Thứ ba, 23/04/2024,


Làm đẹp cho... người chết (29/03/2009) 

          Lâu nay nhắc đến nghề làm đẹp, người ta vẫn nghĩ đến việc làm đẹp cho người còn sống. Thế nhưng, vẫn có những người âm thầm chuyên đi làm đẹp cho người đã chết. Với họ, làm đẹp cho người chết đã trở thành nghề, một cái nghề cực nhọc nhưng mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Tuy nhiên, những người gắn với nghề này, ngoài thời gian dành cho công việc, họ vẫn phải khoác lên mình những thân phận khác – những thân phận phải ẩn mình trong bóng tối.

 

            Đến chết vẫn phải giấu nghề

Đúng 3 giờ rưỡi chiều, khi chiếc xe ô tô, với rất nhiều vòng hoa chở chiếc quan tài người chết rời khỏi nhà tang lễ, anh Nguyễn Đăng Yên mới lủi thủi vào phòng thay đồ, trút khỏi người bộ quần áo đồng phục của nhà tang lễ và vận vào người bộ quần áo bình thường mà anh vẫn mặc ở nhà hàng ngày. Ở phía ngoài, 4-5 đồng nghiệp của anh đang ngồi uống nước và phì phèo điếu thuốc lá, gương mặt ai cũng buồn rười rượi.

Sau 20 năm làm việc ở nhà tang lễ, chứng kiến mọi sự đau đớn và tiếp xúc với đủ loại người chết, với rất nhiều kiểu chết, bình thường có, không bình thường cũng có, cứ tưởng mọi chuyện đã trở nên bình thường. Thế nhưng theo anh Yên, với tần suất một ngày phục vụ cho 5,6 đám (ngày ít cũng 2,3 đám), thì cái buồn nó cũng đã vận vào từng người, chả ai có thể vui được. Anh Nguyễn Đăng Yên kể, công việc chính của anh và những đồng nghiệp của mình ở nhà tang lễ là tắm rửa, thay quần áo và trang điểm cho người quá cố, trước khi đưa họ vào quan tài. Bây giờ, những công việc ấy đã trở nên quá đỗi bình thường, chứ những ngày đầu mới vào nghề, nỗi ám ảnh của công việc khiến việc sinh hoạt và ăn uống của anh bị đảo lộn tất cả. Mỗi lúc ăn cơm, nâng bát cơm lên là hình ảnh của những tử thi, của máu me và sự thối rữa lại ùa đến. Thậm chí trong mỗi giấc ngủ, hình ảnh những tử thi xấu số lại hiện ra mập mờ đầy day dứt. Không ít người không thể chịu đựng được điều đó đã sớm bỏ nghề, song những người bạo gan, trụ được với nghề lại phải đối diện với một nỗi sợ khác, ấy là nỗi sợ phải công khai công việc của mình với người thân.

Anh Yên kể, sau 7 năm làm việc ở nhà tang lễ, anh mới dám thú nhận với vợ công việc thực của mình ở Bệnh viện Thanh Nhàn. Trước đó, anh vẫn nói dối vợ rằng, mình làm bảo vệ ở bệnh viện. Và, để tránh không phải về nhà sau khi kết thúc công việc, anh vẫn đi lang thang. Thậm chí anh nói dối vợ là đi trực đêm, song thực ra, anh ra ngoài chạy xe ôm để khỏi phải về nhà và mang cái hơi lạnh của người chết về nhà với vợ con. Ngay cả khi đã nói cho người thân biết, nhận đuợc sự thông cảm rồi, anh Yên vẫn tránh về nhà bằng cách thuê hẳn một căn phòng trọ để đi sớm về khuya với công việc của mình.

Có lẽ anh Nguyễn Đăng Yên là người quá may mắn, vì sau bảy năm làm nghề, anh đã thổ lộ và nhận được sự thông cảm của vợ con về công việc của mình. Bởi, tại nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn, có người đã làm việc cả chục năm, nhưng công việc thực của họ là gì thì ai cũng vẫn phải giấu kín.

Anh Đào Duy Khoa, người đã làm công việc trang điểm cho người chết ở nhà tang lễ từ năm 1995, nhưng đến nay, những người thân thiết nhất là bố mẹ, vợ con cũng chỉ biết anh đang làm bảo vệ ở bệnh viện. Anh Khoa kể, làm công việc này thì đến chết có lẽ anh vẫn phải giấu nghề. Sự thực thì anh Khoa cũng đã giấu cái việc anh vẫn làm đã được 14 năm rồi. Anh kể, làm công việc này, anh em trong đội ai cũng phải có thần kinh thép. Như thế mới có thể tiếp xúc với người chết, thậm chí ngồi hàng giờ làm việc bên xác chết. Song, dù có bạo gan đến mấy thì ra bên ngoài, anh và những đồng nghiệp lại là những người dễ bị tổn thương kinh khủng. Anh kể, nhiều năm trước kia, khi vẫn chưa có bếp ăn tập thể, anh em phải ra ngoài ăn cơm bụi. Không ít lần vào quán cơm, bị người bên cạnh phát hiện ra làm việc ở nhà tang lễ, thế là khách cứ lặng lẽ bỏ cơm mà đi, nhất định không dám ngồi cùng. Lại có những lúc đi chơi với bạn bè, đang lúc vui vẻ, thì gặp người biết mình làm ở nhà tang lễ, họ bảo “chào anh Khoa làm ở nhà tang lễ”. Lúc đó, mặc cảm nghề nghiệp và xấu hổ đến nỗi chỉ muốn “độn thổ” để tránh đi những nụ cười đầy mỉa mai của những người xung quanh.

Trước khi được trang điểm, người quá cố được kéo ra từ một trong những ngăn để lạnh này và sau 15 phút, khi cơ thể đã... nguội, nhân viên mới bắt đầu trang điểm và mặc quần áo cho xác chết...

 

Chính vì cái nhìn khắt khe của nhiều người với công việc này nên dù thế nào, anh cũng phải giấu không tiết lộ với người nhà. Bởi theo anh, thì một mình anh chịu đựng đã quá đủ rồi, không thể để vợ con đi ra ngoài cũng phải mang theo mặc cảm vì công việc của chồng, của bố là như thế. Hơn nữa, anh còn có một nỗi sợ lớn hơn, ấy là nỗi sợ vợ con anh sẽ bỏ anh mà ra ở riêng, vì không dám gần người thường xuyên làm việc bên những xác chết. Thực tế thì trong đội anh làm cũng đã có người vợ chồng suýt phải ra tòa ly dị khi đã biết được sự thật công việc của chồng là gì…

 

Và chuyện của vị “giáo sư… biết tuốt'

Sau 20 năm chuyên trang điểm cho người quá cố, người chết kiểu gì anh cũng đã gặp, những ca khó đến đâu anh cũng có thể làm nên nhiều người đã phong Nguyễn Đăng Yên cái biệt hiệu là vị “giáo sư… biết tuốt”. Thế nhưng, trang điểm cho người chết cũng có ca rất “xương”, mà mới nghe qua, người non tay chắc cũng sẽ bỏ chạy, không dám làm.

Anh Yên kể, cho đến bây giờ, anh vẫn sợ nhất mỗi khi gặp phải ca trang điểm cho người chết trôi, sau đó là chết cháy. Với những người chết trôi, vì bị ngâm dưới nước lâu ngày, người đã bị trương phồng như quả bóng, trong khi da dẻ đã chết, chỉ cần chạm nhẹ đã tứa ra, vì thế, việc trang điểm cho họ là cả một vấn đề. Ngay cả khi đã trang điểm xong, thì việc làm sao đề người chết trôi có thể mặc vừa với áo quần, rồi nằm lọt trong chiếc quan tài lại khó hơn gấp bội. Vì thế, với người chết trôi, anh Yên vẫn phải dùng thủ thuật trích, rồi hút hơi trong người chết thoát ra. Vì thế mà khi an táng, người chết trôi cũng đàng hoàng trong một bộ dạng rất bình thường. Tuy nhiên, với những ca chết cháy thì lại có những cái khó riêng. Với người chết cháy, toàn thân người chết đã bị biến dạng, chân tay co quắp, da thì cháy đen, khét lẹt. Với những trường hợp này, vị “giáo sư” lại phải dùng chuyên môn làm cho chân tay người chết duỗi được thẳng, rồi mặc áo quần. Sau đó, trang điểm cho khuôn mặt người chết đến khi giống như họ đang ngủ mới đạt tiêu chuẩn.

Cũng theo anh Yên, việc trang điểm để người chết được coi là đẹp thì trông họ phải thật phúc hậu và thật giống với người đang ngủ. Làm được như vậy cũng giúp cho thân nhân của người chết phần nào vơi đi nỗi đau.

Anh Yên kể, với những ca bình thường có khi chỉ mất 15 phút. Song với nhưng ca người quá cố chết vì tai nạn thì việc trang điểm tốn nhiều thời gian hơn. Cho đến bây giờ, kỷ lục về thời gian anh ngồi trang điểm cho người chết vẫn thuộc về một trường hợp mới diễn ra cách đây không lâu. Lần ấy, người chết là nạn nhân trong một vụ thanh toán đẫm máu. Người chết khi ấy bị chém gần đứt lìa hai chân. Khắp đầu, thân, rồi tay đầy rẫy vết chém. Ca trang điểm đó, anh đã phải mất hai giờ đồng hồ, chủ yếu thời gian để ngồi khâu lại những vết chém cho bệnh nhân. Rồi anh lại kể, những năm trước đây, khi chưa có luật bắt buộc đội mũ cho người đi xe máy, những ca tai nạn mà nạn nhân bị bẹp đầu do đâm vào cột điện hay đâm vào ô tô rất nhiều. Năm vừa rồi, những ca chết bẹp đầu vẫn có, có lẽ vì nạn nhân đã mua phải mũ bảo hiểm kém chất lượng. Với những ca người chết bị bẹp đầu, anh lại phải dùng đồ để độn vào, sau đó khâu lại, khiến người chết lấy lại được hơn 80% hình dáng ban đầu.

 

    'Giáo sư... biết tuốt' Nguyễn Đăng Yên đang kể chuyện nghề.

 

           Không chỉ trang điểm cho những bệnh nhân bình thường, anh Yên còn là chỗ “khách quen” của Viện Lao và không ít gia đình có người chết vì bị HIV trên địa bàn Hà Nội. Những trường hợp này thường không ai dám làm. Ngay cả khi bệnh nhân chết tại bệnh viện, thuộc trách nhiệm của bệnh viện thì người ta cũng lau chùi cho bệnh nhân rất qua loa. Nhiều gia đình, vì muốn người thân ra đi được sạch sẽ, thanh thản, vẫn tìm đến anh. Anh bảo, những ca như thế, không ít gia đình sẵn sàng chi cả tiền triệu cho một lần tắm rửa, trang điểm. Còn với anh, làm những ca này, đôi khi không phải vì tiền, mà là làm phúc, làm để cho người chết sang bên kia thế giới được thanh thản và làm vợi bớt nỗi đau của những người còn sống. Thế nhưng theo anh Yên, có không ít gia đình người quá cố, dù biết người thân chết vì HIV, nhưng vẫn cố giấu. Vì vậy, với những ca người chết bị lao hay HIV, thậm chí cả những ca bị người thân giấu bệnh, dù có cẩn thận và dùng tất cả các biện pháp bảo hộ có thể, thì nguy cơ bị lây bệnh cũng rất cao….

Kể về chuyện nghề, gương mặt vị “giáo sư” biết tuốt của Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn nhiều khi cứ méo xệch. Anh bảo, làm nghề này, sau mỗi ca trang điểm, anh vẫn nhận được lời cảm ơn của thân chủ. Thế nhưng dù được cảm ơn hay ngợi khen thì anh vẫn không mấy vui. Rồi anh lại bảo, không ít lần vợ anh đã đề nghị anh bỏ nghề, chấm dứt cảnh thuê nhà để về sống với vợ con, nhưng anh đã từ chối. Bởi anh biết, với anh, dù có nghỉ công việc ở nhà tang lễ thì anh cũng không thể dứt được với nghề. Anh vẫn sẽ lại xách túi đựng quần áo và hòm đựng đồ nghề mỗi khi ai đó có người thân qua đời cần được làm đẹp để giúp họ và gia đình họ vơi đi nỗi đau mất người thân…

 

                                  Theo Phương Anh (Vietimes)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: