Thứ ba, 23/04/2024,


Tản mạn về thơ (Hồ Anh Tuấn) (15/05/2017) 

 Thơ Việt đã có từ ngàn năm nay. Đến thời Lý, Trần thơ Việt đã rất hay. Ngàn năm thơ, ngàn năm tươi mới. Ngàn mùa xuân, tâm hồn người cất cánh bay. Xuân nay xin gửi đến bạn bè xa gần mấy suy nghĩ về thơ.

 

Nhà thơ Hồ Anh Tuấn

I. Vai trò và tác dụng của thơ

          Có lúc thơ cần thiết như cơm ăn, nước uống, có lúc như là thứ để bù lại một phần thiếu thốn vật chất. Thơ gần gũi với người lao động, thơ theo bước chân người chiến sĩ, thơ ngâm ngợi, thơ xung trận, thơ là động lực, là sức mạnh của người lính: Ta lại viết bài thơ lên báng súng/ Con lớn lên đang viết tiếp thay cha/ Người đứng dậy viết thay người ngã xuống/ Người hôm nay viết tiếp người hôm qua (Hoàng Trung Thông).

          Ngoài đồng nông phu làm thơ, trên sông Chủ tịch nước làm thơ. Thơ lúc cày cấy, thơ lúc bàn bạc đại sự và cả khi không làm việc gì cũng có thơ: Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng mà trong ngục biết làm chi đây/ Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do (Hồ Chí Minh).

           Như vậy thơ có tác dụng to lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống con người, giáo dục con người, bảo vệ Tổ quốc, phát triển giống nòi, chấn hưng đất nước, làm cho cuộc sống đẹp hơn, chân hơn, thiện hơn, văn hóa hơn!

          Tuy nhiên, nếu thiếu vật chất thì nhìn thấy ngay (nạn đói năm 1945, hơn hai triệu người chết, rùng mình mãi) nhưng thiếu thơ thì tác hại không thấy ngay, bởi khó “cân đong đo đếm”. Thiếu thơ, luân thường đạo lý bị ảnh hưởng, chuyển di tư tưởng, tâm hồn, dẫn đến con người vô cảm, man rợ.

          Thực ra, thơ tiềm ẩn nhiều sức mạnh. Lý Thường Kiệt đọc “Nam quốc sơn hà” phấn khích tướng sĩ, lui được giặc, chiến thắng Như Nguyệt là chiến thắng của sức mạnh tinh thần dân tộc, của thơ! “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn thực chất là thơ văn xuôi có thể xem là tiếng kèn mở đầu chiến dịch, “Cáo Bình Ngô” của Nguyễn Trãi như là tráng ca là bản tổng kết chiến tranh, dân tộc ta toàn thắng.

          Thơ mạnh nhất khi ở thời điểm Tổ quốc bị xâm lăng, đất nước, xã hội, cá nhân mỗi người có vấn đề đặc biệt quan trọng, đặc biệt nhạy cảm, đặc biệt bức xúc, đặc biệt hưng phấn, đặc biệt đau khổ, những vấn đề cực kỳ quan trọng của đời người như “sinh, ly, tử, biệt”, “sinh, lão, bệnh, tử”, những vinh quang của dân tộc… Tất cả được thơ chuyển tải có nghệ thuật. Lúc đó thơ thăng hoa, thơ sẽ hay!

II. Vậy thơ là gì?

          Có lúc công chúng đến với thơ hăm hở, say mê một thời gian rồi chào tạm biệt. Có lúc người làm thơ theo đuổi sự nghiệp “nửa chừng” bỗng thấy bế tắc, dao động, cá biệt cũng có người bỏ cuộc, có người chuyển sang văn xuôi.

           Nhưng thực chất thơ vẫn tồn tại. Ta vẫn hưởng lợi từ nó, nhưng ta chưa hiểu hết, còn mơ hồ về nó. Có rất nhiều định nghĩa về thơ. Mỗi định nghĩa là một góc nhìn của các nhà lý luận, phê bình và các tác giả thơ. Chưa có định nghĩa nào thật thỏa đáng, thuyết phục 100% công chúng: “Thơ là sự thể hiện đồng ý, đồng tình” (Tố Hữu); “Thơ là sự thể hiện tâm hồn con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng); Thơ văn có nghìn chuyện/ Phải nói được bảy tấc lòng (Đỗ Phủ); “Văn là cơm nuôi sống con người. Thơ là cơm được ủ men, cất lên thành rượu, làm say đắm lòng người” (Hoàng Trung Thông). Như thế, thơ phải là tinh túy, chắt lọc. Thơ là cái nuôi sống con người nhưng đã chuyển hóa sang dạng khác nhờ cảm hứng nghệ sỹ (men) và khi thăng hoa thơ có thể làm nghiêng ngả tâm hồn công chúng, xiêu lòng công chúng. Hoàng Trung Thông vừa nói lên bản chất của thơ, nội dung thơ, điều kiện thành thơ (men), công nghệ làm thơ (ủ men và chưng cất)

III. Thơ hàm chứa điều gì?

          * Thứ nhất, hơn bất cứ thể loại nào, thơ cần điều riêng biệt, riêng có, thơ cần sự độc đáo, cần bản sắc cá nhân, đọc thơ biết người. Nhà thơ không giấu được ai điều gì. Vì vậy, sáng tác thơ cần tránh chung chung, lặp lại, dẫm đạp ý tứ, đi lại vết mòn người khác. Thơ có lúc cần một sự cực đoan, vui tràn trề, buồn tận cùng, làm tận hiến – “Cháy hết mình cánh phượng nhẹ nhàng rơi”.

          * Thứ hai, thơ cần nén chặt năng lượng cảm xúc, ý tưởng phải được tích tụ, chuẩn bị và bùng nổ như phản ứng hạt nhân. Đó là lý do bài thơ nào tác giả cũng chuẩn bị một câu kết có cánh! Trong bài “Hoa dong riềng”, Đồng Đức Bốn đã chắt lọc từng chút cảm xúc, nén lại, gợi dần từ chỗ bông hoa đỏ thập thò sau bụi tre gai, đến chỗ nó là màu sắc của tình yêu đợi chờ: Nhà ai có gái chưa chồng/ Mượn màu hoa để chờ mong người về, và rồi cuối cùng bùng nổ cảm hứng: Cánh hoa sắc một lưỡi dao/ Vì yêu tôi cứ cầm vào như không.

          * Thứ ba, thơ phải hết sức bất ngờ, đột ngột, vươn bay, ý tưởng phải được cất cánh, câu thơ, ý thơ ra đời như chân trời xuất hiện bình minh, như máy bay cất cánh khỏi đường băng đi vào bầu trời rộng bao la. ở bài “Những đứa trẻ chơi trước cửa đền”, sau khi hoàn thành việc tổ chức tứ thơ, Thi Hoàng bung ra câu kết luận: “Chợt ngẫm thấy trẻ con là giỏi nhất/ Làm được buổi chiều rất giống ban mai”. Nhà thơ nói như thế, chứ không nói trông trẻ con chơi hồn nhiên, thấy mình trẻ lại, đó là cách nói của văn xuôi.

          Hai người bạn uống rượu bên bờ biển. Khi tửu lượng như sóng dâng cao, đất trời chếnh choáng, người bình thường sẽ lăn ra chân sóng. Anh nhà thơ lại khác: Tôi ngồi rót biển vào chai (Trịnh Thanh Sơn). Thật bất ngờ, thật lạ lùng, trí tuệ và óc tưởng tượng bay vọt lên không còn giới hạn. Đúng là “thơ say”! Câu thơ thật hay! Thật ấn tượng!

          * Thứ tư, xương sống của thơ là tưởng tượng, mơ mộng (ý Xuân Diệu). Tưởng tượng để tìm hình ảnh mới cho bài thơ, để thực hiện cấu tứ bài thơ. Tưởng tượng là xương sống của thơ. Làm thơ mà không tưởng tượng, không tìm được cái mới, chỉ kể tả, coi như viết văn xuôi!

          Tưởng tượng nhiều khi tạo ra bất ngờ cho thơ. Lúc đó câu thơ đến ngoài dự kiến, nó như đâu đó từ trái tim, từ khối óc rơi ra, nó như “vị khách không mời” đến gõ cửa nhà ta, gặp khách thân ta mừng run lên vì quá đột ngột. Đó là những câu thơ trời cho! Hình như có “thần thánh trợ lực”: Đọc sách hiểu vạn cuốn/ Làm thơ như có thần giúp đỡ (Đỗ Phủ).

          * Thứ năm, làm thơ phải có “cảm xúc khác thường, suy nghĩ khác thường, cách viết khác thường”. Người làm thơ đang chuyển dần từ “nhìn thấy” sang “cảm thấy”. “Nhìn thấy” gần với truyện và ký, “nhìn thấy” thì bài thơ nặng về kể và tả, ý thơ nông, ít rung, ít lan tỏa, khó lay động. Bởi lẽ, cái nhà thơ nói người đọc đã thấy. Khi nhà thơ “cảm thấy” thì mở ra một trường liên tưởng mới, kỳ lạ, cuộc sống vào thơ đã khoác chiếc áo khác, “nó” là “nó” mà không phải “nó”! Quen thuộc mà lạ lẫm! Gần gũi mà xa xăm: “Vạt áo em lơ đãng quệt ngang chiều” (Trương Nam Hương). Anh nhà thơ về chiều bỗng nhiên có “vạt áo” non tơ trẻ trung “lơ đãng” quệt vào (“lơ đãng” chứ không phải “vô tình”, “quệt” chứ không phải “vương” vào). Công chúng đọc thơ sẽ tha hồ tưởng tượng tiếp tục cái “cảm thấy” của nhà thơ!

          Có thể dẫn ra thêm vài “câu thơ cảm thấy”: “Ve kêu từng chặp, kêu liên hồi/ Không gian sôi mãi tiếng ve sôi/ Bốn phía màu xanh như đặc lại/ Gấp bước quân đi nắng lóa trời” (Phạm Ngà); “Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm” (Huy Cận); “Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu/ Lả lả cành hoang nắng trở chiều” (Xuân Diệu); “Vầng trăng ai xẻ làm đôi” (Nguyễn Du); “Trăng nằm sóng xoài trên cành liễu” (Hàn Mặc Tử); “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp loáng/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” (Hoàng Cầm); “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu” (Hữu Thỉnh); “Trời thì xanh như rút ruột mà xanh/ Cây thì biếc như vặn mình mà biếc” (Thi Hoàng).

          Cảm thấy có nghĩa là nhà thơ đã nhìn được cái không thấy, cái bị che khuất mà người khác không nhìn ra được. “Cảm” cũng là nhìn! Nhìn bằng con mắt thần! Cái “mưa xuân” nó thần diệu đến mức làm cho cây cột buồm khô nẩy mầm xòe lá. Chưa ai viết được thế!

          Anh lính giữa rừng Trường Sơn “nghe tiếng ve kêu”, cây súng trên tay “day dứt” như thôi thúc, anh cảm thấy “màu xanh như đặc lại”, màu lá cũng “đặc” là cảm giác chứ không phải là suy nghĩ, không phải “nhìn”. Chỉ có nhà thơ mới nói “trời rút ruột”, sông “nằm nghiêng”, “gió xiêu xiêu”, “trăng xẻ đôi”, “trăng nằm sóng xoãi”, đám mây “vắt nửa mình sang thu”…

          Tôi đồng ý với nhà thơ Nguyễn Khôi khi cho rằng mặt bề ngoài của thơ (mặt sáng) ta thấy được, đó là phong cách của nhà thơ, ý và tình được diễn tả bằng cú pháp, luật thơ, cách gieo vần, còn những cảm thụ mà thơ mang đến cho chúng ta (cái ẩn dụ “thi tại ngôn ngoại”, đó là tiếng thầm không thể trông thấy được). Lúc đó nhà thơ mới cần đến sự “cảm thấy” quan trọng nhường nào!

          * Thứ sáu, cái đặc biệt làm nên hình thể của thơ là linh hồn của thơ, ý tưởng của thơ, là tình cảm, là tâm trạng nhà thơ, tâm trạng nhân vật trữ tình. Đó chính là cái duy nhất truyền cảm, rung động, tạo nên cơn địa chấn trong trái tim người tiếp nhận. Nhà thơ không chỉ làm nhiệm vụ gieo ươm, nhà thơ phải hoàn chỉnh bữa tiệc tâm hồn thết đãi công chúng. Vì vậy ý tưởng thơ phải rõ ràng, dù ý tưởng được giấu sau các biện pháp nghệ thuật, các loại “dụ”, nhưng nhà thơ phải khéo léo dẫn dắt ý thơ đến người đọc.

          * Thứ bảy, nhà thơ phải là người luôn luôn đổi mới, đổi mới phong cách, đổi mới cách diễn đạt, đổi mới cách thâm nhập cuộc sống, phát hiện cái mới. Cái mới trong cuộc sống rất nhiều, nhưng cái mới không dễ nhìn thấy, như muối hòa tan trong biển cả. Nhà thơ là người phát hiện cái mới, cái đặc sắc mà người khác không thấy, bạn đọc không thấy. Họ chỉ “vỡ òa” ra, giật mình và kêu lên “à ra thế” sau khi đọc câu thơ: “Tại sao gần gũi thế, quen thuộc thế mà ta không nhận ra?” “Một cánh hồng nhung rơi xuống?/ Không, một con bướm đỏ bay lên!”. Phát hiện lớn nhất của “bài thơ hai câu” này là chiều đi xuống và chiều đi lên của sự việc và cuộc đời, sự khẳng định của bất tử, cô đọng và súc tích. Triết lý thông qua hình ảnh đầy ấn tượng. Đẹp và hay!

IV. Vậy thế nào là thơ hay?


          Thơ hay là tác giả luôn “tặng” ta cái mới, cái kỳ lạ, độc đáo và bất ngờ. Lúc nào ta cũng phải tâm niệm rằng mình được ủy nhiệm đi tìm chân trời mới. Sức ta không làm được thì phải chịu chứ quyết không xa rời mục đích ấy! Phải tìm ra “cái chưa có” hoặc tìm ra “cái đã có” nhưng chưa ai đưa vào thơ: “Đừng buông giọt mắt xuống sông/ Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm” (Đồng Đức Bốn). “Hình ảnh của thơ vừa làm ta ngạc nhiên, vừa đã quen với chúng ta từ bao giờ” (Nguyễn Đình Thi).

          Thơ hay là thơ chất chứa cảm xúc, tâm trạng của một người được nhiều người hô hấp, đồng điệu. Lúc ấy thơ hóa thành tài sản chung. Bài thơ hay là bài thơ mang nặng nỗi niềm của tác giả. Buồn đến tận cùng: “Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn” (Xuân Diệu); “Mõ thảm không khua mà cũng cốc/ Chuông buồn chẳng đánh cớ sao om” (Hồ Xuân Hương). Vui đến tột đỉnh: “Ngày vui ngắn chẳng tày gang” (Nguyễn Du). Cảm xúc vỡ òa không gian, câu thơ cứ bám lấy tâm trí độc giả, rồi nó thành kẻ “ngụ cư” suốt đời trong trái tim công chúng: “Tin về nửa đêm/ Hỏa tốc, hỏa tốc/ Ngựa bay lên dốc/ Đuốc chạy sáng rừng/ Chuông réo tin mừng/ Loa kêu từng cửa/ Làng bản đỏ đèn đỏ lửa (Tố Hữu). “Niềm vui chiến thắng chảy tràn bờ” (Ca Lê Hiến).

          Thơ hay phải là thơ đầy ấn tượng, với những hình ảnh in đậm vào trái tim, khối óc bạn đọc. “Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô” (Lưu Trọng Lư); “Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo” (Chính Hữu).

          Thơ hay phải có “tứ” hay! “ý” và “tứ” hai mặt làm nên nội dung của thơ. Tư tưởng và tình cảm của nhà thơ được bộc lộ qua ý thơ và tứ thơ. Muốn soi chiếu nội dung thơ, tình thơ, thông điệp của tác giả, người đọc phải bắt đầu khám phá tứ thơ. Việc tác giả tìm kiếm tứ thơ rất khó khăn, như khai thác mỏ! Chế Lan Viên cho rằng muốn tìm được tứ thơ hay, nhà thơ phải lật nhiều tầng của cuộc sống như khai khoáng, thăm dò, thử nghiệm, khoan sâu, đến một lúc nào đó sẽ gặp được vàng, kim cương. Cũng có người cho rằng thơ không cần tứ! Các bạn trẻ hiện nay làm thơ hay từng câu, từng chữ, chữ và câu rất mới! Nhưng đọc xong bài thơ vẫn thấy tiếc là ít chú ý cài cắm được một tứ thơ thật hay! Có thể lấy bài thơ “Thuật hoài” của Đặng Dung làm thí dụ. Bài thơ hay vì nó hội đủ các đặc điểm của thơ; nó “gài” trong bài thơ một tứ thơ rất quen nhưng rất lạ: Tâm trạng của kẻ thất trận, tưởng bế tắc an phận, tiêu tan ý chí thế mà vẫn nuôi mộng phục hồi non sông, đêm đêm vẫn lặng lẽ mài gươm. Bài thơ ấn tượng đến mức một họa sĩ đã lấy cảm hứng từ nó vẽ nên bức tranh “Mài kiếm dưới trăng”, hiện treo ở Dinh Độc Lập.

          Rõ ràng tứ thơ mới là quan trọng, kỹ xảo ngôn từ cần thiết nhưng chỉ là “thời thượng” mà thôi! Cảm xúc thơ - tình thơ - ấn tượng thơ – tứ thơ – cái mới của thơ hợp lại trong bài thơ làm ta day dứt, suy ngẫm, bồi hồi xúc động. Ta bỗng nhiên hưng phấn muốn làm một điều gì đó đẹp hơn, tốt hơn. Đó là thơ! Thực tế rất hiếm khi một bài thơ hội tụ đủ cả bốn yếu tố nói trên. Những bài thơ để đời là nững bài thơ tiến sát đến các tiêu chí đó. Nhiều khi viết được một bài thơ có tứ hay hoặc tạo dựng được một hình ảnh ấn tượng, chói sáng, một cảm xúc mạnh đã là thành công.

V. Lao động của nhà thơ

          Làm thơ là một “công nghệ”, một “quy trình” cực kỳ khó khăn. Nhà thơ At-ti-la-jô-fép nói về lao động nhà thơ: “Nhà thơ cầm cuốc hai lưỡi”. Lao động nhà thơ nặng nhọc gấp đôi người khác! Làm thơ là một công việc cực nhọc. Nhà thơ phải vắt kiệt sức lực và trí tuệ, dồn nén tiêu hao tinh thần, day dứt kéo dài. “Đời rụng từng giây trên từng trang giấy”, “Anh làm thơ như mẹ gieo trồng/ Lặn lội trên cánh đồng nước trắng/ Trang giấy nhỏ mảnh ruộng con vuông vắn/ Hạt giống trong tim gieo dần xuống đường cày…”. Nhiều người theo đuổi văn chương như “nghiệp chướng”. Đôi khi biết thất bại vẫn theo, theo mãi …

          Làm thơ, một cuộc thi đua không cần đối thủ. Tự mình vượt mình. Tự mình nâng mình lên từng nấc thang nghệ thuật. Không có cuộc tranh chấp địa vị. Làm thơ là cuộc đi bộ bền bỉ. Sẽ có lúc đến, sẽ có lúc “trời cho”! Làm thơ cần đam mê (thực ra ai làm thơ cũng đã đam mê rồi!).

          Có người nói: “làm văn chương không phải học”. Chẳng ai dạy được ai làm thơ! Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn có thể học làm thơ được. Học bạn, học đồng nghiệp là tốt nhất. Nghe bạn nói, nghĩ bạn làm!

          Từ khi còn trên ghế nhà trường, tôi vẫn thích thú với ý kiến một học giả Trung Quốc: “Làm thơ, ý kỵ nông, mạch kỵ thông, tứ kỵ lộ” nghĩa là lập ý tránh nông cạn, mạch thơ dẫn dắt người đọc tránh thẳng tuột, tứ thơ được giấu kín để làm cho bạn đọc bất ngờ thích thú! Khó thay! Nhưng lúc nào cũng phải treo lời nói này trước mặt, trong tim óc!

          Người làm thơ, nói như Nguyễn Vũ Tiềm, phải là “người khác thường”. Không phải là “lập dị” mà là “cảm xúc khác thường, suy nghĩ khác thường, cách viết khác thường”.

          Sau khi Nguyễn Văn Trỗi hy sinh anh dũng, có biết bao người làm thơ ca ngợi anh, rất nhiều bài hay, nhưng tôi thích bài thơ của Cờlốt Pari, một người bạn thơ của Tế Hanh có câu thơ rất lạ và rất hay tặng Tế Hanh: Hai chúng ta cùng khiêng anh ấy/ Thân thể Nguyễn Văn Trỗi điểm sao. Rõ ràng Cờlốt Pari “cảm, nghĩ” và “viết” khác thường”! Thơ hay là như vậy!

VI. Điều độc đáo và kỳ lạ của thơ Việt Nam

          Việt Nam tự hào là một nước nhỏ nhưng có nền văn hóa tiến bộ, lâu đời và ngày càng phát triển, càng văn minh. Tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc công nhận và vinh danh bốn người con của dân tộc Việt Nam là “Danh nhân Văn hóa thế giới”: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh.

          Thơ của bốn vĩ nhân, từ thơ quốc âm cho đến thơ chữ Hán, chữ Nôm, sấm ký … tất cả đều hay! Tách riêng phần thơ ra, các cụ là nhà thơ đích thực, nhà thơ lớn! Nhưng nếu tách thơ ra khỏi sự nghiệp của các cụ, e rằng màu sắc Danh nhân thế giới có phần nhạt phai, bớt rực rỡ. Bởi vậy thơ là một phần quan trọng góp phần làm sáng chói thêm chân dung Danh nhân văn hóa thế giới.

- “Thấy nguyệt tròn thì kể tháng
Nhìn hoa nở mới hay xuân”

(Nguyễn Trãi)

- “Xuân về hoa nở, mùi hương nức
Khách đến, chim rừng, dáng mặt quen”

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

- “Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liều hờn kém xanh”

(Nguyễn Du)

- “Rằm xuân lồng rộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”

(Hồ Chí Minh)

Bạn đọc hãy dùng trái tim của mình để chiêm ngắm và thưởng thức.

H.A.T

(Nguồn cuabien.vn)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: