Thứ tư, 24/04/2024,


Sài Gòn: Muôn mặt... cà phê (24/03/2009) 

Với không ít người, quán cà phê gần như là nhà vì toàn bộ thời gian trong ngày họ ngồi “đồng” ở quán. Cà phê Sài Gòn không chỉ chường mặt ra cho người ta dễ dàng nhìn thấy, mà còn len lỏi vào tận các hang cùng ngõ hẻm, leo tuốt lên tầng cao của các trung tâm thương mại… Vì sự đa dạng, phổ biến và đại chúng của các quán cà phê, nên giờ đây nó đã trở thành nét văn hóa đặc trưng trong đời sống tinh thần người dân nơi đây.

 

Cà phê: Từ lề đường...đến wifi

 

Người Sài Gòn vốn ít nhiều có tính thực dụng và có lẽ điều này phản ánh rõ ràng nhất thông qua văn hóa cà phê. Người uống cà phê thường thể hiện nhu cầu của mình khi đến quán và từ đó các quán cà phê cũng có sự “chuyên môn hóa” cao nhằm thu hút khách.

Đầu tiên phải kể đến khái niệm cà phê cóc. Các quán cà phê trên lề đường này được “thiết kế” nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nhanh ly cà phê sáng. Nơi đây, các vị khách sẽ đọc qua tờ báo, bàn với bạn bè, đồng nghiệp dăm ba câu chuyện trước khi tới cơ quan làm việc.

Chính vì tính chất nhanh chóng của khách mà các quán này thường gọn nhẹ đến bất ngờ, chỉ một rổ hàng chứa ly tách, nước sôi, thùng đá cùng dăm chiếc ghế nhựa.

 

                  

                                              Một góc cà phê truyền thống

 

Sài Gòn cũng có rất nhiều quán cà phê “làm việc”. Sở dĩ có thuật ngữ này vì đây là những quán cà phê mà khách tới đây thường làm việc gần như ở công sở. Các quán này thường yên tĩnh, mạng wifi (kết nối Internet không dây) nhanh, ổn định và các vị trí cắm điện cho máy tính xách tay (laptop) rất tiện lợi. Điển hình cho kiểu quán này có các quán như Ta Kê trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hi-end đường Nguyễn Văn Thủ, hệ thống các quán cà phê Trung Nguyên…

Cũng từ kiểu quán cà phê “làm việc” nảy sinh ra một nhu cầu mới: nghỉ ngơi phút chốc! Nhân viên văn phòng, khách làm việc suốt buổi đến trưa đều có nhu cầu chợp mắt một chút. Với tính thực dụng vốn có, các nhà kinh doanh quán cà phê đã nhanh nhạy cho ra các quán cà phê có thể nghỉ trưa cho khách.

Điển hình có thể kể đến một quán trên đường Hai Bà Trưng, kế quán kem Goody. Quán Plie (đang đổi tên thành Mây) ở một con hẻm trên đường Trần Quốc Thảo có lối bài trí khá đa dạng, tầng một theo phong cách nghệ thuật với không gian thư giãn. Tầng 2 theo phong cách Nhật với các bàn thấp cùng đệm ngồi. Trong quán có hẳn một thư viện nhỏ toàn sách văn học phục vụ những ai yêu thích. Tuy nhiên, điểm đặc thù nhất của quán lại là khu vực bài trí theo phong cách rất riêng với bàn cà phê thấp kiểu Nhật nhưng thay cho các tấm đệm ngồi là những tấm nệm nhỏ cùng gối để dựa lưng. Với kiểu bài trí này, khách khi làm việc mệt mỏi hoàn toàn có thể ngả lưng ra nệm, tựa đầu vào các chiếc gối đánh một giấc. Khu vực bày trí này được trang hoàng bằng các tấm rèm mỏng treo hững hờ, đủ để đỡ có cảm giác chướng khi khách ngon giấc nhưng lại quá mỏng manh để có thể tạo nên sự kín đáo nhằm tránh những tiêu cực không nên có. Khách đến đây cảm thấy thoải mái với một cây piano cho những ai biết dạo vài bản nhạc, một bộ cờ tướng cho những người mê đấu cờ…

 

“Ghiền” đi quán

 

Hẳn du khách khi đến Sài Gòn nghĩ rằng người dân thành phố này ghiền cà phê. Không hẳn vậy. Cà phê chỉ là một thức uống tại các quán cà phê. Nhiều người “ghiền” đi quán cà phê nhưng chẳng bao giờ uống một giọt cà phê nào. Để hẹn hò hay công việc, thậm chí chỉ có một mình và không biết đi đâu, thì quán cà phê vẫn luôn là lựa chọn đầu tiên.

 

         

                                Sự tiện nghi ở một quán cà phê đọc sách, sử dụng wifi. Ảnh: AN DUNG

 

Đối tượng biến các quán cà phê thành “văn phòng” làm việc nhiều nhất phải kể đến là những người làm công việc có tính chất tự do. Cánh phóng viên có lẽ là đối tượng lê la ở quán cà phê nhiều nhất. Một đối tượng nữa cũng biến quán cà phê thành “nhà” đó là giới nghệ sĩ.

Nếu là nghệ sĩ sáng tác như các nhà đạo diễn, biên kịch thì quán cà phê yên tĩnh, có wifi luôn là lựa chọn hàng đầu. Suốt một thời gian dài, nhiều người thấy đạo diễn D. ngồi “đồng” ở một quán cà phê trên đường Bùi Thị Xuân. Quán vắng, những bộ ghế sofa bọc vải tím và một khung cửa sổ thật lớn lắp toàn kính. Anh nói, ngồi đây trí tưởng tượng tha hồ bay bổng. Ngoài lúc chăm chú viết, anh có thể phóng tầm mắt xuống đường nhìn người qua lại, hoặc ngửa mặt ngó… mây bay. Đạo diễn L.H thì chỉ ngồi ở quán cà phê Cinebox. Anh không sáng tác ở đây mà chỉ dùng đây làm địa điểm hẹn gặp mặt bạn bè, đồng nghiệp. Chưa bao giờ thấy anh uống gì ngoài… trà đá. Tuy nhiên, cũng chưa bao giờ thấy nhân viên ở đây phiền hà với vị khách ồn ào và… keo kiệt này. Các quán Grammy, Ciao, 42… chính là nơi giới nghệ sĩ lui tới thường xuyên.

Đặc biệt, giới nghệ sĩ biểu diễn như ca sĩ, diễn viên, người mẫu hoặc các doanh nhân thường chọn cho mình những quán cà phê sang trọng để chứng tỏ đẳng cấp. Trước hệ thống các quán Windows, Highland, Gloria Jeans Coffee… luôn là một dãy xe hơi hoặc xe máy đắt tiền.

 

Những “góc khuất”

 

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi không đề cập đến những quán cà phê trá hình, mà chỉ muốn nói đến việc hình thành những “góc khuất” từ nhu cầu của khách mà thôi. Không cần phải chui vào tận các hẻm hóc mới có thể tìm thấy những quán cà phê có “góc khuất”. Rất nhiều quán cà phê hiện nay có tính chất “n trong 1”.

 

       

                            Quán cà phê theo phong cách mở khá phổ biến ở TPHCM. Ảnh: AN DUNG

 

Đó là sự kết hợp của sân vườn, máy lạnh, sân thượng và… góc tối. Nổi tiếng với dạng quán này là khu vực cà phê Thanh Đa, với những chiếc ghế bố nằm sát bờ sông, hoặc những chiếc bàn được che bởi các tấm liếp, hay những cây cảnh.

Tuy nhiên, Thanh Đa giờ đây đã… xưa. Ngay trong thành phố, không thiếu những quán dạng đó. Một phòng máy lạnh với những chiếc ghế salon lưng cao và một chiếc bàn nhỏ phía trước. Trong phòng, không có ánh đèn, hoặc nếu có thì chỉ là những chiếc đèn ngủ tỏa ra ánh sáng lờ mờ. Vào đây, sau khi gọi nước, khách sẽ được tặng cho một không gian hoàn toàn riêng tư, không ai chú ý đến ai, thậm chí ngay cả nhân viên cũng “lịch sự” không xuất hiện nếu khách không gọi…

 

 

Theo GIANG - VÂN - AN (Báo SGGP)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: