Thứ năm, 02/01/2025,


Truyện ngắn 8x – một thái độ sống và sáng tạo (06/03/2009) 

     Văn học Việt Nam trong khoảng mười năm trở lại đây trở nên sôi động hơn bởi sự góp mặt của hàng loạt những truyện ngắn của các nhà văn 198x. Truyện ngắn 8x xuất hiện trước công chúng trước hết ở những trang blog, những trang web trên mạng Internet. Sau đó một số truỵên được tuyển chọn in trong những tập sách nhiều tác giả như: “Vũ điệu thân gầy”, “Độc thoại trên tháp nhà thờ”, “Truyện ngắn 198X”…, hay những tập sách của từng tác giả như Ngọc Cầm Dương, Nguyễn Quỳnh Trang... Nhưng môi trường hoạt động chủ yếu của những cây bút trẻ này vẫn là mạng Internet. Trên các blog, các trang web, ta thấy các truyện ngắn của họ xuất hiện một cách ồ ạt, họ sôi nổi luận bàn về văn chương, họ xông xáo vào các lĩnh vực khác như dịch thuật, biên tập, phỏng vấn… Các tên tuổi nổi bật có: Từ Nữ Triệu Vương, Niê Thanh Mai, Ngọc Cầm Dương, Lynh Bacardi, Phạm Ngọc Lương, Trương Quế Chi, Nguyễn Thị Cẩm, Nguyễn Quỳnh Trang, Cát Yên, Yên Khanh, Phạm Vũ Văn Khoa…


     Không biết từ bao giờ người ta gọi lên cái tên: thế hệ 198x. Chỉ biết rằng khi có cái tên đó thì ta đã thấy thế hệ 8x xông xáo, tung hoành trên mọi lĩnh vực: học tập, nghiên cứu, điện tử, kinh doanh, giải trí…và đương nhiên là cả báo chí, văn học nghệ thuật. ở đâu họ cũng cất lên tiếng nói dân chủ, thể hiện mình, khẳng định mình. Và truyện ngắn 8x xuất hiện đã khiến cho giới phê bình văn học, độc giả không khỏi phải ngỡ ngàng, bối rối. Ngỡ ngàng, bối rối bởi những cái mới, cái lạ, bởi những quan niệm rất khác với cha anh của các nhà văn 8x, của cả thế hệ 8x về cuộc đời và sáng tạo văn chương.


     Tên gọi 198x không đơn giản chỉ những người có năm sinh từ 1980 đến 1989. Khái niệm này còn mang thêm nét nghĩa là một thế hệ trẻ, đông đảo, nổi trội, năng động, táo bạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm. Họ còn mang những nét tâm lí riêng như khát vọng được thành thực, được sống như chính bản thân mình mong muốn, được khẳng định cái tôi cá nhân độc đáo duy nhất của mình. Đó là những khát vọng hết sức chính đáng của giới trẻ khi con người cá tính được khẳng định như một giá trị. Đó là nhu cầu ý thức về mình, xác định chỗ đứng của mình trước thế giới và trong các quan hệ xã hội, cá nhân. Nhưng nhiều khi chạm mặt với hiện thực đầy bất trắc, 198x lại dễ mất đi cảm giác bình yên, thăng bằng mà thay vào đó là nỗi hoang mang, âu lo, sớm ưu tư về nhân thế. Nhìn ở một phương diện nào đó ta thấy thế hệ 8x hôm nay có gì gần gũi với các nhà Thơ Mới những năm 30 của thế kỉ trước.


     Cũng phải nói thêm là chuyện văn chương đâu phải là chuyện của tuổi tác, thế hệ. Không thể nói văn chương của thế hệ trẻ non kém hơn, hay ngược lại, có nhiều giá trị hơn văn chương của thế hệ cha anh đi trước. Muôn đời vẫn vậy, giá trị của văn chương không phụ thuộc vào tuổi của nhà văn mà phụ thuộc vào chính bản thân nó. Thế nhưng không thể phủ nhận một điều rằng các tác phẩm văn học mang hình hài, dáng dấp, những nét tâm lí, những suy nghĩ chung của một thế hệ. Chính sự khác biệt về thời đại, về hoàn cảnh sống đã tạo ra những lằn ranh tâm lí, suy nghĩ, ý thức giữa các thế hệ. Đặc trưng của thế hệ sẽ in dấu vào trong văn chương – một bộ phận văn hoá vốn rất mẫn cảm với sự đổi thay của thời đại, của con người. Ta có thế hệ các nhà Thơ Mới, thế hệ các nhà thơ lớn lên trong kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ… Và mỗi thế hệ như thế lại tạo ra một tập hợp các tác phẩm mang đặc trưng của thế hệ mình. Điều này lại càng đúng đối với 8x – một thế hệ trong thời điểm hiện tại, rất trẻ, rất năng động, táo bạo, và có thể nói rất độc đáo. Mỗi cá nhân là một cá tính không lặp lại, tập hợp với nhau thành một thế hệ 8x đã được xã hội nhận diện. Những cây bút trẻ này đang muốn tạo ra một sự thay đổi trong hành trình phát triển của văn học Việt Nam, muốn khẳng định cá tính, chỗ đứng của mình trên lĩnh vực văn chương, đồng thời lại muốn mượn văn chương để nói lên tâm sự, những trở trăn của mình, của thế hệ mình.


     Những truyện ngắn 8x có phần non nớt, vụng dại trong cách nghĩ cũng như trong cách viết. Nhưng chính trong các sáng tác đó các cây bút lại tỏ ra dày dạn, tỏ ra trải nghiệm, tỏ ra hiểu biết về cuộc đời, nhân thế, về những quy luật sáng tạo văn chương và kĩ thuật ngôn từ. Văn 8x nhiều khi u ám hơn cuộc đời thực. Họ tự giày vò, đau đớn, ngỡ như là tuyệt đường sống, hết đường yêu. “Những câu văn cố tình cắt cụt, cắt rời, muốn tạo nhịp điệu hụt hẫng, hao hụt, dồn dập, gấp gáp, khiến đọc theo nhịp văn mà phải thở dồn, thở dốc” (Phạm Xuân Nguyên). Tôi thấy ở đó một sự nỗ lực. Họ phải gồng mình lên để gửi những cảm xúc vào trong con chữ, để tìm ra một hình thức ngôn từ phù hợp, ấn tượng. Hay nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên “trong văn 8x phần nhiều chỉ mới là làm dáng”. Nhưng không cái gì là không có nguyên nhân của nó. Các cây bút 8x muốn đưa đến một sự ám ảnh, muốn gieo những ấn tượng khó quên đối với người đọc, muốn bứt phá trên con đường sáng tạo văn chương. Mục đích của họ là muốn đối thoại.  Đối thoại với thời đại rằng 8x không phải chỉ có tận hưởng những ưu đãi của cuộc sống mới mà họ đang phải đối mặt với những bất trắc, khó khăn giữa một thế kỉ hoài nghi và thiếu niềm tin. Đối thoại với người đi trước rằng 8x muốn thoát khỏi cái bóng của họ, 8x muốn khẳng định mình bằng con đường riêng không giống ai.

 

Trương Quế Chi, Từ Nữ Triệu Vương, Nguyễn Quỳnh Trang, Hà Kin

- Những tác giả trẻ nổi bật


     Qua truỵên ngắn 8x mà ta hiểu được tâm sự của một thế hệ. Qua mỗi tác phẩm mà ta hiểu được quan niệm, cách nhìn đời của mỗi cá nhân 8x cũng như cách phản ứng của 8x đối với hiện thực đó. Cách nhìn đời của 8x chủ yếu là cách nhìn đối với những người cùng thế hệ, lấy cái tôi làm trung tâm. Quá trình viết văn chính là quá trình 8x tự “giải trình” chính mình, tự khám phá bản thể. Bởi thế văn 8x ít lưu tâm đến quá khứ, cũng rất ít nói đến tương lai. Hiện thực trong các sáng tác chủ yếu ở thì hiện tại, tràn đầy hơi thở của không gian, thời gian, của cuộc sống đang diễn ra xung quanh ta. Bởi lẽ họ còn rất trẻ, đang sống ở thì hiện tại, đang đọc ở thì hiện tại, đang viết ở thì hiện tại. 8x cũng không quan tâm nhiều đến những chuyện lớn lao như văn học Đông Tây kim cổ vẫn thường bàn đến như: vấn đề chính trị, giai cấp (hoà bình, chiến tranh, vũ khí hạt nhân, hậu quả của chiến tranh, mâu thuẫn giai cấp, giai cấp tiến bộ…), những vấn đề mang tính nhân sinh, nhân loại (như đi tìm lí tưởng sống, số phận con người, vấn đề nhân phẩm, nhân cách, gánh nặng, trách nhiệm của loài người…). Hiện thực phổ biến được các nhà văn trẻ lựa chọn là chuyện sinh hoạt gần gũi, những cảm giác, những niềm vui, nỗi buồn, những bi kịch, nỗi đau của chính bản thân họ, của những người xung quanh mà hằng ngày họ được chứng kiến. Đó có thể là chuyện bạn bè, tình yêu, tình dục, gia đình. Có khi họ để mắt tới những số phận bé nhỏ xung quanh. Những câu chuyện ấy được viết nên từ chính kinh nghiệm của 8x. Bởi thế nó thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá riêng của 8x đối với cuộc đời. Ngay từ cách nhìn nhận, đánh giá này mà ta đã thấy được phần nào thái độ, cách phản ứng đối với hiện thực của 8x.


     Ở các mức độ khác nhau, cuộc sống hiện hình trong các sáng tác của 8x đầy đen tối, bất trắc, đổ vỡ, không trọn vẹn. Một cái nhìn u ám bao trùm lên hầu hết các câu chuyện được kể. ở đâu ta cũng bắt gặp những cảnh chia tay, li biệt, bất hạnh. ở đâu ta cũng thấy buồn, thấy những nỗi đau đớn rỉ máu, những quằn quại, rên xiết. Không có con người hoàn hảo, không có hạnh phúc dài lâu. Đọc “Giăng mắc” của Phạm Vũ Văn Khoa, tác phẩm đầu tiên của tập “Truyện ngắn 198x”  ta đã bị lạc lối vào một mớ hỗn độn, vụn vỡ, không kết nối, không liền mạch, không ăn khớp với nhau. Con người bức bối giữa phố xá. Người hoá thành heo, heo chính là người. ả điếm bị xoá mặt. Người vợ thiếu chung thuỷ. Godot chưa đến… Đó chính là những mảnh vỡ hiện thực mà con người không thể biết trước, không thể hiểu hết được tác giả chắp nối lại, là những mảng hiện thực đen tối “chất đầy xú ế” khiến con người phải nôn, muốn thải ra cho hết, cho kiệt. Truyện ngắn mở đầu như là một dự báo cho không khí của toàn tập truyện. “Trứng luộc và cà phê” của Ngọc Cầm Dương lại mang đến cho người đọc một mối tình tan vỡ giữa một cô gái tên Linh với một tay trống. Cô gái đã chọn tình yêu là điều đặc biệt trong đời mình, hi sinh tất cả vì nó nhưng cuối cùng đã vì nó mà cô đánh mất cả chính mình. “Rỗng” của Từ Nữ Triệu Vương, “Trống trải và rộng quá chừng” của Lê Nguyệt Minh, “Bên kia giấc mơ màu hạt dẻ” của Nguyễn Quỳnh Trang đều là những chuyện tình dang dở, đưa nhân vật đến bế tắc, thậm chí là cái chết. Trong “Mùa hoa jonquille sớm”, tác giả Phan Ý Yên lại thổi chất thơ, chất trữ tình, lãng mạn vào mối tình mong manh không đến đích. Trên những mảng đề tài khác, Niê Thanh Mai khiến ta không thể chỉ trách móc mà còn thông cảm phần nào với sự phản bội của người cha và thương xót đồng thời thầm trách sự câm lặng, nhẫn chịu của người mẹ, cả hai đều là nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ hạnh phúc gia đình (“Khoảng trắng ngày xưa tôi”), còn Nguyễn Thị Cẩm khiến người đọc bị ám ảnh bởi sự ra đi đột ngột của người chị gái (“Đi vào một ngày không báo trước”), Phạm Ngọc Lương lại hướng ngòi bút đến bất hạnh của những kiếp người nhỏ nhoi bị cuộc đời vùi dập (“Cát hoang”, “Xóm bờ mương”). “Đến con mèo cũng bỏ em mà đi” của Li Liên lại mang những dự cảm, lo lắng về một ngày hạnh phúc sẽ ra đi. Con người dường như bất lực, không thể níu kéo, giữ hạnh phúc cho mình. Trong một truyện ngắn của Ngọc Cầm Dương, hình ảnh của người hùng cũng không thể trọn vẹn, “người hùng không đơn giản chỉ là một người hùng” mà đằng sau hình ảnh đẹp đẽ tưởng như không tì vết mà người đời hết lời ca ngợi, ngưỡng mộ đó là con người rất đỗi đời thường...

 

     Nói hiện thực được phản ánh trong truyện ngắn 8x là hiện thực đổ vỡ, đầy bất trắc, điều đó không có nghĩa 8x không đề cập đến những hạnh phúc, những phút bình yên trong cuộc sống, cũng không phải chỉ có trong văn 8x mới có cái nhìn về hiện thực như thế. Với tâm hồn trẻ trung, ở lứa tuổi đang yêu, 8x không thể quên, càng không thể không viết về hạnh phúc, niềm vui. Những trang viết đầy chất thơ kể về kỉ niệm tuổi thơ trong “Bụi phố” của Yên Khanh, trong “Đi vào một ngày không báo trước” của Nguyễn Thị Cẩm… không phải là hạnh phúc sao? Thế nhưng những trang viết như thế rất hiếm hoi trong truyện ngắn 8x. Hạnh phúc, bình yên trong các trang viết của họ thật ngắn ngủi, chỉ tồn tại trong khoảnh khắc, trong giây phút, chỉ mong manh như “bóng tuyết” (tên một truyện ngắn của Ngọc Cầm Dương) rồi sẽ bị hiện thực đen tối vùi dập. Cậu bé thơ ngây, trong trẻo bên con cào cào tía và lời hứa “sẽ trở về” cũng đã lấm lem bụi đời (“Bụi phố”), hạnh phúc của hai chị em ngày thơ bé cũng không còn bởi người chị đã ra đi mãi mãi (“Đi vào một ngày không báo trước”), dù gia đình đã được hàn gắn nhưng vết thương lòng trong mỗi người vẫn không thể liền miệng, trong giấc mơ của đứa trẻ vẫn là ngôi nhà sụp đổ và đống gạch vụn ngổn ngang (“Khoảng trắng ngày xưa tôi”), Linh tìm được hạnh phúc bên người chồng của mình nhưng cô vẫn cảm thấy anh không hiểu cô và hạnh phúc không thể nào trọn vẹn vì cô chẳng bao giờ đủ trưởng thành để làm mẹ… Cái nhìn hiện thực đầy bi quan, hoài nghi là cái nhìn chủ đạo xuyên suốt nổi bật trong truyện ngắn 8x.


     Đứng trước hiện thực dường như chỉ có những bất hạnh, khổ đau và không bao giờ trọn vẹn đó các nhân vật của 8x đã làm gì, hay các 8x đã có phản ứng như thế nào? (ở đây chúng tôi không muốn đồng nhất nhân vật trong các truyện ngắn với tác giả của nó nhưng như đã nói ở trên cách nhìn đời của 8x chủ yếu là cách nhìn đối với những người cùng thế hệ, lấy cái tôi làm trung tâm, quá trình viết văn chính là quá trình 8x tự “giải trình” chính mình, tự khám phá bản thể cho nên sự phản ứng của các nhân vật trước hiện thực cho ta thấy một cách rõ ràng nhất thái độ, lối sống của 8x hiện nay). Nhân vật trong truyện ngắn 8x nhìn chung có hai xu hướng. Xu hướng thứ nhất là giữa cuộc đời đen tối, nhân vật cảm thấy cô đơn, lạc lõng nhưng vẫn không ngừng đi kiếm tìm hạnh phúc dù biết hạnh phúc rất mong manh. Ninh trong “Trống trải và rộng quá chừng” là cô gái “thường mang trong lòng nỗi buồn truyền kiếp, sinh ra đã thấy lạc lõng cô lẻ ngay giữa đám đông”. Hành trình kiếm tìm hạnh phúc của cô bắt đầu từ một điều ước: “Ninh ra đứng ngoài cửa sổ, ao ước giá mà có một tình yêu, có một ai đấy yêu mình, chắc mình sẽ biết cách phải bắt đầu cuộc sống như thế nào”. Đó không chỉ là điều ước của riêng Ninh mà còn là điều ước của các nhân vật Hoa, Hồng trong truyện và cũng là điều ước của nhiều 8x. Thuý trong “Bụi phố” không dừng lại ở mơ ước mà tìm về với thôn quê, với mùi thơm ngọt ngào của đồng ruộng, bỏ lại đằng sau “thành phố lùi dần, lùi dần trong bụi phủ”. Chuyến tàu ngào ngạt hương đồng nội đưa Thuý trở về với quê hương chính là chuyến tàu mang cô đến với hạnh phúc, sự bình yên. Cuộc kiếm tìm một ảo ảnh, kiếm tìm “một buổi tối hơn một năm nay và có lẽ vẫn sẽ tìm kiếm cả cuộc đời” của chàng trai trong “Bóng tuyết” cũng chính là kiếm tìm sự trọn vẹn, chất lí tưởng, cõi bình yên. Hay một chàng trai khác đã “vượt qua nhân sư” trong truỵên ngắn của Hoàng Thuỳ Linh cũng chính là sự vượt qua những thử thách, trở ngại, vượt qua cái tôi ích kỉ để được yêu thương thực sự, để có cuộc sống đẹp đẽ hơn.


     Xu hướng thứ hai là khi phải chạm mặt với những bất hạnh, với những bất trắc của cuộc sống, các nhân vật hoài nghi, trở nên bế tắc và có những phản ứng tiêu cực, phá phách, muốn nổi loạn. “Trống trải và rộng quá chừng” là một trong những trạng thái sống của 8x khi thiếu tình yêu, thiếu công việc như ý muốn, nghĩa là cuộc sống thiếu trọn vẹn. Hoa trong truỵên ngắn cùng tên luôn sống bằng những câu nói bất cần và không quên luôn kèm theo nụ cười khẩy: “Mất gì, còn gì mà mất” cùng những triết lí cay độc: “Kẻ mạnh là kẻ biết đi bằng đôi chân của người khác một cách thành thạo mà phải đi như thế nào để nó không hề biết là mình đang đi bằng chân của nó”. Cô buông thả, luôn thấy chán ngấy cuộc sống và chán ngấy bản thân mình với lối sống cũ kĩ, lặp lại. “Cuộc sống của Hoa như những mảnh ghép vá víu, mà mảnh ghép nào cũng giống nhau đến lạ lùng”. Nhân vật “em” trong một truyện ngắn của Từ Nữ Triệu Vương lại luôn ở trong trạng thái “rỗng”. Tình yêu đơn phương, không bao giờ được đáp lại đối với người đàn ông đã có vợ khiến cô trở nên tuyệt vọng, điên cuồng, hoàn toàn buông thả. Khóc lóc, đập phá, đốt nhật kí, nhảy múa truy hoan dưới trời mưa đối với cô vẫn chưa đủ để giải toả những bức xúc của tình yêu đơn phương. “Em đi siêu thị. Ôm về chục bao thuốc Marlboro. Chục bao diêm dễ đến đốt cháy cả khu kí túc xá. Chục chai Vodka hàng Việt Nam chất lượng cao tiêu chuẩn ISO quốc tế bảo đảm không nhái, đủ ngâm một con khỉ con”. Rồi chìm trong rượu, trong khói thuốc. Để thoả mãn khát thèm người đàn ông trong mộng hay để chạy trốn cuộc tình tuyệt vọng ấy, cô lăn xả, chung đụng với những người đàn ông khác. Không chỉ có cô mà người bạn Cong Cớn của cô cũng mải mê chạy theo cơn đau khổ vì tình đầy thác loạn. Những cô gái sống trong một “mớ lí thuyết sặc mùi nước tiểu”, chỉ trông ngóng những người đàn ông từng trải lấp đầy tâm hồn để không còn lỗ hổng, không còn trống rỗng, tẻ nhạt! Bằng giọng văn trữ tình, có phần nhẹ nhàng hơn, tác giả Nguyễn Quỳnh Trang với “Bên kia giấc mơ màu hạt dẻ” cũng miêu tả sự thất vọng đến tuyệt vọng của một cô gái thất tình. Mệt mỏi, khát thèm, chán nản, bã bời, thất vọng là trạng thái tinh thần thường xuyên ở nhân vật. Dường như cô không làm gì để cưỡng lại, để vực mình lên mà chỉ luôn ước “giá có thể buông lơi tay lái. Nằm gục giữa đường. Đừng dậy nữa. Đừng dậy”. Cô luôn “chán đời thèm chết”. Và cô đã chọn lối thoát cho cuộc tình không như ý muốn của mình là cái chết, chấm dứt cuộc đời. Một cô gái khác điên vì thất tình xuất hiện ở cuối truyện cũng là một trong những dạng sống bế tắc, đầu hàng trước những đau khổ, thất vọng trong cuộc sống của 8x.

 

     Cuộc sống của 8x sao mà đen tối quá. Họ nhìn đời sao mà bi quan, hoài nghi đến vậy. Họ hoang mang, bối rối trước cuộc sống. Họ buồn bã ngay giữa thời tuổi trẻ tươi đẹp. Và trong cuộc sống đó, ta thấy những phản ứng tích cực thì ít, tiêu cực thì nhiều. Liệu 8x có cường điệu nỗi đau khổ của họ lên không? Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã giải thích “cũng dễ hiểu là khi người ta còn trẻ, một sự thất vọng, thất baị, thất tình, tuy chỉ nhỏ nhoi nhưng đã là cả sự u ám, đen tối, ngỡ là tuyệt đường sống, hết đường yêu”. Hay như chính một nhà văn 8x, Phạm Ngọc Lương cũng đã nói: “Khi người ta còn trẻ, người ta chưa đủ trải nghiệm, chưa tiêu nhiều thời gian vào sự sống, nên văn 8x mới ngông cuồng tưởng tượng… Văn 8x u ám, họ không có niềm tin vào cuộc sống này, thấy cái gì cũng cố bóc trần lớp vỏ đen ra… Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng nếu cho sự trải nghiệm của họ là giả, thì cái sự u ám đó đôi khi cũng là giả”. Như vậy sự hạn chế về độ tuổi chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến cách nghĩ, thái độ, lối sống ở trên của 8x. Đó là nguyên nhân chủ quan. Nói đến đây chúng ta lại không thể không bàn đến nguyên nhân khách quan đến từ đời sống xã hội. Cuộc sống ngày càng phức tạp. Các thang giá trị, các chuẩn mực cũ trong truyền thống tưởng như rất bền vững cũng bị đảo lộn, cần phải nhận thức lại. Con người nói chung, giới trẻ nói riêng không còn được cung cấp những chuẩn mực, không được vẽ sẵn cho một con đường mà phải tự tìm đường, tự thích nghi. Quá trình sống là một quá trình thử – sai. Chính vì thế nhân loại nói chung, giới trẻ nói riêng ngày càng hoang mang, hoài nghi, âu lo trước hiện thực đầy bất trắc. Trong hoàn cảnh đó, 8x chỉ còn biết bấu víu vào cái tôi bản thể, để sống, để tồn tại. Đây cũng chính là nét tâm lí của các nhà Thơ Mới ở nước ta trong những năm 30 của thế kỉ trước. Khi cuộc sống xung quanh không còn gì đáng tin cậy, 8x và các nhà Thơ Mới đều xem cái tôi cá nhân là thứ duy nhất còn lại để dựa dẫm. Nhưng khác với các nhà Thơ Mới, 8x vừa bấu víu, vừa tin vào cái tôi lại vừa hoang mang, vừa không tin tưởng và chối bỏ tất cả, kể cả cái tôi bản thể của chính mình. Chính vì thế màu sắc đen tối lại càng được tô đậm trong các sáng tác của 8x.


     Góc nhìn thứ hai cũng thường thấy trong truyện ngắn 8x đó là hiện thực được nhìn nhận với tất cả sự quen nhàm, đơn điệu, bó buộc con người. Con người như bị chìm ngập trong thế giới đồ vật, trong sự ràng buộc của những mối quan hệ hằng ngày. Và trong sự lặp lại, cũ kĩ, quen thuộc đó, các nhân vật luôn muốn thoát ra khỏi những ràng buộc, vượt lên những sự nhàm chán để được sống tự do, sống có ý nghĩa như chính bản thân mình mong muốn. “Giăng mắc” của Phạm Vũ Văn Khoa có màu sắc của kịch phi lí đã diễn tả một cách ám ảnh những bức bối của con người trong thế giới chật hẹp và quen nhàm. Tác giả sử dụng nhiều chi tiết mang tính biểu tượng lặp đi lặp lại để thể hiện sự nhàm chán của cuộc sống: “ở góc ngã ba của con đường thứ ba từ nhà đến cơ quan, hắn đứng trước xảy ra và sắp đặt”, ba gương mặt được miêu tả, “ba mươi ba khuôn mặt không quen biết”, “hắn chỉ vượt được ba mươi ba mặt người cho tới lần đèn đỏ kế tiếp. ở đó, cũng có một ngã ba, hắn  bước vào xảy ra và sắp đặt”;  lặp lại kiểu cấu trúc câu về các hiện tượng mang tính tất yếu: “đèn đỏ thì phải dừng lại và phải dừng lại khi đèn đỏ”, “muốn vào nhà phải mở khoá và phải mở khoá mới được vào nhà”; ngôi nhà với những sinh hoạt quen thuộc, những con người quen thuộc… Sự nhàm chán đó khiến con người phải phát điên, phát cuồng, đến mức buồn nôn. Bị những quy luật, sự sắp đặt, bị thế giới đồ vật và tiện nghi và những mối quan hệ xã hội tất yếu ràng buộc, đè nén mà nhiều khi con người đánh mất bản thân mình. Nhân vật không thể thấy chính mình trong gương, “tấm gương cứ mù mờ đỏ ối’. Đó chính là lúc nhân vật cảm thấy khủng hoảng khi xa lạ với chính mình, khi không còn điểm tựa. Nhân vật này vẫn chờ đợi Godot nhưng “Godot chưa đến” (câu văn này lặp lại tám lần trong truyện ngắn) nghĩa là vẫn chờ đợi một cái gì sẽ xảy ra nhằm đưa đến một sự thay đổi nào đó nhưng vô vọng. Ta thấy nhân vật hoàn toàn bất lực và tuyệt vọng giữa cuộc sống nhàm chán, vô vị. “Khung cửa sổ” của Ngọc Cầm Dương cũng được viết với góc nhìn cuộc sống đó. Nhân vật tự hỏi mình: “biết bao giờ mới thấy một ngày khác những ngày còn lại”. Câu hỏi này không chỉ xuất hiện một lần mà ta còn bắt gặp nó nhiều lần khác trong truyện ngắn của 8x. Người bệnh nhân tâm thần trong tác phẩm hầu như mất hết ý thức, “tôi không biết tôi là ai… Tôi ở chỗ giành cho mình, để nghĩ cho ra xem tôi là ai”. Chính sự xâm nhập của máy móc, kĩ thuật hiện đại vào trong cuộc sống đã làm cho con người phụ thuộc vào nó mà quên mất nhiều điều, kể cả bản thân mình. “Tôi không nhớ căn phòng này số bao nhiêu, tầng mấy. Thang máy cũ hỏng và mỗi ngày lại báo một số hiệu khác… Tôi không phân biệt được cảnh máy chiếu hay khung cảnh ngoài cửa sổ nữa. Tôi đã xem vô tuyến quá nhiều nên tưởng tượng ra toàn chuyện nhảm nhí”. Dường như giữa thế giới kĩ thuật và tiện nghi con người không còn phân biệt được thực, hư, thật, giả nữa. Trong một câu chuyện khác tên là “Sống”, Ngọc Cầm Dương lại thể hiện quan niệm của mình như thế nào là sống. Câu chuyện chưa đến nửa trang giấy nhưng nó như lời cảnh báo mà cô từng trả lời phỏng vấn “tuổi trẻ mà cứ sống mãi một cách nhàm chán như vậy thì sẽ chết dần mòn đi thôi”. 8x muốn như bông “bồ công anh” (Ngọc Cầm Dương) thoát khỏi rễ và thân cây bám mãi vào đất để được như gió “bay đi mọi nơi theo ý thích mà chẳng cần nghĩ gì” dù biết rằng “bất kì lúc nào bồ công anh cũng có thể bị rơi ngã”. 8x nhiều khi cũng như bông “anh thảo muộn” thách thức với tất cả những thói thường, vượt ra ngoài quy luật để sống hết mình, như chính mình mong muốn.


     Được sống như chính bản thân mình mong muốn, được nói điều mình nghĩ, được làm điều mình thích là khát vọng mang tính nhân bản, là khát vọng muôn đời của con người. Nhưng nhiều khi do các nguyên nhân khác nhau, do sự ràng buộc của các quy luật và các mối quan hệ mà con người phải đeo cho mình một cái mặt nạ, phải sắm cho mình một vai kịch. 8x đã phản ứng lại sự giả tạo và cuộc sống bó buộc, chật hẹp ấy một cách mạnh mẽ, không chỉ trong văn chương mà ngay cả trong cuộc sống thực tế của họ. 8x đã luôn có ý thức thành thực với chính mình, thành thực với cuộc sống. Đó cũng là một phương diện để khẳng định cái tôi độc đáo của thế hệ 8x.


     Đọc văn 8x mà ta hiểu được cách nghĩ, lối sống của 8x, của giới trẻ trong thời đại hiện nay. Những hiểu biết ấy gần như đến trực tiếp với chúng ta. Sở dĩ như vậy trước hết là do nơi xuất phát của truyện ngắn 8x chủ yếu là các blog – nơi đưa ra những tâm sự cá nhân. Vì thế truyện ngắn 8x nhiều khi chỉ như những trang nhật kí, hồi kí giãi bày nỗi lòng riêng. Các sáng tác của 8x lại mang hơi hướng, màu sắc của dòng văn học linglei ở Trung Quốc: “Tôi là tôi và tôi có quyền sử dụng tôi”. Các nhà văn 8x lấy cái tôi ra làm đối tượng miêu tả, làm trung tâm để nhìn ra thế giới, làm điểm tựa để đánh giá mọi hiện tượng đời sống, để nói lên những suy nghĩ, quan niệm của cá nhân mình, bất chấp dư luận đánh giá ra sao. Đó chính là sự khẳng định cái tôi cá nhân mạnh mẽ của 8x trong thời đại dân chủ, tiếp nối quá trình đi tìm cái tôi, nhận diện cái tôi của các nhà Thơ Mới – một cái tôi chưa bao giờ phát triển đến đỉnh cao trong xã hội Việt Nam.


     Với định hướng sáng tạo như vậy, 8X được thành thật nói lên suy nghĩ riêng của bản thân, của cả một thế hệ và bộc lộ được cá tính. Nhưng chính điều này lại dẫn đến hiện tượng tác phẩm không có sức khái quát cần thiết. 8X cứ loay hoay trong cái tôi bé nhỏ của mình mà quên đi một thế giới, một xã hội rộng lớn bên ngoài. Các trang viết vì thế nhiều khi chỉ đơn giản như một trang nhật kí, không hơn. Có thể nói đây là mặt hạn chế cơ bản của truyện ngắn 8X. Bởi tác phẩm văn học không phải là nơi để kể lể những câu chuyện cá nhân. Dù ở bất cứ thời đại nào, thể loại nào thì một tác phẩm chỉ có giá trị khi và chỉ khi nó khái quát được cái gì của cuộc sống, mở ra được cái gì đẹp trong hồn người, mang giá trị nhân đạo, nhân bản, nhân văn. 8X chưa ý thức được điều này hay họ muốn thay đổi hệ tiêu chuẩn để đánh giá một tác phẩm văn chương?


     Cũng từ đây mà ta thấy được quan niệm, thái độ của 8x trong sáng tạo văn chương. Trước hết ta thấy ở 8x cá tính, sự độc đáo của mỗi cá nhân được các nhà văn ý thức rất rõ, trên tinh thần của một “chủ nghĩa cá nhân văn hoá” – như cách diễn đạt của nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc Hiến – nghĩa là “ý thức của cá nhân về cá tính và bản lĩnh của riêng mình, đặc biệt thể hiện ở lòng tin của cá nhân và giá trị của ý kiến riêng của mình”. Trung thực với mình, chân thành và táo bạo bày tỏ những suy nghĩ riêng của bản thân, diễn đạt nhu cầu đổi mới của văn học bằng những cách tân mới lạ là nội dung nôỉ bật ta dễ dàng nhận thấy trong truyện ngắn 8x. 8x không đi theo lối mòn của cha anh đã đi mà đang loay hoay kiếm tìm một con đường khác. Quá trình tìm đường của họ thể hiện trong những quan điểm mới về cuộc sống và sáng tạo, trong sự thay đổi về căn bản hệ thống đề tài, chủ đề, trong sự phá vỡ, không giữ nguyên dạng kết cấu, hình thức của truyện ngắn truyền thống…Nhưng những tác phẩm của họ mới chỉ là những thử nghiệm, những “bài tập nghiên cứu”, những “ê-tuýt văn chương” (Phạm Xuân Nguyên) đang cần thời gian kiểm nghiệm. Điều này vừa nói lên sự non kém vừa nói lên những nỗ lực tìm tòi và ý thức đổi mới của họ.

 


     Muốn đưa đến cái mới lạ cho văn học, muốn thoát khỏi cái bóng của những người đi trước là ước muốn chính đáng của các nhà văn trẻ. “Tuổi trẻ có cái may mắn là được phép ngông cuồng…Ngay cả bạn và tôi cũng thế thôi, ai mà chẳng mong làm được điều gì đó vượt qua khả năng của mình…Dẫu sao 8x cũng đang cố làm một điều gì đó để khác hơn so với thế hệ đi trước”. Đó là lời tâm sự chân thành của cây bút Phạm Ngọc Lương và hẳn cũng là suy nghĩ chung của các nhà văn 8x. Tuy nhiên chúng ta cần phải lưu ý đến một số phản ứng tiêu cực của các nhà văn trẻ khi họ phủ nhận hoàn toàn ý nghĩa những thành tựu văn học của ông cha trong thời đại hiện nay. Nguyễn Thuý Hằng từng trả lời phỏng vấn: “cho dù tôi không đọc văn của lớp nhà văn đi trước nhưng tôi thẩm định họ qua những giá trị khác. Tôi đâu cần phải đọc từng câu từng chữ của họ? Tôi chỉ cần đọc một hai truỵên là biết cả tập thế nào rồi! Tôi đọc cũng như các độc giả bình thường khác, nếu hay mới cần đọc chứ”. Hay như  Phương Lan lại phát biểu: “sau khi đọc một số truyện của các nhà văn lớp trước, tôi thấy họ không khiến tôi học hỏi điều gì nên tôi không đọc nữa… Nó quá cũ kĩ”. Đây là những phát biểu được ghi chép từ hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần VII tổ chức tại phố cổ Hội An. Không hiểu khi các nhà văn trẻ nói lên những điều này, họ đã nắm được quy luật của văn học là kế thừa và phát triển chưa? Hay như nhà lí luận văn học vĩ đại của thế kỉ XX Bakhtin đã khái quát: “mọi hiện tượng văn học không thể sống nếu nó không biết cách nào đó thu hút vào mình những gì của các thế kỉ đã qua. Nếu nó chỉ nảy sinh bằng các yếu tố của ngày hôm nay (tức của xã hội đương thời với nó) mà không tiếp tục quá khứ và không gắn bó với quá khứ một cách đáng kể, nó không thể tiếp tục sống trong tương lai”. Nhận định này có đủ cảnh tỉnh đối với những cây bút trẻ có thái độ thiếu tôn trọng đối với cha anh không?


     Bên cạnh ý thức đổi mới văn học, thì 8x còn mang tâm thế “thử nghiệm” hay “giải trí” khi sáng tạo. Ngay điều này 8x đã rất khác với cha anh. Đa số 8x là những cây bút vừa mới vào nghề, hầu hết họ chưa dám khẳng định, chưa dám quyết định văn chương sẽ là cái nghiệp mà mình sẽ theo đuổi. Phạm Ngọc Lương từng tâm sự: “thực sự thì tôi chưa đủ hài hước để tự cho rằng văn chương đã trở thành nghiệp ám vào cuộc sống tôi. Tôi cũng chưa mất mát hay phải hi sinh điều gì khi cầm bút viết, nên thấy xấu hổ lắm nếu nói mình đam mê quá. Đơn giản là tôi  viết, thế thôi”. Cũng tương tự như vậy, Hồ Huy Sơn lại nói “ thật khó để nói trước là mình có đi đến cùng với văn chương hay không. Tôi đến với văn chương nhờ cái duyên rất tình cờ và ngẫu nhiên. Như vậy tôi sẽ cầm bút cho đến khi nào “vô duyên” thì thôi”. 8x viết văn là để thoả mãn nhu cầu được bộc bạch, được đối thoại, được giải toả hay như cách nói của một nhà văn 8x là để “thủ dâm tinh thần”. Hoặc với 8x viết văn đơn giản chỉ là một cách giải trí trên mạng Internet mà thôi. Nhiều cây bút chưa nghiêm túc đến độ làm cho bạn đọc công nhận những sáng tác của mình là văn học. Chính văn học mạng, văn học blog đã đưa đến cho họ tâm thế trên. Tâm thế sáng tạo này một mặt cho 8x một không khí thoải mái, tự do để tìm tòi, thể nghiệm và có những cách tân độc đáo, có giá trị. Mặt khác, tinh thần thiếu trách nhiệm trong sáng tạo sẽ dẫn đến hệ quả là sự cẩu thả, xem thường các giá trị đích thực của văn chương.


     Tất cả với 8x chỉ mới là bắt đầu, bắt đầu trong cuộc sống và trong cuộc văn. Tất cả đang còn ở phía trước. Nhưng thời gian thì không chờ đợi họ. 8x cần phải nỗ lực hơn nữa, tự điều chỉnh, tự tìm tòi để khẳng định tiếng nói, chỗ đứng của thế hệ, của mỗi cá nhân. Và chúng ta đang dõi theo từng bước chân 8x, hi vọng, chờ đợi sự bứt phá của một thế hệ.

Nguyễn Hoài Thu
(Nguồn: website Hội Nhà văn)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: