Thứ năm, 25/04/2024,


SƠ KẾT VÀNG BẠC VÀ TỔNG KẾT KIM CƯƠNG (17/09/2018) 

 (Bài Tổng kết đánh giá của Giám khảo cuộc thi “Tổ quốc và Đạo pháp” do Nhà thơ Vương Trọng -Trưởng Ban Chung khảo, soạn thảo; Nhà thơ Trần Ninh Hồ - Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn VN, trình bày trong Ngày hội Lục Bát VN năm Mậu Tuất – 2018).

Một buổi làm việc của Ban Chung khảo (từ trái qua): Vương Trọng, Nguyễn Thị Mai, Đặng Vương Hưng và Trần Ninh Hồ.

Theo ý tưởng đề xuất của nhà thơ Đặng Vương Hưng và Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ; với sự chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; sự bảo trợ về Giám khảo của Hội Nhà văn Việt Nam; một cuộc thi sáng tác Thơ Lục Bát độc đáo mang tên “Tổ quốc và Đạo pháp” (2012 – 2018) bằng kinh phí xã hội hóa, đã được tổ chức đạt nhiều con số kỷ lục: Thời gian dài nhất (6 năm), số tác giả tham gia đông nhất: Gần 2.000 tác giả, gửi hơn 10.000 tác phẩm dự thi; số lượng Tác giả được trao giải cũng đông nhất: Đã trao 64 giải Vàng và Bạc qua 5 năm với 5 lần sơ kết. Đến hôm nay, chúng ta đã trải qua 6 năm của cuộc thi, tiến hành đồng thời Sơ kết Vàng – Bạc năm 2018 và Tổng kết Kim Cương.

1-    SƠ KẾT VÀNG – BẠC NĂM 2018:

Theo ý tưởng của Ban tổ chức cuộc thi, mỗi lần sơ kết sẽ trao 6 giải vàng và 8 giải bạc (tương ứng với số lượng chữ của câu lục và câu bát). Những năm đầu của cuộc thi, số lượng giải này luôn luôn bảo đảm. Nhưng Quy chế cuộc thi còn có quy định: tác giả nào đã được trao Giải Vàng trong sơ kết năm trước, thì những năm về sau không trao giải nữa, mặc dù các bài hay vẫn được ghi nhận để xét khi tổng kết, nên những năm về sau, để bảo đảm chất lượng của giải, mỗi lần sơ kết không nhất thiết phải trao đủ 6 Vàng và 8 Bạc. Điều đó cũng xẩy ra với lần sơ kết cuối cùng này.

Lục Bát là thể thơ đặc trưng của dân tộc ta, có thể gọi là Quốc thi, ở đó vần điệu hết sức được coi trọng. Bởi vậy, vào đầu cuộc thi, ban Chung khảo đã thống nhất rằng, sẽ không trao giải cho những bài lục bát có câu lạc vận, tức là không vần. Điều đó cũng vận dụng trong lần sơ kết này, và cũng là điều đáng tiếc cho một vài tác giả.

Lần này ban Chung khảo nhận được 46 bài thơ của 20 tác giả, nhưng đây là lần có nhiều tác giả nhất đã được trao giải Vàng trong những năm trước như: Trần Kế Hoàn, Ninh Đức Hậu, Nguyễn Ngọc Hưng, Lê Phương, Nguyễn Thị Thúy Ngoan, nên những tác phẩm của những tác giả này không được xét Giải Vàng trong kỳ này. Còn tác gỉa Nguyễn Đức ở Tây Sơn, Bình Định dù có hai bài “Lời hạt lúa” và “Gánh hàng rong” tương đối hay nhưng vướng nhiều chỗ lạc vần ( Thơm / Đồng; Quê / thơ; Sờn/ Bồng…) nên bị loại. Đây cũng là bài học, điều đáng lưu ý cho những người sáng tác thơ lục bát, đặc biệt khi tham gia các cuộc thi thơ. Lưu ý rằng, thơ lục bát lạc vần không trao giải không phải do ban chung khảo kỳ này nghĩ ra, mà đó cũng là thống nhất của Ban Chung khảo cuộc thi thơ Lục bát đầu tiên ở nước ta (gồm Tố Hữu, Vũ Quần Phương, Quang Huy, Nguyễn Bùi Vợi, Vương Trọng) do báo Giáo dục và Thời đại tổ chức năm 1996 -1997.

Số bài của các giả còn lại đã được Ban Tổ chức gửi cho từng thành viên Chung khảo đọc riêng biệt, từng người đánh giá, xếp loại… rồi gặp nhau trao đổi và thống nhất kết quả giám khảo năm 2018: thống nhất trao 04 giải Lục Bát Trăng Bạc và 04 giải Lục Bát Trăng Vàng. Cụ thể như sau:

Giải Lục Bát Trăng Bạc:

1.     Tác giả Lê Hòa (TP. Hồ Chí Minh): Với bài  thơ“Lam Kinh”;

2.     Tác giả Thái Văn Lợi (Tiền Giang): Với bài thơ “Chỉ còn là kỷ niệm”;

3.     Tác giả Nguyễn Thanh Ngọc (Nghệ An): Với bài thơ “Lặng buồn bến quê”;

4.     Tác giả Đàm Quyên (Bắc Ninh): Với bài thơ “Ngược xuôi”.

Giải Lục Bát Trăng Vàng:

1.     Tác giả Nguyễn Quỳnh Anh (Ninh Bình): Với chùm thơ 2 bài “Viết từ Vị Xuyên” và “Nhớ những ngày đông”;

2.     Tác giả Nguyễn Xuân Môn (Kon Tum): Với chùm thơ 2 bài “Hàng xáo” và “Quê tôi”;

3.     Tác giả Nguyễn Văn Song (Hưng Yên): Với chùm thơ 2 bài “Mùa đông nhớ mẹ” và “Nhà quê”;

4.     Tác giả Dương Đoàn Trọng (Hà Nội): Với bài thơ “Nhớ xưa”.

TỔNG KẾT KIM CƯƠNG

Theo dự tính ban đầu của Ban Tổ chức cuộc thi, sau sáu lần Sơ kết Vàng Bạc là Tổng kết Kim cương, tức là xét giả trao một giải Kim cương cho tác giả xuất sắc nhất, với giá trị vật chất gấp 10 lần giá trị của Giải Vàng. Những tác giả từng được trao Giải Vàng trong các đợt sơ kết sẽ là các ứng cử viên của giải này, cụ thể 24 tác giả có vinh dự này: Đỗ Bá Cung, Ninh Đức Hậu, Nguyễn Bá Hòa, Nguyễn Ngọc Hưng, Lương Thế Phiệt, Đoàn Văn Thanh, Hậu Cốc Ngang, Lam Bình, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Phi Diếu, Nguyễn Ngọc Đạt, Vương Hồng Trường, Bùi Thị Nhài, Dương Phương Toại, Đặng Thị Ngọc Vân, Ngô Xuân Thanh, Nguyễn Thị Thùy Linh, Nguyễn Ngân, Nguyễn Thị Thúy Ngoan, Trần Kế Hoàn, Nguyễn Quỳnh Anh, Nguyễn Xuân Môn, Nguyễn Văn Song, Dương Đoàn Trọng…

Chúng tôi không chỉ đọc kỹ lại từng chùm thơ đã từng trao giải Vàng, mà còn đọc thêm chùng của các tác giả được Giải Bạc, thậm chí đọc cả một  số bài thơ của các tác giả không được trao giải nhưng có bạn đọc kiến nghi cho là chất lượng cao…

Đây là cuộc thi thơ đề tài “Tổ quốc và Đạo pháp”, nên giải Kim cương tác phẩm cần phải đủ hai nội dung ấy, đó là đề xuất hay, để thu hẹp bớt các ứng cử viên. Ban Chung khảo lắng nghe đề xuất của Ban Sơ khảo, tổng hợp ý kiến nhận xét của cư dân mạng… rồi trao đổi, cuối cùng thu hẹp lại còn 4 ứng cử viên 2 nam và 2 nữ.

Đợi thêm một tuần sau, đọc thêm, tham khảo ý kiến của nhiều cây bút chuyên Lục Bát, chúng tôi lọc bớt 2 người, nghĩa là còn 2 ứng viên sáng giá nhất cho Giải Kim Cương. Mỗi người đọng lại chùm thơ hai bài đúng tiêu chí đề tài nêu trên, nhưng điều quan trọng hơn là nghệ thuật lục bát điêu luyện, chứa chan tình cảm. Viết về Phật pháp mà cũng chính là viết về cuộc đời này, nhiều câu, nhiều khổ làm người đọcrưng rưng:

Vu lan lạy mẹ… lên chùa

Thỉnh chuông cửa Phật cho vừa ước mong

Khói hương khuất nẻo long đong

Trầm luân khuất lấp phía trong ta bà.

Hay:

Gót mòn tìm nẻo đường tu

Vẫn chưa đi hết nhân từ mẹ trao

Nương vào hồn vía ca dao

Ngộ ra chín chữ Cù lao cao đầy…

(Lục bát Vu Lan – Trần Kế Hoàn)

Cõi Phật là cõi nhân từ, làm cho con người thánh thiện hơn, sống có tình hơn…một lần nữa lời thơ giúp bạn đọc cảm nhận điều đó.

Bài thứ hai với nhan đề là “Chị”, Trần Kế Hoàn viết về hậu chiến, đầy lòng nhân ái thông cảm với hoàn cảnh lỡ nàng của người phụ nữ nông thôn, có người hẹn ước hy sinh ở chiến trường, vò võ nỗi chung thủy cô đơn:

Lòng đau hạt thóc cũng gầy

Được mùa nào, cũng gặt đầy cô đơn

Ngẫm mình duyên rạ, tình rơm

Gượng cười trả lại giận hờn xưa, sau…

               (Chị - Trần Kế Hoàn)

  Với đề tài Phật pháp, mở đầu bài Phật tâm, tác giả Lam Bình viết:

Đốt nhang ba nén tìm Thiền

Hóa vàng nghìn dặm gửi miền hoang liêu

Tro tơi tả, khói vẹo xiêu

Rưng rưng một sợi, trăm chiều tơ vương…

 

      Và tác giả giúp bạn đọc ngộ ra chân lý:

Còn xa xót kiếp lạc loài

Còn đau đáu với mệt nhoài lầm than

Mõ, chuông  thỉnh vọng Niết bàn

Cà sa nhập thế nhân gian độ trì.

(Phật Tâm – Lam Bình)

 

       Bài thứ hai tác giả Lam Bình mô tả cuộc sống của người du canh du cư bằng những nét ảm đạm, thê lương:

Bóng ngày thất thểu vật vờ

Tiếng người thắc thỏm khát chờ hạt mưa

Du cư, lang bạt từ xưa

Đói cơm, thiếu chữ nên thừa bấp bênh.

 

Nước khan, đời vẫn nổi nênh

Phận người neo với lênh đênh phận mùa…

( Chiều du cư – Lam Bình)

Ban Chung khảo là các nhà thơ khá sành với thể thơ lục bát, đã nhiều lần gật gù tán thưởng khi gặp những nghịch lý trớ trêu của đồng bào du cư thể hiện trong những câu thơ này.

Cả hai tác giả đều hay, loại bỏ người nào cũng tiếc và bất công, nên sau thời gian thảo luận, đã đi đến kết quả là hai tác giả sẽ chia nhau giải Kim Cương danh giá, về danh nghĩa thì trọn vẹn giải Kim cương, còn về vật chất, mỗi người nhận một nửa giá trị đã dự định, tức gấp 5 lần giải Vàng của các đợt Sơ kết. Cụ thể:

Đồng giải Lục Bát Kim Cương:

1-Tác giả Trần Kế Hoàn (Tây Côi Sơn, thị trấn Gôi, Vụ Bản, Nam Định): Với chùm thơ 2 bài “Lục Bát Vu Lan” và “Chị”;

2-Tác giả Lam Bình (An Hòa, Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội): Với chùm thơ 2 bài “Phật tâm” và “Chiều du cư”.

Cuộc thi sáng tác Thơ Lục bát về để tài “Tổ quốc và Đạo pháp” kéo dài sáu năm đã thành công tốt đẹp. Cám ơn sự tham gia nồng nhiệt của các nhà thơ, bạn viết khắp nước và chân thành chúc mừng các tác giả đã trúng Giải Bạc, Giải Vàng và đặc biệt là Giải Kim Cương!

Đặng Vương Hưng
                (Tổng hợp)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Đặng Trung - td268269@gmail.com - 0975318397 - Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định  (Ngày 04/10/2018 22:32:21)

Tôi vô cùng vui mừng và cảm phục lucbat.com. Đặc biệt nhà thơ Đặng Vương Hưng cùng ban tổ chức và ban giám khảo cuộc thi thơ Lục bát, với một chiều dài thời gian đáng nể.
Những bài thơ được giải, tuy tôi không được xem hết, chỉ xem qua giới thiệu, cũng đã thấy rất hay rồi.
Tôi biết sau đây sẽ in thành sách, chắc chắn chúng tôi phải mua mỗi người một cuốn.
Nhưng tôi muốn chất lượng của từng bài, các tác giả cần có sự tu sửa một bước nữa để hoàn chỉnh hơn cho thật xứng đáng với giải thưởng. Điều quan trọng hơn, người đọc sẽ thêm phần hứng thú. Bởi những bài ấy, tôi tin là nhiều người sẽ còn thuộc làu như những bài ca vậy.
Ngay bài thơ CHỊ (giải Kim cương) của Trần Kế Hoàn, tôi đã thuộc cả 9 khổ thơ cảu anh. Cách đây chắc gần 40 năm, bài thơ CHỊ của nhà thơ Vương Trọng, đã từng làm tôi vô cùng xúc động và tôi đã thuộc cả 7 khổ thơ cho đến giờ.
Tôi từng nói với bạn bè yêu thơ, cần nhiều tác giả làm những bài thơ như thế, cho mai sau thấm thía hơn về một thời mà có lẽ không có sự hy sinh nào lớn lao hơn thế của dân tộc mình… (Tôi cũng có làm một số bài)
[Nếu lucbat.com đồng ý, tôi sẽ có một số góp ý tình tiết cụ thể ]

  Duc Duong - daituyphong@gmail.com - 0946068002 - 23/23 Hai thuong Lan Ong, Lien Huong, Tuy Phong,  (Ngày 28/09/2018 11:54:14)

Sổ tay cảm tưởng [ nếu có ]
6 năm dài thẳm cuộc thi
Vịn câu lục 6-8 cũng vì lời ru
Cẩn chi vàng bạc, kim châu
Rưng rưng ngọn gió mùa thu mẹ già.
Cuộc đi đã kết thúc,giải thưởng đã có chủ, niềm vui đã dâng tràn và chia sẻ. Còn mỗi cái tiếc, câu thơ nào neo lại lòng ta, hay có mà còn ít. Không có nét mới rõ nét về thơ lục bát, vẫn đậm sắc hồn xưa nếp cũ. Có bạn thơ nào thấy các bài hay, câu hay của 6 năm qua nên chia sẻ cảm nhận, phẩm bình, để bổ khuyết cho bạn chưa cảm nhận được. Quí thay. Xin đa tạ.

  trần kế hoàn  - trankehoan55@gmail.com - 01658606781  - tây côi sơn thị trấn gôi vụ bản nam định  (Ngày 17/09/2018 18:47:51)

Tôi vô cùng sung sướng và cảm thấy bất ngờ khi mình được là một trong hai người đạt giải KIM CƯƠNG, giải thưởng cao quý nhất của cuộc thi thơ lục bát TỔ QUÔC VÀ ĐẠO PHÁP kéo dài suốt 6 năm qua. Thiết nghĩ vinh dự này không phải của riêng tôi mà còn là vinh dự của những người có sáng kiến và tổ chức cuộc thi thơ độc đáo này. Là vinh dự của những nhà hảo tâm, bạn yêu thơ cả nước đã đóng góp cả tinh thần, công sức và vật chất để duy trì mọi hoạt động của cuộc thi, Là vinh dự của ban giám khảo đã nhiệt tình làm việc công minh, khách quan, tỉ mỷ, thận trọng suốt cả 6 mùa lễ hội; Của các cơ quan truyền thông báo chí luôn sát cánh đồng hành, quảng bá kịp thời động viên cho các cây bút khắp mọi miền đất nước tụ hôi về mái nhà chung của Webside Lục bát Việt nam tham dự cuộc thi này.
Vinh dự càng cao, trách nhiệm càng lớn. Chúng tôi cảm thấy tác phẩm của mình còn nhiều điều phải bàn. Mỗi ngừoi đạt giải hôm nay còn phải phấn đấu sáng tạo nhiều hơn nữa, để xứng đáng đứng trong đội ngũ những người đại diện tiêu biểu trên thi đàn lưu giữ hồn thơ lục bát của dân tộc Việt Nam.
Tôi xin kết thúc đôi dòng cảm xúc của mình bằng mấy vần lục bát sau:
Dẫu là cà vạt com lê
Lòng ta lục bát đi về ca dao
Lời ru dòng sữa ngọt ngào
Mẹ - muôn đời… mãi rót vào hồn quê.

Các bài khác: