Chủ nhật, 22/12/2024,


Việt Phương, ra đi và ở lại (07/05/2017) 
Nhà thơ Việt Phương sinh năm 1928, tên thật là Trần Quang Huy, đậu tú tài thời Pháp thuộc. Năm 17 tuổi, ông tham gia hoạt động bí mật chống thực dân Pháp, từng bị bắt giam. Ông là thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong 53 năm. Năm 1970, ông xuất bản tập thơ Cửa mở, gây chú ý trong dư luận không chỉ công chúng yêu thích văn chương mà còn cả chính giới. Nhiều năm về sau, nhiều người nhắc đến Việt Phương vẫn còn nhớ những câu thơ nóng bỏng, mới mẻ so với lúc bấy giờ: Cứ đêm đêm, ta lại xét kết nạp ta vào Đảng/ Thời gian nâng đòi hỏi mãi cao thêm/ Đến trọn đời, từng giờ là cộng sản/ Những nỗi đau ta cũng sáng búa liềm (bài Tâm sự đảng viên). Về sáng tác, sau tập Cửa mở (1970), Việt Phương đã xuất bản 10 tác phẩm: Cửa đã mở (2008), Bơ vơ đông đảo (2009), Cỏ dọc đường trần (2010)... Ông trở thành Hội viên Hội Nhà văn VN năm 82 tuổi. lucbat.com.vn xin giới thiệu bài của nhà PBVH Chu Văn Sơn.
 
VIỆT PHƯƠNG RA ĐI VÀ Ở LẠI.

Việt Phương là một hiện tượng đặc biệt của thi đàn Việt thời Ta. Đặc biệt chủ yếu vì ông thuộc (hạ) giới chính thống chóp bu, nhưng tinh thần thơ lại là phản biện chính thống. Nhưng không có điều này, cái tên Việt Phương không thể sủi tăm trong ang nước Phạm Văn Đồng. Nó là phản ứng của con người trí thức, con người nghệ sĩ bên trong con người chính trị Việt Phương. Vì thế Cửa mở có hiệu ứng trái chiều : chính thống thì cáu kỉnh, dân tình (chủ yếu là nghệ sĩ-trí thức) thì hân hoan. Với thượng cấp, nó bị coi là cú phá bĩnh. Với nhân dân, nó được xem là tiếng nói tiên tri can đảm. Với Cửa mở, người ta thấy trí thức Việt trong hệ thống không đến nỗi quá mê lầm, ươn hèn, dù vòng kim cô chưa bao giờ thôi xiết. Nhưng cũng chỉ đến thế.
Trong tư cách thi sĩ, Việt Phương có một tầm cỡ riêng. Hồi ấy, đối tượng "mê tín" Việt Phương chủ yếu là trí thức trẻ, người viết trẻ. Vì sao? Vì thơ ông mang tinh thần cấp tiến. Vì thơ ông khai mở một giá trị người khác (so với cái giá trị người mà hệ thống đang muốn kiến tạo, tuyên truyền). Và một phần rất quan trọng thuộc về một ngôn ngữ mới: ngôn ngữ của văn hoá, của trí tuệ. Trước ngày Cửa mở, sự mê tín này dường như Chế Lan Viên độc chiếm. Sau khi Cửa mở, người ta mới ngớ ra rằng : trí tuệ sắc sảo và văn hoá thâm hậu trong thơ Chế, xét ra, cũng chỉ để minh hoạ cho chính thống, chưa chừng lại thuộc dạng thơ ngụy trí thức cũng nên. Còn đây mới là thứ trí tuệ và văn hoá phản biện chính thống, với một tinh thần trí thức thật sự (tất nhiên, phản biện không hẳn là phản đối, và không phải mọi thứ phản biện chính thống đều thuộc tinh thần trí thức). Người đã sớm thấy "những vết bùn trên chín tầng cao", đã sớm thấy đức tin dành cho ý thức hệ là "sự ngây thơ đẹp tuyệt vời mà ngờ nghệch làm sao" và đã dám cất tiếng. Cất tiếng bằng một thứ triết luận giàu trải nghiệm (chính trường) để phản biện, chứ không phải triết luận thuần tư biện để minh họa. Cho nên, Cửa mở một khi đã mở, dù có bị buộc phải đóng, thì tinh thần mở cũng đã kịp lùa những luồng gió tươi vào nhận thức, vào niềm tin, vào thi ca rồi.
Thi ca Việt hiện đại chắc chắn sẽ dành cho Việt Phương một niềm biết ơn, như đã dành cho những người dám mở đường, mở cửa trong lúc bịt bùng.
Xin vĩnh biệt một người thơ chân chính!

Chu Văn Sơn
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: