Nếu không được giới thiệu trước, chắc ít ai ngờ ông già trông phúc hậu và hơi ốm yếu ấy (muốn đi phải có người dìu) lại chính là một huyền thoại sống của tình báo Việt Nam. Ông là Mười Hương (tức Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Nội chính TW) người chỉ huy trực tiếp của các nhà tình báo lừng danh: Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thuý, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ...
Ông bất ngờ xuất hiện trước 24 nhà văn tham dự lễ khai mạc Trại sáng tác Văn học về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, sáng ngày 17-3-2009 tại Đà Lạt.
Khi Đại tá nhà văn Phùng Thiên Tân, Phó Giám đốc Nhà xuất bản CAND vừa 'Trân trọng giới thiệu bác Mười Hương phát biểu' thì tất cả mọi người có mặt cùng ồ lên rồi lặng đi. Các phóng viên cùng xúm lại chụp ảnh, ghi hình...
Đã sống gần trọn thế kỷ, đã trải qua bao thăng trầm sóng gió của cuộc đời, nhưng con người huyền thoại ấy vẫn minh mẫn vô cùng. Ông xin phép ngồi để nói. Giọng run run, nhưng truyền cảm và khúc triết. Dường như đó là những lời tâm sự thật nhất, được phát ra từ gan ruột của một con người chân chính.
Ông kể về những năm tháng gian lao trong nhà tù của mật vụ Ngô Đình Cẩn, về những hi sinh thầm lặng của những người chiến sĩ tình báo. Trong kháng chiến họ phải hi sinh bởi kẻ thù đã đành, ngay khi hòa bình rồi, họ vẫn tiếp tục hi sinh, vì sự hiểu nhầm và vô vàn những lý do khác; chịu nhiều oan ức mà không biết giãi bày cùng ai.
'Cái nghề này thường kết cục bạc lắm và không có hậu - ông Mười Hương nói - Như bản thân tôi, ra tù rồi vẫn nhiều lần bị tổ chức hiểu nhầm, bị 'hành' còn khổ hơn cả trong tù. Một đồng đội của tôi là anh Minh Vân, bị địch giam trong Ngục Chín Hầm, chúng tra tấn anh dã man, chết đi sống lại như chị Trần Thị Lý hồi đó. Nhưng chị Lý còn được nhà thơ Tố Hữu xúc động làm thơ ca ngợi, còn anh Minh Vân thì chẳng được ai ca ngợi, nên đã tự viết cả ngàn câu thơ kể chuyện mình trong ngục. Bây giờ, anh ấy sống những ngày cuối đời lặng lẽ ở ngoại thành Hà Nội, rất ít người biết. Tôi nghĩ, các nhà văn nên giúp các nhà tình báo làm sáng tỏ chuyện đời mình và những số phận con người sau chiến tranh'.
Phải chăng, đó cũng là một trong những sứ mệnh của những nhà văn tâm huyết với đề tài vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống?
Phóng viên của lucbat.com đã có mặt trong cuộc nói chuyện trên đây, trực tiếp ghi lại một số hình ảnh xin gửi tới bạn đọc.
Lucbat.Com
Chú thích ảnh trong bài:
- Nhà tình báo Mười Hương phát biểu với các nhà văn;
- Các đại biểu và các nhà văn trong Lễ khai mạc Trại sáng tác văn học - 2009 tại Đà Lạt;
- Từ trái qua: Nhà văn Văn Phan, Thiếu tướng Lê Ngọc Nam (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND), Nhà tình báo Mười Hương, Đại tá Đỗ Tá Hảo (Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản CAND) và nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải.
- Nhà tình báo Mười Hương và nhà văn Đặng Vương Hưng.