Thứ bảy, 27/04/2024,


Dòng sông Lục Bát (Nhà văn Kim Quyên) (03/03/2019) 



Thành viên Lục Bát Sài Gòn dự ngày thơ VN lần thứ 17 tại Bắc Ninh


          Hơn mười năm qua, dòng thơ dân tộc vẫn lặng lẽ chảy trong lòng những tác giả đam mê, say đắm với dòng thơ mình yêu thích và những công chúng yêu thơ Lục bát khắp ba miền.

          Từ năm 2008, với mục đích tôn vinh, lưu giữ và phát triển dòng thơ truyền thống của dân tộc, nhà văn Đặng Vương Hưng cùng với bạn bè trong Nam ngoài Bắc đã tập hợp lại, tổ chức những CLB thơ Lục bát, qui tụ nhiều cây viết chuyên và chưa chuyên nghiệp, đóng góp bài vở để tạo nên Website Lục bát Việt Nam do nhà thơ Trương Nam Chi là Trưởng ban Biên tập. Các CLB thơ Lục bát trên cả nước vẫn đang hoạt động thường xuyên và tổ chức những buổi họp mặt, giao lưu với tác giả yêu thơ trong tình thân ái; trao đổi, đàm đạo văn chương và giúp nhau trong cuộc sống khi hội viên gặp khó khăn.

           Sau hơn 10 năm hoạt động, trang web Lục bát Việt Nam đã là ngôi nhà chung, nơi qui tụ những người yêu thơ lục bát, những thi sĩ tài hoa, những cây viết trẻ, già trên mọi miền đất nước, gặp gỡ giao lưu qua những tập thơ “ Lộc Phát” phát hành đều đặn hang năm được Ban biên tập tuyển chọn, in ấn công phu , sang trọng. Cho đến nay, “Lộc Phát” đã được 10 tuổi, 10 cuốn sách “ Lộc Phát” ra đời, ngày càng có nhiều tác giả mới, nhiều tác giả tên tuổi tham gia: Vũ Thương Giang (phụ trách trang thơ Lục bát của người Việt ở Ucraina và hải ngoại), nhà thơ Đặng Huy Giang, nhà thơ Đặng Vương Hưng, nhà thơ Trương Nam Chi, nhà thơ Lê Thị Kim, nhà thơ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai... Thơ chuyên chở nhiều nội dung phong phú với nhiều chiều kích khác nhau khiến cho bức tranh thơ lung linh, đẹp như vườn hoa muôn màu muôn sắc. Ta thử bước vào vườn thơ “ Lộc Phát 10”


“ Chiều mênh mang tiếng dương cầm
Độc hành trên phố. Đêm chầm chậm buông
Mờ xa hun hút con đường
Hình như bóng dáng yêu thương, vẫn chờ...?
( Dấu xưa có còn- Vũ Thương Giang)

Những câu thơ buồn man mác, mang tâm trạng bơ vơ trên phố đêm của nhà thơ Võ Thương Giang khiến ta liên tưởng đến cuộc sống cô đơn của tác giả nơi xứ người.Những câu thơ khiến ta thêm thương cảm người thơ.


“Đêm qua em ngủ ngon không?
Có mơ đẹp trọn giấc nồng hay chưa?
Sáng nay trời nắng hay mưa?
Em thức dậy sớm hay vừa mới thôi
Vẫn đi làm hay nghỉ ngơi?
Cuối tuần có hẹn đi chơi không à?
Cùng quê nhà chẳng mấy xa
Mà sao em cứ lơ là dửng dưng?
Hỏi thăm một chút cho mừng
Dù quen, dù lạ cũng đừng giận nhau (Hỏi thăm - Đặng Vương Hưng)

          Hết sức mộc mạc, chân tình, dễ thương. Nhà thơ ĐặngVương Hưng hỏi thăm cô bạn cùng quê những sinh hoạt hằng ngày nhưng hàm ý muốn dọ hỏi cô ấy có đi chơi la cà với ai không, rồi trách hờn nàng gần nhau mà sao hửng hờ, lạnh nhạt rồi lại dặn cô ấy đừng giận đừng hờn. Chao ơi! Rắc rối nhiêu khê quá. Có phải tình yêu đã nẩy mầm rồi chăng?


Nhà thơ Trương Nam Chi có nhiều bài thơ lục bát rất hay viết về Trường Sa, về những người mẹ Gạc Ma thật xúc động

Con ơi giàn mướp hàng cau
Vẫn chờ, vắng bóng con lâu chưa về
Con nay đã vẹn lời thề
Máu hòa sóng biếc vỗ về Gạc Ma

Đêm nay mẹ nén nỗi đau
Lắng trong tiếng gió, biết đâu con về...


          Còn rất nhiều bài thơ hay của nhiều nhà thơ khác nhưng tác giả không thể trích hết ra đây, nhất là chỉ trích một vài câu trong toàn bài thì khó hiểu hết nội dung bài.

          Ngoài ra, vào ngày sáu tháng tám âm lịch hàng năm, Website Lục bát Viêt Nam còn tổ chức Ngày hội Lục trong suốt 10 năm bằng kinh phí xã hội hóa. Việc in ấn “ Lộc Phát” và Ngày hội Lục bát đã được đề nghị xác lập kỷ lục Quốc Gia. Bên cạnh đó, cuộc thi Lục bát kéo dài 6 năm qua nhằm khuyến khích các nhà thơ trao dồi câu chữ cho ngày càng hay hơn, hiện đại hơn, xứng đáng là những thi sĩ của dòng thơ dân tộc. Cuộc thi này đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và Hội Nhà Văn Việt Nam tham gia xét duyệt và tài trợ, đã tổng kết và trao giải thưởng cho các tác giả xuất sắc nhất vào ngày Lễ hội Lục bát 2018.


          Để củng cố lại tổ chức, ngày 21.2.2019, nhà thơ Vũ Thương Giang từ Ucraina về thăm quê hương Bắc Ninh, chị đã làm nhịp cầu liên kết các thành viên của CLB Lục bát Viêt Nam và dự buổi họp mặt để củng cố tổ chức và Ban biên tập cho Website Lục bát Viêt Nam, tiếp tục con đường trước mắt là phấn đấu cho Lục bát được vinh danh Quốc thi và là Di sản Văn hóa của nhân loại.
Với tấm lòng yêu thơ trong sáng, Ban điều hành thơ Lục bát Việt Nam đã cống hiến sức lực, tài năng và kinh phí để khơi thông một dòng thơ dân tộc của cha ông để lại mà từ đó đã sinh ra những đại thi hào tài hoa lừng lẫy: Nguyễn Du, Nguyễn Bính....

 

TP. Hồ Chí Minh, 22.02.2019

Nhà văn Kim Quyên
(Hội Nhà văn VN)


Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: