Thứ bảy, 27/04/2024,


NSƯT Thanh Ngân với con đường nghệ thuật dài vô tận (01/04/2009) 

Lúc nhỏ, mơ ước lớn lên sẽ trở thành luật sư để bào chữa tìm sự công bằng cho nhiều người. Thế nhưng, dường như truyền thống bốn đời theo nghề hát của gia đình đã vận vào chị. Rốt cuộc, khi trưởng thành, cô con gái út của đôi nghệ sĩ tài danh Hoài Châu – Kim Hoa cũng lại theo nghiệp cầm ca…

 

Có thể nói, trong số những nghệ sĩ trẻ của sân khấu cải lương hôm nay, NSƯT Thanh Ngân là một trong số ít gương mặt khả ái, nổi trội nhất về ca – diễn. Theo như nhận xét của đạo diễn – NSƯT Trần Ngọc Giàu, người từng dàn dựng khá nhiều vở cải lương trên sóng truyền hình, thì NSƯT Thanh Ngân hội đủ những yếu tố cả thanh lẫn sắc của một cô đào hát.

Nhờ những ưu điểm ấy, hầu hết những vai nữ chính của các vở cải lương trong chương trình Nhà hát Truyền hình, NSƯT Thanh Ngân luôn là lựa chọn số 1 của đạo diễn như các vở: Tô Ánh Nguyệt, Bên cầu dệt lụa, Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng trống Mê Linh… Ngoài ra, giới mộ điệu còn nhớ đến NSƯT Thanh Ngân trong nhiều vở diễn khác: Duyên Kiếp, Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Vợ và tình, Chuyện tình Lan và Điệp, Ngôi đền cổ, Trà Hoa Nữ, Cung đàn nào cho em…

 

PV: Dấn thân theo nghiệp hát, đến nay, gặt hái được khá nhiều vai diễn hay, chị có cảm thấy hài lòng?

 

NSƯT THANH NGÂN: Chưa bao giờ tôi cảm thấy tự mãn với những gì mình làm được, bởi nghệ thuật là một con đường dài vô tận, đòi hỏi người nghệ sĩ phải đi, đi mãi… Tôi luôn đòi hỏi mình phải cố gắng, cố gắng thật nhiều trong từng vai diễn để đáp lại tấm chân tình của khán giả một cách tốt nhất.

 

* Thời gian qua, đa phần chị xuất hiện trên truyền hình, hiếm khi ca diễn trên sân khấu sàn diễn, chị có lo giọng ca, cách diễn của mình xuống dốc?

 

- Chẳng riêng gì tôi, mà hầu hết nghệ sĩ cải lương đều đang rất lo sợ về điều này. Bởi một nghệ sĩ muốn giỏi và vững nghề đòi hỏi phải được trui rèn thường xuyên qua từng đêm diễn. Riêng tôi, về giọng ca, tôi có thể tự luyện tập và có cách ăn uống phù hợp để giữ được giọng ca tốt nhất, duy chỉ có diễn là hơi e ngại sẽ bị mai một. Tôi luôn ước ao, sân khấu cải lương có được nhiều sàn diễn để nghệ sĩ có nhiều cơ hội làm nghề hơn.

 

* Cơ hội làm nghề của nghệ sĩ cải lương không nhiều, nhưng vẫn có hiện tượng hát nhép, chị nghĩ sao?

 

- Tôi thấy, cái hạnh phúc nhất của nghệ sĩ là mỗi lần xuất hiện trước công chúng, được đông đảo công chúng tán thưởng, tạo nên sự cộng hưởng, giọng hát sẽ bay bổng hơn, ngọt ngào hơn. Chính vì thế, nghệ sĩ nếu muốn thăng hoa cùng giọng ca của mình thì khi hát nhép thật chẳng có ý nghĩa gì.

 

* Như vậy, xem ra việc khán giả có quay lưng với cải lương, một phần có phải do nghệ sĩ?

 

- Tôi nghĩ, tình hình cải lương khó khăn như hiện nay là do rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, đúng là một phần cũng do nghệ sĩ. Trước đây, một vở cải lương trước khi ra mắt khán giả phải tập luyện hàng mấy tháng trời và sau đó diễn cả mấy năm mới ghi hình, phát sóng phục vụ rộng rãi khán giả. Với cách làm này, hầu hết các vai diễn đều hay.  Còn giờ đây, một vở cải lương được tập tành rất ít, nghệ sĩ làm sao có thể ca hay, diễn giỏi?

 

* Ở lĩnh vực kịch nói, bắt đầu xuất hiện những nghệ sĩ tự đầu tư vốn để có được vai diễn, vở diễn hay, vậy chị có nghĩ mình cũng sẽ đi theo cách làm này?

 

- Đây cũng là một cách làm hay, rất đáng học hỏi. Trong tương lai, nếu có được những kịch bản hay, giàu tính giáo dục cao về đạo đức và nhân phẩm, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay, tôi sẽ sẵn sàng đầu tư thực hiện. Hiện nay, tôi cảm thấy vấn đề đạo đức đang ngày càng suy đồi, rất đáng báo động. Thời gian qua, tôi mong muốn tìm một kịch bản ưng ý để dàn dựng nhưng chưa có.

 

* Gần đây, giới nghệ sĩ tích cực tham gia hoạt động từ thiện. Nhiều khán giả hoan nghênh nhưng cũng có người cho rằng nghệ sĩ muốn đánh bóng tên tuổi. Vậy suốt mấy năm qua chị nghĩ gì khi làm từ thiện?

 

- Trước nay, dù làm bất cứ một điều gì, nếu vì vạn người, tôi đều thành công, an lạc, còn nếu chỉ vì cá nhân mình, tôi đều thất bại. Ngay cả chuyện tình yêu–hôn nhân–gia đình, tôi cũng như bao người phụ nữ khác, lúc nào cũng ước mong có được hạnh phúc. Có những lúc, tôi vừa mới chợt nghĩ một điều gì đó cho riêng mình, ngay lập tức, tôi bị oan trái. Tại sao lại như thế? Đó là một câu hỏi lớn mà biết bao nhiêu năm nay, tôi vẫn không thể nào lý giải được. Qua những trải nghiệm của mình, tôi nhận thấy, có được những gì mình muốn đều không có ý nghĩa bằng việc dám cho đi những gì mình có. Từ cái tâm như thế, mấy năm qua tôi âm thầm làm việc thiện là vậy! Trong tương lai, khi còn có cơ hội, tôi nhất định sẽ làm một điều gì đó cho cải lương…

 

 

Theo Đỗ Hạnh (Báo SGGP Online)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: