Chủ nhật, 22/12/2024,


Văn học mạng- xu thế không cưỡng nổi (14/03/2009) 

 

Năm 2006, tờ báo khoa học đại chúng hàng đầu thế giới Science của Mỹ đã chọn sự kiện “ Chứng minh Giả thuyết Poincare của Perelman” là sự kiện đột phá số 1 trong năm. Perelman, người Nga, chưa đầy 40 tuổi đã làm được một việc chỉ có ở những thiên tài, đó là chứng minh thành công giả thuyết do nhà toán học Pháp Poincare đặt ra trước đấy gần hai thế kỷ. Điều bất ngờ là, Perelman không công bố công trình của mình trên các tạp chí toán học uy tín của thế giới như mọi nhà toán học các thời đại vẫn làm, mà công bố trên Internet. Đúng là nhà toán học này có những biểu hiện hơi lập dị, như việc ông từ chối nhận Giải thưởng Fields, một giải thưởng danh giá nhất (tương đương giải Nobel) trị giá hàng triệu USD, nhưng việc ông dành cho mạng toàn cầu vinh dự công bố công trình của mình, đã nói lên ông coi trọng Internet đến thế nào. Qua sự kiện “toán học mạng” đó, cũng làm ta liên hệ đến phát biểu gần đây của Vương Sóc, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc, nhiều tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Việt: “Mạng Internet đã khiến tất cả mọi nhân tài đều không bị vùi dập, từ giờ trở đi, các tác gia vĩ đại sẽ xuất hiện trên đó”. Rồi đây sẽ có những “Perelman văn học mạng” là điều không phải bàn cãi.

Nước ta đón nhận Internet khá sớm. Năm 1994 Internet bắt đầu được sử dụng rộng rãi thì chưa đầy 3 năm sau, dịch vụ này được cung cấp chính thức tại Việt Nam. Và từ đó, Internet Việt Nam phát triển với tốc độ chóng mặt, đến đầu năm nay đã có 21 triệu người sử dụng, tức 1/ 4 dân số cả nước. Ngày càng có nhiều loại dịch vụ tiện ích trên mạng, trong đó nổi bật là sự bùng nổ của báo mạng, trang web, blog (tổng số tên miền .vn đã đăng ký là 94708 và 6,61 triệu địa chỉ), tạo ra sự cạnh tranh thông tin mà sách báo truyền thống không thể sánh kịp nó về sự đa chiều, phong phú và nhanh nhạy. Cần nói thêm là, chính các trang web là loại siêu văn bản có địa chỉ cụ thể và duy nhất, có thể đặt các mối liên kết, tập hợp các trang web trên toàn thế giới thông qua Internet, tạo thành World Wide Web, chính là  linh hồn của mạng toàn cầu. Cũng từ đó, ngoài lĩnh vực truyền thông báo chí, văn học thành văn trước đây chỉ tồn tại trên số hữu hạn trang giấy in, nay có điều kiện gần như là vô tận để lưu trữ, phát triển, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của toàn nhân loại. Nhớ lại chỉ cách đây 5 năm, việc hình thành văn học mạng đã gây ra cuộc kiện cáo về bản quyền khá gay gắt. Tại hội chợ sách Frankfurt (Đức), công ty Google Inc hứng khởi công bố sẽ hợp tác tốt đẹp với các nhà xuất bản, bởi họ vừa ứng dụng thành công máy quét sao chụp lại(scan), như thế mọi cuốn sách in giấy sẽ nhanh chóng có mặt trên mạng. Không lâu sau đó, các nhà xuất bản danh tiếng như Simon&Schuster, Penguin…đã kiện Google về sự vi phạm bản quyền, sách làm ra bị ế ẩm vì người đọc đã tìm thấy miễn phí trên mạng ở cùng thời điểm họ bắt đầu tung ra thị trường. Song Google không đơn độc, có người khổng lồ khác là Yahoo.Inc hỗ trợ, cũng có kế hoạch đưa mọi cuốn sách lên mạng, song họ đã rút kinh nghiệm chỉ “quét” những cuốn đã thông qua về tác quyền. Tim Gerber giám đốc về hợp tác nội dung của Google thì đưa ra lời giải thích xem ra xuôi tai mọi người: “Đây là công cụ tìm kiếm sách chứ không phải là công cụ giúp đọc sách miễn phí. Khoảng 92% sách thế giới không đem lại lợi nhận cho tác giả cũng như không tiếp cận được độc giả. Tại sao chúng ta không mở rộng cơ hội cho cả hai phía.”

Thời gian qua, có những lúc trên văn đàn nước ta đặt ra câu hỏi: văn học mạng, tồn tại hay không tồn tại? Có hai luồng ý kiến trái ngược. Song cái gì hợp với quy luật thì tồn tại, không hợp bị đào thải, cùng với sự gia tăng không ngừng của “công dân mạng”, số người khẳng định văn học mạng như một xu thế tất yếu cũng tăng theo, còn số phủ định cứ giảm dần. Từ khi Internet vào nước ta, mỗi lúc thêm nhiều tác phẩm văn học các thời kỳ được đưa lên; nhiều sáng tác mới của các nhà văn chuyên và không chuyên được đăng trên báo mạng. Do sức chứa  dường như là vô tận, nên chỉ trong khoảng chục năm qua, đã hiện diện trên mạng có lẽ gần đủ mặt các tác phẩm chủ yếu, được lưu trữ ở nhiều thư viện nước ta. Bên cạnh đó là vô số sáng tác mới mà trước đó chưa hề có mặt trên sách báo in. Nếu như sách báo in bị kiểm duyệt khá chặt chẽ và quy trình để một tác phẩm văn học từ khi nộp bản thảo đến khi thành sách ra thị trường là khá lâu, thì trên mạng điều này lại trở nên cực kỳ đơn giản, nhanh chóng. Trong thực tế, nhà chức trách rất khó kiểm soát được đầy đủ nội dung các trang web và nhất là với các báo mạng hải ngoại, cho dù quốc gia nào cũng chú trọng tạo “bức tường lửa” ngăn chặn các luồng văn hoá phi chính thống, bị coi là độc hại. Nếu như việc đăng tải sáng tác văn học trên sách, báo giấy bị nhiều hạn chế như “đất chật người đông” hoặc phải “lách”, thì với mạng dễ dàng hơn hẳn, và cho dù nhiều báo mạng là vô vị lợi(không nhuận bút), thì nhiều tác giả vẫn muốn được sớm công bố trên đó tác phẩm tâm huyết của mình. Hơn nữa, là mạng toàn cầu nên độc giả rất rộng rãi, không biên giới, ngày càng tăng nhanh chóng và còn có thể định lượng chính xác được ngay số người đã đọc tác phẩm. Sự nở rộ của blog trong thời gian gần đây càng cho thấy khát vọng thể hiện mình cùng sự bầy tỏ chính kiến, mà số đông trong đó là những người sáng tác. Nhiều blog trong nước đã vượt ra khỏi khuôn khổ nhật ký cá nhân thông thường, có sức hút mạnh nhà văn, nhà báo cùng độc giả có trình độ ở nhiều thành phần, có thể kể tên như: trannhuong.com; lethieunhon.com…Viet-studies. info của GS.Trần Hữu Dũng, Việt kiều tại Mỹ, do cập nhật thông tin nhanh nhậy về các vấn đề kinh tế, văn hoá và có những bộ sưu tập công phu về các tác giả văn chương, triết học nước nhà, mà lâu nay đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với đông đảo bạn đọc. Nhờ “đất” mạng thênh thang như vậy, cộng với sự “tự do tư tưởng” mà nhiều người lạc quan rằng: sẽ sớm ra đời các tác phẩm lớn, mới lạ về hình thức, nội dung thì đa chiều, sâu  đậm tính nhân văn. Thực tế ở nước ta thời gian qua, đã có không ít tác giả thành danh(chủ yếu là lứa tuổi trẻ) trước hết nhờ tác phẩm của họ được mạng “lăng xê”, sau đó mới đến trên giấy. Cũng có người cho rằng, cách viết trên mạng khác cách viết trên giấy và văn học thành văn truyền thống mới mực thước. Suy cho cùng, giấy(bút), hay mạng (máy vi tính) chỉ là phương tiện để truyền tải tư tưởng, tình cảm và nhất là để thể hiện tài năng đích thực của người viết, vấn đề là sản phẩm tinh thần do họ làm ra có sâu sắc, sinh động, nhân bản, hấp dẫn được người đọc hay không mà thôi.

Rõ ràng, xu hướng tồn tại và phát triển của văn học mạng không gì cưỡng nổi theo đà phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ. Một vấn đề nổi lên ở nước ta là, cần phải quản lý văn học mạng theo luật định một cách thích hợp, để vừa khuyến khích được nhân tài, vừa ngăn chặn kịp thời luồng văn hoá xấu độc, nhất là đối với số đông độc giả trẻ tuổi đang ngày đêm đắm mình tìm kiếm, học hỏi và giải trí trên mạng toàn cầu.

 

Phạm Quang Đẩu

(Nguồn: trannhuong.com)

                        

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: