Cứ nhắc tới đạo diễn, NSND Lê Hùng, người ta nhắc ngay tới bộ râu ấn tượng của anh cùng với kiểu trang phục “bùi bụi”, và tất nhiên không thể bỏ qua “danh hiệu” “gã phù thủy” của sân khấu với hàng tá giải thưởng. Nhưng những ai được tiếp xúc với Lê Hùng, dù chỉ là một lần, sẽ bị ấn tượng bởi sự cởi mở rất chân tình. Có thế giới báo chí mới kháo nhau “gặp Lê Hùng dễ lắm” cho dù anh đang đảm nhận cương vị của một vị giám đốc, một NSND, một đạo diễn lừng danh với trăm công nghìn việc. Nhiều người quý anh, phục anh, không chỉ bởi tài năng mà còn ở cái tình, đôi khi chỉ ở những chuyện rất nhỏ.
Bạn bè, giúp được là giúp đến cùng
Người nổi danh như Lê Hùng, theo thói thường ít kiếm được “bạn” theo nghĩa chân thật nhất của từ này. Nhưng Lê Hùng lại khác, bạn bè trong giới nghệ sĩ, anh có nhiều, cả những người bạn thân. Với Lê Hùng, tất cả mọi người đều có thể là bạn. Có hôm, có bác xích lô phóng vèo vào Nhà hát, bảo vệ giữ lại, bởi Nhà hát đâu có gọi chở đồ đạc gì. Bác bảo tôi vào gặp Lê Hùng, tôi là bạn Lê Hùng. Thế rồi người ta thấy hai người vỗ vai nhau say sưa, cùng ngồi pha trà, trò chuyện vẻ tâm đầu ý hợp lắm… Nhưng người ta quý Lê Hùng, không đơn giản chỉ ở cái vẻ bề ngoài thân thiện ấy mà bởi Lê Hùng chơi với ai là chơi rất thật, luôn sẵn sàng giúp đỡ, và đã giúp là giúp tới cùng.
Sân khấu hoành tráng, nhưng có soi vào “bếp núc” mới thấy lắm chuyện thương tâm. Có ông tác giả đã ngoài 70 tuổi viết được một vở kịch, đoàn nọ hứa sẽ dựng vở nhưng với điều kiện mời được Lê Hùng làm đạo diễn. Ông cất công tới gặp Lê Hùng, đưa kịch bản, không quên lời gửi gắm nhờ Lê Hùng xem và nhận dựng vở hộ: “Nếu Lê Hùng không nhận thì vở cũng sẽ không được dựng”. Cầm kịch bản trên tay, Lê Hùng cũng thấy gay lắm, nhưng rồi “nghiến răng nghiến lợi” làm, để thỏa ước vọng của tác giả.
Hay như chuyện của đạo diễn Vũ Minh, vợ bác sĩ, chồng đạo diễn, năm nay cũng ngoài 70, Vũ Minh bị tắc tĩnh mạch đùi, mồm méo xệch đi, chân buộc phải cắt bỏ. Nhà có cậu con trai duy nhất, trước đang học Đại học địa chất thì sinh ra ngộ chữ, suốt ngày ngơ ngẩn, giờ hai vợ chồng chẳng còn biết trông cậy vào ai. Ông Vũ Minh có một kịch bản 20 trang, tên gọi “Miền đất chết” mang đến cho Kiều Loan, đoàn trưởng đoàn kịch Quân đội nhờ đọc rồi nhắn Lê Hùng dựng giúp. Ông Vũ Minh và Lê Hùng trước cũng là chỗ thân tình, nay lại nghe tin hoàn cảnh gia đình bác vậy, thương quá mà đồng ý nhận làm. Làm xong, vở thành công, vừa rồi còn tham dự Hội diễn sân khấu toàn quân, diễn gần trăm suất. Tiền thù lao cho đạo diễn, Lê Hùng đem chia một nửa cho diễn viên, còn nửa kia đem biếu lại cho Vũ Minh. Hôm nhận tiền tác phẩm từ tay Lê Hùng, Vũ Minh khóc nấc lên, cứ ôm chặt lấy Lê Hùng.
Lê Hùng là vậy, anh bảo bạn bè, giúp được nhau gì là giúp. “Không phải bây giờ tôi là đạo diễn nổi tiếng, là NSND, là giám đốc Nhà hát mà cho rằng vở này vở kia không xứng tầm với mình mà không nhận”. Người ta nhận xét rằng ít thấy Lê Hùng xuất hiện chỗ đông người, đi lại vung tay vung chân, chỉ thấy anh cứ cặm cụi làm. Cũng đúng, bởi Lê Hùng chỉ quan tâm tới công việc, anh chẳng sợ làm cái này có xứng với mình hay không hay người ta có công nhận không. Anh làm những gì mình muốn, sáng tạo những gì mình khát vọng và dựng những vở mình thích. Nhiều vở không thực thích, nhưng vẫn dựng, bởi đó là vì bạn bè. Và một khi đã làm thì luôn cố gắng hết sức, chẳng lo vở không hay sẽ làm mất giá của mình. Anh bảo: “Mình cũng là con người, có lúc hay, lúc dở, đâu thể lúc nào cũng hay hết được”.
Đời nhiều khi giáng những cú giáng kinh hồn
Lê Hùng mệnh thủy (trường lưu thủy), và thủy thì cứ âm thầm, lẳng lặng chảy, đôi lúc cuộn sóng nhưng rồi sẽ qua hết. Anh tin vào số mệnh. Cuộc đời anh, ngẫm lại đến giờ, cũng đúng với mệnh thủy. Có được ngày hôm nay, anh đã trải qua nhiều gian truân, thậm chí vật lộn với cuộc sống. Anh bảo: “Đời nhiều khi giáng cho mình những cú giáng kinh hồn nhưng mình phải sống, phải làm việc. Nếu cứ vật vã, đau khổ bởi những chuyện vớ vẩn đó thì không thể tiến lên được”.
Lê Hùng vốn là con nhà nòi, ông nội anh thời Pháp cũng là chủ một gánh hát, diễn đa-zê-năng: sang Thái Bình thì diễn chèo, về
Học hết lớp 10, Lê Hùng đã dự định thi vào Tổng hợp văn rồi mới sang làm sân khấu. Nhưng rồi thấy nhiều người bỏ tổng hợp văn chuyển sang sư phạm vì thi khó, Lê Hùng chuyển phắt sang thi sân khấu luôn. Năm đó Lê Hùng 16 tuổi, cũng là năm anh chính thức phải tự lo cho bản thân mình. Tốt nghiệp diễn viên trường sân khấu, Lê Hùng được chọn đi học đạo diễn, nhưng vì trẻ quá nên anh bị đẩy xuống Quảng Ninh làm diễn viên. Không đi không được bởi sổ hộ khẩu và sổ gạo đã chuyển xuống đó. Vậy là Lê Hùng khăn gói xuống Quảng Ninh. Thời gian sau, anh đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở mặt trận biên giới Tây
Vậy là lẽ ra được đi học đạo diễn từ những năm 71, nhưng phải sau 10 năm vất vả, năm 1982, Lê Hùng mới chính thức được cử sang Liên Xô học đạo diễn tại trường Đại học sân khấu ở Matxcơva. Anh thi đỗ với điểm cao, nhưng lại một lần nữa số phận “trêu ngươi” anh. Bà trưởng khoa ngoại quốc không nhận anh với lý do hết chỉ tiêu. Lê Hùng hốt hoảng lên Đại sứ quán hỏi, nhưng đó là việc cá nhân, họ không giải quyết. Quay trở lại gặp người thầy hướng dẫn mình, nhờ thầy mà cuối cùng Lê Hùng cũng được nhận vào trường.
Học xong, anh được thầy tin tưởng giữ lại làm phụ giảng, học tiếp lên thạc sĩ, chuẩn bị lên tiến sĩ thì Bộ Văn hóa VN gọi Lê Hùng về nước. Anh tâm sự: hồi đó cũng hơi tiếc, nếu được ở lại sẽ học thêm được nhiều điều. Nhưng rồi ngẫm lại, thấy rằng mấy ông đạo diễn mà nhiều bằng quá cũng chẳng làm được gì. Có ông, vừa là GS.TS, đạo diễn rồi NSND nhưng tác phẩm chỉ tính trên đầu ngón tay, ngay đến tác phẩm ôm ấp cả đời khi dựng lên cũng không ai xem. Đâu phải cứ có đầy đủ học hàm, học vị là thành đạo diễn giỏi được. Muốn giỏi phải đi lên bằng chính nghề của mình.
Không chỉ chuyện công danh sự nghiệp, ngay chuyện gia đình, Lê Hùng cũng gặp nhiều trắc trở. Trong giới nghệ sĩ, Lê Hùng vẫn bị mang tiếng là vợ nọ con kia nhưng anh bảo: mình đâu có muốn vậy đâu, số phận cứ trục trặc khiến gánh nặng đau khổ trên vai càng nhiều. Nhưng rồi sau những gian truân của cuộc đời, đến giờ cuộc sống của Lê Hùng đã tạm ổn với một người vợ trẻ, biết chăm lo không chỉ cho anh mà cả các con anh. Nói về hạnh phúc hiện tại, anh bảo: mình hi vọng sẽ ổn, chứ không dám tin tưởng. Tất cả đều phải cố gắng.
Người làm thay đổi bộ mặt Nhà hát Tuổi trẻ
Nhà hát Tuổi trẻ, sau hơn một năm dưới sự quản lý của giám đốc Lê Hùng, quả thực đã thay đổi rất nhiều, kể từ cái cổng. Trước kia Nhà hát làm gì có cổng, từ ngày Lê Hùng làm giám đốc, chẳng hiểu anh vận động thế nào mà bà con trong ngõ đồng ý để anh xây lên cái cổng Nhà hát to đẹp. Đời sống anh chị em nghệ sĩ cũng khá hơn nhiều. Trước bồi dưỡng cho diễn viên chỉ có 100 nghìn/người thì giờ lên 160 nghìn. Đội kĩ thuật trước chỉ được 250 nghìn/vở diễn thì nay lên 1 triệu. Rồi NSND trước vài chục nghìn, nay lên 200 nghìn, NSƯT 100. Các diễn viên ngoài phần việc ở nhà hát đều có thể đi biểu diễn thêm bên ngoài, trước phải nộp 20% mỗi vở thì nay Lê Hùng bảo đó là tiền bồi dưỡng của anh em nghệ sĩ, và họ xứng đáng được hưởng. Hiện giờ, không chỉ có các đạo diễn gạo cội mới được dựng vở, các đạo diễn trẻ cũng có cơ hội làm vở, tham gia các hội diễn và nhận giải thưởng. Năm qua nhà hát dựng hơn chục chương trình, cả cổ điển, hài kịch, thiếu nhi, rồi đi diễn miễn phí cho các em ở vùng sâu vùng xa. Có những lần biểu diễn, chỉ cách Hà Nội 30 cây số, các diễn viên trong đoàn không khỏi xúc động trước hình ảnh các thầy giáo đèo các em học sinh tới xem, rồi có em tự đi trên những chiếc xe đạp chỉ còn trơ hai bánh, dép chiếc có chiếc không, nhưng tất cả đều hớn hở bởi đây là lần đầu được xem nghệ thuật mà lại là chương trình dành riêng cho thiếu nhi…. Tất cả những thay đổi đó, chỉ có từ khi có Lê Hùng. Vậy mà khi được hỏi, anh vẫn bảo chưa thực hài lòng. Anh bảo “Các bánh xe của nhà hát đã trơn tru, đã chuyển động nhưng vẫn cần sự vận động dài lâu”.
Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị hiếm hoi trên sân khấu phía Bắc với những đêm diễn đỏ đèn, công lao đầu phải kể đến Lê Hùng. Nhưng mong muốn của Lê Hùng, không chỉ là “tra dầu mỡ” cho các bánh xe của một nhà hát mà cả nền sân khấu Việt Nam, và tất nhiên, điều đó phụ thuộc vào tất cả các nghệ sĩ. Anh bảo: “Mỗi nghệ sĩ phải tự mình phấn đấu thì sân khấu sẽ mạnh hơn. Tất nhiên vẫn còn nhiều điều bất cập như chuyện trao huy chương, xét tặng danh hiệu, phải có bao nhiêu Huy chương vàng, bao nhiêu bạc thì mới được danh hiệu. Đó là điều thiệt thòi cho diễn viên. Rồi cả những bất cập từ chính những người đi trước để lại. Anh để sân khấu phát triển theo một kiểu, như kiểu này mới là kịch, anh định nghĩa như vậy. Nó thành ra một khuôn mẫu, một kiểu cũ, mà nghệ thuật thì không thể thế được. Nghệ thuật không có khuôn mẫu. Nhưng tất cả vẫn là ở tài năng của một nghệ sĩ hay tập thể nghệ sĩ”.
Tài năng thiên phú, đó cũng là điều mà Lê Hùng muốn nhắn gửi với đời, như cái cách Lê Hùng vẫn bảo với học trò của mình rằng: bạn có thể học nghề, tôi dạy bạn nhưng có thành đạo diễn tài năng hay không lại là do thiên phú, thậm chí nó do cả quá trình cuộc đời của bản thân bạn, cả những đau khổ mà bạn phải gánh chịu. Không phải một lúc là bạn có thể trở thành tài năng…
Danh tiếng Lê Hùng gắn với những vở kịch kinh điển dài hơi, rồi cả một series Đời cười, nhiều người nhẩm chắc ông này phải có bí quyết gì ghê gớm lắm, nhưng không, với Lê Hùng, quan trọng là vở diễn phải gắn liền với tâm tư của người nghệ sĩ. “Nếu chỉ diễn lại những điều mà người khác nói thì dễ lắm, ai cũng làm được. Cùng là những con chữ đó, nhưng mỗi người phải tìm ra giọng điệu cho mình. Nghệ sĩ mà không tìm ra giọng điệu riêng, cứ bắt chước người này một tí, người kia một tí thì mãi mãi cũng chỉ vậy thôi, không có tên được”.
(Theo: sankhauvietnam)