Thứ bảy, 27/04/2024,


"Văn xuôi khởi nguồn đổi mới" (02/04/2009) 

          

         

 

       Đó là tên một tác phẩm của TS. Nguyễn Thị Huệ. Tác giả hiện đang là giảng viên Bộ môn Ngữ văn – Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

        Cuốn sách do Nhà xất bản CAND vừa ấn hành, đã được GS. TSKH. Huỳnh Khái Vinh, GS. Phong Lê, GS. Nguyễn Đăng Mạnh, TSKH. Phan Hồng Giang, PGS. TS. Trần Hữu Tá, PGS. TS. Lý Hoài Thu... đánh giá cao.

Lucbat.com xin được trân trọng trích giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến về tác phẩm nêu trên.

 

 

GS. TSKH. Huỳnh Khái Vinh:

“Văn xuôi khơi nguồn đổi mới” đã dựng lại được diện mạo văn học Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 80, qua đó đúc rút một số kết luận về quy luật phát triển của văn học trong giai đoạn này…

 

GS. Phong Lê:

Tôi được biết công trình này tác giả tiến hành đã khá lâu. Bây giờ, dù chúng ta đã tiến hành tổng kết 20 năm Đổi mới. Nhưng để có thành tựu Đổi mới cần khảo sát một chặng đường tiền Đổi mới, bởi bất cứ mỗi thành tựu, mỗi kết quả trên bất cứ lĩnh vực nào cũng đều được chuẩn bị, cũng đều có những người 'tiền trạm', và những người tiêu biểu trong các gương mặt 'tiền trạm' cho công cuộc Đổi mới văn học xuất hiện vào nửa đầu những năm 80 của thế kỷ trước, đã có mặt làm nên nội dung của công trình này.

Theo tôi, đây là một chọn lựa và xác định đúng, đúng cho một thời kỳ mang tính chất giao chuyển; và đúng với những đặc sắc và đóng góp ở mỗi tác giả. Và, có thể nói, cho đến hôm nay, sự lựa chọn ấy vẫn đúng, khi sự nghiệp Đổi mới đã diễn ra hơn 20 năm; và đất nước từ chiến tranh chuyển sang hoà bình đã hơn 30 năm.

Một hướng tìm chọn và xác định như vậy ở thời điểm công trình được tác giả khởi thảo quả là một thử thách; bởi từ thời điểm hôm nay, trong mở đầu thế kỷ mới nhìn lại thì thời điểm 1980 - 1986 là thời kỳ vừa mới khởi động đã khẩn trương đặt ra không ít vấn đề thật sự quan trọng cho sự phát triển, vừa là gắn với thời cuộc xã hội, vừa cho chính sự vận động tự thân của văn học, mà  thông qua bốn tác giả, người đọc đã có thể hình dung được những đường nét cơ bản, ổn định cho sự phát triển về sau của một thời kỳ văn học mang chính tên Đổi mới.

Bây giờ thì đã chín muồi cho việc nhìn nhận thật rõ rệt diện mạo, hình hài của sự đổi mới trong văn học đã có chiều dài 20 năm. Nếu việc chọn bốn tác giả ở tư cách người 'tiền trạm' cho văn học Đổi mới là đúng, thì tác giả của công trình, Tiến  sĩ Nguyễn Thị Huệ - người đã theo đuổi công trình cách đây hơn 10 năm và tiếp tục hoàn thiện nó trong những năm đầu thế kỷ mới này cũng có thể được xem là một trong những người góp phần phát hiện, nhận diện và khẳng định thành tựu của văn học Đổi mới ngay từ khởi nguồn của nó.

Là người hiểu rõ những khổ công, vất vả trong quá trình sưu tập, tìm chọn tư liệu và xác định các ý tưởng cơ bản cho công trình trên bốn gương mặt nhà văn, tôi rất trân trọng những nỗ lực của tác giả Nguyễn Thị Huệ, và xin giới thiệu công trình với bạn đọc là những người yêu mến sự nghiệp Đổi mới trong văn học, cũng như những thành tựu chung của văn học đương đại chúng ta.

 

GS. Nguyễn Đăng Mạnh:                                           

Muốn hiểu thấu một quá trình nào đó, nhất là muốn hiểu thấu quy luật của nó, cần phải bắt đầu từ chỗ bắt đầu. Công cuộc đổi mới văn học ở nước ta từ Đại hội VI của Đảng là một sự kiện văn học to lớn sẽ còn đòi hỏi tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu lịch sử Văn học Việt Nam hiện đại. Tôi nghĩ muốn hiểu thấu đáo cuộc đổi mới này, nhất thiết phải trở về với những năm tháng bắt đầu của nó, khi con tàu đổi mới rục rịch khởi động.

 

TSKH. Phan Hồng Giang:

“Văn xuôi khơi nguồn đổi mới” đã làm sáng tỏ một thời khắc có tính “bản lề” của tiến trình văn học Việt Nam hiện đại, đồng thời góp phần thúc đẩy văn học Việt Nam chuyển biến nhanh  trên con đường hiện đại hóa theo các thang bậc giá trị có tính bền vững của một nền văn học là dân tộc – quốc tế, dân chủ - nhân văn. Tác phẩm đã nêu lên được những vấn đề cần thiết của lịch sử một thời kỳ văn học đáng chú ý và từ việc phân tích những thành tựu mang tính chuyên biệt của bốn tác giả… công trình đã góp phần làm sáng tỏ quy luật vận động của văn học trong thời kỳ đổi mới.

 

PGS. TS. Trần Hữu Tá:

Bốn nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Mạnh Tuấn thuộc nhóm tiên phong xung kích và thực sự có những đóng góp có chất lượng trong quá trình thử nghiệm, đổi mới. Những thành tựu bước đầu khá quan trọng của họ không chỉ có ý nghĩa đối với văn xuôi nói riêng mà còn có tác dụng khai thông cho một hướng đi mới của văn học, hòa nhập và đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện của đất nước.

 

PGS. TS. Lý Hoài Thu:

          “Văn xuôi khơi nguồn đổi mới” đã mô tả khái quát được những quy luật vận động và phát triển của giai đoạn văn học tiền đổi mới 1980 – 1986, đồng thời qua đó khẳng định vai trò và những đóng góp tích cực của bốn tác giả Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Mạnh Tuấn.

                             Lucbat.com (tổng hợp)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: