết những vất vả của những người dân lam lũ đi chữa bệnh. Suy nghĩ về việc làm thế nào để có thể giúp đỡ được những người dân nghèo cứ ám ảnh chị. Trước khi đi đến quyết định cuối cùng chị đã nhiều đêm phải thao thức. Hoàn cảnh gia đình chị không khá giả gì. Chồng chị mất sớm, một mình chị nuôi con và chăm sóc cha mẹ già đau yếu chỉ bằng một tiệm thuốc nhỏ nơi phố huyện. Thu nhập của gia đình cũng không dư dật gì. Chị có thể làm gì đây? Được bố gợi ý và sự ủng hộ của người than và bạn bè chị quyết định nấu cháo cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong bệnh viện. Người bệnh ở đây hầu hết là những người nghèo, cuộc sống hàng ngày vốn đã vất vả với cái ăn cái mặc. Thế mà nay, người thân có bệnh, cùng với thuốc thang là bao nhiêu thứ phải lo toan. Việc người nhà bệnh nhân bỏ bữa sáng để nhường cho người thân nằm điều trị là chuyện bình thường. Đó là việc làm thiết thực mà lại vừa sức của chị. Nghĩ là làm, chị bắt tay vào việc. Đầu tiên, chị viết đơn tình nguyện xin phép bệnh viện được nấu cháo cho bệnh nhân. Sau đó chị phải cám kết vệ sinh an toàn thực phẩm. Với sự nhiệt tình và nghiêm túc, chị đã thuyết phục được ban giám đốc bệnh viện và được bệnh viện tạo điều kiện để thực hiện mong muốn tốt đẹp của mình.

 

        

 

Thiết nghĩ, việc nấu một nồi cháo không phải là một công việc quá khó khăn; việc trích khoản tiền 800 nghìn mỗi tháng để làm từ thiện đối với thu nhập của nhiều người cũng không phải là quá lớn. Thế nhưng việc làm rất đúng lúc và đúng chỗ đó lại xuất phát từ một người không lấy gì làm giàu có. Đó là điều đáng quý và đáng trân trọng biết bao! Người ta thường nói “một miếng khi đói bằng một gói khi nó”. Những bát cháo tưởng là nhỏ bé, đơn giản vậy thôi chứ bây giờ có mấy người làm được như chị.

 

Công việc này chị bắt đầu từ tháng 7/2008 đến nay. Tám tháng với hơn 30 nồi cháo (mỗi nồi cháo trị giá 200 nghìn đồng), chưa một ngày nào chị bỏ dở công việc. Một cách đều đăn, thứ bảy chị Thìn lại dậy thật sớm. Từ 4 rưỡi sáng, chị đã bắt đầu với những công việc chuẩn bị cho một nồi cháo thật ngon cho những bệnh nhân nghèo. 5h sáng, chị ra chợ mua xương ống và thịt vì lúc ấy sẽ mua được đồ tươi ngon và rẻ hơn. Về nhà chị lại bắt đầu vo và ngâm gạo để đầu giờ chiều vớt ra, để ráo. 4h chiều, bếp nhà chị đã đỏ lửa hầm xương.. Vừa làm chị vừa vui vẻ chia sẻ những kinh nghiệm để có được một nồi cháo thật thơm ngon, bổ dưỡng “Xương phải rửa thật sạch...cháo phải khuấy đều tay để không bị khê…”. Từng công đoạn chị đều rất tỉ mỉ với tất cả sự cẩn thận và chân thành. Với cái công việc mà người ta cho rằng “dở hơi” này dường như chị tìm được nguồn vui lớn của riêng mình. Trong mắt chị niềm hân hoan với công việc và cả niềm hạnh phúc được sẻ chia. Có ai biết, người phụ nữ bỏ công sức và tiền của để nấu cháo từ thiện ấy đã từng phải bốc gạch để mua một chiếc tivi đen trắng phải đập mới lên hình; cũng đã từng đắn đo trước những chi tiêu sinh hoạt, phải lúng túng khi con gái xin tiền nộp học và cũng đôn đáo chạy vạy lo thuốc thang cho người thân khi ốm đau. Chị cũng có những lo toan rất đời thường.

Chị nhớ lại những ngày đầu mới làm quen với công việc này. Vì chưa quen nên nồi cháo bị khê và không dùng được. Lúc ấy, chị chỉ muốn khóc. Bao nhiêu công sức bỏ ra bây giờ hỏng cả. Vả lại, chị đã báo hôm nay sẽ mang cháo vào viện. Có lẽ, nhiều người đang chờ cháo của chị. Nghĩ như thế, chị lại đứng lên đôn đáo đi mua cháo ăn liền về nấu lại nồi cháo khác. Chị còn phải nhờ người quen đi mua từng bát cháo lẻ để đủ cháo mang vào cho bệnh nhân. Nhưng để người bệnh chấp nhận tấm lòng của mình cũng không dễ. Lúc đầu, bệnh nhân cảm thấy ngại, không ai dám xuống lấy cháo. Họ nghĩ không ai lại cho không cháo như thế và còn sợ cháo không đảm bảo vệ sinh. Chị phải mang cháo lên tận phòng, động viên trò chuyện họ mới tin và dùng cháo. Dần dần, với tấm lòng chân thành của mình, việc làm của chị đã được đón nhận. Giờ đây, không chỉ có người bệnh mà ngay các y, bác sĩ trong bệnh viện, cả người thân của chị cũng ăn cháo chị nấu. Đối với chị, đó là niềm hạnh phúc và nguồn động viên lớn lao. Và dù có đi đâu, bận gì chị cũng cố sắp xếp để suy trì công việc. Bởi chị biết rằng, có những bệnh nhân nghèo cần đến chị, cần đến những bát cháo thơm thảo, thấm đượm tình người của chị.

 

Chị tâm sự những buồn vui trong công việc “vác tù và hàng tổng” này một cách chân thành: “…thường thì cháo phát đủ cho mọi người. Nhưng cũng có một lần bị thiếu. Lần đó, khi cháo đã hết sạch thì có hai người nhà bệnh nhân vẫn đến lấy cháo. Mình bảo Phương (người bạn hiện đang cùng chị phát cháo ở bệnh viện- PV) xách nồi đi nhanh để người ta biết là hết cháo, không người ta xuống, không còn thì thương lắm. Nhưng đến lúc ra đến cửa thì thấy tội quá nên quay lại, bảo họ đưa cặp lồng. Mình bảo Phương, hai chị em còn 5 nghìn tiền ăn sáng thì mua luôn cháo mang vào cho người ta. Họ đang ốm đau mà. Cũng từ đấy, rút kinh nghiệm thà nấu thừa chứ không để bị thiếu nữa”. Người làm ở bệnh viện Đa khoa Thanh Sơn- Phú Thọ đã quá quen với người phụ nữ có nụ cười hồn hậu này. Ở đây, người ta gọi chị với cái tên thân mật là “chị Thìn cháo”. Những bệnh nhân đã có thói quen chờ đón những bát cháo đầy tình nhân ái của chị Thìn vào mỗi sáng chủ nhật. Chị đã trở thành người bạn, người thân và nguồn an ủi lớn lao đối với những người đang gặp khó khăn nơi đây. Và cũng thật tự nhiên, chị trao cho mình nghĩa vụ chia sẻ với họ những vất vả và đau đớn ấy như bổn phận của mình. Chị thầm hứa sẽ mãi tiếp tục đến làm công việc này đến khi chị còn đủ sức. Và dù chị có không làm được nữa thì con gái chị cũng tiếp tuc. Yêu thương lại nối tiếp yêu thương để nảy mầm hạnh phúc…

 

“Nếu mỗi người quan tâm thêm một người nữa là đủ rồi”

 

Trong suốt cuộc trò chuyện, chị luôn nhắc đến tâm nguyện được làm nhiêề việc thiện hơn nữa. Chị chia sẻ “nếu mỗi người quan tâm thêm một người nữa là đủ rồi”. Với quan niệm ấy và bằng chính những hành động cụ thể chị đã kêu gọi mọi người cùng tham gia những việc làm từ thiện, bắt đầu từ chính những người thân của mình. Gần đây nhất là vào dịp Tết Kỉ Sửu, chị đã vận động được em trai trích một triệu tiền lương, cùng sự ủng hộ bằng tiền mừng tuổi của cô con gái để làm từ thiện. Chị đã tặng 15 suất quà (mỗi suất quà trị giá hai trăm ngàn gồm chăn và bánh kẹo) cho những người nghèo thuộc xã Hùng Nhĩ- huyện Thanh Sơn- nơi chị “chôn nhau cắt rốn”. Chị tâm sự: “Quê mình còn nghèo lắm. Có những xóm xa, nhiều dân tộc ít người sinh sống. Ở đó, người già và trẻ em chỉ đắp có tấm chăn mỏng manh giữa ngày đông rét mướt. Thế thì chịu sao được! Mình muốn với món quà nhỏ của mình có thể mang lại chút ấm áp cho họ. Thôi thì mình có chừng nào mình giúp chừng ấy. Ông bà ta chẳng có câu “lá lành đùm lá rách”, rồi thì “lá rách ít, đùm lá rách nhiều” đấy thôi…”. Cô con gái nhỏ tên Thanh Bình của chị lanh chanh góp lời “Mẹ ơi! Còn nữa “lá rách nhiều đùm lá rách tả tơi””. Lời con trẻ làm chúng ta phải bật cười- nụ cười hạnh phúc vì điều lớn lao chị vừa dạy cho cô con gái nhỏ đó là tinh thần tương thân tương ái. Một bài học giản dị, không giáo điều nhưng vô cùng sâu sắc.

 

Hôm nay, lại là chủ nhật ở bệnh viện Đa khoa Thanh Sơn. Vẫn là chị- người phụ nữ bên nồi cháo từ thiện. Người phụ nữ ấy ngoài ba mươi có khuôn mặt phúc hậu, khoé miệng luôn cười và đôi mắt long lanh. Chị đang vét nốt cháo trong nồi, múc cho người nhà bệnh nhân- bát cháo cuối cùng trong ngày hôm nay. Trời cao và xanh với những tia nắng nhẹ nhàng rớt xuống hang hiên. Sợi tóc mai khẽ bay bay trên đôi má hồn hồng vì hơi cháo. Đôi môi chị khẽ mỉm cười. Chị không biết rằng, khoảnh khắc này chị thật đẹp! Một vẻ đẹp hồn hậu của người phụ nữ Việt Nam tự ngàn đời. “Tôi luôn muốn có thể xây dựng một ngôi nhà tình nghĩa để chăm sóc những người già neo đơn, không nơi nương tựa…”- Đó là ước mơ của chị. Vâng, tại sao không ước mơ khi ước mơ đó là ước mơ cao đẹp… “sao không là mặt trời, gieo hạt nắng vô tư…”.

 

Thùy Dương

(Nguồn: Vietimes)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: