Chủ nhật, 22/12/2024,


Bỏ tiền túi đi... hát xẩm (22/03/2009) 

          Sau nghệ nhân Hà Thị Cầu, Mai Tuyết Hoa đang thực sự nổi lên như một nghệ sỹ sáng giá của nghệ thuật hát xẩm. Có thể nói, từ tình yêu đặc biệt với xẩm của cô gái trẻ này mà nghệ thuật xẩm không còn đối mặt với nguy cơ thất truyền.

Mai Tuyết Hoa

'Trơ mặt' xin được biểu diễn

         Còn nhớ, khi chợ đêm Đồng Xuân bắt đầu đi vào hoạt động, khá nhiều người tò mò khi thấy một chiếu xẩm xuất hiện. Không ít người thắc mắc bởi đám xẩm ấy phiên chợ nào cũng thấy mặt, hát vò võ nhưng lại không... xin tiền. Mà, như những gì người ta vẫn hiểu, xẩm thì phải ngửa nón xin tiền chứ!?

         Mặc kệ, chiếu xẩm vẫn hoạt động đều đặn để dần dà có những khán giả 'mê mẩn', không thiếu vắng buổi nào và cũng thuộc luôn những bài xẩm mà các nghệ sỹ trình diễn.

        Thế nhưng, chẳng mấy ai biết, để có một 'chiếu xẩm' giữa chợ đêm như thế là cả một quá trình đầy gian truân khi các nghệ sỹ phải 'xin mỏi mồm' mới có thể được trình diễn... không công.

        Mai Tuyết Hoa kể, phải mất vài tháng cô mới thuyết phục được một vị chịu trách nhiệm quản lý văn hóa tại khu vực này. Mà đó lại là chú của Hoa còn khó thế, không biết không có quan hệ họ hàng thì có xin nổi không.

        Khi ấy, không ai hiểu xẩm là gì. Trong tiềm thức của tất thảy mọi người, xẩm đi kèm với hình ảnh những người mù loà, ăn mặc rách rưới đi lang thang, cầm ống bơ, ngửa nón cầu mong người đời bố thí.

        Chính vì quan niệm này, nên hát xẩm ngoài đường đã bị cấm đoán hàng chục năm, cho tới khi nó được để ý trở lại thì chỉ còn vài nghệ nhân già yếu trong đó nổi tiếng nhất là cụ Hà Thị Cầu.

        Để thuyết phục được ông chú và những người có quyền quyết định cho biểu diễn hay không, Hoa phải mất nhiều công. Cô dùng các loại băng, đĩa, tư liệu… để làm bằng chứng thuyết trình rằng xẩm là một nghệ thuật và thứ xẩm đỉnh cao mà cô và bạn bè nghệ sĩ muốn đưa ra công chúng thì không nhếch nhác, không phải là hát rong.

        Tư liệu xem chừng chưa đủ thuyết phục một số người, Mai Tuyết Hoa buộc phải mang theo đàn nhị… hát thử cho họ nghe. Với cô gái này, lúc ấy quan trọng nhất là được biểu diễn xẩm cho tất thảy mọi người cùng biết về nghệ thuật độc đáo ấy.

        'Gái có công, chồng không phụ'! Năm 2006, nghệ thuật hát xẩm chính thức được 'trình làng' trở lại trên đầu chợ Đồng Xuân. Mai Tuyết Hoa trình làng cùng với Thanh Ngoan, Quang Long...

        Với nhiều người trẻ thì đây là lần đầu tiên họ hiểu thế nào là xẩm và được nghe cụm từ lạ 'xẩm tàu điện' (tàu điện Hà Nội nay cũng đã trở thành quá vãng). Còn với các bậc cao niên, nghe xẩm họ lại được sống lại với quá khứ một thời.

       Mai Tuyết Hoa là người đầu tiên đánh thức lại nghệ thuật hát xẩm tàu điện (nghệ nhân Hà Thị Cầu không hát xẩm tàu điện). Xẩm tàu điện là nghệ thuật dân gian khá quen thuộc khi Hà Nội còn loại phương tiện này. Khi ấy, có những người mù loà, yếu thế ở các thôn quê hát xẩm trên tàu điện để xin tiền.

        Từ những làn điệu vốn có của xẩm ở các vùng nông thôn họ pha lai, ứng tác biến thành làn điệu mới, lời mới cho phù hợp với thời cuộc bấy giờ. Người hát xẩm lúc ấy thường lấy thơ Nguyễn Bính để hát thành những làn điệu vừa da diết, vừa trữ tình. Nghe những làn điệu ấy, ai cũng hiểu họ đang vừa hát cho mình, vừa hát hộ cuộc đời…

         Thể loại xẩm này ngày càng phát triển, có cả những bài mô tả những chuyện rất thời sự được nhìn dưới con mắt bình dân, có cả những bài về chống tham nhũng.

Biểu diễn xẩm ở Nhà hát Lớn Hà Nội

Xẩm… là 'máu', là 'thịt'

         Xẩm một thời là nghệ thuật đường phố của dân lang thang để xin tiền thiên hạ. Thế nhưng, với Mai Tuyết Hoa thì xẩm lại là thứ 'móc' hầu bao của cô nhiều nhất.

          'Trót' mê xẩm khi mới vào Viện Âm nhạc công tác, Mai Tuyết Hoa đã dành nhiều công sức để tìm hiểu về môn nghệ thuật mà chẳng mấy ai còn biết này.

           Không chỉ tự bỏ tiền ra đi điền dã, tìm các tư liệu về xẩm, về gặp nghệ nhân Hà Thị Cầu, Mai Tuyết Hoa còn xác định sẽ tự bỏ tiền túi ra để được hát ở chợ Đồng Xuân. Thoạt đầu thì hết sức khó khăn, nhưng về sau, trước niềm đam mê đến cuồng nhiệt của cô gái này cộng với sự hút khách mà xẩm mang lại, Ban quản lý chợ đêm đã quyết định hỗ trợ cho nhóm của cô phần nào kinh phí hoạt động.

          Mai Tuyết Hoa cho biết, để có thể theo đuổi được những ước mơ của mình về xẩm, ngoài việc đi làm, cô cũng nhận được nhiều sự hậu thuẫn về vật chất và tinh thần từ cha mẹ và người bạn đời của mình. Chỉ thế mà thôi. Cho đến nay, cô chưa nhận được thêm nguồn kinh phí nào để góp phần khôi phục nghệ thuật xẩm.

         Nhưng với Mai Tuyết Hoa, việc phải bỏ tiền ra để được hát xẩm vẫn chưa khó khăn bằng việc tìm hiểu và luyện tập thứ nghệ thuật không ít người cho là kỳ quặc này. Để hát được, Mai Tuyết Hoa phải tự mày mò tìm hiểu các tư liệu ít ỏi còn lại về xẩm.

         Thoạt đầu, băng đĩa tư liệu là người thầy đầu tiên - công cụ quan trọng nhất mà cũng là duy nhất để cô bắt chước hát theo. Hoa kể, phải mất hai năm sau khi làm quen với xẩm cô mới có điều kiện tiếp cận với nghệ nhân Hà Thị Cầu.

          Nghệ nhân Hà Thị Cầu có giọng hát và kỹ thuật hát đặc sắc, điêu luyện nhưng cụ chỉ dạy bằng cách truyền khẩu qua lời hát. Cụ cứ hát còn người học 'bắt' được đến đâu là tuỳ thuộc vào khả năng.

          Lúc ấy, Mai Tuyết Hoa là học trò duy nhất của cụ! Cũng may, Mai Tuyết Hoa vốn đã qua 'lò' Nhạc viện; chuyên ngành học của cô là đàn nhị lại mê xẩm nên cô học khá 'vào'. Ngoài ra, cô còn học hát xẩm kết hợp với chơi đàn nhị nên rất có lợi thế.

Cùng nghệ sĩ Quang Long (phải)

Vẫn buồn thương cho xẩm!

         'Không thể sống bằng nghề hát xẩm và không ai sống được bằng nghề ấy!' - Mai Tuyết Hoa khẳng định. Ngay nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng không có lương hay phụ cấp gì dù ai cũng biết cụ là tài sản quý giá của dân tộc.

         Mai Tuyết Hoa và một số nghệ sỹ khác tâm huyết với việc khôi phục nghệ thuật xẩm đã thành lập được một trung tâm truyền dạy nghệ thuật hát xẩm miễn phí thu hút được khá đông người học (đến nay, con số đã lên tới hơn trăm), trong đó có những em nhỏ rất có năng khiếu.

          Mặc dù xẩm đã bắt đầu được quan tâm hơn nhưng Mai Tuyết Hoa vẫn luôn băn khoăn và lo sợ sẽ không có người tiếp tục nối nghiệp. Chị vẫn thường tự trào mình là kẻ điên rồ thì mới theo xẩm như thế.

          Mai Hoa nhìn các em nhỏ tham gia vào học xẩm mà lo rằng chưa có điều gì chắc chắn các em sẽ theo đuổi lâu dài môn nghệ thuật này bởi chẳng có sự hứa hẹn nào cho tương lai.

         Dẫu chưa rõ xẩm sẽ có vị trí nào ở con đường phía trước nhưng Mai Tuyết Hoa vẫn dự định sẽ theo đuổi nghệ thuật này đến suốt đời. Hoa nói, xẩm có 8 làn điệu thì chị mới hát được thập ân, tàu điện và xẩm chợ. Mặc dù các làn điệu còn lại có không nhiều tư liệu nhưng chị vẫn quyết sẽ sưu tầm và cố tập luyện nốt những làn điệu còn lại.

        Lúc nào cũng lo xẩm chết, Hoa vẫn luôn nuôi hy vọng, một ngày nào đó, xẩm sẽ được Nhà nước hoặc các nhà tài trợ nghệ thuật quan tâm nhiều hơn. Lúc đó sẽ có những em học sinh học nhạc cụ dân tộc ra có thể theo nghề.

        Chị tin rằng, với những tố chất của những học sinh nhạc cụ dân tộc thì xẩm sẽ không thiếu những người giữ được nghề nghệ nhân Hà Thị Cầu, như chị và một vài người bạn nghệ sĩ yêu xẩm.

        Có một niềm vui nho nhỏ và đang thắp sáng những hy vọng cho Mai Tuyết Hoa thực hiện những ước mơ của mình là vừa qua chị được mời tham gia biểu diễn tại Tokyo. Tiết mục hát xẩm của chị được người Nhật rất trọng thị. Chị đang đặt niềm tin, một ngày nào đó ở Việt Nam, xẩm cũng sẽ được nhiều người đón nhận một cách trân trọng như thế!

* Mai Tuyết Hoa sinh năm 1975 trong một gia đình không có ai theo đuổi nghệ thuật âm nhạc. Chị tốt nghiệp khoa Nhạc cụ truyền thống - chuyên ngành đàn nhị tại Nhạc viện. Hiện chị là biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Mai Tuyết Hoa bắt đầu tự học xẩm từ năm 1998. Hiện Việt Nam có khoảng hơn 10 nghệ sỹ có thể hát được xẩm nhưng nghệ nhân Hà Thị Cầu và Mai Tuyết Hoa là những người ít ỏi có thể vừa chơi đàn nhị vừa hát.

Hiện chị vẫn thường xuyên tham gia cùng các nghệ sỹ khác trình diễn tại chiếu xẩm chợ đêm Đồng Xuân (Hà Nội) vào các tối thứ 7.

* Ngày 18/3/2009 (tức ngày 22/2 âm lịch), lễ giỗ tổ nghề xẩm đựơc tổ chức tại đình Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội). Theo truyền thống, ngày 22/2 hoặc 22/8 âm lịch hàng năm là ngày giỗ tổ nghề xẩm.

Tuỳ theo từng năm, những người hát xẩm sẽ tổ chức giỗ tổ vào một trong hai thời điểm này. Theo truyền thuyết, ông tổ nghề xẩm chính là Trần Quốc Đĩnh (con trai của vua Trần Thánh Tông).

                                     Theo Đình Đình (Tiền phong)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: